Bài Huấn Dụ của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi Đọc Kinh Truyền Tin chung trưa Chúa Nhật 07.08.2016: „Chiếc áo cuối cùng không có túi đựng tiền!“

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Trong Bài Tin Mừng hôm nay được trích từ Tin Mừng theo Thánh Lu-ca (Lc 12,32-38), Chúa Giê-su đã nói với các môn đệ của Ngài về thái độ mà họ nên đón nhận vì cuộc gặp gỡ chung cuộc với Ngài, và Ngài giải thích cho biết, việc đợi chờ cuộc gặp gỡ này sẽ khích lệ một cuộc sống giầu công việc tốt lành. Ngài khuyên các ông: „Hãy bán tất cả những gì anh em đang có, rồi hãy trao tất cả số tiền thu được cho người nghèo. Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ mòn rách. Hãy tậu cho mình một kho tàng chẳng thể bị hao hụt ở trên trời, nơi trộm cắp không bén mảng, và cũng chẳng có mối mọt nào đục phá!“ (Lc 12,33).

Như vậy, Chúa Giê-su đã yêu cầu phải coi trọng việc bố thí với tư cách là công việc của Đức Thương Người, đừng đặt niềm tín thác vào những của cải chóng qua, hãy sử dụng các đồ vật nhưng đừng dính bén vào chúng, đừng ích kỷ, nhưng hãy sống tương xứng với lô-gích của Thiên Chúa, lô-gích của sự quan tâm đối với người khác, lô-gích của Đức Ái. Có thể chúng ta đang bấu bám rất chặt vào tiền bạc, chúng ta đang sở hữu rất nhiều, nhưng cuối cùng thì chúng ta không thể mang theo mình những tiền bạc đó. Chúng ta nên nhớ rằng: „Chiếc áo cuối cùng không có túi đựng tiền!

Giáo huấn của Chúa Giê-su đã tiếp tục với ba dụ ngôn ngắn về đề tài tỉnh thức. Đó là điều rất quan trọng: Cảnh giác, lưu tâm, và tỉnh thức trong cuộc sống. Dụ ngôn đầu tiên là dụ ngôn về những viên đầy tớ chờ đợi chủ trở về trong đêm. „Phúc cho viên đầy tớ nào được chủ nhìn thấy đang thức khi ông trở về!“ (Lc 12,37): đó là mối phúc của sự đợi chờ Thiên Chúa trong Đức Tin, sự sẵn sàng trong một thái độ phục vụ. Ngài sẽ có mặt mỗi ngày, Ngài gõ vào cánh cửa tâm hồn chúng ta. Và thật phúc thay ai mở cửa cho Ngài, vì người ấy sẽ nhận được một phần thưởng lớn lao: Chính Chúa sẽ biến mình thành người phục vụ viên đầy tớ của Ngài – đó là một phần thưởng tuyệt vời -, trong Đại Tiệc nơi vương quốc của Ngài, chính Ngài sẽ đến để phục vụ họ. Với dụ ngôn này, tức dụ ngôn được đưa vào trong đêm, Chúa Giê-su đã đặt cuộc sống như là một phiên trực của hoạt động đợi chờ vào trong tầm nhìn, mà nó sẽ xuất hiện trước ngày ánh sáng vĩnh cửu đến. Để tiếp cận được với Ngài, chúng ta phải sẵn sàng và tỉnh thức, đặt mình vào trong sự phục vụ, trong cái nhìn đầy an ủi rằng, „ở trên đó“, chúng ta sẽ không còn phải là những người phục vụ Thiên Chúa nữa, nhưng chính Ngài sẽ đón tiếp chúng ta vào bàn ăn của Ngài. Nếu người ta suy suy nghĩ kỹ về chuyện đó, thì điều đó sẽ diễn ra ngay hôm nay, khi chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa trong cầu nguyện hay trong sự phục vụ người nghèo, đặc biệt là trong Bí Tích Thánh Thể, trong đó, Ngài chuẩn bị sẵn một bữa tiệc, để nuôi dưỡng chúng ta bằng Lời và bằng Thân Thể của Ngài.

Dụ ngôn thứ hai chứa đựng hình ảnh về sự xuất hiện bất thình lình của tên trộm. Sự việc này đòi hỏi sự canh chừng. Trong thực tế, Chúa Giê-su đã cảnh báo: „Hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến“ (Lc 12,40). Người môn đệ chính là người mong đợi Chúa và triều đại của Ngài. Tin Mừng giải thích về cách nhìn này với dụ ngôn thứ ba: về người quản gia sau cuộc khởi hành của người chủ. Trong cảnh tượng thứ nhất, người quản gia thi hành nhiệm vụ của mình cách trung tín và được thưởng công. Trong cảnh tượng thứ hai, người quản gia lạm dụng chức vụ và đánh đập các đầy tớ, và do đó, đã bị trừng phạt khi người chủ trở về cách bất thình lình. Cảnh này mô tả về một tình trạng mà nó vẫn thường xuyên diễn ra, ngay cả trong thời đại chúng ta: biết bao nhiêu là những bất công, bạo lực và những điều xấu xa trong cuộc sồng hằng ngày mà người ta không thể hình dung ra được, chúng ta có thể cư xử như những ông chủ trên cuộc sống của người khác. Chúng ta chỉ có một Thiên Chúa, Đấng không hài lòng với việc được gọi là „Chúa“, nhưng hài lòng với việc được gọi là „Cha“. Tất cả chúng ta đều là những đầy tớ, những tội nhân và những người con: Ngài là một người Cha.

Ngày hôm nay Chúa Giê-su nhắc nhớ chúng ta rằng, sự chờ đợi hạnh phúc vĩnh cửu không miễn trừ cho chúng ta bổn phận phải làm cho thế giới trở nên công bằng và đáng sống hơn. Trái lại, chính niềm hy vọng của chúng ta trước việc sẽ được sở hữu vương quốc vĩnh cửu, sẽ thôi thúc chúng ta ra công làm việc để cải thiện tình trạng cuộc sống dương thế, đặc biệt là cuộc sống của những người anh chị em yếu kém. Ước gì Đức Trinh Nữ Maria sẽ dậy cho chúng ta biết trở nên những con người và những cộng đoàn không bị cào bằng cho hiện tại, hay tồi tệ hơn là hoàn toàn luyến tiếc quá khứ, nhưng được hướng đến tương lai của Thiên Chúa, hướng đến cuộc gặp gỡ với Ngài, Đấng là sự sống và là niềm hy vọng của chúng ta.

Quảng trường Thánh Phê-rô trưa Chúa Nhật ngày mồng 07 tháng 08 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 

 


Văn Kiện Giáo Hội