Bài Giảng Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Thánh Lễ Mừng Ngày Quốc Tế Vì Người Nghèo: „Tất cả chúng ta đều là những người hành khất

 

Anh chị em thân mến!

Chúng ta vui mừng chia sẻ lương thực Lời Chúa và sau đó là bẻ và lãnh nhận bánh Thánh Thể - với tư cách là lương thực cho con đường cuộc sống của chúng ta. Tất cả chúng ta, không trừ một ai, đều cần tới lương thực này, vì tất cả chúng ta đều là những hành khất bắt buộc, những kẻ ăn mày Tình Yêu Thiên Chúa, Đấng ban tặng cho chúng ta ý nghĩa cuộc sống và một sự sống không cùng. Vì thế chúng ta hãy giơ đôi bàn tay của mình ra cho Ngài để đón nhận ân sủng của Ngài.

Dụ ngôn trong Tin Mừng cũng nói về ân sủng. Dụ ngôn ấy nói cho chúng ta biết rằng, chúng ta là những người lãnh nhận các ân ban mà Thiên Chúa ban cho „từng người tùy theo khả năng của mình“ (Mt 25,15). Trước hết chúng ta hãy coi xem: chúng ta có những năng lực mà trong cặp mắt của Thiên Chúa, chúng ta là những người „có tài“. Vì thế, không ai được phép coi mình là người vô dụng, không ai được phép nói mình là người quá nghèo đến độ không thể trao tặng người khác bất cứ điều chi. Chúng ta được Thiên Chúa tuyển chọn và chúc phúc. Ngài muốn chất đầy chúng ta với ân sủng của Ngài, bất cứ người cha hay người mẹ nào cũng đều muốn thực hiện điều đó cho con cái mình. Và Thiên Chúa, Đấng không đánh mất người con nào trước mắt, đã ủy thác cho mỗi người một sứ mạng.

Trong thực tế, với tư cách là một người Cha đầy yêu thương, mà người Cha đó chính là Ngài, Ngài ủy thác cho chúng ta một trách vụ. Trong dụ ngôn, chúng ta thấy rằng, các nén vàng được ủy thác cho từng người đầy tớ một, để người ấy nhân rộng những nén vàng đó lên. Nhưng trong khi hai đầy tớ đầu tiên đã thực hiện sứ mạng đó, thì người đầy tớ thứ ba lại không làm cho nén vàng của mình được sinh lời; ông chỉ trao lại cái mà ông đã lãnh nhận: „Vì tôi sợ“ – ông nói, „nên tôi đã chôn nén vàng của Ngài xuống đất. Đây, của Ngài xin trả lại cho Ngài“ (Mt 25,25). Người đầy tớ này đã gặt hái được một bản án khắc nghiệt cho điều đó, ông bị coi là xấu xa và biếng nhác (xc. Mt 25,26). Nhưng điều gì nơi ông đã khiến Thiên Chúa không hài lòng? Với một lời mà có lẽ hôm nay nó không còn hợp thời nữa, nhưng lại rất thực tế, và Cha xin phép để nói: sự sơ suất. Sự xấu xa ở nơi ông chính là việc ông đã không làm điều tốt. Ngay cả chúng ta cũng thường nghĩ rằng, chúng ta chẳng làm gì xấu xa cả, và chúng ta cho phép mình được hài lòng về điều đó. Chúng ta nghĩ rằng, mình là những người tốt và công chính. Nhưng như thế thì chúng ta đang có nguy cơ hành động giống hệt như tên đầy tớ xấu xa ấy: anh ta cũng đã không làm điều gì xấu xa cả, anh ta cũng đã không đánh mất nén vàng được trao, thậm chí, anh ta còn giữ gìn nó cách rất cẩn mật đến độ chôn nó xuống đất. Nhưng, không làm bất cứ điều gì xấu thì cũng vẫn chưa đủ. Vì Thiên Chúa không phải là một kiểm soát viên, Ngài không truy nã những chiếc vé không được đóng dấu, nhưng Ngài là một người Cha lên đường tìm kiếm những đứa con mà Ngài có thể ủy thác cho chúng những gia sản và những kế hoạch của Ngài (xc. Mt 25,14). Và đó là điều thật đáng buồn khi người Cha đầy yêu thương ấy không nhận được những lời đáp trả quảng đại xuất phát từ Tình Yêu của những đứa con, và những đứa con ấy chỉ giới hạn vào việc chu toàn Lề Luật, thực thi những giới răn, giống như muôn vàn những tên đầy tớ khác trong nhà Cha (xc. Lc 15,17).

Tên đầy tớ xấu xa đã giữ nén vàng bên mình một cách đầy ghen tuông, và vì thế đã không hài lòng với việc bảo quản nó, mặc dù người chủ của ông, tức người đã ủy thác nén vàng đó cho ông, rất yêu thích việc phân phát những gia tài cũng như thích làm cho nó tăng thêm nhiều. Nhưng ai chỉ lưu tâm tới việc bảo tồn một cái gì đó và nhận lãnh những điều quý giá của quá khứ, thì người ấy không trung tín với Thiên Chúa. Đúng hơn, dụ ngôn nói với chúng ta rằng, người nào thực sự „trung tín“ (Mt 25,21.23), thì người ấy sẽ nhận được những nén vàng mới, vì người ấy có một tâm tính giống như Thiên Chúa, và không ngồi ì ra đó: vì Tình Yêu, nên người đó dám mạo hiểm về một điều gì đó, người ấy mạo hiểm vì người khác, người ấy không thỏa mãn với việc giữ cho tất cả được đúng y như chúng là. Người ấy chỉ không thực hiện một điều: thói tư lợi. Đó là sự khinh suất duy nhất đúng luật.

Sự sơ suất cũng là một trọng tội đối với những người nghèo. Trong trường hợp này, người ta gọi nó là sự thờ ơ lãnh đạm. Nó hệ tại ở chỗ nói rằng: „Điều đó không liên quan gì tới tôi, nó không phải là bổn phận của tôi, đó là lỗi của xã hội.“ Nó hệ tại ở chỗ ngoảnh mặt đi chỗ khác khi chứng kiến một người anh chị em đang gặp cảnh khốn khó, nó hệ tại ở chỗ đổi kênh truyền hình ngay khi kênh đang được xem xuất hiện một đề tài nào đó rất nghiêm túc, hay cũng hệ tại ở chỗ tỏ ra phẫn nộ trước những điều ác nhưng không làm bất cứ điều chi để chống lại. Tuy nhiên, Thiên Chúa sẽ không hỏi chúng ta dù chỉ một lần rằng, liệu chúng ta có tỏ ra phẫn nộ về điều đó hay không, nhưng Ngài sẽ hỏi chúng ta rằng, liệu chúng ta có làm điều tốt hay không.

Vậy chúng ta có thể làm cho Thiên Chúa được hài lòng một cách cụ thể như thế nào? Nếu người ta muốn làm cho người mình yêu được hài lòng chẳng hạn như trong khi người tặng người ấy một món quà, thì trước tiên người ta phải biết được sở thích của người ấy, để cuối cùng món quà đó sẽ không làm cho người biếu được hài lòng hơn người nhận. Như vậy, nếu chúng ta muốn mời Thiên Chúa thưởng thức một điều gì đó, thì chúng ta phải thấy được điều mà Ngài thích trong Tin Mừng. Ngay sau đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe hôm nay, Ngài sẽ nói: „Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những người anh chị em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta“ (Mt 25,40). Những người anh chị em nhỏ bé nhất được Ngài ưu tiên ấy chính là những người đói khát, các bệnh nhân, những người ngoại kiều, các tù nhân, những người nghèo, những người bị bỏ rơi, những người đau khổ không được trợ giúp, và những người bị khước từ những nhu cầu cần thiết nhất. Chúng ta có thể hình dung ra dung nhan của Ngài được khắc ghi trên những khuôn mặt của họ, chúng ta có thể nghe thấy được những lời của Ngài trên đôi môi của họ, ngay cả khi những cặp môi đó phải khép lại vì đau khổ: Đây „là mình Ta“ (Mt 26,26). Trong những người nghèo, Chúa Giê-su đói khát Tình Yêu của chúng ta đang gõ vào cánh cửa lòng chúng ta. Nếu chúng ta chiến thắng được tính thờ ơ lãnh đạm, và nhân danh Chúa Giê-su, trao hiến bản thân mình cho những người anh chị em của Ngài, thì chúng ta sẽ trở thành những người bạn tốt lành và trung tín của Ngài, tức những người mà Ngài thích lưu lại bên họ. Thiên Chúa rất quý trọng điều đó, Ngài quý trọng thái độ đó, tức thái độ mà chúng ta đã nghe trong Bài Đọc I, đó là thái độ của người „phụ nữ đôn hậu“, người „đã mở đôi tay mình ra cho những kẻ túng thiếu nghèo hèn, cũng như chìa cánh tay mình ra cho những người nghèo khổ“ (xc. Sp 31,10.20). Đó là sự đôn hậu thực sự: không phải những bàn tay khép lại và những cánh tay khoanh tròn, nhưng là những đôi tay hăng hái, tức những đôi tay chìa ra cho những người nghèo, và do đó cũng chìa ra cho những vết thương của Chúa.

Ở đó, sự hiện diện của Chúa Giê-su biểu lộ trong những người nghèo. Ngài là Đấng giầu sang, nhưng vì chúng ta, đã trở nên nghèo hèn (xc. 2Cor 8,9). Vì thế, một „sức mạnh cứu độ“ nằm ngay trong họ, trong sự yếu nhược của họ. Và ngay cả khi trong cặp mắt thế gian, họ không đáng để được nhìn, thì họ cũng vẫn là những người mở cho chúng ta con đường dẫn tới Thiên Đàng, họ chính là „giấy thông hành của chúng ta để vào Thiên Đàng“. Việc đón nhận họ chính là một bổn phận đối với chúng ta chiếu theo Tin Mừng. Họ chính là sự giầu sang thực sự của chúng ta – và đó không chỉ là việc chúng ta trao cho họ bánh ăn, nhưng cũng còn là việc chúng ta chia sẻ lương thực Lời Chúa với họ nữa, bởi họ chính là những người lãnh nhận Lương Thực Lời Chúa cách đương nhiên nhất. Việc yêu thương những người nghèo có nghĩa là chiến đấu chống lại tất cả mọi thứ nghèo túng, chống lại cả những nỗi túng thiếu xét về mặt tinh thần lẫn những túng thiếu về mặt thể chất.

Và điều đó cũng sẽ đem đến rất nhiều ích lợi cho chúng ta. Việc gần gũi những người nghèo hèn hơn chúng ta, sẽ làm cho đời sống chúng ta trở nên không vô tâm. Chúng ta hãy nghĩ tới những điều thực sự đáng kể: yêu mến Thiên Chúa và thương yêu tha nhân. Chỉ có điều đó mới tồn tại mãi mãi, còn những điều khác sẽ bị qua đi, và vì thế, chỉ có điều mà chúng ta thực hiện trong Tình Yêu, mới tồn tại mãi mãi. Hôm nay chúng ta có thể tự hỏi: „Trong cuộc sống của mình, điều gì là điều đáng kể nhất đối với tôi? Tôi thực hiện điều đó ở đâu?“ Trong sự giầu sang mà nó sẽ qua đi, và về nó, thế giới không bao giờ có thể đủ, hay trong sự giầu sang của Thiên Chúa, Đấng ban tặng sự sống vĩnh cửu? Chúng ta đang đứng trước quyết định này: sống để có được nhiều thứ trên mặt đất này, hay cho đi để được hưởng phúc Thiên Đàng. Vì đối với Thiên Đàng, những gì người ta có đều không đáng kể, nhưng chỉ những gì người ta cho đi, mới đáng kể. „Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giầu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế“ (Lc 12,21). Vì vậy, chúng ta đừng tìm kiếm sự giầu có cho mình, nhưng hãy mưu cầu hạnh phúc cho người khác, thì rồi chúng ta sẽ có đầy đủ tất cả những gì giá trị nhất. Ước gì Thiên Chúa, Đấng chạnh lòng thương trước sự nghèo hèn của chúng ta, và trang bị cho chúng ta với những nén vàng của Ngài, sẽ ban cho chúng ta sự khôn ngoan để tìm kiếm những gì đáng kể, và có đủ can đảm để không yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng bằng hành động.

 

Đền Thờ Thánh Phê-rô ngày 19 tháng 11 năm 2017

Nhân dịp Ngày Quốc Tế Vì Người Nghèo

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cistchuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2017