Bài Giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi Kinh Chiều nhân dịp Lễ Kính Cuộc Hoán Cải Của Thánh Phao-lô, để cầu nguyện cho Đại Kết, Vương Cung Thánh Đường Thánh Phao-lô ngoại thành 25.01.2017

 

Anh chị em thân mến,

 

Cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su trên đường đi Damacus đã biến đổi tận căn cuộc sống của Thánh Phao-lô. Từ khoảnh khắc đó, đối với Ngài, ý nghĩa về kiếp hiện sinh của mình không còn nằm ở chỗ tin tưởng vào sức riêng hầu tuân thủ Lề Luật một cách chính xác đến quá tỉ mỉ nữa, nhưng hệ tại ở chỗ hoàn toàn bám chặt vào Tình Yêu nhưng không và vô vị lợi của Thiên Chúa, bấu chặt vào Chúa Giê-su Ki-tô chịu khổ hình Thập Giá và phục sinh. Vì thế, Ngài đã có được kinh nghiệm về một sự sống mới đã bắt đầu như thế nào, đó là sự sống theo thần Khí, mà trong đời sống ấy, Ngài đã nếm trải ơn tha thứ, sự tín thác và sự khích lệ nhờ vào sức mạnh của Đấng Phục Sinh. Và Thánh Phao-lô đã không thể giữ khư khư sự mới mẻ ấy lại cho mình: Ân sủng đã thúc ép Ngài phải công bố Tin Mừng Tình Yêu và giao hòa, mà trong Chúa Ki-tô, Thiên Chúa đã giới thiệu cho nhân loại cách tròn đầy.

Đối với Vị Tông Đồ Muôn Dân, sự giao hòa giữa con người với Thiên Chúa, mà Ngài đã trở thành „Người được Sai Đi“ để công bố sự giao hòa ấy (xc. 2Cor 5,20), chính là một ân ban đến từ chính Chúa Ki-tô. Ân ban này đã được giải thích một cách hoàn toàn rõ ràng trong bản văn được trích từ thư thứ hai gửi tín hữu Cô-rin-thô, mà trong năm nay, đề tài của Tuần Cầu Nguyện Cho Sự Hiệp Nhất Các Ki-tô Hữu được trích ra từ đó: „Tình Yêu Chúa Ki-tô thúc bách chúng ta giao hòa“ (xc. 2Cor 5,14-20). „Tình Yêu Chúa Ki-tô“: đó không phải là Tình Yêu của chúng ta đối với Chúa Ki-tô, mà là Tình Yêu của Chúa Ki-tô đối với chúng ta. Trong một cách thức tương tự, sự giao hòa mà chúng ta đang được thúc bách đi tới, không đơn giản chỉ là những sáng kiến của chúng ta: Ở vị trí đầu tiên, sự giao hòa chính là điều mà Thiên Chúa giới thiệu với chúng ta trong Chúa Ki-tô. Không phải là một nỗ lực mang tính nhân loại của các tín hữu để cố gắng vượt thắng những mối bất hòa của mình, nhưng đúng hơn, đó là một ân ban nhưng không của Thiên Chúa. Và như là hệ quả của ân ban này, về phía mình, bất cứ ai đã có được kinh nghiệm về sự tha thứ và Tình Yêu, cũng đều được thúc giục hãy công bố Tin Mừng giao hòa trong cả lời nói lẫn hành động, sống và làm chứng cho kiếp nhân sinh được giao hòa.

Từ quan điểm đó, hôm nay chúng ta có thể tự hỏi: Người ta có thể công bố Tin Mừng giao hòa này như thế nào sau nhiều thế kỷ chia rẽ? Chính Thánh Phao-lô sẽ giúp chúng ta tìm ra con đường và cách thức. Ngài nhấn mạnh rằng, sự giao hòa trong Chúa Ki-tô sẽ không thể diễn ra nếu không có sự hy sinh. Chúa Giê-su đã trao hiến mạng sống của chính Ngài cũng như đã chết cho tất cả. Tương tự, các sứ giả của sự giao hòa cũng được kêu gọi nhân danh Ngài để trao hiến cuộc sống của mình; không còn sống cho mình nữa, nhưng là sống cho Đấng đã chết và phục sinh vì họ (xc. 2Cor 5,14-15). Như Chúa Giê-su dậy, chúng ta sẽ chỉ thực sự cứu được mạng sống mình nếu chúng ta dám đánh mất nó vì Tình Yêu đối với Ngài (xc. Lc 9,24). Đó là bước ngoặt mà Thánh Phao-lô đã trải qua, nhưng đó cũng là bước ngoặt của Ki-tô giáo thuộc mọi thời đại. Không còn sống cho chính chúng ta nữa, cho những mối quan tâm và cho việc chăm sóc những hình ảnh của chúng ta nữa, nhưng là theo gương Chúa Ki-tô, sống cho Ngài và theo Ngài, với Tình Yêu và trong Tình Yêu của ngài.

Đối với Giáo hội và đối với bất cứ niềm tin Ki-tô giáo nào, đó là một lời mời gọi đừng đặt nền tảng trên những chương trình, trên những tính toán và trên những điều có lợi, đừng tín thác vào những điều hợp thời hay vào những mốt sống hiện đại, nhưng tìm kiếm con đường trong cái nhìn thường xuyên hướng về Thập Giá Chúa Ki-tô: Chương trình cuộc sống của chúng ta ở đó. Đó cũng là một lời mời gọi hãy đi ra khỏi bất cứ vách ngăn nào để vượt thắng cơn cám dỗ chỉ muốn liên hệ đến chính mình. Cơn cám dỗ đó sẽ ngăn cản người ta trước việc nhận thức được điều mà Chúa Thánh Thần đang hoạt động bên ngoài những không gian riêng của mỗi người. Một sự giao hòa đích thực giữa các Ki-tô hữu sẽ tự để cho mình được hiện thực hóa nếu chúng ta hiểu để nhìn nhận những ân phúc của người khác, cũng như có khả năng học hỏi lẫn nhau cách khiêm tốn và ân cần – học hỏi lẫn nhau! -, mà không hề mong chờ rằng, người khác phải học từ tôi trước đã.

Nếu chúng ta sống vì Chúa Ki-tô và chết đi với chính mình thì lối sống cũ của chúng ta sẽ bị phát vãng vào quá khứ, và như Thánh Phao-lô hồi đó, chúng ta bước vào một hình thức mới của cuộc hiện sinh và của sự hiệp thông. Và rồi, cùng với Thánh Phao-lô, chúng ta sẽ có thể nói: „Cái cũ đã qua“ (2Cor 5,17). Việc ngước nhìn lại quá khứ sẽ là điều rất có lợi chúng ta cũng như là điều vô cùng cần thiết để thanh luyện ký ức. Nhưng khăng khăng bám vào quá khứ, bằng cách là người ta bấu bám vào nó để nghĩ tới sự bất công đã phải nhận lãnh và gánh chịu, cũng như để kết án theo những tiêu chuẩn thuần nhân loại, thì người ta sẽ có thể trở nên bại liệt cũng như sẽ có thể bị ngăn cản trước việc sống trong hiện tại. Lời Chúa khích lệ chúng ta hãy kín múc sức mạnh từ niềm cảm nghĩ để nhớ lại những điều tốt lành mà chúng ta đã lãnh nhận từ Chúa. Nhưng điều đó cũng đòi hỏi chúng ta phải đặt quá khứ lại đàng sau mình để đi theo Chúa Giê-su trong thời đại hôm nay, cũng như sống một sự sống mới trong Ngài. Chúng ta hãy để cho Đấng làm cho tất cả mọi sự nên mới (xc. Kh 21,5) hướng chúng ta vào một tương lai mới, đó là tương lai mở ra cho niềm hy vọng, tương lai không lừa dối – tức tương lai mà trong đó những bất hòa sẽ có thể được vượt thắng, và các tín hữu, được canh tân trong Tình Yêu, sẽ được hiệp nhất với nhau một cách hoàn toàn và rõ ràng.

Trong năm nay, trong khi chúng ta tiến lên con đường hiệp nhất, chúng ta đang tưởng nhớ cách đặc biệt tới ngày kỷ niệm 500 năm cuộc Cải Tổ của người Thệ Phản. Việc những người Công giáo và những người thuộc Giáo hội Lu-ther hôm nay có thể cùng tưởng nhớ một biến cố mà nó đã chia rẽ các Ki-tô hữu, và họ cùng thực hiện việc đó trong niềm hy vọng tràn đầy, bằng cách là họ đặt trung tâm điểm lên Chúa Giê-su và lên công việc hòa giải của Ngài, đó là một mục tiêu quan trọng mà người ta đã đạt được nhờ vào Thiên Chúa và nhờ vào sự cầu nguyện trong tinh thần thân hữu đối với nhau cũng như trong tinh thần đối thoại Đại Kết suốt 50 năm qua.

Trong khi tôi cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn giao hòa với Ngài cũng như ban ơn giao hòa giữa chúng ta với nhau, tôi xin hướng lời chào huynh đệ và nồng nhiệt của tôi tới các vị đại diện của Đức Thượng Phụ Đại Kết – Đức Tổng Giám Mục đáng kính Gennadios -, tới vị đại diện cá nhân của Đức Tổng Giám Mục Canterbur – Ngài đáng kính David Moxon -, và tới tất cả các vị đại diện của các Giáo hội khác nhau, cũng như của các cộng đoàn Giáo hội mà họ đã quy tụ về đây. Với niềm vui đặc biệt, tôi xin kính chào các thành viên của Ủy Ban Hỗn Hợp phụ trách việc đối thoại Thần Học giữa Giáo hội Công giáo với các Giáo hội Đông Phương cổ kính. Tôi xin cầu chúc cho phiên họp toàn thể của quý vị mà nó đang diễn ra trong những ngày này, trở thành một công việc mang đến nhiều hoa trái. Tôi cũng xin kính chào các sinh viên của Ecumenical Institute of Bossey (Học Viện Đại Kết Bossey) mà họ đang viếng thăm Rô-ma (sáng nay tôi đã nhìn thấy họ), để đào sâu thêm sự hiểu biết của mình về Giáo hội Công giáo, cũng như các Ki-tô hữu trẻ thuộc các Giáo hội Chính thống đang theo học tại Rô-ma nhờ vào những học bổng của Ủy Ban phụ trách việc cộng tác văn hóa với các Giáo hội Chính thống – đó là một Ủy Ban hoạt động trong Hội Đồng phục trách việc thúc đẩy sự hiệp nhất các Ki-tô hữu. Tôi xin bày tỏ niềm kính trọng và niềm biết ơn của tôi đối với các vị lãnh đạo cũng như với tất cả các thành viên của cơ quan này.

Anh chị em thân mến, lời cầu nguyện của chúng ta cho sự hiệp nhất các Ki-tô hữu chính là một sự tham dự vào lời cầu nguyện mà Chúa Giê-su đã hướng lên Chúa Cha trước khi Ngài bước vào cuộc khổ hình: „Xin cho tất cả nên một“ (Ga 17,21). Chúng ta đừng bao giờ trở nên mệt mỏi trong việc cầu xin Thiên Chúa ban cho ơn đó. Trong niềm trông cậy kiên nhẫn và hoàn toàn tin tưởng rằng, Thiên Chúa Cha sẽ ban cho tất cả các Ki-tô hữu ơn hiệp nhất hoàn toàn và hữu hình, chúng ta hãy tiến về phía trước trên con đường hòa giải và đối thoại của chúng ta. Ở đây, chứng tá của rất nhiều những anh chị em mà họ đã và đang hiệp nhất trong sự đau khổ vì danh Chúa Giê-su, cả hôm qua lẫn hôm nay, sẽ khích lệ chúng ta. Chúng ta hãy nhận ra bất cứ cơ hội nào mà sự quan phòng của Thiên Chúa giới thiệu cho chúng ta, để cùng cầu nguyện, cùng công bố Tin Mừng, cùng yêu thương và cùng phục vụ - đặc biệt là đối với những người  túng thiếu nghèo hèn và thường bị bỏ rơi nhất.

 

Vương Cung Thánh Đường Thánh Phao-lô ngoại thành,

chiều thứ Tư ngày 25 tháng 01 năm 2017

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2017