Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung Sáng Thứ Tư Ngày 01.03.2017: Mùa Chay là con đường hy vọng

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Hôm nay là thứ Tư Lễ Tro, chúng ta bước vào Mùa Chay trong Năm Phụng Vụ. Và vì chúng ta vừa mới thực hiện một loạt bài Giáo Lý về niềm Hy Vọng Ki-tô giáo, nên hôm nay Cha muốn trình bày về Mùa Chay như là con đường của niềm hy vọng. Trong thực tế, bất cứ lúc nào đi nữa thì cách nhìn này cũng đều hiển nhiên nếu chúng ta nhớ được rằng, trong Giáo hội, Mùa Chay được giới thiệu như là thời gian chuẩn bị cho Đại Lễ Phục Sinh. Vì thế, toàn bộ ý nghĩa của Mùa  bốn mươi ngày này tiếp nhận ánh sáng từ mầu nhiệm phục sinh mà nó được hướng đến. Chúng ta có thể hình dung ra rằng, Đấng Phục Sinh đang mời gọi chúng ta hãy bước ra khỏi bóng tối của mình, và chúng ta hãy lên đường để đến với Ngài, Đấng là ánh sáng. Và Mùa Chay chính là con đường đi đến với Chúa Ki-tô phục sinh; nó là Mùa Thống Hối, và cũng là Mùa Hy Sinh, nhưng không lấy chính mình làm đích điểm, mà đúng hơn, hướng tới việc để cho mình được cùng phục sinh với Chúa Ki-tô, canh tân căn tính của chúng ta với tư cách là những người đã lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy, và như thế, được tái sinh „bởi ơn Trên“, tức bởi Tình Yêu của Thiên Chúa (xc. Ga 3,3). Vì thế, tự bản chất của nó, Mùa Chay chính là Mùa Hy Vọng.

Để hiểu tốt hơn điều này có nghĩa là gì, chúng ta phải liên hệ đến kinh nghiệm nền tảng của cuộc xuất hành, tức cuộc lên đường của dân Israel để đi ra khỏi Ai-cập mà Kinh Thánh đã tường thuật về biến cố ấy trong cuốn sách được gọi là Sách Xuất Hành. Điểm xuất phát chính là kiếp nô lệ tại Ai-cập, sự áp bức và lao động cưỡng bức. Nhưng Thiên Chúa đã không quên Dân Ngài cũng như đã không quên lời hứa của Ngài: Ngài kêu gọi Mô-sê và dẫn đưa dân Israel ra khỏi Ai-cập với cánh tay hùng mạnh, và dẫn đưa họ vượt qua sa mạc để đến với miền đất tự do. Trên con đường từ kiếp nô lệ đến với sự tự do này, Thiên Chúa đã ban Lề Luật cho dân Israel để dậy họ yêu mến Ngài, Thiên Chúa duy nhất, và yêu thương nhau với tư cách là những người anh em. Kinh Thánh chỉ ra rằng, cuộc suốt hành đã diễn ra lâu dài và vất vả. Về mặt biểu tượng, cuộc Xuất Hành kéo dài 40 năm, tức bằng tuổi thọ của một thế hệ: Một thế hệ đang bị cám dỗ tiếc nuối và muốn quay lại Ai-cập, khi tận mắt chứng kiến những thử thách trên đường.

Ngay cả chúng ta cũng biết tới cơn cám dỗ xúi người ta quay lại, tất cả. Nhưng Thiên Chúa vẫn trung thành, và những con người tội nghiệp đã đi tới miền đất hứa dưới sự dẫn dắt của Mô-sê. Toàn bộ con đường này diễn ra trong niềm hy vọng: trong niềm hy vọng đạt tới được đất hứa, và trong ý nghĩa này, nó là một cuộc Xuất Hành, một cuộc lên đường ra khỏi kiếp nô lệ để đi vào sự tự do. Và đối với tất cả chúng ta, 40 ngày này cũng là một cuộc lên đường để đi ra khỏi kiếp nô lệ, đi ra khỏi kiếp tội lỗi, và đến với sự tự do, đi đến cuộc gặp gỡ với Chúa Ki-tô. Mỗi bước đi, mỗi nỗi vất vả, mỗi sự sa ngã và mỗi lần tái đón nhận con đường: tất cả chỉ có một ý nghĩa trong nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa, Đấng muốn cho Dân Ngài được sống và không muốn Dân phải chết, muốn niềm vui cho Dân chứ không muốn sự đau khổ cho họ.

Cuộc Vượt Qua của Chúa Giê-su chính là một cuộc Xuất Hành, mà với nó, Ngài đã mở ra cho chúng ta một con đường để đạt tới được sự sống trong sự viên mãn, đạt tới được sự sống đời đời và hạnh phúc. Để mở ra con đường này, cuộc Vượt Qua này, Chúa Giê-su đã phải tước bỏ vinh quang của Ngài, đã phải hạ mình xuống và vâng phục cho đến chết, cho đến chết trên Thập Giá. Để mở ra cho chúng ta con đường dẫn tới sự sống vĩnh cửu, Ngài đã phải trả giá với toàn bộ Máu Thánh của Ngài, và nhờ Ngài, chúng ta đã được cứu chuộc khỏi kiếp nô lệ tội lỗi. Nhưng điều đó không có nghĩa là Ngài đã làm tất cả, và chúng ta chẳng cần phải làm bất cứ điều gì nữa, và cũng không có nghĩa là Ngài đã đi qua Thập Giá, còn chúng ta thì sẽ „cỡi ngựa để về Thiên Đàng“. Không phải là như vậy. Ơn cứu độ của chúng ta là một quà tặng, nhưng đó là một câu chuyện tình, đòi chúng ta phải nói tiếng „Xin Vâng“, và đòi chúng ta phải tham dự vào với Tình Yêu của Ngài, như Mẹ Maria của chúng ta và theo tất cả sự thánh thiện của Mẹ đã chỉ ra cho chúng ta thấy.

Mùa Chay sống bởi sự năng động này: Chúa Ki-tô đã đi trước chúng ta với cuộc Xuất Hành, và chúng ta đi xuyên qua sa mạc nhờ vào cuộc Vượt Qua của Ngài và theo Ngài. Ngài đã bị cám dỗ cho chúng ta, và Ngài cũng đã thắng vượt cơn cám dỗ cho chúng ta, nhưng chúng ta cũng phải cùng với Ngài, đặt mình trước những cơn cám dỗ và thắng vượt chúng. Ngài ban cho chúng ta nước hằng sống từ Thần Khí Ngài, và nhiệm vụ của chúng ta là đến kín múc và uống từ mạch nước đó, trong các Bí Tích, trong cầu nguyện và trong việc tôn thờ. Ngài là ánh sáng chiến thắng bóng tối, và chúng ta được mời gọi hãy chăm sóc cho những tia sáng mà chúng được ủy thác cho chúng ta trong ngày chúng ta lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy. Trong ý nghĩa này, Mùa Chay chính là dấu chỉ Bí Tích cho sự hoán cải của chúng ta, một „Mùa Hoán cải“ (Sách Lễ Rô-ma, Lời Tổng Nguyện Chúa Nhật I MC); ai đi trên con đường Mùa Chay, người ấy sẽ luôn luôn đi trên con đường hoán cải.

Mùa Chay chính là dấu chỉ Bí Tích cho con đường đi từ kiếp nô lệ đến với sự tự do của chúng ta, mà con đường ấy luôn luôn phải được canh tân. Chắc chắn, đó là một con đường có nhiều đòi hỏi, và đó cũng là điều rất đúng, vì Tình Yêu thì đòi hỏi rất cao, nhưng đó là một con đường tràn đầy hy vọng. Vâng, thậm chí Cha còn nói: Cuộc Xuất Hành của Mùa Chay chính là con đường mà niềm hy vọng được hình thành trên đó. Sự nỗ lực để đi qua sa mạc – tất cả những thử thách, những cơn cám dỗ, những thất vọng, và tất cả những trò gạt gẫm… -, tất cả những điều đó đều giúp chúng ta có được một niềm hy vọng mạnh mẽ và vững chắc, theo gương Đức Trinh Nữ Maria, Đấng vẫn hằng tin tưởng ngay trong bóng tối của sự đau khổ và sự chết của Con mình, và vẫn tiếp tục hy vọng vào sự Phục Sinh của Ngài, vào sự chiến thắng của Tình Yêu Thiên Chúa. Với con tim mở ra cho đường chân trời này, hôm nay chúng ta bước vào Mùa Chay. Trong khi chúng ta cảm thấy mình là thành phần của Dân Thiên Chúa thánh thiện, chúng ta hãy bắt đầu con đường hy vọng này với Tình Yêu.

Quảng trường Thánh Phê-rô

Sáng thứ Tư ngày mồng 01 tháng 03 năm 2017

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2017