Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung Sáng Thứ Tư Ngày 10.08.2016

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Bài Tin Mừng theo thánh Lu-ca mà chúng ta vừa nghe (Lc 7,11-17), đặt trước mắt chúng ta một phép lạ thực sự vĩ đại của Chúa Giê-su: Phục sinh cho một thanh niên. Nhưng trung tâm của trình thuật này không phải là phép lạ, mà là Tình Thương đầy trìu mến của Chúa Giê-su đối với người mẹ của người thanh niên. Ở đây, Lòng Thương Xót tiếp nhận hình thức của sự đồng cảm to lớn đối với một người phụ nữ đã mất chồng, và giờ đây bà đang tiễn đưa đứa con trai duy nhất của mình ra nghĩa địa.

Nỗi khổ đau lớn lao này của một người mẹ đã làm cho Chúa Giê-su bị xúc động cũng như đã tạo điều kiện cho Ngài thực hiện phép lạ phục sinh. Trong lời dẫn vào sự kiện này, tác giả Tin Mừng đã dừng lại nơi nhiều tình tiết. Ở cổng thành Na-in – một ngôi làng nhỏ - hai nhóm người đã gặp nhau, đó là hai nhóm đi về hai hướng khác nhau, và không có bất cứ điều gì để làm với nhau. Chúa Giê-su, được theo sau bởi các môn đệ và đám đông dân chúng, đang đi vào trong khu vực có dân cư, trong khi một đám tang lại đang từ đó đi ra, và đó là đám tang của một thanh niên, được tiễn đưa bởi mẹ của anh – một bà góa -, và bởi những người khác. Hai nhóm chỉ gặp nhau cách thoáng lẹ tại cửa thành; mỗi nhóm đều đi theo đường của mình. Nhưng ngay ở đây, Thánh Lu-ca đã nhắc tới điều mà Chúa Giê-su cảm nhận: „Trông thấy bà, Chúa Giê-su chạnh lòng thương và nói: ´Bà đừng khóc nữa!` Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại“ (Lc 7,13-14). Niềm cảm thông lớn lao đã chi phối hành động của Chúa Giê-su: Ngài làm cho đoàn tang dừng lại, bằng cách là Ngài sờ vào quan tài, và được thôi thúc bởi Lòng Thương Cảm lớn lao đối với người mẹ này, Ngài đã quyết định ngăn cản sự chết đến độ có thể nói được rằng chỉ trong chớp mắt.

Trong Năm Thánh này, sẽ là điều rất tốt nếu như khi bước qua Cổng Thánh, mỗi người hành hương đều nhớ tới đoạn Tin Mừng tường thuật về biến cố tại cổng thành Na-in. Khi Chúa Giê-su nhìn thấy người mẹ này đang khóc, Ngài đã ôm bà vào trong lòng Ngài! Mỗi người đều đi đến Cổng Thánh với cuộc sống riêng của mình – với niềm vui và nỗi buồn, với những kế hoạch và thất vọng, với những mối nghi nan và sợ hãi -, để giãi bày những điều đó cho Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Chúng ta có thể chắc chắn rằng, Thiên Chúa đang lại gần Cổng Thánh để gặp gỡ từng người một trong chúng ta, cũng như mang đến và tặng ban cho mỗi người Lời quyền năng và an ủi của Ngài: „Đừng khóc nữa!“ (Lc 7,13). Đó là cổng gặp gỡ giữa sự đau khổ của nhân loại và sự cảm thông của Thiên Chúa. Trong khi chúng ta bước tới ngưỡng cửa, chúng ta hãy thực hiện chuyến hành hương của mình trong Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, Đấng sẽ nói với tất cả giống như đã từng nói với người thanh niên đã chết: „Ta truyền cho anh: hãy đứng dậy!“ (xc. Lc 7,14). Ngài sẽ nói với từng người một trong chúng ta: „Hãy đứng dậy!“ Thiên Chúa muốn rằng, chúng ta sẽ đứng thẳng.

Ngài đã sáng tạo nên chúng ta để chúng ta đứng thẳng người lên: Vì thế, sự cảm thông của Chúa Giê-su đã dẫn tới cử chỉ chữa lành – để chữa lành chúng ta -, cụm từ mang tính chìa khóa của cử chỉ ấy có nội dung như sau: „Hãy đứng dậy! Hãy đứng thẳng người lên, như Thiên Chúa đã sáng tạo nên con!“ Đứng thẳng người lên! „Nhưng thưa Cha, chúng con vẫn thường ngã lên ngã xuống!“ – „Hãy tiến về phía trước, và hãy đứng dậy!“ Đó là Lời của Chúa Giê-su, luôn luôn. Khi chúng ta bước qua Cổng Thánh, chúng ta hãy cố gắng lắng nghe Lời này từ tận đáy lòng chúng ta: „Hãy đứng dậy!“ Lời quyền năng của Chúa Giê-su có thể tái nâng chúng ta đứng lên, cũng như có thể giúp chúng ta vượt qua sự chết để đến với sự sống. Lời của Ngài ban cho chúng ta sự sống mới, ban cho chúng ta niềm hy vọng, đem lại sự tươi mới cho những con tim mỏi mệt, làm cho chúng ta mở ra cho một thế giới quan và nhân sinh quan, mà nó nhìn vượt sang bên kia nổi khổ đau và sự chết. Tại Cổng Thánh, một kho tàng không thể múc cạn phát xuất từ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa được khắc ghi đối với từng người một. Khi Lời Chúa Giê-su đến được với anh, „người chết liền ngồi dậy và bắt đầu nói. Chúa Giê-su trao anh ta lại cho mẹ anh“ (Lc 7,15). Câu văn vừa rồi quả là tuyệt vời: Nó chứng minh cho thấy Tình Yêu trìu mến của Chúa Giê-su: „Ngài trao anh ta lại cho mẹ anh“. Người mẹ tái nhận lại đứa con của mình. Trong khi bà đón lấy anh từ đôi tay của Chúa Giê-su, bà lại trở thành người mẹ lần thứ hai, nhưng người con giờ đây được trao lại cho bà, đã không đón nhận sự sống từ bà. Người mẹ và người con lãnh nhận căn tính của mình nhờ vào Lời quyền năng của Chúa Giê-su cũng như nhờ vào cử chỉ đầy yêu thương của Ngài. Và như thế, trong Năm Thánh này, Giáo hội đón nhận con cái mình cách đặc biệt, và nhận ra trong những đứa con đó sự sống được ban tặng cho chúng nhờ vào ân sủng của Thiên Chúa. Nhờ vào ân sủng đó cũng như nhờ vào hồng ân Bí Tích Thanh Tẩy, Giáo hội trở thành Mẹ và từng người một trong chúng ta đều trở thành con của Giáo hội.

Khi tận mắt chứng kiến người thanh niên được trở về lại với sự sống và được trao lại cho mẹ của anh, „mọi người đều kính sợ và tôn vinh Thiên Chúa. Họ nói rằng: ´Một vị Ngôn Sứ vĩ đại  đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm Dân Người`“ (Lc 7,16). Điều mà Chúa Giê-su đã thực hiện, không chỉ là một hoạt động chữa lành chỉ được xác định cho người phụ nữ góa bụa và cho đứa con trai của bà, hay là một cử chỉ tốt lành mà nó chỉ được giới hạn trong thành phố nhỏ bé này. Trong sự can thiệp đầy xót thương của Chúa Giê-su, Thiên Chúa đã đi về phía Dân Người. Trong Ngài, ân sủng của Thiên Chúa đã biểu lộ cho toàn thể nhân loại, và nó vẫn luôn tiếp tục được biểu lộ.

Khi chúng ta cử hành Năm Thánh này – mà về Năm Thánh ấy, Cha đã muốn rằng, nó sẽ được sống tại tất cả mọi Giáo hội địa phương, có nghĩa là trong tất cả mọi Giáo hội trên khắp thế giới chứ không phải chỉ riêng tại Rô-ma -, thì đồng thời Giáo hội trên khắp hoàn cầu cũng được hiệp nhất lại thành một lời Ngợi Ca duy nhất dâng lên Thiên Chúa. Ngay cả trong thời đại hôm nay Giáo hội cũng nhận ra rằng, Thiên Chúa đã đến với Giáo hội. Vì thế, bất cứ ai đi đến với Cổng Lòng Thương Xót cũng đều biết rằng, mình đang đi tới cánh cổng của con tim đầy lòng xót thương của Chúa Giê-su: vì Ngài là cửa chân thật, tức cửa dẫn tới ơn cứu độ và tái ban sự sống mới cho chúng ta. Lòng Thương Xót – cả nơi Chúa Giê-su lẫn nơi chúng ta – chính là một con đường đi ra từ con tim và đi tới đôi tay. Điều đó có nghĩa là gì? Chúa Giê-su đang ngắm nhìn bạn, Ngài chữa lành bạn với Lòng Thương Xót của Ngài, Ngài nói với bạn: „Hãy đứng dậy!“, và con tim của bạn sẽ trở nên mới. Một con đường khởi đi từ con tim đến đôi tay, có nghĩa là gì? Thưa, có nghĩa là, với con tim mới, với con tim đã được Chúa Giê-su chữa lành, tôi có thể thực hiện những công việc của Lòng Thương Xót bằng đôi tay, cũng như có thể cố gắng giúp đỡ và chữa lành rất nhiều những người đang gặp cảnh khốn cùng. Lòng Thương Xót là một con đường khởi đi từ con tim vài đi tới đôi tay, tức là thực hiện những công việc của Đức Xót Thương.

Quảng trường Thánh Phê-rô sáng thứ Tư, ngày mồng 10 tháng 08 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2017