Bài Huấn Dụ Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Đọc Kinh Regina Coeli Trưa Chúa Nhật 08.05.2016: „Chúa Giê-su đã lên trời, nhưng Ngài vẫn ở bên chúng ta!

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

 

Hôm nay, Đại Lễ Chúa Thăng Thiên được cử hành tại Ý cũng như tại nhiều quốc gia khác. Đại Lễ này diễn ra sau Đại Lễ Phục Sinh 40 ngày. Chúng ta hãy chiêm ngưỡng mầu nhiệm Chúa Giê-su, Đấng đã rời bỏ không gian dương thế của chúng ta để bước vào trong sự viên mãn của vinh quang Thiên Chúa, và mang theo với mình nhân tính của chúng ta. Vì thế, đây là lần đầu tiên, nhân tính của chúng ta bước vào trong Thiên Đàng. Tin Mừng theo Thánh Lu-ca đã thuật lại cho chúng ta biết về phản ứng của các môn đệ trước Chúa Giê-su, Đấng đã rời bỏ họ và được rước lên Trời (xc. Lc 24,51). Trong họ, không còn thấy những đau khổ, cũng không còn có những lầm lạc nữa. Đúng hơn, họ đã „bái lạy người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ“ (Lc 24,52). Đó là sự trở về của người không còn sợ hãi gì nơi thị thành, tức nơi đã khước từ vị Thầy, nơi là nữ nhân chứng về sự phản bội của Giu-đa và về sự chối Chúa của Phê-rô, nơi đã trải qua sự phân tán của các môn đệ, và bạo lực của một quyền lực mà nó cảm thấy mình bị đe dọa.

Kể từ ngày đó, các Tông Đồ và tất cả các môn đệ của Chúa Ki-tô đều đã có thể cư ngụ tại Giê-ru-sa-lem và tại tất cả các thành thành thị trên khắp thế giới này, ngay cả trong các thành thị mà chúng thường xuyên diễn ra những điều bất công và bạo lực, vì trên bất cứ thành thị nào cũng đều có cùng một bầu trời, và bất cứ cư dân nào cũng đều có thể hướng cái nhìn đầy hy vọng của mình lên trên. Chúa Giê-su – Thiên Chúa – là một con người thực sự với thân xác nhân loại của Ngài, và giờ đây Ngài đang ở trong Thiên Đàng! Và đó chính là niềm hy vọng của chúng ta cũng như là chiếc neo của chúng ta, và chúng ta sẽ được củng cố trong niềm hy vọng ấy khi chúng ta hướng cặp mắt về Thiên Đàng.

Ngự trong Thiên Đàng đó chính là Thiên Chúa, Đấng biểu lộ sự gần gũi của mình đến độ đã đón nhận một khuôn mặt nhân loại, khuôn mặt của Chúa Giê-su thành Nazareth. Ngài vẫn luôn là Thiên Chúa ở cùng chúng ta – chúng ta hãy nhớ rằng: Emmanuel có nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta – và Ngài không bao giờ để cho chúng ta phải đơn côi! Chúng ta có thể hướng nhìn lên cao, để nhận ra tương lai của chúng ta đàng trước chúng ta. Trong cuộc Thăng Thiên của Chúa Giê-su, của Đấng chịu Đóng Đinh vào Thập Giá nhưng đã phục sinh, chứa đựng lời hứa về sự tham dự của chúng ta vào với sự viên mãn của sự sống nơi Thiên Chúa.

Trước khi Chúa Giê-su chia tay những người bạn của Ngài, với sự chỉ dẫn về biến cố khổ hình và phục sinh của Ngài, Ngài đã nói với họ rằng: „Anh em sẽ là những chứng nhân về những việc đó“ (Lc 24,48). Vì thế, các môn đệ, các Tông Đồ, chính là những chứng nhân cho sự chết và sự phục sinh của Chúa Ki-tô, cũng như cho cuộc Thăng Thiên của Ngài, trong cuộc sống hằng ngày. Trong thực tế, sau cảnh tượng Thầy của họ Thăng Thiên, các môn đệ đã trở về thành phố với tư cách là những chứng nhân, tức những người, với niềm vui, đã công bố cho mọi người biết về sự sống mới đến từ Đấng Chịu Đóng Đinh nhưng đã Phục Sinh, nhân danh Ngài, „người ta sẽ công bố Tin Mừng cho tất cả mọi dân nước, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem“, „các dân tộc nên trở lại để nhận được ơn tha thứ các tội lỗi của mình“ (Lc 24,47). Đó chính là chứng tá, không chỉ được trao đi với những lời nói suông, nhưng cũng còn được trao đi bằng cả cuộc sống hằng ngày, chứng tá đó nên được thể hiện cả ở bên ngoài các ngôi thánh Đường của chúng ta vào mỗi Chúa Nhật cũng như vào mỗi ngày trong tuần, và bước vào trong các ngôi nhà, các văn phòng, các trường học, những điểm gặp gỡ hội họp, các viện dưỡng lão, những nơi tràn ngập những người di dân, những khu vực ngoại vi của các thành phố… Chúng ta phải mang theo chứng tá này mỗi tuần: Chúa Ki-tô ở cùng chúng ta; Chúa Giê-su đã lên Trời, nhưng Ngài đang ở cùng chúng ta; Chúa Ki-tô hằng sống!

Chúa Giê-su đã bảo đảm rằng, trong khi loan báo Tin Mừng và trong khi làm chứng cho Ngài, chúng ta sẽ „được đổ tràn sức mạnh từ trên cao“ (Lc 24,49), có nghĩa là chúng ta sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần. Mầu nhiệm của sứ mạng này hệ tại ở chỗ: Trong sự hiện diện của Chúa Phục Sinh giữa chúng ta, Đấng mở thần trí và con tim của chúng ta ra với hồng ân của Chúa Thánh Thần, để chúng ta công bố Tình Yêu và Lòng Thương Xót của Ngài, tại cả những vùng kém nhậy cảm nhất của các thành thị trong đất nước chúng ta. Chúa Thánh Thần chính là Đấng tác tạo thực sự của chứng tá muôn hình vạn trạng mà Giáo hội hay bất cứ người nào đã lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy đưa vào trong thế giới. Vì thế chúng ta không bao giờ được phép không quan tâm tới những cuộc đoàn tụ trong cầu nguyện để ca ngợi Thiên Chúa và kêu xin hồng ân Chúa Thánh Thần. Trong tuần này, tức tuần chuẩn bị mừng Đại Lễ Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy kiên tâm trong tinh thần cùng với Đức Trinh Nữ Maria tại Nhà Tiệc Ly để đón nhận Chúa Thánh Thần. Giờ đây chúng ta hãy thực hiện điều này trong sự hiệp nhất với các tín hữu đang tập trung tại Thánh Địa Pompeji để cử hành buổi cầu nguyện truyền thống.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô trưa Chúa Nhật ngày mồng 08 tháng 05 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội