Bài Giảng Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Đại Lễ kính Hai Thánh Phê-rô Và Phao-lô Tông Đồ: „Chúng ta mở hay không?

Anh chị em thân mến,

Lời Chúa trong Thánh Lễ hôm nay hàm chứa một cặp từ mang tính trung tâm: đóng/mở. Với hình ảnh này chúng ta cũng có thể suy ra tính biểu tượng của chiếc chìa khóa mà Chúa Giê-su đã cam đoan với Si-mon Phê-rô, để ông có thể mở ra con đường đi vào Nước Trời, và đồng thời không đóng lại trước con người như một số Luật Sĩ và những người Pha-ri-siêu gả hình, đã bị Chúa Giê-su trách cứ (xc. Mt 23,13).

Bài trích sách Công Vụ Tông Đồ (12,1-11) chỉ cho chúng ta thấy ba tình trạng đóng kín: tình trạng của Phê-rô trong ngục; tình trạng của cộng đoàn đang được củng cố trong cầu nguyện, và – trực tiếp ngay sau đoạn văn của chúng ta – tình trạng ngôi nhà của bà Maria, thân mẫu của Gio-an Mác-cô, nơi Phê-rô đến gõ cửa sau khi ông được giải thoát. 

Trong mối liên hệ đến sự đóng kín, sự cầu nguyện đã xuất hiện như là lối ra chính: một lối ra cho cộng đoàn đang có nguy cơ nhốt kín mình lại trong chính mình vì cuộc bách hại và vì sự sợ hãi; một lối ra cho Phê-rô, người bị Hê-rô-đê tống ngục cũng như bị kết án tử hình ngay lúc khởi đầu sứ mạng mà Chúa Ki-tô đã ủy thác cho ông. „Đang khi ông Phê-rô bị giam giữ như thế, Hội Thánh đã không ngừng dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện khẩn thiết cho ông“ (Cv 12,5). Và Thiên Chúa đã đáp lại lời cầu nguyện bằng cách là sai Thiên thần đến để giải thoát Phê-rô, và „cứu ông thoát khỏi tay vua Hê-rô-đê“ (Cv 12,11). Lời cầu nguyện với tư cách là sự tín thác đầy khiêm nhượng vào Thiên Chúa và vào Thánh Ý của Ngài luôn luôn là con đường dẫn người ta bước ra khỏi những tình huống khép kín cả của cá nhân lẫn của cộng đoàn chúng ta. Đó là con đường lớn rộng giúp bước ra khỏi tình trạng nhốt kín.

Trong bức thư của Ngài gửi cho Ti-mô-tê, Thánh Phao-lô cũng nói về kinh nghiệm được giải phóng của mình, kinh nghiệm về việc thoát được nguy cơ bị kết án tử hình. Nhưng Thiên Chúa vẫn luôn ở bên Thánh Nhân, và đã ban sức mạnh cho Thánh Nhân, để Thánh Nhân có thể hoàn thành công trình loan báo Tin Mừng của Ngài, tức công trình công bố Tin Mừng cho dân ngoại (xc. 2Tm 4,17). Nhưng Thánh Phao-lô cũng đã nói về „một sự mở ra“ lớn hơn rất nhiều cho một chân trời rộng mở không cùng: chân trời của cuộc sống vĩnh cữu mà nó đang chờ đợi Ngài, sau khi Ngài hoàn thành „cuộc hành trình“ dương thế. Thật là tuyệt vời nếu hoàn toàn nhìn xem cuộc sống của Thánh Tông Đồ „trong sự lên đường“, nhờ vào Tin Mừng: điều đó hướng hoàn toàn về tương lai, trước tiên là mang Chúa Ki-tô đến cho những người chưa nhận biết Ngài, và sau đó, có thể nói được rằng, đặt mình vào trong đôi tay của Ngài, và đề cho mình „được cứu độ bởi Ngài, cũng như để cho mình được Ngài dẫn vào trong vương quốc trên trời của Ngài“ (2Tm 4,18).

Giờ đây chúng ta hãy trở lại với Thánh Phê-rô. Trình thuật Tin Mừng (Mt 16,13-19) về cuộc tuyên xưng Đức Tin của Ngài và về sứ mạng ngay sau đó mà Ngài đã được Chúa Giê-su ủy thác cho, chỉ cho chúng ta thấy rằng, cuộc sống của Si-mon, của viên ngư phủ thành Galilêa – giống như cuộc sống của từng người một trong chúng ta – sẽ mở ra và đơm bông kết trái hoàn toàn, khi nó đón nhận hồng ân Đức Tin từ Thiên Chúa Cha. Giờ đây Si-mon đã lên đường – một con đường dài và gian khó –, con đường đó sẽ dẫn ông tới chỗ đi ra khỏi chính mình, đi ra khỏi những an toàn chắc chắn về mặt nhân loại của ông, trước tiên là đi ra khỏi sự kênh kiệu pha lẫn với sự can đảm và tinh thần hào hiệp quảng đại của ông. Trên con đường giải phóng của ông, lời cầu nguyện của Chúa Giê-su có tính quyết định: „Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin“ (Lc 22,32). Và đồng thời cái nhìn được chất đầy niềm cảm thông của Chúa Giê-su sau khi Phê-rô đã phản bội Ngài tới ba lần, cũng có tính quyết định. Đó là cái nhìn mà nó đã đụng chạm tới con tim cũng như đã làm cho những giọt lệ thống hối được tuôn rơi (xc. Lc 22,61-62). Trong khoảnh khắc Phê-rô được giải thoát khỏi nhà tù thuộc về cái tôi kênh kiệu của ông, cũng như được giải thoát khỏi nhà tù thuộc về cái tôi sợ hãi của ông, và vượt thắng cơn cám dỗ muốn chối bỏ lời kêu gọi của Chúa Giê-su khi Ngài mời ông hãy đi theo Ngài trên con đường Thập Giá.

Như Cha đã nói lúc đầu, trực tiếp ngay sau đoạn sách Tông Đồ Công Vụ mà chúng ta vừa nghe, có một chi tiết mà khi lưu ý tới nó, sẽ là điều rất có ích đối với chúng ta (xc. Cv 12,12-17). Khi Phê-rô ở trong tình trạng được giải thoát một cách nhiệm mầu, và ở bên ngoài nhà ngục của Hê-rô-đê, ông đã đi thẳng tới nhà mẹ của Gio-an Mác-cô. Ông đã gõ cửa, và một cô tớ gái tên là Rhode đã trả lời ông từ bên trong. Cô đã nhận ra giọng nói của ông, nhưng thay vì mở cửa, cô lại chạy đi – không thể tin nổi và đồng thời tràn ngập niềm vui – để báo cho bà chủ của mình biết tin đó. Câu chuyện đã có một sự hài hước nào đó. Nó có thể là sự khởi đầu cho một sự lo sợ được gọi là „nỗi sợ của Rhode“. Nó cho phép chúng ta nhận ra được bầu khí sợ hãi mà cộng đoàn Ki-tô hữu đang ở trong đó: Cộng đoàn ấy vẫn đang tự nhốt mình lại trong căn nhà, cũng như khép kín đối với những điều gây bất ngờ của Thiên Chúa. Phê-rô đã gõ cửa. „Nhìn kìa!“ Niềm vui bất thần xuất hiện, nhưng nỗi sợ hãi cũng ở đó. „Chúng ta có mở ra hay không?“ Phê-rô đang ở trong sự nguy hiểm, vì công an có thể tóm cổ ông. Nhưng nỗi sợ hãi làm cho chúng ta trở nên tê liệt và bất động, nó luôn luôn ngăn cản chúng ta. Chúng ta tự nhốt mình lại. Chúng ta khép kín trước những điều bất ngờ của Thiên Chúa. Chi tiết này nói với chúng ta một cái gì đó về cơn cám dỗ mà nó luôn hiện hữu đối với Giáo hội: tự nhốt mình lại trong chính mình khi chứng kiến những điều nguy hiểm. Nhưng ở đây cũng có khe hở, mà xuyên qua đó, hành động của Thiên Chúa có thể thâm nhập: Thánh Lu-ca tường thuật rằng, trong căn nhà ấy „có khá đông người đang tụ họp và cầu nguyện“ (Cv 12,12). Lời cầu nguyện cho phép người ta đón nhận được ân sủng để mở ra một lối thoát: thoát ra khỏi sự tự nhốt kín để bước vào trong sự rộng mở; thoát ra khỏi nỗi sợ hãi để đi đến với sự can đảm; thoát ra khỏi nỗi sầu buồn để tiến đến với niềm vui. Và chúng ta có thể bổ sung: thoát ra khỏi sự chia rẽ để bước vào trong sự hiệp nhất. Vâng, ngày hôm nay, chúng ta hãy nói điều đó trong niềm tin tưởng hoàn toàn cùng với những người anh em của chúng ta thuộc phái đoàn mà Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Đại Kết Bartholomeus rất đáng kính đã gửi tới để tham dự Đại Lễ kính hai Thánh Bổn Mạng của thành phố Rô-ma. Đó là một Đại Lễ của sự hiệp thông đối với toàn thể Giáo hội. Đại Lễ này cũng làm cho sự hiện diện của các Đức Tổng Giám Mục  trở nên rõ rệt. Các Ngài đã đến để làm phép cho những dây Palium, mà chúng sẽ được trao cho các Ngài bởi những vị đại diện của tôi tại những Tổng Giáo Phận của các Ngài.

Ước gì hai Thánh Tông Đồ Phê-rô và Phao-lô sẽ cầu thay nguyện giúp cho chúng ta, để chúng ta có thể vui mừng bước đi trên con đường này, và có thể có được kinh nghiệm về hành động giải thoát của Thiên Chúa, cũng như có thể làm chứng cho tất cả về hành động đó.

Đền Thờ Thánh Phê-rô, Đại Lễ Kính Hai Thánh Phê-rô và Phao-lô Tông Đồ, sáng thứ Tư ngày 29 tháng 06 năm 2016

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội