Sự Xấu Hổ Thánh Thiện Sẽ Vượt Thắng Mọi Tham Vọng 

(Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 21.02.2017)

Không ai tránh khỏi cơn cám dỗ luôn muốn nâng mình lên; và điều này cũng được áp dụng cho cả các Giáo sĩ. Nhưng Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta ơn „xấu hổ thánh thiện“, và ơn này có thể vượt thắng được cơn cám dỗ đó. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Ba vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican. Trong mối liên hệ này, Đức Thánh Cha đã nhắc tới đòi hỏi của Chúa Giê-su: Ai muốn làm lớn, hãy phục vụ mọi người.

Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha đã đề cập tới các Bài Đọc trong ngày. Trong Bài Đọc I được trích từ sách Huấn Ca (Hc 2,1-11), tác giả nhắc nhớ rằng, tất cả những ai muốn phụng sự Thiên Chúa đều phải sẵn sàng đón nhận những thử thách. Còn bài Tin Mừng (Mc 9,30-37) thì tường thuật lại việc Chúa Giê-su công bố cho các môn đệ biết, Ngài sẽ phải chết nhưng sẽ lại được phục sinh. Tuy nhiên, các môn đệ „đã không hiểu những lời của Ngài“ và cũng không dám hỏi Ngài vì ngại. „Đó là cơn cám dỗ xúi người ta đừng thực thi sứ mạng ruyền giáo“ – Đức Thánh Cha giải thích. Ngay cả Chúa Giê-su cũng đã bị liên lụy tới những cơn cám dỗ này: trước hết là những cơn cám dỗ của ma quỷ trong sa mạc; sau đó là cơn cám dỗ khi Ngài loan báo về cuộc vượt qua của mình, cơn cám dỗ này được thực hiện bởi Phê-rô – môn đệ của Ngài.

Cơn cám dỗ của sự tham vọng – ngay cả trong chính Giáo hội

Nhưng Tin Mừng còn thuật lại một cơn cám dỗ khác, khi trên đường đi tới Caphanaum, các môn đệ đã tranh luận với nhau về việc ai sẽ là người lớn nhất trong họ. Và khi Chúa Giê-su hỏi họ rằng, họ đã tranh luận với nhau về cái gì, thì họ lặng thinh – vì họ xấu hổ về cuộc tranh luận đê tiện của mình.

Nhưng đó là những con người tốt lành, họ muốn đi theo Chúa, muốn phụng sự Ngài. Nhưng họ không biết rằng, con đường phụng sự Thiên Chúa thì không hề đơn giản chút nào, nó không giống như là việc gia nhập một hiệp hội, một tổ chức từ thiện, nơi người ta làm những điều tốt: Không, nó là một điều chi đó hoàn toàn khác.“ Và trước đó – Đức Thánh Cha giải thích tiếp – các môn đệ đã tỏ ra „rụt rè“. Vì thế mà cơn cám dỗ của sự „thế tục“ đã xuất hiện: „Từ khi có Giáo hội cho tới ngày nay, điều đó đã diễn ra, đang diễn ra, và sẽ còn diễn ra. Chúng ta chỉ cần nghĩ tới những cuộc tranh giành trong các Giáo xứ: ´Tôi muốn làm ông Trương của Hội này, tôi muốn làm bà Quản của đám nghĩa binh kia…, muốn làm chức cao hơn một chút…` ´Ai là người lớn nhất ở đây? Ai là người lớn nhất trong Giáo xứ này? Không, tôi quan trọng hơn người này, người kia, không, người ấy đã làm một cái gì đó…` Đó là một chuỗi tội!

Cũng có cơn cám dỗ xúi người ta nói xấu sau lưng người khác và cố đưa mình lên để có được một chút thăng tiến trong sự nghiệp. Bên cạnh đó còn có nhiều những ví dụ cụ thể khác trong chính hàng Giáo sĩ – Đức Thánh Cha tiết lộ. Ngài luôn luôn mời gọi các Linh mục và Giám mục hãy vượt lên trước với gương lành:

Đôi khi chúng tôi cảm thấy rất ngượng khi nói về chính mình, các Linh mục và các Cha xứ chúng tôi: ´Tôi thích coi xứ này hơn…` Hay những điều tương tự như thế. Đó không phải là con đường của Chúa, nhưng là của sự kênh kiệu, của thế gian.“ Ngay cả các Đức Giám mục cũng bị liên lụy đến những cơn cám dỗ ấy - Đức Thánh Cha cảnh báo: „Điều đó vẫn thường xảy ra: ´Tôi đang ở Giáo phận này, nhưng tôi thấy Giáo phận kia ngon hơn, và tôi vận dụng mọi cách, tôi xin người này hay tác động người kia, tôi thúc người này, tôi xúi người kia, tôi sang số để đến được đó…`´Nhưng Thiên Chúa đang ở đây!`

Sự xấu hổ thánh thiện chính là phương dược chống lại tinh thần thế tục

Việc khát khao trở nên quan trọng hơn sẽ thúc ép chúng ta đi trên con đường thế tục. Vì thế - Đức Thánh Cha nói – chúng ta phải thường xuyên cầu xin Chúa ban cho mình được ơn „biết xấu hổ nếu chúng ta đang ở trong những trạng huống đó“. Chúa Giê-su đã đặt một em bé vào giữa các môn đệ như là một câu trả lời cho những tranh luận của họ, và đảo ngược lô-gích của sự tham vọng: ai muốn làm lớn, người ấy phải trở thành kẻ rốt bét, và phải phục vụ tất cả, Ngài thúc các môn đệ của Ngài lên đường.

Để khép lại những suy tư của mình, Đức Thánh Cha đã xin mọi người cầu nguyện cho Giáo hội, cho „tất cả chúng ta“, để Thiên Chúa bảo vệ chúng ta trước „sự tham vọng, trước tinh thần thế tục, trước cảm nghĩ cho rằng mình quan trọng hơn người khác.“

Ước gì Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta ơn biết xấu hổ, ơn xấu hổ thánh thiện, nếu chúng ta đang ở trong tình trạng đó, nếu chúng ta bị cám dỗ như thế: Nhưng thực tế thì có phải tôi đang ở trong tình trạng như thế không? Nếu tôi nhìn ngắm Thiên Chúa của tôi trên Thánh Giá, thì rồi tôi có còn dám lợi dụng Ngài để leo lên một chút nữa trên con đường công danh và sự nghiệp không? Và có lẽ tôi nên đặt ra cho mình một câu hỏi cuối cùng: ´Lạy Chúa, suốt đời con đã phụng sự Chúa. Con đã luôn luôn là người rốt bét trong suốt cuộc đời. Vậy thì giờ đây nó sẽ là cái gì?` Và Thiên Chúa sẽ nói với chúng ta thế nào? ´Hãy nói về chính con: Con chỉ là đầy tớ vô dụng!`

(theo de.rv 21.02.2017 cs)

Đa-minh Thiệu

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2017