Bài Giảng Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Thánh Lễ Dành Cho Các Phó Tế Nhân Dịp Mừng Năm Thánh Lòng Thương Xót, ngày 29.05.2016: Tông Đồ và Tôi Tớ

 

Anh em Phó Tế thân mến,

 

Tôi tớ của Đức Ki-tô” (Gl 1,10). Chúng ta đã nghe cụm từ đó, mà với nó, Thánh Phao-lô Tông Đồ đã tự mô tả về mình trong bức thư của Ngài gửi tín hữu Ga-la-ta. Khởi đầu bức thư, Thánh Nhân đã giới thiệu mình như là “Tông Đồ” theo ý muốn của Chúa Giê-su (xc. Gl 1,1). Cả hai thuật ngữ - Tông Đồ và Tôi Tớ - đều tương tác và hiện hữu cùng nhau, chúng không thể bị chia tách; chúng là hai mặt của một chiếc mề-đay: Ai công bố Chúa Giê-su, thì người ấy cũng được kêu gọi để phục vụ, và ai phục vụ, người ấy sẽ công bố Chúa Giê-su.

 

Chúa Giê-su đã chứng tỏ cho chúng ta thấy Ngài là người phục vụ trước tiên: Ngài – Ngồi Lời của Thiên Chúa Cha; Đấng đã mang Tin Mừng đến cho chúng ta (xc. Is 61,1), và chính Ngài là Tin Mừng (xc. Lc 4,1) – đã trở thành người phục vụ chúng ta (xc. Phil 2,7); Ngài “đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ” (Mc 10,45). “Ngài đã trở thành tôi tớ của tất cả” – một vị Giáo Phụ đã viết như thế (Thánh Pô-ly-cáp, thư gửi tín hữu Phi-líp-phê V,2). Nếu như Ngài đã thực hiện điều đó thế nào, thì những người công bố Ngài cũng đều được kêu gọi để thực hiện như vậy. Người môn đệ của Chúa Giê-su không thể đi theo con đường khác ngoài con đường mà vị Thầy của họ đã đi; vì thế, nếu họ muốn công bố Ngài thì họ phải noi gương Ngài, như Thánh Phao-lô đã làm điều đó: Khát khao trở thành khười phục vụ. Nói cách khác, nếu việc loan báo Tin Mừng là một sứ mạng mà bất cứ người Ki-tô hữu nào cũng đều được ủy thác trong Bí Tích Thanh Tẩy, thì sự phục vụ sẽ là phong cách mà với nó, sứ vụ này phải được sống, đó là cách thế duy nhất để trở thành một người môn đệ của Chúa Giê-su. Ai bắt chước Ngài trong việc phục vụ, người ấy sẽ là chứng nhân của Ngài: đó là tất cả những ai phục vụ anh chị em mà không hề trở nên mệt mỏi vì Chúa Ki-tô khiêm nhượng, và cũng không hề trở nên mệt mỏi vì đời sống Ki-tô giáo, tức đời sống phục vụ.

 

Người ta nên bắt đầu từ đâu để trở nên “những đầy tớ khôn ngoan và trung tín”? Với tư cách là bước đầu tiên, chúng ta được kêu gọi hãy sống sự sẵn sàng để được sử dụng. Người tôi tớ sẽ học tập mỗi ngày để gỡ mình ra khỏi việc sở hữu tất cả cho bản thân mình, cũng như gỡ mình ra khỏi việc toàn quyền sử dụng trên chính mình, như mình muốn. Người tôi tớ sẽ luyện tập vào mỗi buổi sáng để trao hiến mạng sống, để nghĩ rằng, bất cứ ngày nào cũng đều không phải là của mình, nhưng đều là để sống sự trao hiến chính mình. Vì ai phục vụ, người ấy sẽ không so đo tính toán về thời gian riêng của mình, thậm chí còn khước từ việc trở thành ông chủ của thời khóa biểu trong ngày do mình đặt ra. Người ấy biết rằng, thời gian mà mình đang sống, không phải là của mình, nhưng là một hồng ân mà mình đã nhận lãnh được từ Thiên Chúa để trao tặng nó đi: chỉ như thế nó mới trở nên thực sự có ích. Ai phục vụ, người ấy sẽ không là nô lệ của những lịch trình mà người ấy tự đặt ra, nhưng ngoan ngùy đặt mình ra bên ngoài những gì đã được lên kế hoạch, để sẵn sàng được sử dụng: sẵn sàng đối với những người anh em hay chị em, và mở ra cho những điều không được dự kiến trước, mà những điều ấy không bao giờ thiếu, và thường là điều gây ngạc nhiên của Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Người tôi tớ mở ra cho sự ngỡ ngàng, cho những điều gây ngạc nhiên của Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Người tôi tớ hiểu để mở cửa sổ thời gian cũng như mở không gian của mình ra cho những người bên cạnh, và cho cả những người đến gõ cửa vào những thời điểm không thích hợp – có nguy cơ làm mình phải bỏ dở sự nghỉ ngơi mà mình đáng được hưởng, hay làm mình phải từ bỏ một cái gì đó mà mình đang thích. Người tôi tớ không bận tâm tới thời gian làm việc. Cha cảm thấy rất đau lòng khi Cha nhìn thấy những bảng ấn định thời gian phục vụ tại các Nhà Xứ: từ mấy giờ tới mấy giờ. Còn ngoài ra thì sao? Ngoài ra thì đóng cửa, không có Linh mục, không có Phó tế, cũng chẳng có Giáo dân túc trực để đón tiếp những người cần đến. Thật đau lòng biết chừng nào! Hãy bỏ qua việc ấn định thời hạn phục vụ: hãy can đảm để dẹp bỏ việc ấn định thời hạn phục vụ. Anh em Phó Tế thân mến, nếu anh em sống sự sẵn sàng theo cách thức này, thì rồi sự phục vụ của anh em sẽ được giải phóng khỏi chuyện chỉ nghĩ đến những điều có lợi cho mình, và sự phục vụ của anh em sẽ trở nên phong nhiêu trong ý nghĩa của Tin Mừng.

 

Bài Tin Mừng hôm nay cũng nói với chúng ta về sự phục vụ, và chỉ cho chúng ta thấy hai viên đầy tớ, mà từ đó chúng ta có thể rút ra những bài học đầy giá trị: Người đầy tớ của viên đại đội trưởng được Chúa Giê-su chữa lành, và chính viên đại đội trưởng, ông đứng trong sự phục vụ hoàng đế. Những lời mà viên đại đội trưởng nhờ người ta chuyển tới cho Chúa Giê-su để Ngài đừng đến nhà ông nữa, đã gây ngạc nhiên vô cùng, và trái với những lời cầu xin của chúng ta: “Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi” (Lc 7,6). “Đó là lý do tôi đã không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài” (Lc 7,7). “Vì chính tôi cũng dưới quyền người khác” (Lc 7,8). Chúa Giê-su đã ngạc nhiên trước những lời đó. Sự khiêm nhượng thẳm sâu của viên đại đội trưởng và sự hiền hậu của ông đã động chạm tới Ngài. Và sự hiền hậu chính là một trong những đức hạnh của Phó Tế - đúng không? Nếu vị Phó Tế hiền hậu, thì người Phó Tế đó sẽ là một viên đầy tớ, và chắc chắn không nhái theo Linh mục, không, không – vị Phó Tế ấy hiền hậu. Khi tận mắt chứng kiến những khó khăn mà chúng gây đau khổ cho mình, có thể vị Phó Tế sẽ cảm thấy lo lắng và tự cho mình có quyền được lắng nghe, bằng cách là ông thể hiện quyền hành của mình. Có lẽ ông sẽ ra sức thuyết phục Chúa Giê-su, hoặc thậm chí là dùng vũ lực để cưỡng ép Ngài đi vào trong nhà của ông. Tuy nhiên, thay vì làm như thế, vị Phó Tế hãy tự làm cho mình trở nên nhỏ bé và khiêm tốn, ông không cao giọng và cũng không muốn quấy rầy. Vị Phó Tế sẽ cư xử - nhưng có lẽ ông không hề biết về chuyện đó – theo phong cách của Thiên Chúa, Đấng “hiền hậu và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11,29). Vì Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu, thậm chí vì Tình Yêu, còn đi xa hơn nữa để phục vụ chúng ta: Ngài kiên nhẫn, tốt lành, luôn luôn sẵn sàng và mưu cầu sự tốt lành cho chúng ta, Ngài đau khổ vì những lầm lỗi của chúng ta, và luôn tìm cách để giúp chúng ta cũng như làm cho chúng ta trở nên tốt hơn. Điều này cũng là những đặc tính hiền hậu và khiêm nhượng của sự phục vụ Ki-tô giáo, mà nó hệ tại ở chỗ là noi gương Thiên Chúa trong sự phục vụ người khác: bằng cách là chúng ta đón tiếp họ với Đức Ái kiên nhẫn; bằng cách là chúng ta cảm thông với họ mà không hề trở nên mệt mỏi; làm cho họ cảm thấy rằng, họ đang được đón nhận trong cộng đoàn Giáo hội giống như ở nhà, nơi đó, không phải người lớn là kẻ chỉ huy, nhưng là người phục vụ (xc. Lc 22,26). Và không bao giờ la hét: Không bao giờ! Bằng cách này, anh em Phó tế thân mến, ơn gọi của anh em với tư cách là người phục vụ Đức Ái sẽ đạt tới được sự trưởng thành trong sự tốt lành.

 

Sau Thánh Phao-lô Tông Đồ và viên đại đội trưởng, trong các Bài Đọc hôm nay còn có một người đầy tớ thứ ba, và cụ thể, đó là viên đầy tớ được Chúa Giê-su chữa lành. Bài Tin Mừng hôm nay kể lại rằng, người chủ rất quý mến người đầy tớ này, cũng như đã kể lại rằng, viên đầy tớ này bị đau ốm, nhưng người ta không biết anh ta mắc bệnh gì (xc. Lc 7,2). Theo một cách thế nào đó, chúng ta cũng có thể nhận ra mình trong viên đầy tớ ấy. Mỗi người trong chúng ta đều được Thiên Chúa vô cùng quý mến; mỗi người đều được yêu thương và được tuyển chọn bởi Thiên Chúa; mỗi người trong chúng ta đều được kêu gọi để phục vụ, nhưng trước tiên, mỗi người đều cần phải được chữa lành nội tâm. Để có khả năng phục vụ, tất cả chúng ta đều cần tới sức khỏe của con tim: một con tim được Thiên Chúa chữa lành, con tim ấy cảm thấy rằng, nó được tha thứ, và không phải là con tim khép kín, cũng không phải là con tim chai cứng. Sẽ đem đến nhiều ích lợi cho chúng ta nếu như ngày nào chúng ta cũng cầu nguyện với trọn niềm tín thác, và cầu xin cho mình được chữa lành bởi Chúa Giê-su, được trở nên giống như Ngài, Đấng “không còn gọi chúng ta là tôi tớ nữa, nhưng là bạn hữu” (xc. Ga 15,15). Anh em Phó Tế thân mến, mỗi ngày, trong cầu nguyện, anh em đều có thể xin cho mình ơn ấy – trong cầu nguyện, tất cả mọi cố gắng, mọi điều không thể lường trước, mọi mệt mỏi và mọi niềm hy vọng đều được tỏ bày: đó là một lời cầu nguyện đích thực, lời cầu nguyện ấy mang cuộc sống đến trước mặt Thiên Chúa, và mang Thiên Chúa vào trong cuộc sống. Và khi anh em phục vụ nơi Bàn Tiệc Thánh Thể, anh em sẽ thấy được sự hiện diện của Chúa Giê-su ở đó, Đấng trao tặng chính bản thân mình cho anh em, để anh em trao tặng Ngài lại cho người khác. Với cách thức đó – sẵn sàng trong cuộc sống, hiền hậu trong lòng và trong sự đối thoại không ngừng với Chúa Giê-su – anh em sẽ không còn sợ hãi trước việc làm tôi tớ của Chúa Giê-su nữa, không còn sợ hãi trước việc gặp gỡ thân xác của Chúa Giê-su trong những người nghèo của thời đại hôm nay, cũng như sẽ không còn sợ hãi trước việc đụng tới thân thể của Ngài với trọn tình mến nữa.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô, sáng Chúa Nhật thứ 9 TN, ngày 29 tháng 05 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội