Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong cuộc tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 07.09.2016: Mục 28 – Lòng Thương Xót tặng ban ơn cứu độ (xc. Mt 11,2-6)

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Chúng ta vừa mới nghe một đoạn văn được trích từ trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu (Mt 11,2-6). Đoạn Tin Mừng này hàm chứa việc cho phép chúng ta bước sâu vào trong mầu nhiệm của Chúa Giê-su, để chúng ta hiểu được sự tốt lành và Lòng Thương Xót của Ngài. Theo bản văn này thì: Gio-an Tẩy Giả đã sai các môn đệ của mình đến gặp Chúa Giê-su – vì lúc ấy Gio-an đang phải ngồi tù – để đặt ra cho Chúa Giê-su một câu hỏi rất rõ ràng: „Thưa Thầy, Thầy có đúng là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?“ (Mt 11,3). Điều này xảy ra đúng vào thời điểm đen tối – vị Tẩy Giả đã chờ đợi Đấng Messias một cách đầy khát khao, và trong bài giảng của mình, ông đã mô tả Đấng Messias bằng những lời lẽ rất rõ ràng: như một vị thẩm phán, Ngài sẽ thiết lập vương triều Thiên Chúa, và sẽ thanh tẩy dân Người, bằng cách là Ngài trả công cho những ai tốt lành và trừng phạt những kẻ gian ác. Bài giảng của ông có nội dung như sau. „Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa“ (Mt 3,10). Giờ đây, sau khi Chúa Giê-su đã khai mạc sứ vụ công khai của mình, nhưng Ngài lại thực thi sứ vụ đó trong một phong cách khác, nên Gio-an đã cảm thấy đau khổ, vì ông đang phải ở trong một tình trạng đêm tối kép: trong đêm tối của một nhà tù và của một xà lim, cũng như trong đêm tối của tâm hồn. Ông không hiểu được phong cách ấy của Chúa Giê-su, và ông muốn biết xem, liệu Ngài có đúng là Đấng Messias hay không, hay ông còn phải đợi chờ một vị nào khác.

Câu trả lời của Chúa Giê-su, trước tiên có vẻ như không ăn nhằm gì với câu hỏi của vị Tẩy Giả, bởi Chúa Giê-su chỉ nói: „Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng“ (Mt 13,4-6). Ở điểm này, chủ ý của Chúa Giê-su rất rõ ràng: trong câu trả lời của mình, Chúa Giê-su đã tự mô tả mình như là khí cụ cụ thể cho Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha, Đấng đi đến với tất cả, trong khi Ngài ban niềm ủi an và ơn cứu độ, và qua đó đưa tới trước mắt bản án của Thiên Chúa. Người mù, kẻ què và người cùi tái giành được phẩm giá của mình, và không còn bị loại bỏ vì bệnh tật của mình nữa. Kẻ chết tái sống lại, trong khi kẻ nghèo được nghe loan báo Tin Mừng. Điều này sẽ trở thành sự tổng hợp về các công việc của Chúa Giê-su, Đấng, qua cách thức này, làm cho hoạt động của chính Thiên Chúa trở nên rõ ràng và dễ hiểu.

Sứ điệp mà trình thuật này rút ra từ cuộc sống của Chúa Ki-tô cho Giáo hội, chứa đựng một sự rõ ràng to lớn. Thiên Chúa sai Con của Ngài xuống thế gian không phải để trừng phạt các tội nhân, cũng không phải để tiêu diệt sự ác. Trái lại, lời mời gọi hoán cải được hướng tới họ để họ nhận ra những dấu chỉ về sự tốt lành của Thiên Chúa và tìm thấy con đường hoán cải. Trong Thánh Vịnh, chúng ta đọc thấy những lời sau đây:

 

Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội,

nào có ai đứng vững được chăng ?

Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ

để chúng con biết kính sợ Ngài“ (Tv 130,3-4).

 

Sự công chính mà Gio-an Tẩy Giả đặt trong trung tâm bài giảng của mình, được trình bày trong Chúa Giê-su trước tiên là Lòng Thương Xót. Và những nghi ngờ của Gio-an đã tiên đoán sự kinh ngạc mà sau này Chúa Giê-su đã liên tục khơi ra trong những hoạt động và những lời nói của Ngài. Vì thế, Chúa Giê-su đã kết thúc với những lời rất dễ hiểu. Ngài nói: „Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi!“ (Mt 11,6). Sự vấp ngã có nghĩa là „đụng phải một chướng ngại vật“. Trong mối liên hệ này, Chúa Giê-su đã cảnh báo trước một nguy cơ đặc biệt nghiêm trọng: Nếu có rào cản đối với Đức Tin, và đặc biệt là trong công việc đầy Lòng Xót Thương của Ngài, thì điều đó có nghĩa là, người ta đã nhìn thấy một hình ảnh sai lạc về Đấng Messias. Nhưng trái lại, phúc cho những ai biết ca ngợi Cha Trên Trời khi tận mắt chứng kiến những cử chỉ và lời nói của Chúa Giê-su.

Lời cảnh báo của Chúa Giê-su vẫn luôn còn mang tính thời sự: Ngay cả trong thời đại hôm nay người ta cũng đang có những hình dung về Thiên Chúa, mà những hình dung đó đang cản trở họ trước việc có được một kinh nghiệm về sự hiện diện đích thực của Thiên Chúa. Một số người sắp sẵn cho mình một Đức Tin „có xuất xứ từ chính mình“, mà Đức Tin ấy giới hạn Thiên Chúa vào một không gian hạn chế của những mong ước và những xác tín riêng. Nhưng Đức Tin ấy không phải là một cuộc hoán cải để trở về với Thiên Chúa, Đấng đang mạc khải chính mình, nhưng là ngăn cản không cho Ngài thôi thúc cuộc sống và lương tâm chúng ta. Tuy nhiên, một số người khác lại giản lược Thiên Chúa vào trong một ngẫu tượng sai quấy; họ sử dụng Thánh Danh Ngài để biện minh cho những mối quan tâm riêng của họ, hay thậm chí, để biện minh cho sự thù hận và bạo lực. Nhưng đối với một số người khác, Thiên Chúa lại chỉ là nơi trú ẩn có tính tâm lý trong những khoảnh khắc khó khăn: Đó là một Đức Tin đang tự xếp lại trong chính mình, nhưng Đức Tin ấy đã trở nên tối dạ trước sức mạnh có khả năng thúc đẩy tình huynh đệ của Tình Yêu đầy Lòng Xót Thương của Chúa Giê-su. Còn một số người khác thì lại nhìn thấy trong Chúa Giê-su chỉ là một vị Thầy đáng kính với những bài học luân lý, Ngài chỉ là một trong số rất nhiều những vị Thầy trong lịch sử. Cuối cùng, có một số người lại đang bóp ngạt sức mạnh truyền giáo của Đức Tin, mà Đức Tin ấy có khả năng biến đổi thế giới và lịch sử, trong một mối tương quan thuần nội tâm với Chúa Giê-su. Các Ki-tô hữu chúng ta tin vào Thiên Chúa trong Chúa Giê-su Ki-tô, và niềm mong muốn của Ngài hệ tạ ở chỗ phát triển trong chính kinh nghiệm sống động về mầu nhiệm Tình Yêu của Ngài.

Vì thế chúng ta hãy cố gắng đừng bao giờ đặt ra những rào cản trên đường cho những hành động đầy Lòng Xót Thương của Thiên Chúa Cha. Đúng ơn, chúng ta hãy cầu xin cho được hồng ân có được một Đức Tin lớn lao, để chúng ta cũng trở nên những dấu chỉ và những khí cụ của Lòng Thương Xót.

Quảng trường Thánh Phê-rô sáng thứ Tư ngày mồng 07 tháng 09 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội