Bài Giáo Lý Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung Sáng Thứ Bảy, ngày 22.10.2016

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Đoạn Tin mừng theo Thánh Gio-an mà chúng ta vừa nghe (xc. Ga 4,6-15), tường thuật về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê-su với một người phụ nữ làng Samaria. Điều gây ấn tượng nơi cuộc gặp gỡ này chính là cuộc đàm thoại rất có chiều sâu giữa người phụ nữ và Chúa Giê-su. Hôm nay điều đó cho phép chúng ta nhấn mạnh tới một khía cạnh rất quan trọng của Lòng Thương Xót: sự đối thoại.

Nhờ vào sự đối thoại, con người có thể học hỏi và quen biết lẫn nhau cũng như hiểu được những nhu cầu của người khác. Đặc biệt, sự đối thoại còn là dấu chỉ của niềm kính trọng to lớn, vì nó cho phép con người tạo được thái độ lắng nghe và đặt họ vào trong tình trạng hiểu được những khía cạnh tốt nhất của người đang đối thoại với mình. Thứ hai, sự đối thoại chính là sự diễn tả của Đức Ái đối với tha nhân, vì không hề coi thường những khác biệt, nên nó có thể giúp để kiếm tìm niềm hạnh phúc chung và chia sẻ niềm hạnh phúc đó với nhau. Ngoài ra, sự đối thoại còn mời gọi chúng ta hãy coi người khác như là một tặng phẩm.

Đó là cách quan sát của Thiên Chúa, mà cách quan sát ấy kêu gọi và xin chúng ta hãy nhận ra. Chúng ta thường không gặp gỡ những người anh chị em ngay cả khi chúng ta đang sống ngay bên cạnh họ - đặc biệt là khi chúng ta đặt vị thế của mình lên trên vị thế của người khác. Chúng ta sẽ không thực hành việc đối thoại nếu như chúng ta không lắng nghe cho đúng hay có xu hướng cắt ngang lời người khác để chứng tỏ rằng mình có lý. Rất nhiều khi chúng ta đang nghe một người nào đó đang nói, rồi cắt ngang lời của họ và nói: „Không phải vậy! Không phải vậy! Nó là thế này cơ!“, và rồi không cho phép người ấy được nói cũng như được giải thích điều mà họ muốn nói nữa. Và điều đó ngăn cản sự đối thoại: Đó là sự xâm lược. Trái lại, sự đối thoại đích thực cần tới những khoảnh khắc thinh lặng mà trong những khoảnh khắc đó chúng ta có thể nhận ra ân ban tuyệt vời với sự hiện diện của Thiên Chúa trong những người anh chị em. Anh chị em thân mến, việc đứng trong sự đối thoại với nhau sẽ giúp con người làm cho các mối tương quan trở nên nhân bản hơn cũng như vượt thắng được những hiểu lầm. Có rất nhiều nhu cầu đối thoại trong các gia đình chúng ta, và những vấn đề sẽ được giải quyết một cách dễ dàng biết chừng nào nếu như người ta chịu học để lắng nghe nhau! Điều đó ở trong mối tương quan giữa người chồng và người vợ cũng như giữa cha mẹ và con cái. Từ sự đối thoại giữa các thầy cô giáo với các học sinh của mình, hay giữa những người chủ xí nghiệp với các công nhân để tìm ra những điều kiện lao động tốt hơn, sẽ mang đến biết bao nhiêu là ích lợi. Giáo hội cũng sống từ sự đối thoại với những người nam và những người nữ thuộc mọi thời đại để hiểu được những nỗi khốn cùng đang ở trong con tim của bất cứ người nào, cũng như để góp phần nhằm hiện thực hóa niềm hạnh phúc chung.

Chúng ta hãy nghĩ tới tặng phẩm vĩ đại, tức công trình tạo dựng, cũng như hãy nghĩ tới trách nhiệm mà tất cả chúng ta đều có trong việc bảo vệ ngôi nhà chung: đối thoại về đề tài có tính rất trung tâm này là điều vô cùng cần thiết. Chúng ta hãy nghĩ tới cuộc đối thoại giữa các tôn giáo để khám phá ra chân lý thẳm sâu về sứ mạng giữa những con người, và góp phần kiến tạo nền hòa bình cũng như kiến tạo một mạng lưới kính trọng và tình huynh muội (xc. Thông Điệp Laudato si’, 201).

Để kết thúc, Cha muốn nói rằng, tất cả mọi hình thức đối thoại đều là một sự diễn tả về một nhu cầu to lớn trước Tình Yêu của Thiên Chúa: Ngài đi đến với tất cả, và cấy vào trong mỗi người một hạt mầm tốt lành của Ngài, để nhờ đó, Ngài có thể cùng hoạt động trong công trình sáng tạo của mình. Sự đối thoại sẽ giật sập mọi bức tường chia rẽ và hiểu lầm; nó tạo nên những chiếc cầu tương giao, và không để cho bất cứ một ai đó tự cô lập và tự nhốt mình lại trong thế giới nhỏ bé riêng của mình. Xin anh chị em đừng quên rằng: thực hiện một cuộc đối thoại có nghĩa là lắng nghe điều mà người khác muốn nói với tôi, và nói với sự hiền từ điều mà tôi đang nghĩ. Nếu được thực hiện đúng như thế thì rồi mỗi gia đình, mỗi khu phố, mỗi nơi làm việc – tất cả sẽ đều trở nên tốt hơn. Nhưng nếu tôi không để cho người khác được nói lên tất cả những gì họ đang có trong lòng, và bắt đầu quát lên – thời đại hôm nay có nhiều người bị quát – thì rồi mối tương quan giữa chúng ta sẽ không có được kết cục tốt đẹp; mối tương quan giữa người chồng và người vợ, giữa cha mẹ và con cái sẽ không có kết cục tốt đẹp. Lắng nghe, giải thích, với sự hiền từ, không „sủa“ người khác, không quát mắng ai, nhưng có một con tim rộng mở.

Chúa Giê-su đã biết rất rõ người phụ nữ Samaria đang có gì trong lòng, cô ta là một nữ đại tội nhân. Mặc dầu vậy thì Ngài cũng không cắt ngang lời cô ta để nói cho cô ta biết điều đó. Ngài cho phép cô ta nói, và đã từ từ bước vào trong những bí ẩn nơi cuộc sống của cô. Giáo huấn này cũng có giá trị đối với chúng ta. Thông qua đối thoại, chúng ta sẽ có thể làm cho những dấu chỉ về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa được lớn lên, và biến những dấu chỉ ấy thành những khí cụ của sự đón nhận và kính trọng.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô, sáng thứ Bảy ngày 22 tháng 10 năm 2016

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2017