Bài Giáo Lý Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung Sáng Thứ Tư Ngày 18.01.2017

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Trong Kinh Thánh, một nhân vật bất thường đã nổi bật lên trong số các vị Ngôn Sứ của dân Israel: Ông là một Ngôn sứ cố gắng lẩn tránh trước tiếng gọi của Thiên Chúa, bằng cách là ông khước từ việc đặt mình vào trong sự phục vụ nhiệm cục cứu độ của Ngài. Đó là Ngôn Sứ Giô-na. Câu chuyện về vị Ngôn Sứ này đã được thuật lại trong một cuốn sách nhỏ chỉ với 4 chương: một dạng dụ ngôn, nhưng dụ ngôn này chứa đựng một Giáo lý lớn, tức Giáo lý về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, Đấng tha thứ luôn luôn.

Giô-na là một Ngôn Sứ „lên đường“ nhưng cũng là một Ngôn Sứ trốn tránh! Ông là một Ngôn Sứ lên đường, là người được Thiên Chúa sai tới „vùng ven“, tới Ninive, để hoán cải cư dân của đại thành phố đó. Nhưng đối với một người Israel như Giô-na thì Ninive là một thực tế đầy nguy hiểm: kẻ thù, kẻ đưa chính Giê-ru-sa-lem vào sự nguy hiểm, và vì thế phải phá hủy nó, và dĩ nhiên không nên được cứu. Bởi vậy, khi Thiên Chúa sai ông đến giảng giải cho thành phố đó, vị Ngôn Sứ, tức kẻ đã biết rất rõ về sự tốt lành của Thiên Chúa cũng như biết rất rõ về mong muốn tha thứ của Ngài, đã cố gắng lẩn tránh trách nhiệm và bỏ trốn.

Trên đường  chạy trốn, vị Ngôn Sứ đã tiếp xúc với một số người ngoại giáo, cụ thể đó là những thủy thủ trên một chiếc tàu mà ông đã bước lên để trốn tránh Thiên Chúa và lẩn trốn khỏi sứ vụ của ông. Ông trốn đi thật xa, vì Ninive nằm tại vùng Irak, trong khi ông lại trốn sang Tây-ban-nha, và ông thực sự bỏ trốn. Và chính thái độ của những người ngoại giáo ấy, và sau này là cư dân Ninive, cho phép chúng ta hôm nay suy tư một điều gì đó về niềm hy vọng mà nó được diễn tả trong lời cầu nguyện khi tận mắt chứng kiến nguy cơ phải chết. Vì trong khi vượt biển, một trận bão lốc bất thình lình kéo tới, và Giô-na đã chui xuống hầm tàu để ngủ. Trái lại, các thủy thủ thì thấy mình bất lực, nên „mỗi người đều kêu cầu Thần Thánh của mình giúp đỡ“: Họ là những người ngoại giáo (Gn 1,5). Viên thuyền trưởng đến đánh thức Giô-na dậy và nói với ông: „Thế này mà ông còn ngủ được à? Hãy dậy và cầu khấn Đức Chúa của ông; biết đâu vị Chúa Thượng này sẽ nghĩ tới chúng ta và nhờ thế chúng ta khỏi bị chết chìm“ (Gn 1,6). Phản ứng của người „ngoại giáo“ này là một phản ứng đúng đắn khi chứng kiến cái chết, khi chứng kiến mối nguy hiểm: vì con người luôn có được một kinh nghiệm hoàn toàn về sự yếu đuối của mình cũng như về nhu cầu được cứu của mình. Sự hãi hùng có tính bản năng trước cái chết biểu lộ sự cần thiết phải đặt niềm hy vọng vào Thiên Chúa của sự sống. „Biết đâu vị Chúa Thượng này sẽ nghĩ tới chúng ta và nhờ thế chúng ta khỏi bị chết chìm“: Đó là những lời của niềm hy vọng, nó trở thành lời cầu nguyện, trở thành lời khẩn cầu trong lúc sợ hãi nhất, mà lời khẩn cầu ấy sẽ xuất hiện trên môi con người khi họ chứng kiến một sự nguy hiểm đến tính mạng. Chúng ta thường rất dễ dàng khước từ lời mời gọi của Thiên Chúa trong những nghịch cảnh, và như thế nó sẽ chỉ còn là một lời cầu nguyện vụ lợi và bất toàn. Nhưng Thiên Chúa biết rất rõ sự yếu đuối của chúng ta, Ngài biết rằng chúng ta nhớ tới Ngài và cầu xin Ngài giúp đỡ, và với một nụ cười nhân hậu của một người Cha, Thiên Chúa sẽ đưa ra một câu trả lời tốt lành.

Khi Giô-na nhận ra trách nhiệm của mình và chấp nhận để mình bị quăng xuống biển hầu cứu những người đồng hành của ông, thì cơn cuồng phong liền biến mất. Sự chết sắp xảy ra đã đưa những người ngoại giáo tới chỗ cầu nguyện, nó đã lưu ý tới chuyện rằng, bất chấp tất cả, vị Ngôn Sứ vẫn sống ơn gọi của mình trong sự phục vụ những người khác và sẵn sàng hy sinh cho họ. Giờ đây, ông dẫn những người sống sót tới sự nhận biết Thiên Chúa chân thật và khiến họ ca tụng Ngài. Các thủy thủ, tức những người đã cầu nguyện khi bị tấn công bởi sự sợ hãi và đã hướng về các thần thánh của họ, giờ đây đã nhìn nhận Thiên Chúa chân thật với lòng kính sợ chân thành. Họ đã dâng của lễ và thực hiện lời khấn nguyền với Ngài. Niềm hy vọng mà nó đã đưa họ tới với sự cầu nguyện để khỏi phải chết, còn tỏ ra quyền năng hơn và sản sinh ra một thực tế mà nó vượt lên trên điều mà họ đã hy vọng. Họ đã không chỉ không phải chết trong trận cuồng phong, nhưng còn mở tâm hồn mình ra cho sự nhận biết một Thiên Chúa chân thật và duy nhất của trời đất.

Sau này, các cư dân của thành phố Ninive cũng cầu nguyện khi tận mắt chứng kiến nguy cơ sắp bị hủy diệt; họ được thúc đẩy bởi niềm hy vọng vào ơn tha thứ của Thiên Chúa. Họ sẽ thực hành việc thống hối, sẽ kêu cầu Chúa và quay trở về với Ngài, bắt đầu từ nhà vua, người – giống như viên thuyền trưởng – trao giọng nói cho niềm hy vọng trong lúc ông nói rằng: „Biết đâu Thiên Chúa sẽ lại hối tiếc về điều đó […] và chúng ta sẽ không phải bị diệt vong“ (Gn 3,9). Ngay cả đối với họ, giống như thủy thủ đoàn trong trận cuồng phong, thực tế đã dẫn tới chân lý rằng, họ đã giới thiệu mình cho tử thần và đã đi ra cách lành lặn. Vì thế, trong Lòng Xót Thương của Thiên Chúa, và đặc biệt hơn nữa là trong ánh sáng của mầu nhiệm Phục Sinh, sự chết còn có thể trở thành „Người anh em sự chết của chúng ta“, cũng như có thể giới thiệu cho Thánh Phan-xi-cô Assisi, cho tất cả mọi người, và cho từng người một trong chúng ta những cơ hội đầy sửng sốt để học biết niềm hy vọng và gặp gỡ Thiên Chúa.

Ước gì Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta hiểu được mối liên kết giữa lời cầu nguyện và niềm hy vọng. Lời cầu nguyện sẽ mang bạn tiến về phía trước trong niềm hy vọng, và khi sự việc càng trở nên đen tối, thì người ta càng cần phải cầu nguyện nhiều hơn! Và niềm hy vọng sẽ nhiều hơn ở đó. Xin cám ơn anh chị em.

Vatican, Đại Sảnh Đường Tiếp Kiến

Sáng thứ Tư ngày 18 tháng 01 năm 2017

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2017