Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung Sáng Thứ Tư, Ngày 05.04.2017: (1Pr 3,8-17)

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Thư thứ nhất của Thánh Phê-rô Tông Đồ mang một sức mạnh đặc biệt trong mình! Người ta phải đọc tới hai ba lần mới hiểu được sức mạnh đặc biệt đó: Nó có thể trao tặng một niềm an ủi và một niềm bình an lớn, bằng cách là nó làm cho chúng ta cảm thấy rằng, Thiên Chúa luôn luôn ở bên chúng ta và không bao giờ bỏ rơi chúng ta, đặc biệt là trong những khoảnh khắc nguy khốn và khó khăn nhất của cuộc đời chúng ta. Nhưng „điều huyền nhiệm“ của bức thư này, và đặc biệt là trong đoạn văn mà chúng ta vừa nghe (xc. 1Pr 2,8-17), là cái gì? Đó là một câu hỏi rất hay. Cha biết rằng, anh chị em đang cầm cuốn Tân Ước trên tay, vậy anh chị em hãy mở thư thứ nhất của Thánh Phê-rô ra, và hãy đọc bức thứ ấy một cách hoàn toàn chậm rãi để hiểu cho được mầu nhiệm và sức mạnh của bức thư này. Mầu nhiệm của bức thư này là gì?

1.Trong thực tế, mầu nhiệm nằm ở chỗ là, tác phẩm Kinh Thánh này có gốc rễ của nó trực tiếp từ biến cố Phục Sinh, từ trong con tim của mầu nhiệm mà chúng ta sắp sửa cử hành, và mầu nhiệm ấy cho phép chúng ta hoàn toàn cảm nhận được ánh sáng và niềm vui mà chúng phát sinh từ sự chết và sự phục sinh của Chúa Ki-tô. Chúa Ki-tô đã sống lại thật, và đó là một lời chào tuyệt diệu mà chúng ta có thể trao cho nhau nhân ngày Đại Lễ Phục Sinh – „Chúa Ki-tô đã sống lại! Chúa Ki-tô đã phục sinh!“ – như nhiều dân tộc vẫn làm điều đó. Chúng ta phải nhớ rằng, Chúa Ki-tô đã phục sinh, Ngài đang sống giữa chúng ta, Ngài đang sống và đang cư ngụ nơi từng người một trong chúng ta. Vì thế, với một sự nhấn mạnh, Thánh Phê-rô đã mời gọi chúng ta hãy coi Chúa Ki-tô là thánh trong lòng chúng ta (xc. 1Pr 3,15). Trong khoảnh khắc chúng ta lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy, Chúa Ki-tô đã chọn nơi đó làm nơi cư ngụ của Ngài, và từ đó, Ngài canh tân chúng ta, cũng như sẽ tiếp tục canh tân cuộc sống chúng ta, bằng cách là Ngài lấp đầy chúng ta với Tình Yêu của Ngài và với việc đổ tràn Thánh Thần.

Vì thế, Thánh Phê-rô đã nhắc chúng ta hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của chúng ta (xc. 1Pr 3,16): Niềm hy vọng của chúng ta không phải là một khái niệm, nó không phải là một cảm giác, không phải là chiếc điện thoại di động, cũng không phải là một đống tài sản. Niềm hy vọng của chúng ta là một ngôi vị, ngôi vị ấy là chính Chúa Giê-su, Đấng mà chúng ta nhận ra Ngài đang sống và đang hiện diện trong chúng ta và trong những người anh chị em của chúng ta, vì Chúa Ki-tô đã phục sinh. Khi những dân tộc vùng Sla-vơ chào nhau, thì vào những ngày trong Mùa Phục Sinh, họ không nói „chào buổi sáng“ hay „chào buổi chiều“, nhưng họ chào nhau với cụm từ: „Chúa Ki-tô đã sống lại! – Christus voskrese!“ Họ nói với nhau như thế và họ rất vui khi nói với nhau như thế! Và đó là lời chào ban ngày hay ban chiều mà họ chúc cho nhau: „Chúa Ki-tô đã phục sinh!

2.Và như thế, chúng ta hiểu rằng, người ta không nên trả lời cho những ai chất vấn về niềm hy vọng này bằng những lời nói mang tính lý thuyết, nhưng trước tiên là bằng chứng tá cuộc sống, và thực ra, cả trong cộng đoàn Ki-tô giáo lẫn bên ngoài cộng đoàn ấy. Nếu Chúa Ki-tô đang sống và đang cư ngụ trong chúng ta, trong lòng chúng ta, thì chúng ta cũng phải để cho Ngài trở nên hữu hình, không được phép cất giấu Ngài, nhưng phải để cho Ngài hoạt động trong chúng ta. Điều đó có nghĩa là, càng ngày Chúa Giê-su càng phải trở nên mẫu gương cho chúng ta, càng ngày càng phải trở nên mẫu gương cho cuộc sống chúng ta, và chúng ta phải học để hành động giống như Ngài đã hành động; để thực hiện điều mà chính Chúa Giê-su đã thực hiện. Vì thế, niềm hy vọng mà nó đang cư ngụ trong chúng ta, không được phép bị cất giấu trong chúng ta, không được phép bị cất giấu trong lòng chúng ta: nếu bị cất giấu thì đó sẽ là một niềm hy vọng yếu ớt, niềm hy vọng ấy không có can đảm để đi ra và để cho mình được nhìn thấy. Trái lại, niềm hy vọng của chúng ta – như Thánh Phê-rô trích dẫn từ Thánh Vịnh 34 – phải trở nên rõ ràng, và cần thiết phải được toát ra bên ngoài, cũng như phải đón nhận những hình thức thức quý báu và không thể lầm lẫn của sự tốt lành, của sự kính trọng cũng như của sự hảo tâm đối với tha nhân, và thậm chí còn phải tha thứ cho tất cả những ai đã làm điều ác cho chúng ta. Một người nào đó không có niềm hy vọng thì đó là người không thể tha thứ, không thể trao tặng niềm an ủi của sự tha thứ, và cũng không thể sở hữu niềm an ủi khi tha thứ. Vâng, vì Chúa Giê-su đã làm điều đó, và Ngài vẫn đang tiếp tục làm điều đó xuyên qua những con người mà họ sẵn sàng tạo ra cho Ngài một không gian trong lòng và trong cuộc sống của họ, trong niềm ý thức rằng, người ta sẽ không vượt thắng được sự ác bằng chính sự ác, nhưng bằng sự khiêm nhường, bằng Lòng Xót Thương và bằng sự tốt lành. Những tên Mafia nghĩ rằng, người ta có thể vượt thắng sự ác bằng chính sự ác, và vì thế chúng ra sức trả thù và làm nhiều việc mà tất cả chúng ta đều biết. Nhựng chúng không biết sự khiêm nhượng, Lòng Xót Thương và sự tốt lành là gì. Tại sao vậy? Thưa, tại vì bọn Mafia không có niềm hy vọng. Anh chị em hãy suy nghĩ kỹ về điều đó.

3.Vì thế, Thánh Phê-rô nói: „Thà chịu khổ vì làm việc lành […] còn hơn là vì làm điều ác“ (1Pr 3,17): Điều đó không có nghĩa là, làm điều tốt để đau khổ, nhưng là – nếu chúng ta phải đau khổ vì điều tốt, thì chúng ta sẽ ở trong sự hiệp thông với Thiên Chúa, Đấng đã đón nhận những đau khổ về cho mình, để chịu đau khổ vì ơn cứu độ của chúng ta, và bị đóng đinh vào Thập Giá. Vì thế, khi chúng ta nhận lấy sự đau khổ về cho mình trong những trạng huống cả to lẫn nhỏ của cuộc đời chúng ta, để chịu đau khổ vì sự thiện, thì điều đó có nghĩa là chúng ta đang rắc gieo chung quanh mình những hạt giống của sự phục sinh, những hạt giống sự sống, và làm cho ánh sáng phục sinh tỏa chiếu trong đêm tối. Vì thế, Thánh Tông Đồ đã mời gọi chúng ta, hãy luôn luôn chúc phúc như là một câu trả lời (xc. 1Pr 3,9): Sự chúc phúc không phải là một nghi thức, nó cũng không phải chỉ là một biểu hiệu của sự lịch sự, nhưng là một đại quà tặng mà chúng ta đã đón nhận với tư cách là những người đầu tiên, và chúng ta có thể chia sẻ quà tặng đó cho những người anh chị em. Đó là sự công bố Tình Yêu Thiên Chúa, một Tình Yêu không mức độ, Tình Yêu ấy không bao giờ bị múc cạn, không bao giờ bị vơi đi, và là nền tảng đích thực của niềm hy vọng nơi chúng ta.

Các bạn thân mến, chúng ta cũng phải hiểu tại sao Thánh Phê-rô Tông Đồ lại mô tả chúng ta là „có phúc“ khi chúng ta phải chịu đau khổ vì sự công chính (xc. 1Pr 3,14). Điều đó không phải chỉ vì một lý do luân lý hay khổ hạnh, nhưng vì chúng ta luôn luôn tha thứ và chúc phúc khi chúng ta đặt mình về phía những người cùng rốt và về phía những người bị loại trừ, hay khi chúng ta không lấy sự ác để đáp lại sự ác, nhưng là tha thứ mà không hề có chuyện báo thù – vì chúng ta luôn luôn chiếu sáng với tư cách là những dấu chỉ sống động và ngời sáng của niềm hy vọng, và như thế, trở nên những khí cụ của niềm ủi an và của sự bình an, theo con tim của Thiên Chúa, khi chúng ta thực hiện điều đó. Và như thế chúng ta hãy tiến về phía trước với sự dịu hiền, với sự tốt lành, và với sự đáng yêu, và cũng hãy làm điều tốt lành cho cả những người không yêu thương chúng ta nữa, hay những người chỉ làm điều ác cho chúng ta mà thôi. Chúng ta hãy cùng tiến về phía trước!

Quảng trường Thánh Phê-rô

Sáng thứ Tư ngày mồng 05 tháng 04 năm 2017

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2017