Bài Huấn Dụ của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Đọc Kinh Truyền Tin Chung, Trưa Chúa Nhật 11.12.2016

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

 

Hôm nay chúng ta cử hành ngày Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng, Ngày này được ghi dấu ấn thông qua lời mời gọi của Thánh Phao-lô: „Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! […] Chúa đã đến gần“ (Pl 4,4-5). Ở đây không phải là niềm vui hời hợt hay thuần cảm giác mà Thánh Tông Đồ kêu gọi, và đồng thời cũng không phải là niềm vui thế tục, hay một loại „say mê hưởng thụ“. Không, chúng ta không được mời gọi để thủ đắc niềm vui đó, nhưng là một niềm vui đích thực trong việc tái khám phá ra hương vị của nó, hương vị của niềm vui đích thực. Đó là một niềm vui mà nó đụng chạm tới chỗ thẳm sâu nhất nơi kiếp hiện sinh của chúng ta, trong lúc chúng ta chờ đợi Chúa Giê-su, Đấng đã đến để mang ơn cứu độ đến cho thế giới, Đấng Messia được hứa ban, được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria tại Bê-lem. Phụng Vụ Lời Chúa giới thiệu cho chúng ta một bối cảnh thích hợp để nhận ra và sống niềm vui. Từ sa mạc, vùng đất khô cằn, Ngôn Sứ Isaia đã nói về cánh đồng cỏ (xc. Is 35,1); trước mắt, vị Ngôn Sứ có đôi tay rã rời, có đầu gối rệu rã, có những kẻ thất vọng, những kẻ mù lòa, những kẻ điếc lác và những kẻ câm (xc. Is 35,3-6). Đó là hình ảnh của một tình trạng thiếu niềm ủi an, tình trạng của một số phận nghiệt ngã, không có Thiên Chúa.

 

Nhưng cuối cùng, ơn cứu độ đã được công bố: „Hãy can đảm, đừng sợ!“ – vị Ngôn sứ kêu gọi, „nhìn kìa, Thiên Chúa của anh em! […] Chính Ngài sẽ đến và cứu thoát anh em!“ (xc. Is 34,4). Và ngay lập tức, tất cả đều được biến đổi: Sa mạc trổ bông, niềm an ủi và niềm vui xuyên thấu con tim (xc. Is 35,5-6). Những dấu chỉ này, tức những dấu chỉ mà Ngôn Sứ Isaia công bố như là những dấu chỉ mà nó đã hứa ban ơn cứu độ ngay trong hiện tại, sẽ hiện thực hóa trong Chúa Giê-su. Chính Ngài đã nói điều đó khi Ngài nói với những sứ giả được Gio-an Tẩy Giả sai đến. Chúa Giê-su đã nói gì với những sứ giả đó? Ngài nói: „Kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, kẻ cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, và kẻ chết chỗi dậy“ (Mt 11,5). Không phải những lời mà là những thực tế chỉ ra cho thấy, ơn cứu độ mà Chúa Giê-su mang tới sẽ xâm chiếm và tái sáng tạo toàn bộ kiếp nhân sinh như thế nào. Thiên Chúa đã bước vào lịch sử để giải phóng chúng ta khỏi kiếp nô lệ tội lỗi, Ngài đã cư ngụ giữa chúng ta để chia sẻ số kiếp của chúng ta, để chữa lành những vết thương của chúng ta, để băng bó những vết lở loét của chúng ta, và ban cho chúng ta sự sống mới. Niềm vui chính là hoa trái đến từ sự xâm chiếm của ơn cứu độ và sự xâm chiếm của Tình Yêu Thiên Chúa.

 

Chúng ta được kêu gọi hãy để cho mình được đưa vào trong cảm giác vui mừng, trong sự mừng rỡ và tươi vui này… Nhưng người Ki-tô hữu nào không có niềm vui, thì người Ki-tô hữu ấy đang thiếu một điều gì đó, hay đúng hơn, người ấy không phải là Ki-tô hữu! Niềm vui của con tim, niềm vui trong lòng chính là niềm vui mang chúng ta tiến về phía trước và ban tặng cho chúng ta niềm can đảm. Thiên Chúa đến, Ngài đến trong cuộc sống chúng ta với tư cách là Đấng Giải Phóng, Ngài đến để giải phóng chúng ta khỏi tất cả mọi hình thức nô lệ cả trong lẫn ngoài. Ngài là Đấng chỉ cho thấy con đường trung tín, con đường kiên nhẫn và con đường kiên định để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn trong cuộc tái lâm của Ngài. Đại Lễ Giáng Sinh đã gần kề, những dấu chỉ của sự gần kề này đang trở nên rõ rệt trên những con đường và trong những ngôi nhà của chúng ta; ngay tại đây, trên quảng trường này, một hang đá đã được thiết kế với một cây Thông Giáng Sinh bên cạnh. Những dấu chỉ bên ngoài đó mời gọi chúng ta hãy đón tiếp Chúa, Đấng luôn luôn đến và gõ cửa nhà chúng ta, Ngài gõ vào con tim chúng ta để đến gần chúng ta.

 

Những dấu chỉ ấy mời gọi chúng ta hãy tái nhận ra những bước chân của Ngài trong những bước đi của những người anh chị em mà họ đang đi ngang qua chúng ta, đặc biệt là những người yếu đuối và nghèo túng nhất. Hôm nay chúng ta được mời gọi hãy vui mừng về cuộc quang lâm đang đến một cách trực tiếp của Đấng Cứu Độ chúng ta; và chúng ta được kêu gọi, hãy chia sẻ niềm vui đó với những người khác, bằng cách là chúng ta trao tặng niềm an ủi và niềm hy vọng cho những người nghèo, cho các bệnh nhân, cho những người cô đơn và bất hạnh. Cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, „Nữ Tỳ của Chúa“, giúp chúng ta, để trong cầu nguyện, chúng ta nghe được giọng nói của Thiên Chúa và phục vụ Ngài trong những người anh chị em với tất cả sự cảm thông, hầu có được sự chuẩn bị tốt nhất cho Đại Lễ Giáng Sinh của Chúa Giê-su, và nhờ thế chuẩn bị tâm hồn để đón tiếp Chúa.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô, trưa Chúa Nhật ngày 11 tháng 12 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2017