Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong Thánh Lễ mừng kỷ niệm 1050 năm ngày dân tộc Ba-lan lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy: Thiên Chúa đến trong sự bé nhỏ và khiêm nhượng

 

Anh chị em thân mến,

Trong các Bài Đọc của Thánh Lễ hôm nay, chúng ta có thể nhận ra một sợi chỉ của Thiên Chúa, mà sợi chỉ ấy xuyên suốt lịch sử con người và dệt nên lịch sử cứu độ.

Thánh Phao-lô Tông Đồ  nói cho chúng ta biết về kế hoạch của Thiên Chúa: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con của mình tới, sinh bởi một người phụ nữ” (Gal 4,4). Nhưng lịch sử nói cho chúng ta biết rằng, trong giây phút, “khi thời gian tới hồi viên mãn”, có nghĩa là khi Thiên Chúa trở thành người, nhân loại đã không đặc biệt sẵn sàng ngay, cũng như nói với chúng ta rằng, sự kiện đó đã không xảy ra trong một thời đại ổn định và hòa bình: Thời đại đó không phải là “thời đại vàng son”. Hoạt động của thế giới đã không xứng đáng với sự xuất hiện của Thiên Chúa, nhưng trái lại, “người nhà của Ngài đã chẳng đón nhận Ngài” (Ga 1,11). Như vậy, sự viên mãn của thời gian chính là một quà tặng của ân sủng: Thiên Chúa đã lấp đầy thời đại chúng ta với sự dư tràn phát xuất từ Lòng Thương Xót của Ngài. Vì Tình Yêu thuần khiết, Ngài đã đưa đến sự viên mãn của thời gian.

Thật là đặc biệt ấn tượng khi biết được sự xuất hiện của Thiên Chúa trong lịch sử đang trở thành hiện thực như thế nào: “Sinh ra bởi một người nữ”. Không có sự tiến quân toàn thắng, cũng chẳng có sự biểu lộ cách vĩ đại vô song của Đấng Quyền Năng: Ngài không tỏ mình như một mặt trời chói sáng, nhưng bước vào trong thế giới với một cách thức hết sức bình dị và khiêm tốn, như một em bé trong vòng tay người mẹ, trong sự âm thầm, mà Kinh Thánh mô tả cho chúng ta biết rằng: như cơn mưa, mưa xuống trên mặt đất (xc. Is 55,10), như hạt cải nhỏ bé được gieo vào lòng đất rồi lớn lên (xc. Mc 4,31-32). Và trong thời đại hôm nay, Triều Đại của Thiên Chúa cũng đang đến trong một cách thức trái ngược hẳn lại với điều mà có lẽ chúng ta đang chờ đợi và mong muốn: “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được” (Lc 17,20), nhưng đến trong sự nhỏ bé và khiêm nhượng.

Bài Tin Mừng hôm nay nói về sợi chỉ đó, nó xuyên qua suốt lịch sử một cách nhẹ nhàng và tế nhị: Từ khoảnh khắc mà “thời gian đạt tới hồi viên mãn”, chúng ta đi tới “ngày thứ ba” trong những ngày hoạt động công khai của Chúa Giê-su (xc. Ga 2,1), và đi tới việc công bố “giờ” cứu độ (xc. Ga 2,4). Thời gian hội tụ lại, và sự mạc khải của Thiên Chúa vẫn luôn diễn ra trong sự bé nhỏ. “Chúa Giê-su đã thực hiện dấu chỉ đầu tiên” (Ga 2,11) tại Cana, xứ Galilêa. Không có những công việc phi thường được thực hiện trước quần chúng, cũng không có những sự can thiệp mà chúng giải quyết những vấn nạn chính trị có tính nóng bỏng, chẳng hạn như sự thu phục dân chúng dưới thời cai trị của người Rô-ma. Trái lại, một phép lạ đơn giản đã diễn ra trong một ngôi làng nhỏ bé, nó mang đến niềm hân hoan cho đám cưới của một đôi uyên ương tuyệt đối không được ai biết tới. Nhưng đó là dấu chỉ lớn trong một đám cưới với việc biến nước thành rượu, vì nó mạc khải cho chúng ta biết về dung nhan tiệc cưới của Thiên Chúa – đó là một Thiên Chúa, Đấng ngồi vào bàn với chúng ta, Đấng có cùng giấc mơ chung với chúng ta và muốn cùng hoàn thành những giấc mơ đó. Điều này nói với chúng ta rằng, Thiên Chúa không giữ khoảng cách, nhưng Ngài rất gần gũi và rất cụ thể, đến độ Ngài lưu lại giữa chúng ta và chăm lo săn sóc chúng ta mà không hề có chuyện xét xử chúng ta, cũng không hề có chuyện bận tâm tới những vần đề quyền lực. Thực ra, Ngài yêu thích việc ẩn mình trong những điều bé nhỏ, điều đó ngược hẳn với con người, bởi con người luôn luôn có xu hướng ngày càng muốn sở hữu nhiều hơn nữa. Bị hấp dẫn bởi quyền lực, bởi sự to lớn và bởi sự hiển nhiên, đó là bản chất của con người trong những cách thức bi ai, và là một cơn cám dỗ to lớn; cơn cám dỗ ấy luôn cố gắng len lỏi vào bất cứ chỗ nào thuộc thế giới này. Trao tặng chính bản thân mình cho người khác, dẹp bỏ những khoảng cách, cư ngụ trong sự bé nhỏ và sống một cách cụ thể trong cuộc sống hằng ngày, đó là bản chất của Thiên Chúa trong những cách thế tuyệt diệu.

Vì thế, Thiên Chúa cứu độ chúng ta bằng cách là Ngài trở nên nhỏ bé, gần gũi và cụ thể. Đặc biệt, Ngài làm cho bản thân Ngài trở nên bé nhỏ. Thiên Chúa là Đấng “hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11,29), luôn yêu thích những kẻ bé nhỏ và mạc khải Triều Đại Thiên Chúa cho họ (xc. Mt 11,25). Trong cặp mắt của Ngài, họ rất vĩ đại, và Ngài luôn nhìn ngắm họ (xc. Is 66,2). Ngài dành cho họ sự ưu ái, vì họ chống lại “sự kheo khoang tiền tài” -  điều “thuộc về thế gian” (1Ga 2,16). Những con người nhỏ bé thì sử dụng ngôn ngữ của Ngài: Tình Yêu khiêm nhượng, Tình Yêu giải phóng. Vì thế, Ngài kêu gọi những con người khiêm nhu và sẵn sàng để trở nên những phát thanh viên của Ngài, và Ngài trao phó cho họ việc công bố Danh Thánh Ngài cũng như công bố mầu nhiệm con tim của Ngài. Anh chị em hãy nhớ tới rất nhiều những người nam, người nữ trong dân tộc anh chị em: hãy nhớ tới các vị Tử Đạo mà các Ngài đã để cho sức mạnh yếu ớt của Tinh Mừng bừng sáng lên. Anh chị em cũng hãy nhớ tới những con người đơn sơ chất phác nhưng phi thường mà họ đã làm chứng cho Tình Yêu của Thiên Chúa giữa những thử thách lớn lao; anh chị em hãy nhớ tới những người công bố Lòng Thương Xót một cách hiền lành nhưng mạnh mẽ, chẳng hạn như Thánh Gio-an Phao-lô II Giáo Hoàng và Thánh Nữ Faustina. Thông qua những “chiếc kênh” của Tình Yêu này, Thiên Chúa đã làm cho toàn thể Giáo hội cũng như toàn thể nhân loại lãnh nhận được những ân lộc quý báu đến độ không thể định giá. Và vì thế, việc cử hành ngày lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy của dân tộc anh chị em diễn ra cùng lúc với Năm Thánh Lòng Thương Xót, là một điều có ý nghĩa vô cùng to lớn.

Bên cạnh đó, Thiên Chúa đang ở gần và Triều Đại Ngài cũng đang kề bên (xc. Mc 1,15): Thiên Chúa không muốn gây sợ hãi như một vị chúa tể quyền lực và xa cách, Ngài không muốn ngồi mãi trên một chiếc ngai nơi Thiên Đàng, và cũng chẳng muốn bám riết lấy những cuốn sách lịch sử, nhưng Ngài yêu thích việc đặt mình vào trong những hoàn cảnh trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, để đồng hành với chúng ta. Khi cử hành việc tưởng nhớ tới hồng ân một ngàn năm ngày lãnh nhận Đức Tin, thì việc tạ ơn Thiên Chúa quả là điều tuyệt vời: Ngài đã đồng hành với dân tộc của anh chị em, đã nắm lấy đôi tay của anh chị em trong rất nhiều hoàn cảnh, cũng như luôn bên cạnh anh chị em. Đó là điều mà chúng ta, với tư cách là Giáo hội, cũng luôn luôn được kêu gọi: lắng nghe, dấn thân và chỉ ra sự gần gũi, bằng cách là chúng ta chia sẻ niềm vui cũng như nỗi buồn của mọi người. Và như thế, Tin Mừng sẽ được chú ý tới với một cách thế chuẩn xác nhất, cũng như sẽ sinh hoa kết trái ở mức phong nhiêu nhất: Nhờ vào sự ảnh hưởng tích cực, cũng như nhờ vào sự minh bạch và tính trong sáng của cuộc sống.

 

Và sau cùng: Thiên Chúa là Đấng rất cụ thể. Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta biết rằng, tất cả mọi hành động của Thiên Chúa đều rất cụ thể: Sự khôn ngoan của Thiên Chúa đã tham gia và góp phần vào trong công trình sáng tạo thế giới; Lời Thiên Chúa trở thành xác phàm, được sinh ra bởi một người mẹ và bị đặt dưới quyền Lề Luật (xc. Gal 4,4), có những người bạn hữu và tham dự vào một bữa tiệc: Đấng Vĩnh Cửu tự biểu lộ bằng cách là Ngài sử dụng thời gian của mình cho những con người cụ thể và trong những hoàn cảnh cụ thể. Lịch sử của anh chị em mà nó được đan bện bởi Tin Mừng, bởi Thập Giá và bởi lòng trung tín đối với Giáo hội, đã kinh qua sự phát tán tích cực của một Đức Tin chân thật, mà nó được lưu truyền từ gia đình này tới gia đình khác, từ cha mẹ đến con cái, và đặc biệt là từ những người mẹ và những cụ bà, đó là những con người rất xứng đáng nhận được nhiều lời cám ơn. Đặc biệt, anh chị em đã có thể dùng tay để đụng chạm tới được sự trìu mến cách cụ thể và phòng xa của tất cả mọi người mẹ - và để tôn vinh những người mẹ này, Cha đã đến đây với tư cách là một người hành hương, và chúng ta đã chào đón những người mẹ ấy trong lời Đáp Ca như là “niềm tự hào của dân tộc chúng ta” (Gđ 15,9).

Chúng ta đang nhìn ngắm những người mẹ ấy, vì họ đang tập trung tại đây. Trong Đức Maria, chúng ta thấy được sự tương xứng hoàn toàn với Thiên Chúa: Một “sợi chỉ Maria” đang liên kết với sợi chỉ của Thiên Chúa trong lịch sử. Nếu có một vinh quang nhân loại của bất cứ ai đó, nếu có công trạng của bất cứ ai đó về phía chúng ta trong sự viên mãn của thời gian, thì đó chính là Mẹ: Mẹ chính là không gian được phòng ngừa khỏi mọi sự ác mà Thiên Chúa đã phản chiếu trong không gian đó; Mẹ chính là chiếc thang mà Thiên Chúa đã đi qua để đến với chúng ta cũng như để trở nên gần gũi và cụ thể đối với chúng ta; Mẹ là dấu chỉ rõ ràng nhất cho sự viên mãn của thời gian.

Trong cuộc sống của Đức Maria, chúng ta ngưỡng mộ bất cứ sự nhỏ bé nào được Thiên Chúa yêu quý, vì “phận nữ tỳ hẹn mọn, Người đoái thương nhìn tới”, và “Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1,48.52). Ngài đã tìm thấy nơi Mẹ một sự hài lòng đến độ Ngài đã để cho mình được dệt thành thân thể từ Mẹ. Và như thế, Đức Trinh Nữ đã trở thành người sinh hạ Thiên Chúa, như một Thánh Thy cổ đại đã công bố mà anh chị em đã hát từ nhiều thế kỷ nay. Ước chi Mẹ - người mà anh chị em đã không ngừng lên đường để đến với Mẹ và nhanh chóng chạy đến với Mẹ tại thủ đô tinh thần này – sẽ tiếp tục chỉ cho anh chị em con đường, cũng như sẽ tiếp tục giúp đỡ anh chị em để dệt nên trong đời sống của anh chị em một chiếc khăn khiêm nhượng và đơn sơ của Tin Mừng.

Tại Cana cũng như tại Jasna Góra này, Đức Maria đang ban tặng cho chúng ta sự gần gũi của Mẹ và đã giúp để chúng ta khám phá ra điều còn thiếu trong sự viên mãn của cuộc sống. Hôm nay cũng như hồi đó, Mẹ cũng vẫn đang thực hiện điều ấy với sự chăm lo của một người Mẹ, với sự hiện diện của Mẹ và với lời khuyên tốt lành của Mẹ, bằng cách là Mẹ dậy chúng ta hãy ngăn ngừa tính hăng hái quá đáng và chuyện ngồi lê đôi mách trong các cộng đoàn của chúng ta. Con đường của dân tộc anh chị em đã vượt qua nhiều khoảnh khắc gian khổ trong sự hiệp nhất. Ước chi Mẹ, Người đã vững vàng dưới chân Thập Giá và đã kiên trì cầu nguyện cùng với các Tông Đồ trong lúc chờ đợi Chúa Thánh Thần đến, sẽ thỏa mãn niềm mong ước muốn vượt lên trên tất cả mọi sự bất công và những vết thương của quá khứ và kiến tạo sự hiệp thông với tất cả mọi người mà không hề nhân nhượng trước bất cứ cơn cám dỗ nào muốn dựng lên một vách ngăn cho mình cũng như muốn ép buộc người khác theo ý mình!

Tại Cana, Mẹ Thiên Chúa cũng đã chứng tỏ rất nhiều sự cụ thể: Đức Maria là một người Mẹ, người chia sẻ những vấn đề với tất cả tấm lòng cũng như tìm cách giải quyết chúng; Mẹ hiểu việc đó và nhận ra được những khoảnh khắc khó khăn và lo lắng cho những khoảnh khắc đó một cách tinh tế, đầy hiệu quả và kiên quyết. Mẹ không phải là bà chủ cũng chẳng phải là diễn viên chính, nhưng là một người Mẹ và là một tớ nữ. Chúng ta hãy cầu xin cho được ơn biết biến tính tế nhị, sự sáng kiến trong phục vụ những người thiếu thốn cũng như biến những điều đẹp đẽ của Mẹ thành của mình, biết phân phát cuộc sống cho người khác mà không hề có sự phân biệt đối xử cũng như không hề có sự ưu ái thiên vị. Mẹ chính là nguồn cội phát sinh mọi niềm vui của chúng ta, Mẹ là người mang sự bình an vào trong sự thái quá của tội lỗi và vào trong những cảnh rối ren của lịch sử, xin Mẹ hãy giúp chúng ta giành được sự viên mãn ngập tràn của Chúa Thánh Thần, để chúng ta trở thành những viên đầy tớ tốt lành và trung tín.

Nhờ lời bầu cử của Đức Maria, ước chi khoảnh khắc “khi thời gian tới hồi viên mãn” cũng sẽ tái trở nên hiện thực cho chúng ta. Thời kỳ chuyển tiếp giữa thời đại trước Chúa Ki-tô và thời đại sau Chúa Ki-tô sẽ ít hữu dụng nếu như nó vẫn chỉ là một thời hạn trong muôn vàn những bộ biên niên sử của lịch sử. Ước chi một sự chuyển tiếp nội tại sẽ diễn ra trong tất cả và trong từng người, một sự vượt qua của con tim để đến với phong cách thần tính được thể hiện bởi Đức Maria: hoạt động trong sự bé nhỏ và đồng hành với con người trong sự gần gũi, với con tim đơn hiền và rộng mở.

Tschenstochau, Ba-lan ngày 28 tháng 07 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội