Bài Giáo Lý Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Chung Ngoại Thường Sáng Thứ Bảy 30.04.2016: Lòng Thương Xót và Sự Hòa Giải

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Ngày hôm nay Cha muốn cùng với anh chị em suy tư về một khía cạnh quan trọng của Lòng Thương Xót: Sự Hòa Giải. Thiên Chúa đã không bao giờ xao lãng việc ban ơn tha thứ của Ngài cho con người: Lòng Thương Xót của Ngài luôn hiển nhiên từ đời nọ tới đời kia. Chúng ta thường nghĩ rằng, tội lỗi của chúng ta đẩy xa Thiên Chúa ra khỏi chúng ta: trong thực tế thì chúng ta đã tự đẩy mình ra xa khỏi Thiên Chúa khi chúng ta phạm tội; nhưng khi Ngài thấy chúng ta đang ở trong sự nguy hiểm, thì Ngài sẽ càng tìm kiếm chúng ta cách ráo riết hơn. Thiên Chúa không bao giờ có khả năng chịu đựng được trước việc một con người bị loại ra khỏi Tình Yêu của Ngài một cách vĩnh viễn, nhưng dưới điều kiện rằng, Ngài nhận ra trong con người ấy một dấu chỉ của sự thống hối về điều dữ đã gây ra.

Chỉ nhờ vào sức riêng, chúng ta sẽ không thể nào đạt tới được việc giao hòa với Thiên Chúa. Trong thực tế, tội lỗi chính là một sự diễn tả về việc khước từ Tình Yêu của Ngài, mà sự khước từ ấy sẽ dẫn tới chỗ là: chúng ta sẽ tự nhốt mình lại trong chính chúng ta, và tự hiến mình cho những ảo giác rằng, mình đã giành được một sự tự do và quyền làm chủ lớn hơn. Nhưng khi xa cách khỏi Thiên Chúa, chúng ta sẽ không còn đích điểm nào nữa, và với tư cách là những người lữ hành trên dương thế này, chúng ta sẽ trở thành những kẻ „chạy lòng vòng“. Theo một câu tục ngữ khá phổ biến thì, „chúng ta sẽ quay lưng lại với Thiên Chúa“ khi chúng ta phạm tội. Thực sự vấn đề là như thế; tội nhân chỉ nhìn thấy chính mình, và sẽ làm ra vẻ là mình đã đủ cho chính mình rồi; vì thế, khoảng cách giữa chúng ta và Thiên Chúa càng ngày càng lớn, và có thể trở thành một vực thẳm. Nhưng Chúa Giê-su vẫn tìm kiếm chúng ta giống như một vị mục tử tốt lành, ông sẽ không bao giờ hài lòng cho tới khi ông đã tái tìm thấy con chiên bị thất lạc, như chúng ta đã đọc trong Tin Mừng (xc. Lc 15,4-6). Ngài tái thiết một cây cầu mà nó dẫn chúng ta tới Thiên Chúa, và Ngài tạo điều kiện cho chúng ta tái thủ đắc phẩm giá với tư cách là những người con. Với việc hy sinh tính mạng của mình, Ngài đã tái giao hòa chúng ta với Thiên Chúa, cũng như tái ban tặng cho chúng ta sự sống đời đời (xc. Ga 10,15).

Anh chị em hãy giao hòa với Thiên Chúa!“ (2Cor 5,20): Lời kêu gọi của Thánh Phao-lô dành cho các Ki-tô hữu nguyên thủy của cộng đoàn Cô-rin-tô vẫn luôn còn hiệu lực đối với tất cả chúng ta ngày nay, với chính sức mạnh và sự đáng tin của nó. Chúng ta hãy giao hòa với Thiên Chúa! Năm Thánh Lòng Thương Xót này chính là một dấu chỉ của sự giao hòa đối với tất cả chúng ta. Nhiều người muốn giao hòa với Thiên Chúa nhưng không biết phải làm thế nào, họ cảm thấy mình bất xứng hay không muốn thừa nhận điều đó với chính bản thân mình dù chỉ một lần. Cộng đoàn Ki-tô giáo có thể và phải thúc đẩy một sự quay trở về với Thiên Chúa một cách chân thành đối với tất cả những ai đang khao khát điều đó. Đặc biệt là đối với những người đang thực hiện „sứ mạng giao hòa“ (2 Cor 5,18), những vị ấy đang được kêu gọi hãy trở nên những khí cụ ngoan ngùy của Chúa Thánh Thần, hầu cho Lòng Thương Xót của Thiên Chúa có thể chiếm ưu thế ở những nơi mà tại đó tội lỗi đang ngập tràn (xc. Rom 5,20). Không ai nên tiếp tục bị đẩy ra xa khỏi Thiên Chúa vì những rào cản được tạo ra bởi con người! Điều đó cũng có hiệu lực – và Cha muốn nhấn mạnh điều đó – đối với các Cha Gải Tội – nó có hiệu lực đối với các Ngài!: Xin các Ngài đừng đặt ra những rào cản cho những con người mà họ đang muốn giao hòa với Thiên Chúa. Một Cha Giải Tội phải là một người Cha! Ngài đặt mình vào chỗ của Thiên Chúa Cha! Cha Giải Tội phải đón nhận những người đến với Ngài để thực hiện một cuộc gioa hòa với Thiên Chúa, và phải tận tình giúp đỡ họ trên con đường dẫn tới sự hòa giải. Sứ mạng đó rất tuyệt vời: Ở đây không phải là một phòng tra tấn, cũng không phải là một cuộc hỏi cung. Không, đó là một người Cha, Đấng tiếp nhận họ, đón nhận họ và tha thứ cho họ. Chúng ta hãy giao hòa với Thiên Chúa! Tất cả chúng ta! Ước gì Năm Thánh này sẽ trở thành một thời gian thuận tiện để tái khám phá ra sự cần thiết của sự trìu mến và của sự gần gũi mà một Người Cha cần phải có, và trở thành một thời gian thuận tiện để trở về với Thiên Chúa với tất cả tấm lòng.

Kinh nghiệm về sự hòa giải với Thiên Chúa sẽ cho phép chúng ta khám phá ra sự cần thiết của những hình thức hòa giải khác: trong các gia đình, trong các mối tương quan giữa con người với nhau, trong các cộng đoàn Giáo hội, cũng như trong các mối tương quan xã hội và quốc tế. Trong những ngày vừa qua, có người nói với Cha rằng, trên thế giới này vẫn đang có nhiều những kẻ thù hơn là những bạn hữu, và Cha tin rằng người ấy có lý. Nhưng không, chúng ta hãy kiến tạo nên những chiếc cầu hòa giải giữa chúng ta, bắt đầu từ chính gia đình. Biết bao nhiêu là những người anh chị em đã tranh cãi với nhau, và họ đã xa nhau chỉ vì lý do phân chia tài sản thừa kế. Như thế là không được! Năm nay chính là năm Hòa Giải với Thiên Chúa và hòa giải giữa chúng ta! Trong thực tế, hòa giải cũng là một sự phục vụ hòa bình, phục vụ việc nhìn nhận những quyền căn bản của con người, phục vụ tình liên đới, và phục vụ sự đón nhận tất cả.

Vì thế, chúng ta hãy đón nhận lời mời gọi, và chúng ta hãy giao hòa với Thiên Chúa để trở nên những thụ tạo mới, và chiếu tỏa Lòng Thương Xót của Ngài giữa những người anh chị em, giữa những con người.

*Lời chào mừng của Đức Thánh Cha dành cho các đại diện của lực lượng quân đội và cảnh sát nhân dịp cử hành ngày Hồng Ân:

Với niềm vui, Cha xin kính chào các đại diện của lực lượng quân đội và cảnh sát, họ đã đến đây từ nhiều quốc gia trên thế giới, và đã hành hương về Rô-ma nhân dịp Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót. Sứ mạng của lực lượng quân đội và cảnh sát hệ tại ở chỗ là, bảo đảm cho môi trường chung quanh được an toàn chắc chắn, hầu cho bất cứ công dân nào cũng đều có thể sống trong yên vui và hòa bình. Anh chị em hãy trở nên những khí cụ hòa giải, hãy trở thành những người kiến tạo những chiếc cầu, và hãy trở thành những người rắc gieo hòa bình trong các gia đình của anh chị em, cũng như trong các lãnh vực hoạt động khác nhau của anh chị em. Anh chị em đang được kêu gọi không phải chỉ để ngăn ngừa những cuộc xung đột, hầu cư xử với chúng hay để kết thúc chúng, nhưng cũng còn được kêu gọi để góp phần kiến tạo nên một trật tự mà nó đặt nền móng trên sự thật, công lý, Đức Ái và tự do, như nó được rút ra từ định nghĩa về hòa bình mà Đức Gio-an XXIII đã trình bày trong Thông Điệp Pacem in terris (số 18).

Việc nói có với hòa bình không phải là một công việc kinh doanh dễ dàng, đặc biệt là vì chiến tranh, bởi chiến tranh sẽ làm khô héo những con tim và làm gia tăng bạo lực và hận thù. Cha khuyên anh chị em đừng thất vọng. Hãy tiếp tục con đường Đức Tin của anh chị em, và hãy mở con tim của anh chị em ra cho Thiên Chúa, Đấng là Cha giầu Lòng Xót Thương, Đấng không bao giờ trở nên mệt mỏi trong việc tha thứ cho chúng ta. Khi tận mắt chứng kiến những thách đố trong cuộc sống hằng ngày, anh chị em hãy chiếu sáng niềm hy vọng Ki-tô giáo, hãy cho mọi người thấy được sự chắc chắn về cuộc chiến thắng của Tình Yêu trên hận thù và sự chiến thắng của hòa bình trên chiến tranh.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô sáng thứ Bảy ngày 30 tháng 04 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội