Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô Trong Cuộc Tiếp Kiến Chung Sáng Thứ Tư 04.05.2016: Mục 17 – Con Chiên Lạc (xc. Lc 15,1-7)

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Tất cả chúng ta đều biết về bức hình người mục tử tốt lành, tức vị mục tử vác con chiên lạc trên vai. Đã từ rất lâu rồi, bức I-côn này vẫn luôn mô tả về sự quan tâm chăm sóc của Chúa Giê-su đối với các tội nhân, cũng như diễn tả về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, mà Lòng Thương Xót ấy không bao giờ ngao ngán cũng như không bao giờ từ bỏ bất cứ ai. Dụ ngôn mà Chúa Giê-su thuật lại, làm cho chúng ta nhận thức rằng, sự gần gũi của Ngài đối với các tội nhân không nên gây ra sự bất mãn, nhưng nên tạo cơ hội cho tất cả mọi người suy nghĩ một cách nghiêm túc về cách thức chúng ta sống Đức Tin của mình như thế nào. Một mặt, trình thuật này kể lại việc các tội nhân đến gần với Chúa Giê-su để lắng nghe Ngài, và mặt khác thì lại kể về những Luật Sĩ, những thầy dậy Kinh Thánh không đáng tin cậy, họ lảng tránh Chúa Giê-su vì thái độ ấy của Ngài. Họ đã lảng tránh vì Chúa Giê-su đến gần với các tội nhân. Họ tự cao tự đại và cho mình là người công chính.

Trình thuật của chúng ta xoay quanh ba nhân vật: người mục tử, con chiên lạc và những con chiên còn lại. Nhưng ở đây chỉ là người mục tử mà không phải là những con chiên. Vì thế người mục tử chính là diễn viên chính duy nhất, và tất cả đều phụ thuộc vào ông. Dụ ngôn được bắt đầu với một câu hỏi: „Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia trong sa mạc, và đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?“ Một sự mâu thuẫn mà nó cho phép nghi ngờ về hành động của người mục tử, nằm trong đó: Liệu có khôn ngoan không khi bỏ chín mươi chín con chiên lại đó để đi tìm một con chiên duy nhất? Phải chăng ở đây vẫn còn là sa mạc và không ở trong sự an toàn của một khu chuồng? Theo truyền thống Kinh Thánh, sa mạc chính là một nơi của sự chết, ở đó, việc tìm kiếm lương thực và nước uống trở nên rất khó khăn, bị bỏ mặc mà không hề có một mái lều, và ngoài ra còn có những tên cướp nữa. Chín mươi chín con chiên không có sự bảo vệ sẽ có thể làm gì? Sự mâu thuẫn tiếp tục khi dụ ngôn kể tiếp rằng, người mục tử đã tái tìm thấy con chiên lạc và vác nó „trên vai“, mang nó về nhà, mời bạn bè đến và nói với họ: „Hãy chung vui với tôi!“ (Lc 15,6). Có vẻ như người mục tử đã không trở lại sa mạc để mang toàn bộ đàn chiên về! Việc quá hướng về một con chiên duy nhất ấy, sẽ khiến cho ông bị chê trách rằng, ông đã quên chín mươi chín con chiên khác. Nhưng trong thực tế, không hề có sự việc như thế. Đúng hơn, giáo huấn mà Chúa Giê-su muốn trao lại cho chúng ta, có nội dung là: không con chiên nào có thể bị thất lạc. Chúa Giê-su không thể bằng lòng với việc dù chỉ một con người duy nhất bị thất lạc. Công việc của Thiên Chúa hệ tại ở chỗ là tìm kiếm những đứa con bị thất lạc, để rồi sau đó tổ chức một Đại Lễ, và vui mừng với tất cả về việc tái tìm thấy những người con thất lạc đó. Đó là một niềm mong muốn không thể kìm hãm: Chín mươi chín con chiên kia không thể ngăn cản được người mục tử cũng như không thể nhốt ông lại trong chuồng, dù chỉ một lần. Thiên Chúa có thể sẽ suy nghĩ như sau: „Ta rút ra kết luận rằng: Ta đang có chín mươi chín con, chỉ có một con bị thất lạc thì không đáng kể“. Nhưng thay vì suy nghĩ như thế, Ngài đã lên đường để tìm cho kỳ được con chiên đã bị thất lạc đó, vì từng con một đều rất quan trọng đối với Ngài, và con bị mất này lại là con tội nghiệp nhất, bị bỏ mặc nhiều nhất và thường bị loại bỏ nhiều nhất; Ngài lên đường tìm kiếm nó. Sứ điệp được hướng đến chúng ta qua dụ ngôn này là: Lòng Thương Xót đối với các tội nhân chính là cách thức hành động của Thiên Chúa cũng như là cách thức mà qua đó Ngài thể hiện Lòng Thương Xót. Ngài hoàn toàn tín trung: Không có bất cứ điều chi, cũng như không có bất cứ ai có thể làm cho Ngài đi trệch khỏi ý định cứu độ của Ngài. Thiên Chúa không hề biết tới nền văn hóa vứt bỏ đang có trong thế giới hiện tại của chúng ta, đối với Thiên Chúa, nền văn hóa đó không có ý nghĩa. Thiên Chúa không vứt bỏ bất cứ ai; Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người và kiếm tìm tất cả mọi người: từ người này tới người khác! Ngài không biết tới khái niệm „vứt bỏ con người“, vì Ngài hoàn toàn yêu thương và nhân hậu.

Đàn chiên của Thiên Chúa luôn luôn trong sự chuyển động: Đàn chiên không sở hữu người chủ, chúng không được hiến mình cho ảo tưởng để nghĩ rằng, có thể giam giữ Ngài trong những lược đồ hay trong những chiến lược của chúng ta. Vị mục tử được tìm thấy ở nơi con chiên bị lạc đang có mặt. Vì thế, người ta chỉ có thể tìm kiếm Thiên Chúa ở nơi mà tại đó Ngài muốn gặp gỡ chúng ta, chứ không phải ở nơi mà chúng ta muốn tìm thấy Ngài! Đàn chiên chỉ có thể tái được hiệp nhất trên con đường Xót Thương được đưa ra trước của vị Mục Tử. Trong khi Ngài kiếm tìm con chiên bị lạc, Ngài đã khích lệ chín mươi chín con chiên khác để chúng tham dự vào công cuộc tái hiệp nhất đoàn chiên. Vì thế, không chỉ con chiên được mang trên vai, nhưng toàn bộ đoàn chiên sẽ đi theo người mục tử để về nhà, nơi ông sẽ mở tiệc với „bạn bè và những người láng giềng“.

Chúng ta nên thường xuyên suy tư về dụ ngôn này, vì trong cộng đoàn Ki-tô hữu luôn luôn có một ai đó bị thiếu và để lại một chỗ trống sau khi bỏ đi. Đôi khi điều này có thể gây thất vọng và làm cho chúng ta nghĩ rằng, sự mất mát là điều không thể tránh khỏi; một căn bệnh không thể chữa lành. Nhưng ngay sau đó chúng ta sẽ có nguy cơ tự nhốt mình lại trong một chiếc chuồng, trong đó người ta không ngửi thấy mùi chiên, nhưng lại đánh hơi thấy một khoảng không ngột ngạt và bí bức! Còn các Ki-tô hữu thì sao? Chúng ta không được phép khép kín, bởi nếu không vậy thì chúng ta sẽ đánh hơi thấy những đồ vật bị nút kín. Đừng bao giờ! Người ta phải đi ra khỏi chính mình, và không được tự nhốt mình lại trong chính mình, trong những cộng đoàn và những Giáo xứ nhỏ nhoi của mình, cũng như không được phép cho mình „là người công chính“. Điều đó sẽ diễn ra khi thiếu nhiệt huyết truyền giáo, tức nhiệt huyết có khả năng thúc bách chúng ta gặp gỡ người khác. Trong cách nhìn của Chúa Giê-su, không có con chiên lạc nào là không thể tìm thấy, nhưng chỉ có những con chiên sẽ tái được tìm thấy. Chúng ta phải nhận thức rõ điều đó: Đối với Thiên Chúa, không có bất cứ người nào vĩnh viễn bị lạc mất. Không bao giờ! Thiên Chúa vẫn cố tìm kiếm chúng ta cho tới khoảnh khắc cuối cùng. Chúng ta hãy nghĩ tới người trộm lành; nhưng chỉ trong cách nhìn của Chúa Giê-su thì mới có chuyện không ai là người sẽ bị lạc mất một cách vĩnh viễn. Vì thế, cách nhìn này hoàn toàn năng động, hoàn toàn mở, hoàn toàn linh động và hoàn toàn sáng tạo. Nó thúc giục chúng ta đi ra khỏi chính mình và kiếm tìm một con đường mới của tình huynh đệ.

Không có bất cứ sự xa cách nào có thể làm cho vị mục tử phải sợ hãi; và không có đoàn chiên nào có thể khước từ một người anh chị em. Tìm thấy đứa con bị thất lạc chính là niềm vui của vị mục tử Thiên Chúa, nhưng cũng là niềm vui của toàn thể đoàn chiên! Tất cả chúng ta đều là những con chiên đã được tái tìm thấy và được đoàn tụ lại với nhau nhờ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Vì thế, tất cả chúng ta đều được kêu gọi hãy cùng với Ngài làm cho đoàn chiên hiệp nhất lại cùng nhau!

 

Quảng trường Thánh Phê-rô ngày sáng thứ Tư ngày mồng 04 tháng 05 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội