Bài Giảng Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Thánh Lễ Mừng Chúa Giáng Sinh Đêm 24.12.2016

Anh chị em thân mến,

Ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ để cứu độ tất cả con người“ (Tt 2,11). Những lời của Thánh Phao-lô Tông Đồ mạc khải mầu nhiệm của đêm cực thánh này: Ân sủng của Thiên Chúa, ơn nhưng không của Thiên Chúa đã tỏ hiện; trong một Hài Nhi được tặng ban cho chúng ta, Tình Yêu của Thiên Chúa trở nên cụ thể đối với chúng ta.

Đó là một đêm vinh quang – mà sự vinh quang đó được các Thiên Thần công bố tại Bê-lem, và cũng được công bố trên khắp thế giới ngày nay bởi chúng ta. Đó là đêm vui mừng, vì từ nay và cho tới mãi muôn đời, Thiên Chúa, Đấng Vĩnh Cửu và Khôn Cùng, sẽ là Thiên Chúa ở cùng chúng ta: Ngài không ở xa, chúng ta không cần phải tìm kiếm Ngài mãi tận chốn trời cao, hay trong những tưởng tượng thần bí nào đó. Ngài đang ở gần, đã trở thành con người và sẽ không bao giờ tách ra khỏi kiếp sống con người chúng ta, tức kiếp sống mà Ngài đã tự biến thành của riêng Ngài. Đó là đêm ánh sáng: Ánh sáng được tiên đoán bởi Ngôn sứ Isaia (Is 9,1), mà nó sẽ chiếu sáng cho tất cả những ai đang sống trong bóng tối, đã xuất hiện, cũng như đã soi sáng cho các mục đồng Bê-lem (xc. Lc 2,9).

Các mục đồng sẽ dễ dàng nhận ra: „Một Hài Nhi đã được sinh ra cho chúng ta“ (Is 9,5), và hiểu rằng, tất cả vinh quang, niềm vui và ánh sáng này đều tập trung vào một điểm duy nhất, vào một dấu chỉ mà các Thiên Thần đã mách bảo họ: „Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh được bọc trong tã và đang nằm trong máng cỏ“ (Lc 2,12). Đó là dấu chỉ vĩnh viễn để nhận ra Chúa Giê-su. Không chỉ hồi đó, nhưng cũng cả trong thời đại hôm nay nữa. Nếu chúng ta muốn cử hành Lễ Giáng Sinh đích thực, chúng ta phải chiêm ngưỡng dấu chỉ này: một sự giản dị đến độ mỏng manh của một em bé vừa mới được sinh ra; một sự hiền lành mà với nó, Ngài nằm đó; một Tình Yêu tinh tế mà những chiếc tã lót bọc quanh Ngài muốn diễn tả. Thiên Chúa ở đó.

Với dấu chỉ ấy, Tin Mừng mạc khải cho chúng ta một sự nghịch lý: Tin Mừng tường thuật về một vị hoàng đế, về một vị thủ hiến, về những con người vĩ đại của mọi thời đại, nhưng Thiên Chúa không xuất hiện ở đó; Ngài không xuất hiện trong căn phòng sang trọng của một hoàng cung, nhưng trong sự nghèo hèn của một khu chuồng chiên; không xuất hiện trong sự tráng lệ theo vẻ bên ngoài, nhưng trong sự giản dị của cuộc sống; không xuất hiện trong quyền lực, nhưng trong sự nhỏ bé đến ngỡ ngàng. Và để gặp gỡ Ngài, người ta phải đi tới nơi mà Ngài đang ở: Người ta phải quỳ gối xuống, phải hạ mình xuống và phải trở nên bé nhỏ. Cậu bé vừa mới được sinh ra cho chúng ta sẽ hỏi han chúng ta: Ngài mời gọi chúng ra hãy cở bỏ những hình ảnh dối gian của quá khứ để đi tới với những điều chính yếu, khước từ những đòi hỏi không bao giờ có thể được thỏa mãn của chúng ta, bỏ lại đàng sau mình những bất mãn và những buồn bã liên miên về bất cứ điều gì đó mà chúng ta luôn luôn thiếu. Trút bỏ những điều đó để tái tìm thấy sự bình an, niềm vui và ý nghĩa của cuộc sống trong sự giản dị của Con Thiên Chúa, sẽ đem đến cho chúng ta rất nhiều ích lợi.

Chúng ta hãy để cho mình được tra vấn bởi Hài Nhi nằm trong máng cỏ, nhưng chúng ta cũng hãy để cho mình bị tra vấn bởi những em bé mà trong thời đại hôm nay, các em ấy không nằm trong một cái nôi và được bao bọc bởi Tình Yêu của một người mẹ và một người cha, nhưng nằm trong những „máng lợn nghèo hèn về phẩm giá“: trong bể chứa dưới lòng đất để tránh bom đạn; trên những vỉa hè của một thành phố lớn, trên sàn của một chiếc xà lan chở đầy những người di cư. Chúng ta hãy để cho mình bị tra khảo bởi những em bé mà người ta không cho phép chúng được sinh ra; bởi những em bé đang gào khóc vì không có bất cứ ai thỏa mãn cơn đói của chúng; bởi những em bé không được đụng tới đồ chơi nhưng phải cầm vũ khí trên tay.

Mầu nhiệm ánh sáng và niềm vui đang tra vấn và đang lay thức, vì đồng thời nó vừa là một mầu nhiệm của niềm hy vọng nhưng cũng là mầu nhiệm của sự phiền muộn. Nó có một dư vị sầu phiền vì Tình Yêu không được đón nhận và sự sống bị loại trừ. Đã diễn ra như thế với Thánh Giu-se và Đức Maria – các Ngài đã đụng phải những cánh cửa đóng kín và phải đặt Chúa Giê-su trong một máng cỏ, „vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ“ (Lc 2,7). Chúa Giê-su đã được sinh ra – bị khước từ bởi một số người và dưới sự thờ ơ lãnh đạm của hầu hết mọi người. Ngay cả trong thời đại hôm nay cũng đang có những thái độ thờ ơ lãnh đạm giống hệt như thế, khi Giáng Sinh trở thành một lễ hội mà trong đó những nhân vật chính lại là chúng ta chứ không phải là Ngài; nếu những ánh đèn thương mại đặt ánh sáng của Thiên Chúa vào trong bóng tối; nếu chúng ta bận rộn vất vả với những món quà nhưng lại vô cảm đối với những người đang bị đẩy ra bên lề xã hội. Thế gian này đã sử dụng Lễ Giáng Sinh để làm con tin, chúng ta phải giải phóng nó.

Nhưng tiên vàn, Lễ Giáng Sinh có hương vị của niềm hy vọng, vì bất chấp sự đen tối của chúng ta, ánh sáng của Thiên Chúa vẫn chiếu sáng. Ánh sáng thân thiện của Ngài không gây ra sự sợ hãi; Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta cách say đắm, sẽ lôi cuốn chúng ta với sự trìu mến của Ngài, bằng cách là Ngài sinh ra giữa chúng ta trong sự nghèo nàn và mỏng giòn, như một người trong chúng ta. Ngài được sinh ra tại Bê-lem, tức „ngôi nhà làm bánh mỳ“. Bằng cách đó, có vẻ như Ngài muốn nói với chúng ta rằng, Ngài đã được sinh ra cho chúng ta với tư cách là lương thực; Ngài đến với cuộc sống để trao ban sự sống của Ngài cho chúng ta; Ngài đến giữa thế giới chúng ta để mang Tình Yêu của Ngài đến cho chúng ta. Ngài đến không phải để ăn tươi nuốt sống và để ra lệnh, nhưng đến để nuôi dưỡng và phục vụ. Và như thế có một sự liên kết trực tiếp giữa chiếc máng cho lợn ăn và Thập Giá, mà tại đó Chúa Giê-su sẽ trở thành tấm bánh được bẻ ra: Đó là sự liên kết trực tiếp của Tình Yêu. Tình Yêu ấy trao hiến chính mình và cứu độ chúng ta; Tình Yêu ấy trao ban ánh sáng cho cuộc sống chúng ta và trao ban bình an cho con tim chúng ta.

Trong đêm hôm ấy, mầu nhiệm này đã được nhận ra bởi các mục đồng, tức những người bị loại ra khỏi cuộc sống xã hội thời đó. Nhưng trong con mắt của Thiên Chúa, không có bất cứ người nào bị loại trừ cả, và ngay cả những người bị người ta loại trừ cũng đều là những người được mời đến tham dự Lễ Giáng Sinh. Những kẻ  tự bảo đảm về bản thân mình, những kẻ tự mãn với cuộc đời mình đã ở lại trong nhà, bên những vấn đề của họ; trái lại, các mục đồng „đã vội vã lên đường“ (xc. Lc 2,16). Trong đêm nay chúng ta cũng hãy để cho mình được tra vấn và được hiệu triệu bởi Chúa Giê-su. Hoàn toàn tín thác, chúng ta hãy đi đến với Ngài, hãy đi ra khỏi thời điểm mà ở đó chúng ta cảm thấy mình bị loại trừ, hãy đi ra khỏi những giới hạn riêng của chúng ta. Chúng ta hãy để cho sự trìu mến có khả năng cứu độ, đụng chạm tới chúng ta. Chúng ta hãy tới gần Thiên Chúa, Đấng muốn đến gần với chúng ta, chúng ta hãy tạm dừng lại để ngắm nhìn hang đá và máng cỏ, chúng ta hãy hình dung ra cuộc Giáng Sinh của Chúa Giê-su: ánh sáng và bình an, sự nghèo nàn đến cùng cực và sự khước từ. Chúng ta hãy cùng với các mục đồng bước vào trong Lễ Giáng Sinh đích thực, chúng ta hãy mang đến cho Chúa Giê-su những gì chúng ta đang là, những điều bị loại trừ của chúng ta, những vết thương chưa được chữa lành của chúng ta. Và như thế, trong Chúa Giê-su, chúng ta sẽ nếm trải được tinh thần đích thực của Lễ Giáng Sinh: sự mỹ miều, được yêu thương bởi Thiên Chúa. Cùng với Đức Maria và Thánh Giu-se, chúng ta hãy đứng trước máng cỏ, đứng trước Chúa Giê-su, Đấng được sinh ra với tư cách là lương thực cho sự sống của tôi. Và trong khi chúng ta chiêm ngưỡng Tình Yêu khiêm nhượng và vô biên, chúng ta cũng hãy nói lời cám ơn với Ngài: Con xin cám ơn vì Chúa đã làm tất cả những điều đó cho con.

Đền Thờ Thánh Phê-rô đêm 24 tháng 12 năm 2016

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh 

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ


Văn Kiện Giáo Hội