Bài Huấn Dụ của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Đọc Kinh Truyền Tin Chung Trưa Chúa Nhật VII TN A – 19.02.2017: Yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ bách hại mình

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Trong bài Tin Mừng của Chúa Nhật hôm nay (Mt 5,38-48) – một trong những đoạn văn diễn tả cách tốt nhất „cuộc cách mạng“ Ki-tô giáo – Chúa Giê-su đã chỉ ra con đường công chính đích thực nhờ luật Đức Ái. Luật này sẽ vượt thắng luật „mắt đền mắt, răng đền răng“. Quy luật cổ xưa ấy đòi hỏi phải áp dụng các hình phạt tương ứng với những gì mà những kẻ vi phạm Lề Luật đã gây ra: Tử hình đối với kẻ sát nhân, cắt cụt một phần cơ thể đối với kẻ đã gây thương tích cho một ai đó, và cứ thế. Chúa Giê-su không khuyến khích các môn đệ của Ngài phải cam chịu trước điều ác.

Trái lại, Ngài khuyến khích họ hãy phản ứng lại sự ác, nhưng không phải bằng một điều ác khác, mà bằng sự tốt lành. Chỉ bằng cách đó, sợi xích sự ác mới bị bẻ gẫy: một điều ác sẽ dẫn tới một điều ác tiếp theo, và một điều ác tiếp theo sẽ dẫn tới những điều ác khác… Sợi xích sự ác này sẽ bị bẻ gẫy, và mọi sự sẽ thực sự trở nên khác. Thực ra, sự ác là một sự „khuyết phạm“, một sự trống rỗng mà không có sự thiện, và người ta không thể lấp đầy một khoảng không trống rỗng bằng một sự trống rỗng khác, nhưng chỉ bằng một sự „tròn đầy“, tức bằng sự thiện. Sự báo thù sẽ không bao giờ có được giải pháp cho sự xung đột. „Ông đã gây ra cho tôi điều đó, tôi cũng làm lại cho ông điều giống như thế“: điều đó không bao giờ giải quyết được một sự xung đột, và nó cũng không phải là Ki-tô giáo.

Đối với Chúa Giê-su, việc khước từ bạo lực cũng có thể mang theo với mình sự khước từ một quyền chính đáng, và Ngài đưa ra một số ví dụ cho điều đó: bị vả má bên phải thì giơ cả má bên trái ra; bị lấy mất áo trong thì cởi luôn cả áo ngoài, và ai xin thì hãy cho, và đón nhận về cho mình những hy sinh khác (xc. Mt 5,39-42). Nhưng sự khước từ ấy không có nghĩa là, những đòi hỏi của công lý sẽ bị làm ngơ, hay người ta có thể phủ nhận chúng. Không, trái lại, Đức Ái Ki-tô giáo mà nó biểu lộ cách đặc biệt trong Lòng Thương Xót, diễn tả một sự hiện thực hóa cao hơn của công lý. Điều mà Chúa Giê-su muốn dậy chúng ta, chính là một sự biện phân rõ ràng mà chúng ta phải thực hiện giữa công lý và sự báo thù: biện phân giữa công lý và sự báo thù. Báo thù không bao giờ là công lý. Chúng ta được phép đòi hỏi công lý; việc luyện tập đức công lý là bổn phận của chúng ta. Trái lại, chúng ta bị cấm báo thù, và bị cấm khơi lên sự báo thù bằng bất cứ cách nào, cho tới bao lâu điều này vẫn còn là sự diễn tả của sự thù hận và bạo lực. Chúa Giê-su không muốn đề nghị một trật tự dân sự mới, nhưng đúng hơn, Ngài muốn đề nghị một điều răn Đức Ái, mà điều răn này bao hàm cả việc yêu thương những kẻ thù: „Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ bách hại anh em!“ (Mt 5,44). Và đó không phải là chuyện dễ. Lời này không được phép bị hiểu lầm là sự tán thành trước điều ác do kẻ thù gây ra, nhưng là một sự mời gọi để hiểu về một cách nhìn cao hơn, một cách nhìn bao dung hơn, tương tự như cách nhìn của Cha trên trời. Ngài là Đấng – như Chúa Giê-su nói – „làm cho mặt trời mọc lên cho cả kẻ dữ lẫn kẻ lành, và làm cho mưa xuống trên cả người công chính lẫn kẻ bất lương“ (Mt 5,45).

Vì ngay cả kẻ thù cũng là một nhân vị con người, mà nhân vị ấy được sáng tạo nên theo hình ảnh Thiên Chúa, ngay cả khi hình ảnh này đang bị vẩn đục trong hiện tại vì một thái độ bất xứng. Khi chúng ta nói về những „kẻ thù“, chúng ta không được phép nghĩ tới những con người nào đó, mà họ khác chúng ta và ở xa chúng ta; chúng ta cũng nói về chính mình – những kẻ có thể rơi vào một cuộc xung đột với tha nhân của mình, và đôi khi cả với các thành viên trong gia đình mình. Có biết bao nhiêu là sự thù địch trong các gia đình, thật nhiều biết bao! Chúng ta hãy nghĩ tới điều đó. Những kẻ thù cũng là những con người nói xấu chúng ta, những người vu khống và làm điều bất công cho chúng ta. Và thật không hề dễ dàng chút nào trước việc chịu đựng những điều bất công đó. Nhưng chúng ta được kêu gọi hãy đáp lại tất cả những con người đó bằng sự tốt lành mà nó có chiến lược riêng của mình, và được gợi hứng bởi Đức Ái.

Cầu xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta để chúng ta đi theo Chúa Giê-su trên con đường đầy gian truân này, tức con đường thực sự đặt phẩm giá con người vào trung tâm, và cho phép chúng ta sống với tư cách là những người con của Cha trên trời. Ước chi Mẹ sẽ giúp chúng ta, để chúng ta luyện tập trong sự kiên nhẫn, trong đối thoại và trong sự tha thứ, và trở nên những người thợ thủ công của tình hiệp thông, những người thợ thủ công của tình huynh đệ trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, đặc biệt là trong gia đình chúng ta.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô

Trưa Chúa Nhật ngày 19 tháng 02 năm 2017

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2017