Bài Huấn Dụ của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi Đọc Kinh Truyền Tin chung trưa Chúa Nhật 19.06.2016: „Chúa Giê-su là ai đối với cá nhân từng người một trong chúng ta?

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Bài Tin Mừng của Chúa Nhật hôm nay (Lc 9,18-24) tái kêu gọi chúng ta hãy đối diện với Chúa Giê-su theo cách thức có thể nói được rằng „ngang tầm mắt“. Có được những khoảnh khắc thư thái để ở một mình với các môn đệ là điều hiếm khi xảy ra đối với Chúa Giê-su. Một trong những khoảnh khắc hiếm có đó, Chúa Giê-su đã hỏi các môn đệ: „Người ta bảo Thầy là ai?“ (Lc 9,18). Và các ông trả lời: „Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các Ngôn Sứ thời xưa đã sống lại“ (Lc 9,19). Dân chúng bày tỏ niềm kính trọng đối với Chúa Giê-su, và coi Ngài là một vị Đại Ngôn Sứ, nhưng họ vẫn chưa biết về căn tính đích thực của Ngài, tức Đấng Messias, Con Thiên Chúa, Đấng được Chúa Cha sai đến để cứu độ tất cả mọi người.

Nhưng sau đó Chúa Giê-su đã hướng thẳng về các môn đệ, vì đó là điều mà Ngài quan tâm nhất, Ngài hỏi các ông: „Thế còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?“ Ngay lập tức, nhân danh tất cả anh em, Thánh Phê-rô đã trả lời: „Thầy là Đức Ki-tô của Thiên Chúa“ (Lc 9,20). Câu này có nghĩa là: Thầy là Đấng Messias, là Đấng được Thiên Chúa Xức Dầu, Đấng mà Thiên Chúa đã sai đến để cứu độ Dân tương ứng với Giao Ước và lời hứa.

Sau lời tuyên xưng của Phê-rô, Chúa Giê-su đã giải thích thêm rằng, nhóm 12, đặc biệt là Phê-rô, đã nhận được từ Thiên Chúa Cha hồng ân Đức Tin; và từ lý do đó, Ngài bắt đầu mở các ông ra – Tin Mừng sử dụng chữ „mở ra“ – để nói về điều mà nó đang chờ đợi Ngài tại Giê-ru-sa-lem. Ngài nói: „Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ chỗi dậy“ (Lc 9,22).

Ngày hôm nay, những câu hỏi mà Chúa Giê-su đã dành cho các môn đệ của Ngài cũng đang được tái hướng đến từng người một trong chúng ta: „Chúa Giê-su là ai đối với con người của thời đại hôm nay?“ Nhưng câu hỏi kia còn quan trọng hơn: „Chúa Giê-su là ai đối với cá nhân từng người một trong chúng ta?“ Đối với tôi, đối với bạn, đối với anh và đối với chị...? Chúa Giê-su là ai đối với từng người một trong chúng ta? Chúng ta đang được mời gọi hãy biến câu trả lời của Thánh Phê-rô thành câu trả lời của riêng mình, và tuyên xưng với trọn niềm vui rằng, Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa, Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa, Đấng đã trở thành người để cứu độ nhân loại, và tưới đổ trên nhân loại sự viên mãn đến từ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Hơn bất cứ khi nào hết, thế giới ngày nay đang cần tới Chúa Ki-tô, đang cần tới ơn cứu độ cũng như cần tới Tình Yêu Thương Xót của Ngài.

Nhiều người đang nhận thấy một sự trống rỗng chung quanh mình cũng như bên trong chính mình – có lẽ đôi khi chúng ta cũng thế. Nhiều người khác thì lại đang sống trong nỗi bất an và trong sự lo lắng vì những cuộc xung đột cũng như vì sự thiếu ổn định. Tất cả chúng ta đều cần có câu trả lời hợp lý cho các câu hỏi của chúng ta, cho những câu hỏi cụ thể của chúng ta. Trong Chúa Ki-tô, và chỉ trong Ngài, mới có thể tìm thấy nền hòa bình đích thực cũng như sự hiện thực hóa tất cả mọi niềm hy vọng của nhân loại. Chúa Giê-su hiểu biết con tim của nhân loại chứ không giống như những người khác. Vì thế, Ngài có thể chữa lành nó, bằng cách là Ngài ban tặng sự sống và niềm ủi an.

Sau khi Chúa Giê-su kết thúc cuộc đàm đạo với các Tông Đồ, Ngài đã hướng về tất cả và nói: „Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo“ (Lc 9,23). Đó không phải là cây thập giá để trang sức hay một cây thập giá ý tưởng, nhưng là cây thập giá cuộc sống, cây thập giá của bổn phận riêng, cây thập giá của sự hy sinh bản thân mình cho người khác với Tình Yêu – cho cha mẹ, cho con cái, cho gia đình, cho bạn bè, và cho cả những kẻ thù nữa -, cây thập giá của sự sẵn sàng để trở nên liên đới với những người nghèo, để dấn thân cho công lý và cho hòa bình. Khi người ta tiếp nhận thái độ này, thập giá này, người ta sẽ luôn bị mất đi một điều chi đó. Chúng ta không được phép quên rằng: „Ai từ bỏ mạng sống mình vì Chúa Ki-tô, người ấy sẽ cứu được mạng sống ấy“ (Lc 9,24). Đánh mất điều này để nhận được một điều khác. Và chúng ta hãy nhớ tới tất cả những người anh chị em của chúng ta, mà ngay cả trong thời đại hôm nay họ vẫn đang còn đưa những Lời của Chúa Giê-su vào trong thực hành, và hy sinh thời giờ, công việc, sự vất vả và thậm chí là mạng sống của mình để không chối bỏ Đức Tin vào Chúa Ki-tô. Nhờ Chúa Thánh Thần, xin Chúa ban sức mạnh của chúng ta để tiến về phía trước trên con đường Đức Tin và con đường chứng tá: thực hiện điều mà chúng ta tin; chứ không phải chúng ta nói điều này, nhưng rồi lại làm một điều khác. Và trên con đường này, càng ngày chúng ta càng gần gũi hơn với Mẹ Thiên Chúa, và tiến về phía trước: chúng ta hãy để cho Mẹ cầm tay dắt chúng ta đi, khi chúng ta đi ngang qua những khoảnh khắc đen tối và khó khăn nhất.

Quảng trường Thánh Phê-rô ngày 19 tháng 06 năm 2016

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội