Bài Huấn Dụ Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Đọc Kinh Truyền Tin Chung Trưa thứ Năm, Đại Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, 08.12.2016

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày Đại Lễ thật tốt đẹp!

 

Các Bài Đọc trong ngày Đại Lễ kính Đức Trinh Nữ Maria thụ thai vô nhiễm nguyên tội và là Mẹ Thiên Chúa hôm nay trình bày về hai bước đi có tính quyết định trong câu chuyện về những mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa: Chúng ta có thể thấy rằng, hai bước đi đó sẽ dẫn tới cội nguồn của sự thiện và sự ác. Cả hai bước đi này đều dẫn chúng ta đi tới nguồn cội của sự thiện và sự ác.

 

Sách Sáng Thế trình bày về tiếng không đầu tiên, tiếng không nguyên thủy, tiếng không của con người, khi con người thích thú nhìn ngắm chính mình thay vì nhìn lên Đấng Sáng Tạo ra mình, khi con người muốn tiến hành theo ý mình, họ đã quyết định lấy mình làm đủ. Nhưng, trong khi con người bước ra khỏi mối hiệp thông với Thiên Chúa, thì ngay lập tức con người đã đánh mất chính mình và bắt đầu sợ hãi, trốn tránh và kết tội những ai đứng gần mình (xc. St 3,10.12). Đó là những điềm báo: sự sợ hãi, nó luôn là triệu chứng của việc nói không đối với Thiên Chúa, nó cho thấy rằng, tôi đã nói không với Thiên Chúa; việc kết tội những người khác và không nhìn vào tội lỗi của chính mình cho thấy rằng, tôi đã xa cách Thiên Chúa. Tội lỗi gây ra điều đó. Nhưng Thiên Chúa không bỏ mặc con người trong quyền lực của sự ác do chính con người gây ra. Ngay lập tức, Ngài kiếm tìm con người và dành cho họ một câu hỏi với tất cả mối quan tâm: „Con đang ở đâu?“ (St 3,9). Khi Ngài nói: „Hãy dừng lại, hãy nghĩ xem: con đang ở đâu?“, thì đó là câu hỏi của một người Cha hay của một người Mẹ đang tìm đứa con lạc đường: „Con đang ở đâu? Con đang ở trong hoàn cảnh nào?“ Và Thiên Chúa thực hiện điều đó với nhiều kiên nhẫn, cho tới khi mọi khoảng cách đều được vượt thắng, mà những khoảng cách đó đã xuất hiện ngay từ đầu. Đó là một bước đi.

 

Bước đi có tính quyết định thứ hai mà Bài Tin Mừng hôm nay nói về, đó là bước đi khi Thiên Chúa đến để cư ngụ giữa chúng ta, khi Ngài trở nên con người như chúng ta. Và nhờ vào một tiếng Xin Vâng, điều đó đã trở nên có thể - bất cứ tội lỗi nào cũng đều là một tiếng không; đó là tiếng Xin Vâng, một lời đại Xin Vâng -, tiếng Xin Vâng của Đức Maria trong giây phút Truyền Tin. Nhờ vào tiếng Xin Vâng ấy, Chúa Giê-su đã tiếp nhận con đường của Ngài trên những con đường của nhân loại; Ngài đã bắt đầu con đường đó trong Đức Maria, bằng cách là Ngài trải qua những tháng đầu tiên cuộc sống của Ngài trong cung lòng người Mẹ: Ngài chưa trưởng thành và cũng không mạnh mẽ khi xuất hiện, nhưng Ngài đã hoàn toàn đi trên con đường của một con người. Ngài trở nên giống chúng ta mọi đàng, với một sự ngoại trừ, với một tiếng không, ngoại trừ tội lỗi. Vì thế, Ngài đã tuyển chọn Đức Maria, thụ tạo duy nhất không mắc tội, hoàn toàn vô nhiễm. Trong Tin Mừng, Mẹ được gọi với một từ duy nhất „Đấng Được Chúc Phúc“ (Lc 1,28), tức là Đầy Ân Sủng. Điều đó có nghĩa là, trong Mẹ, Đấng được ban đầy ân sủng ngay từ đầu, không có khoảng không cho tội lỗi. Và nếu chúng ta hướng về Mẹ, chúng ta cũng hãy tuyên xưng vẻ hoàn mỹ ấy: Chúng ta kêu cầu Mẹ là Đấng „Đầy Ân Sủng“, không bóng dáng sự ác.

 

Đức Maria đã đáp lại lời đề nghị của Thiên Chúa, bằng cách nói rằng: „Này con là nữ tỳ của Chúa“ (Lc 1,38). Mẹ không nói. „Bây giờ, lần này con sẽ thực hiện theo ý Chúa, con đã sẵn sàng, sau đó thì con sẽ chờ xem phải quyết định thế nào…“ Không. Lời Xin Vâng của Mẹ là một lời Xin Vâng hoàn toàn và tuyệt đối, cho toàn bộ cuộc đời, vô điều kiện. Và như tiếng không nguyên thủy đã khóa lại con đường dẫn con người tới cùng Thiên Chúa, thì tiếng Xin Vâng của Đức Maria đã mở ra giữa chúng ta một con đường dẫn tới Thiên Chúa. Tiếng Xin Vâng này là tiếng Xin Vâng quan trọng nhất của lịch sử, đó là tiếng Xin Vâng đầy khiêm nhượng, nó lật nhào tiếng không đầy cao ngạo của lúc khởi đầu; đó là lời Xin Vâng đầy trung tín, nó chữa lành sự bất tuân; đó là tiếng Xin Vâng đầy tự nguyện, nó lật ngược sự ích kỷ của tội lỗi. Đối với từng người một trong chúng ta cũng có một lịch sử cứu độ, mà lịch sử ấy phát sinh từ tiếng Xin Vâng và từ tiếng không. Nhưng đôi khi chúng ta lại là những chuyên viên trong sự ẫm ờ. Chúng ta làm rất tốt điều đó khi chúng ta không hiểu Thiên Chúa muốn gì và lương tâm khuyên bảo chúng ta điều gì.

 

Chúng ta cũng tương đối láu lỉnh, và để không nói với Thiên Chúa tiếng không thực sự, chúng ta sẽ nói: „Xin lỗi, con không thể“, „Hôm nay thì không, nhưng ngày mai con sẽ nghĩ tới điều đó“; „Để ngày mai sẽ tốt hơn, ngày mai con sẽ cầu nguyện, con sẽ làm điều thiện, ngày mai“. Và sự láu lỉnh này làm cho chúng ta tránh xa lời Xin Vâng, nó làm chúng ta tránh xa Thiên Chúa, và đưa chúng ta tới với tiếng không, tới với tiếng không đầy tội lỗi, tới với tiếng không đầy tầm thường. Có tiếng „Vâng, nhưng“; „Vâng, thưa Chúa, nhưng…“ rất nổi tiếng. Nói như thế, chúng ta tự đóng cánh cửa trước sự thiện, và sự ác sẽ tận dụng tiếng Vâng bị ngăn cản bởi chữ nhưng này. Mỗi người trong chúng ta đều có một bộ sưu tập về điều đó trong mình. Chúng ta cứ nghĩ đi, chúng ta sẽ thấy được rất nhiều tiếng Vâng bị ngăn cản như thế. Trái lại, bất cứ tiếng Vâng trọn vẹn nào với Thiên Chúa cũng đều là một câu chuyện mới: Việc nói tiếng Xin Vâng với Thiên Chúa thực sự „đặc biệt“, nó là nguồn cội, chứ không phải là tội lỗi, tức điều làm cho chúng ta bị lão hóa nội tâm. Anh chị em có bao giờ suy nghĩ rằng, tội lỗi làm lão hóa nội tâm, không? Nó làm cho chúng ta bị lão hóa! Bất cứ tiếng Xin Vâng nào đối với Thiên Chúa cũng đều là nguồn cội của lịch sử cứu độ đối với chúng ta cũng như đối với những người khác, như Đức Maria với lời thưa Xin Vâng của Mẹ.

 

Trên con đường xuyên qua Mùa Vọng này, Thiên Chúa muốn viếng thăm chúng ta và chờ đời lời thưa Xin Vâng của chúng ta. Chúng ta hãy nghĩ xem: Hôm nay tôi nên nói tiếng Xin Vâng nào với Thiên Chúa? Chúng ta hãy suy nghĩ về điều đó, vì nó sẽ rất có lợi cho chúng ta. Và chúng ta sẽ thấy được giọng nói của Thiên Chúa trong chính Chúa, Đấng đang xin chúng ta một điều gì đó, một bước đi tiếp theo. „Con tin vào Chúa, con hy vọng vào Chúa, con yêu mến Chúa, xin Thánh Ý tốt lành của Chúa hãy diễn ra trong con“. Đó là tiếng Xin Vâng. Quảng đại và đầy tin tưởng, hôm nay chúng ta, từng người một trong chúng ta, như Đức Maria, hãy nói với Thiên Chúa lời thưa Xin Vâng hoàn toàn cá nhân ấy.

 

Quảng Trường Thánh Phê-rô, trưa thứ Năm,

Đại Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm,

mồng 08 tháng 12 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2017