Bài Giáo Lý Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung Sáng Thứ Tư Ngày 22.03.2017: (Rm 15,1.6)

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngỳ tốt đẹp!

Suốt từ một số tuần nay, Thánh Phao-lô Tông Đồ đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn về niềm hy vọng Ki-tô giáo hệ tại ở chỗ nào. Còn chúng ta thì đã nói rằng, niềm hy vọng không phải là chủ nghĩa lạc quan, nhưng là một điều gì đó khác. Và Thánh Tông Đồ đã giúp chúng ta hiểu rõ điều đó. Hôm nay Ngài thực hiện cho chúng ta điều này, bằng cách là Ngài đặt hai thái độ của niềm hy vọng về một phía, mà hai thái độ đó vô cùng quan trọng đối với đời sống và kinh nghiệm Đức Tin của chúng ta: sự „kiên nhẫn“ và niềm „ủi an“ (Rm 15,4.5). Trong đoạn thư gửi tín hữu Rô-ma (Rm 15,1-6) mà chúng ta vừa nghe, hai thái độ đó được nhắc đi nhắc lại tới hai lần: Thứ nhất là trong mối liên hệ tới Kinh Thánh, và thư hai là trong mối liên hệ đến chính Thiên Chúa. Vậy đâu là ý nghĩa thẳm sâu và chân thực nhất của hai thái độ ấy?

Và chúng tỏa chiếu ánh sáng trên thực tại của niềm hy vọng bằng cách nào? Cả hai thái độ này: Kiên nhẫn và ủi an. Người ta cũng có thể miêu tả „sự kiên nhẫn“ như là „sự kiên cường“: nó có khả năng chịu đựng, khả năng vác trên vai, khả năng gánh chịu và trung tín ngay cả khi gánh nặng vô cùng lớn và có vẻ như không thể chịu đựng nổi, và chúng ta bị cám dỗ để kết án một cách tiêu cực và buông xuôi tất cả. Trái lại, „niềm an ủi“ chính là một ơn giúp người ta nhận ra sự hiện diện và nhận ra những hành động đầy nhân hậu của Thiên Chúa trong từng hoàn cảnh, kể cả trong những hoàn cảnh mà hầu như chúng bị đánh dấu bởi sự thất vọng và bởi nỗi khổ đau. Giờ đây, Thánh Phao-lô nhắc nhớ chúng ta rằng, sự kiên nhẫn và niềm ủi an được giới thiệu cho chúng ta một cách đặc biệt bởi „Kinh Thánh“ (Rm 15,4), tức bởi Lời Chúa.

Vì trước hết, Lời Chúa sẽ dẫn chúng ta tới chỗ hướng cái nhìn lên Chúa Giê-su, hiểu biết rõ về Ngài hơn, và trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, càng ngày càng trở nên giống như Ngài. Thứ đến, Lời Chúa mạc khải cho chúng ta biết rằng, Thiên Chúa thực sự là „Thiên Chúa của sự kiên nhẫn và của niềm ủi an“ (Rm 15,5), Đấng luôn luôn trung tín trong Tình Yêu của Ngài đối với chúng ta, Đấng luôn luôn kiên nhẫn trong Tình Yêu của Ngài đối với chúng ta, Đấng không bao giờ biết mỏi mệt trong việc yêu thương chúng ta! Ngài vô cùng kiên nhẫn: Ngài yêu thương chúng ta luôn luôn! Ngài chăm lo cho chúng ta bằng cách là Ngài phủ lên những vết thương của chúng ta sự âu yếm phát xuất từ sự tốt lành và từ Lòng Xót Thương của Ngài, và như thế có nghĩa là Ngài an ủi chúng ta. Ngài cũng không bao giờ biết mệt mỏi trong việc ủi an chúng ta.

Trong mối liên hệ này, người ta cũng sẽ hiểu được điều mà Thánh Tông Đồ đã nói ngay từ đầu: „Bổn phận của chúng ta, những người có Đức Tin vững mạnh, là phải nâng đỡ những người yếu đuối, không có Đức Tin vững mạnh, chứ không phải chiều theo sở thích của mình“ (Rm 15,1). Cụm từ „những người có Đức Tin vững mạnh“ xem ra có vẻ khá ngạo mạn, nhưng trong lô-gích của Tin Mừng thì chúng ta biết rằng, nó không phải là như thế. Đúng hơn, nó là trường hợp ngược lại, vì sức mạnh của chúng ta không đến từ chúng ta, nhưng đến từ Thiên Chúa. Trong cuộc sống của mình, ai có kinh nghiệm về Tình Yêu trung tín của Thiên Chúa và về sự ủi an của Ngài, thì người ấy cũng sẽ ở trong tình trạng, thậm chí là ở trong bổn phận giúp đỡ những người anh chị em yếu đuối, và đón nhận những yếu đuối của họ về cho mình.

Nếu chúng ta gần gũi Thiên Chúa thì chúng ta cũng sẽ có khả năng giúp đỡ những người yếu đuối và những người khổ đau, cũng như có khả năng trao tặng sức mạnh cho họ. Ý nghĩa của nó là như thế. Chúng ta có thể thực hiện điều đó mà không tự mãn, bằng cách là chúng ta coi mình chỉ đơn giản là một chiếc „kênh“ hay một chiếc „máng“ để chuyển tải ân sủng của Thiên Chúa; và như thế, cụ thể là trở thành một „người rắc gieo“ niềm hy vọng. Trở thành những con người gieo rắc niềm hy vọng - đó là điều mà Thiên Chúa đòi hỏi từ chúng ta với sức mạnh và khả năng để an ủi. Và việc rắc gieo niềm hy vọng thì rất quan trọng đối với xã hội chúng ta ngày nay, nhưng việc ấy không hề dễ thực hiện… Hoa trái của lối sống này không phải là một cộng đồng mà trong đó một số người sẽ thuộc về „hạng nhất“, tức những kẻ mạnh, còn một số người khác thì thuộc về „hạng hai“, tức những kẻ yếu kém. Đúng hơn, như Thánh Phao-lô nói, hoa trái ấy hệ tại ở chỗ „làm cho anh em được đồng tâm nhất trí với nhau, như Đức Ki-tô Giê-su đòi hỏi“ (Rm 15,5).

Lời Chúa nuôi dưỡng niềm hy vọng, và niềm hy vọng ấy sẽ dẫn tới sự chia sẻ cho nhau, cũng như dẫn tới sự phục vụ lẫn nhau cách cụ thể. Vì ngay cả đối với những người „vững mạnh“ đi nữa, không sớm thì muộn, những người ấy cũng sẽ có kinh nghiệm về sự yếu đuối, và cũng sẽ cần tới sự an ủi của những người khác; và trong sự yếu đuối, người ta vẫn luôn luôn có thể trao tặng một nụ cười, và có thể giơ cánh tay ra cho những người anh em đau khổ. Một cộng đoàn như thế sẽ trở thành một cộng đoàn „hiệp ý đồng thanh tôn vinh Thiên Chúa“ (Rm 15,6). Tất cả những điều đó sẽ trở nên có thể nếu người ta đặt Chúa Ki-tô và Lời của Ngài vào trung tâm điểm, vì Ngài là „Đấng Oai Hùng“, Ngài chính là Đấng ban tặng sức mạnh cho chúng ta, Đấng ban tặng sự kiên nhẫn cho chúng ta, Đấng ban tặng niềm hy vọng cho chúng ta, Đấng ban niềm ủi an cho chúng ta. Ngài là „người anh đầy sức mạnh“, người anh ấy lo lắng cho từng người một trong chúng ta: Vì tất cả chúng ta đều phải được gánh mang trên đôi vai của vị mục tử tốt lành, và đều cảm thấy mình được bao bọc bởi cái nhìn đầy trìu mến và ân cần của Ngài.

Các bạn thân mến, chúng ta không bao giờ tạ ơn Chúa cho đủ vì hồng ân Lời Ngài, Lời Chúa hiện diện trong Kinh Thánh. Ở đó, Thiên Chúa Cha của Chúa Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta, sẽ mạc khải mình như là „Thiên Chúa của nguồn kiên nhẫn và ủi an“. Và ở đó, chúng ta ý thức rằng, niềm hy vọng của chúng ta không đặt nền tảng trên những khả năng và những sức lực riêng của mình, nhưng trên điểm tựa là chính Thiên Chúa, và trên niềm tín trung của Tình Yêu Ngài, cũng như trên sức mạnh và niềm an ủi của Thiên Chúa. Xin cám ơn anh chị em.

Quảng trường Thánh Phê-rô

Sáng thứ Tư ngày 22 tháng 03 năm 2017

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2017