Bài Huấn Dụ Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Đọc Kinh Truyền Tin Chung Trưa Chúa Nhật 23.10.2016

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Bài Đọc II của Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng ta về lời cảnh báo của Thánh Phao-lô đối với Ti-mô-thê, cộng sự viên và là người con đáng mến của Ngài, qua đó Ngài hồi tưởng lại cuộc sống của mình với tư cách là một vị Tông Đồ, người đa trao hiến hoàn toàn cho sứ vụ truyền giáo (xc. 2Tm 4,6-8.16-18). Vì giờ đây Ngài đã thấy được sự kết thúc các chặng đường dương thế của Ngài đang gần kề, nên Ngài đã viết cho Ti-mô-thê trong mối liên hệ đến ba thời kỳ: Hiện tại, quá khứ và tương lai.

Ngài đã giải thích hiện tại với phép ẩn dụ về của lễ hy sinh: „Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi“ (2 Tm 4,6). Nhưng về điều liên quan tới quá khứ, thì Thánh Phao-lô đã lưu ý tới cuộc sống của Ngài cho tới lúc đó với những hình ảnh về „cuộc chiến tốt lành“ và về cuộc „chạy đua“ của một người đã hoàn thành những nghĩa vụ của mình cách kiên cường, cũng như đã hoàn thành trách nhiệm của mình (xc. 2Tm 4,7); sau đó Ngài trao phó tương lai cho sự quan phòng của Thiên Chúa, Đấng là „Thẩm Phán Chí Công“ (xc. 2Tm 4,8). Nhưng sứ mạng của Thánh Phao-lô đã rất thành công, chính đáng và trung tín, nhưng chỉ nhờ vào sự gần gũi và sức mạnh của Thiên Chúa, Đấng đã biến Ngài trở thành một người loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi dân nước. Điều đó thể hiện qua những lời của Ngài: „Có Chúa đứng bên cạnh tôi, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng“ (2Tm 4,17).

Giáo hội tự phản chiếu trong trình thuật có tính tự truyện này của Thánh Phao-lô, đặc biệt là hôm nay, ngày Chúa Nhật Truyền Giáo, mà đề tài của ngày này có nội dung như sau: „Giáo hội truyền giáo, nữ chứng tá của Lòng Thương Xót“. Trong Thánh Phao-lô, cộng đoàn Ki-tô giáo tìm thấy hình ảnh của mình với niềm xác tín rằng, sự hiện diện của Thiên Chúa chính là điều làm cho công việc tông đồ cũng như làm cho công cuộc rao giảng Tin Mừng được trở nên công hiệu. Kinh nghiệm của vị Tông Đồ dân ngoại nhắc nhớ chúng ta rằng, một mặt chúng ta phải dấn thân vào trong các hoạt động mục vụ và truyền giáo, khi kết quả phụ thuộc vào sức lực của chúng ta, được liên kết với tinh thần hy sinh của vận động viên có thể lực tốt, tức người không bỏ cuộc khi tận mắt chứng kiến những thất bại; nhưng mặt khác, trong sự hiểu biết rằng, sự thành công thực sự trong hoạt động truyền giáo của chúng ta chính là quà tặng của ân sủng: Chúa Thánh Thần chính là Đấng làm cho sứ mạng của Giáo hội trong thế giới trở nên công hiệu.

Thời đại ngày nay là thời đại truyền giáo cũng như thời đại của sự can đảm! Can đảm để củng cố những bước đi thiếu chắc chắn, để tái thấy được hương vị của sự trao hiến cho Tin Mừng, để giành được niềm tín thác mới trong sức mạnh mà sứ mạng truyền giáo mang theo mình. Đó là thời đại của sự can đảm, ngay cả khi có sự can đảm không có nghĩa là sở hữu một sự bảo hành cho sự thành công. Sự can đảm đòi hỏi chúng ta phải để chiến đấu nhưng không nhất thiết phải chiến thắng; để loan báo Tin Mừng, nhưng không nhất thiết phải thuyết phục người khác cải đạo. Sự can đảm đòi hỏi chúng ta phải trở thành một phương án khác đối với thế giới, nhưng không hề mang tính bút chiến hay thích gây sự. Sự can đảm đòi hỏi chúng ta phải mở ra cho tất cả mà ở đây không hề giảm thiểu tuyệt đối tính và duy nhất tính của Chúa Ki-tô, Đấng Cứu Độ duy nhất của tất cả mọi người. Sự can đảm đòi hỏi chúng ta phải chống lại thói bất tín nhưng không trở nên kiêu căng. Sự can đảm của người thu thuế trong bài Tin Mừng hôm nay, tức người, mà vì can đảm, đã không dám ngước mắt lên trời, nhưng đấm ngực và nói: „Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội!“ -  đang thúc bách chúng ta. Thời đại  ngày nay là thời đại của sự can đảm! Hôm nay người ta cần tới sự can đảm!

Cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, mẫu gương của Giáo hội „trong sự lên đường“ và ngoan ngùy đối với Chúa Thánh Thần, giúp chúng ta, để nhờ vào Bí Tích Thanh Tẩy của mình, tất cả chúng ta đều trở thành những môn đệ truyền giáo, để mang Tin Mừng cứu độ đến cho toàn thể gia đình nhân loại.

Quảng trường Thánh Phê-rô, trưa Chúa Nhật ngày 23 tháng 10 năm 2016

 ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2017