Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung Sáng Thứ Tư, 21.06.2017: Ơn gọi nên Thánh

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Trong ngày chúng ta được lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy, ơn gọi nên thánh được vang lên cho chúng ta. Trong khoảnh khắc đó, nhiều người trong chúng ta vẫn đang là một em bé được cha mẹ bồng trên tay. Ngay trước khi xức dầu dự tòng, biểu tượng của sức mạnh Thiên Chúa trong cuộc chiến chống lại sự ác, Linh Mục đã mời gọi toàn thể cộng đoàn hãy cầu nguyện cho tất cả những người đang chuẩn bị lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy, và Kinh Cầu Các Thánh được xướng lên. Lúc đó, lần đầu tiên trong đời chúng ta, sự hiệp thông với những người anh, người chị „lớn hơn“ – tức các Thánh, những người đã đi trên chính con đường mà chúng ta sẽ đi, cũng như đã nếm trải những điều cực khổ giống hệt như chúng ta, và giờ đây đang sống trong vòng tay của Thiên Chúa cho đến muôn đời – đã được ban cho chúng ta. Thư gửi tín hữu Do-thái đã mô tả sự hiệp thông xung quanh chúng ta ấy bằng sự diễn đạt như sau: „Đám mây nhân chứng“ (Dt 12,1). Các Thánh là như thế: một đám mây nhân chứng.

Các Ki-tô hữu sẽ không được tuyệt vọng trong cuộc chiến chống lại sự ác. Ki-tô giáo đề cao một niềm tín thác không hề suy xuyển: Ki-tô Giáo không tin rằng, những sức mạnh tiêu cực và phân rã sẽ có thể chiến thắng. Sự hận thù, cái chết và chiến tranh sẽ không có lời cuối cùng trên lịch sử con người. Trong từng khoảnh khắc cuộc sống, cánh tay của Thiên Chúa luôn giúp chúng ta, cũng như sự hiện diện riêng biệt của tất cả các tín hữu, „mà họ đã đi trước chúng ta, được ghi dấu Đức Tin“ (Kinh Nguyện Thánh Thể I), cũng luôn giúp chúng ta. Sự hiện diện của họ nói với chúng ta trước tiên rằng, đời sống Ki-tô giáo không phải là một lý tưởng không thể đạt tới được. Và đồng thời, sự hiện diện ấy an ủi chúng ta: Chúng ta không hề cô đơn, Giáo hội phát sinh từ vô vàn những người anh chị em thường là vô danh, đã đi trước chúng ta, và nhờ vào tác động của Chúa Thánh Thần, đang hiệp thông với cuộc sống của những người vẫn còn lưu lại trên trái đất này.

Ơn gọi nên thánh nơi Bí Tích Thanh Tẩy không phải là ơn gọi duy nhất đánh dấu con đường của đời sống Ki-tô giáo. Khi chàng rể và cô dâu thánh hiến cuộc sống của họ trong Bí Tích Hôn Nhân, thì Kinh Cầu Các Thánh lại được cất lên để cầu cho họ - với tư cách là cặp vợ chồng. Và ơn gọi này chính là nguồn cội của sự tín thác đối với cả hai người trẻ mà họ đang đi trên cuộc „hành trình“ thiêng liêng. Ai yêu thương thực sự, người ấy sẽ mong muốn và có can đảm để nói: „vĩnh viễn“ – „vĩnh viễn“ -, nhưng người ấy biết rằng, mình cần tới ân sủng của Chúa Ki-tô và ơn trợ giúp của các Thánh, để có thể sống đời sống hôn nhân cách vĩnh viễn. Không như một số người nói: „Cho tới bao lâu còn giữ được Tình Yêu“. Không: vĩnh viễn! Nếu không, tốt nhất, bạn đừng kết hôn. Hoặc là vĩnh viễn, hoặc là không bao giờ cả. Vì thế, trong Phụng Vụ Hôn Phối, sự hiện diện của các Thánh sẽ được kêu cầu. Và trong những khoảnh khắc khó khăn, người ta phải có can đảm để hướng cặp mắt lên trời và nghĩ tới những Ki-tô hữu mà họ đã bước qua tình trạng đại tuyệt vọng nhưng vẫn giữ cho chiếc áo Rửa Tội được tinh trắng cũng như đã giặt nó trong máu Con Chiên (xc. Kh 7,14).   

Đó là điều được nói trong sách Khải Huyền. Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta: luôn luôn khi chúng ta cần tới Ngài, một trong các Thiên Thần của Ngài sẽ đến để tái nâng chúng ta đứng dậy, cũng như tái ban niềm an ủi cho chúng ta. Đôi khi „những vị Thiên Thần“ này lại có một khuôn mặt và một con tim nhân loại, vì các Thánh của Thiên Chúa vẫn luôn luôn sống âm thầm ở đây, giữa chúng ta. Thật khó để hiểu và cũng thật khó để hình dung ra chuyện đó, nhưng các Thánh luôn luôn hiện diện trong cuộc sống chúng ta. Nếu như một ai đó kêu cầu một vị Thánh nam hay một vị Thánh nữ thì cũng chỉ vì các Ngài luôn gần gũi chúng ta. Các Linh mục cũng duy trì ký ức về việc cầu xin các Thánh mà việc kêu cầu ấy được thực hiện cho các Ngài. Đó là một khoảnh khắc cảm động đặc biệt của Phụng Vụ phong chức. Các ứng viên nằm sấp mặt xuống đất. Và toàn thể cộng đoàn, dưới sự điều khiển của Giám mục, sẽ xướng Kinh Cầu Các Thánh. Khi người ta bị trấn áp bởi gánh nặng của sứ vụ mà nó được ủy thác cho họ, nhưng người ta sẽ nghe thấy rằng, toàn thể Thiên Đàng đang đứng phía sau họ, ân sủng của Thiên Chúa sẽ không thiếu, vì Chúa Giê-su luôn luôn trung tín, thì rồi người ta sẽ có thể trở nên bình an và được củng cố ngay lập tức. Chúng ta không hề đơn độc.

Thiên Chúa ban cho tất cả chúng ta niềm hy vọng nên Thánh. Nhưng một ai đó trong anh chị em có thể hỏi Cha: „Thưa Cha, người ta có nên Thánh trong cuộc sống hằng ngày được không?“ Thưa được, người ta có thể. „Nhưng điều đó có có nghĩa là chúng ta phải cầu nguyện suốt ngày không ạ?“ Không, điều đó có nghĩa là bạn phải thực thi bổn phận của bạn trọn cả ngày: cầu nguyện, làm việc và chăm sóc con cái. Nhưng người ta phải làm tất cả với một con tim mở ra cho Thiên Chúa, để công việc, ngay cả trong lúc yếu đau, bệnh tật, lẫn trong những lúc khó khăn, đều mở ra cho Thiên Chúa. Và người ta sẽ có thể nên thánh như thế. Thiên Chúa ban cho chúng ta niềm hy vọng nên thánh. Chúng ta không được phép nghĩ rằng, việc trở thành một kẻ bất lương thì khó hơn việc trở nên một vị Thánh, và cũng không được phép nghĩ rằng, việc trở thành một kẻ bất lương thì dễ hơn việc trở thành một vị Thánh. Không. Người ta có thể nên thánh, vì Thiên Chúa giúp chúng ta; Ngài là Đấng giúp chúng ta.

Đó là tặng phẩm cao quý mà mỗi người trong chúng ta đều có thể thực hiện cho thế giới. Cầu xin Chúa ban cho chúng ta ơn biết tin tưởng vào Ngài cách thâm sâu, đến độ chúng ta có thể trở thành họa ảnh của Chúa Ki-tô đối với thế giới này. Lịch sử của chúng ta cần tới những „nhà huyền bí“: đó là những con người biết khước từ bất cứ sự lên mặt nào để dậy đời, nhưng khao khát thực hành Đức Ái đối với tha nhân cũng như thực hành tình huynh đệ. Đó là những người nam và những người nữ đang đón nhận một số lớn những nỗi khổ đau trong cuộc đời mình, vì họ đón nhận về cho bản thân mình những nỗi khổ cực của người khác. Nhưng nếu không có những người nam và những người nữ ấy thì thế giới này sẽ không có niềm hy vọng. Vì thế, Cha cầu chúc cho tất cả anh chị em – và Cha cũng cầu chúc cho chính Cha nữa – luôn được Thiên Chúa ban cho niềm hy vọng nên thánh. Xin cám ơn anh chị em.

Quảng trường Thánh Phê-rô

Sáng thứ Tư ngày 21 tháng 06 năm 2017

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2017