Bài Giảng Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Chúa Nhật Lễ Lá 2017

 

Anh chị em thân mến!

Đại Lễ hôm nay có một hương vị kép trong cùng một lúc: ngọt ngào và cay đắng; Đại Lễ này tràn ngập niềm vui và nỗi khổ đau, vì trong Đại Lễ này, chúng ta mừng kính việc Chúa Ki-tô tiến vào Giê-ru-sa-lem, và Ngài đã được các môn đệ tung hô là vua; và đồng thời, trình thuật về cuộc Vượt Qua của Ngài được trình bày một cách long trọng. Vì thế, con tim chúng ta cảm thấy có một sự tương phản rõ ràng, và trong một mức độ nhỏ bé nào đó, cảm thấy điều mà Chúa Giê-su đã phải cảm nhận trong con tim của Ngài vào ngày hôm đó, khi Ngài vui với những người bạn của Ngài và khóc về Giê-ru-sa-lem.

Suốt từ 32 năm nay, khía cạnh vui mừng của Chúa Nhật này đã được phong phú hóa thông qua việc cử hành Ngày Lễ của Giới Trẻ, thông qua Ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Trong năm nay, Ngày Quốc Tế này được cử hành trên bình diện Giáo Phận, nhưng tại quảng trường này, vừa mới đây, Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lại một lần nữa trải qua một khoảnh khắc vô cùng cảm động, và trải qua một viễn tượng rộng lớn khi các bạn trẻ từ Cracow trao lại Thánh Giá cho các bạn trẻ đến từ Panama.

Trước khi rước rá, Bài Tin Mừng (xc. Mt 21,1-11) tường thuật lại cho chúng ta biết, từ núi Cây Dầu, Chúa Giê-su đã cưỡi trên lưng một con lừa non chưa từng có ai cưỡi lên nó; Bài Tin Mừng này cũng nhấn mạnh tới sự hào hứng của các môn đệ đang tháp tùng Thầy giữa sự vui mừng đầy trang trọng; người ta có thể hình dung ra cảnh tượng này giống hệt như cảnh những em nhỏ và những bạn trẻ của thành phố tham gia vào một cuộc thi sắc đẹp với những tiếng reo hò của họ khi được châm ngòi. Chính Chúa Giê-su cũng nhận ra trong sự đón tiếp niềm nở này một sức mạnh không thể cản ngăn và hợp với thánh ý Thiên Chúa, và vì thế Ngài đã đáp lại sự bực tức của những người Pha-ri-siêu: „Tôi bảo cho các ông biết: Nếu họ làm thinh thì sỏi đá cũng sẽ hét lên!“ (Lc 19,40).

Nhưng Chúa Giê-su, Đấng mà theo Kinh Thánh, đang tiến vào thành thánh bằng cách này, không phải là một con người mơ mộng, người gieo rắc những niềm hy vọng sai quấy, không phải là một „Ngôn Sứ tuổi dậy thì“ hay một người khoác lác, hoàn toàn trái lại: Ngài là một Đấng Messias hoàn toàn khiêm nhượng trong hình tượng cụ thể của một người tôi tớ, người tôi trung Thiên Chúa, và người phục vụ con người, người đang đi đến với cuộc Vượt Qua; Ngài là Đấng gánh chịu mọi nỗi khổ đau của nhân loại.

Như vậy, trong khi chúng ta mừng kính Vua của chúng ta, chúng ta cũng hãy nghĩ tới những nỗi khổ đau mà Ngài sẽ phải gánh chịu trong tuần này. Chúng ta hãy nghĩ tới những lời vu khống, những lời phỉ báng, những cạm bẫy, những bất trung, sự bỏ rơi, bản án bất công, những roi đòn và mạo gai,… và sau cùng, nghĩ tới con đường thập giá cho tới khi Ngài bị hành hình trên Thập Giá.

Ngài đã nói điều đó một cách thật rõ ràng với các môn đệ của Ngài: „Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo“ (Mt 16,24). Ngài đã không bao giờ hứa hẹn danh vọng và sự thành công. Các sách Tin Mừng đã nói một cách công khai về quan điểm của mình. Ngài luôn luôn chứng minh cho những người bạn của mình thấy rằng, đó là con đường của Ngài, và cuộc chiến thắng chung cuộc trên sự đau khổ sẽ được thực hiện trên Thập Giá. Điều đó cũng có giá trị đối với chúng ta. Để trung tín bước theo Chúa Giê-su, chúng ta hãy cầu xin cho được ơn thực hiện điều này không phải bằng lời nói, nhưng bằng những hành động, và gánh mang Thập Giá của mình cách kiên nhẫn: không phải để khước từ Thập Giá, hay quăng nó khỏi chúng ta, nhưng đón nhận nó và ngày lại ngày, gánh mang nó với cái nhìn hướng về Ngài.

Và Chúa Giê-su, Đấng đón nhận lời tung hô Hosanna, dẫu rằng Ngài cũng biết rất rõ tiếng thét gào „Hãy đóng đinh nó vào thập giá“ sắp diễn ra với Ngài, không đòi hỏi chúng ta chỉ quan sát Ngài trên những bức họa và trên những bức hình, hay trong những video trên mạng. Không. Ngài đang hiện diện trong rất nhiều những người anh chị em của chúng ta, đó là những người mà hôm nay, vâng hôm nay, họ đang phải gánh chịu những nỗi khổ đau giống như Ngài: Họ đau khổ dưới công việc nô lệ, dưới những tấn thảm kịch gia đình, dưới những bệnh tật… Họ đang phải đau khổ vì chiến tranh và vì sự khủng bố, đau khổ vì mối quan tâm của những kẻ chỉ muốn vận hành vũ khí và làm cho chúng phát nổ. Những người nam và những người nữ bị đánh lừa, đó là những con người bị gây tổn thương trong phẩm giá của họ và „bị vất bỏ“… Chúa Giê-su ở trong họ, trong từng người một trong họ, và với từng dung nhan bị biến dạng, hay với những giọng nói bị bẻ gẫy, Ngài xin cho được nhìn xem, cho được nhận biết, cho được yêu thương. 

Đó không phải là một Chúa Giê-su khác: Đó là chính Đấng đã tiến vào Giê-ru-sa-lem giữa rừng lá cọ và cành lá Ô-liu. Đó chính là Đấng đã bị đóng đinh trên Thập Giá và phải chết giữa hai tên bất lương. Chúng ta không có Thiên Chúa nào khác ngoài Ngài: Chúa Giê-su, vua khiêm nhượng, vua công chính, vua Lòng Thương Xót và vua bình an.

Quảng trường Thánh Phê-rô

Chúa Nhật Lễ Lá ngày mồng 09 tháng 04 năm 2017

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2017