Bài Giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong Thánh Lễ Kính Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, 08.04.2018

 

Anh chị em thân mến!

Trong bài Tin Mừng hôm nay, động từ „thấy“ được lập đi lập lại nhiều lần: „Các môn đệ vui mừng vì được nhìn thấy Chúa“ (Ga 20,20); sau đó các ông nói với Thomas: „Chúng tôi đã thấy Chúa“ (c. 25). Nhưng Tin Mừng đã không mô tả về chuyện họ đã thấy Ngài như thế nào, cũng chẳng mô tả gì về Đấng Phục Sinh cả, nhưng chỉ đề cao một chi tiết: Ngài „chỉ cho các ông thấy cánh tay và cạnh sườn mình“ (c. 20). Điều đó có vẻ như muốn nói với chúng ta rằng, các môn đệ đã tái nhận ra Chúa Giê-su nhờ vào những vết thương của Ngài. Điều tương tự cũng đã diễn ra nơi Thomas: Ông cũng muốn thấy „các dấu đinh nơi bàn tay Ngài“ (c. 25), rồi sau đó ông đã thấy, và ông tin (c. 27).

Chúng ta vẫn phải cám ơn Thánh Thomas, bất chấp chuyện Ngài thiếu lòng tin, vì Ngài đã không lấy làm đủ khi chỉ được nghe những người khác nói rằng, Chúa Giê-su đang sống, mà không hề được nhìn thấy Ngài trong máu thịt, nhưng muốn nhìn sâu vào trong những vết thương của Ngài, muốn được dùng tay để động chạm tới những dấu chỉ Tình Yêu của Ngài. Tin Mừng gọi Thánh Thomas là „Didymus“ (c. 24), có nghĩa là đứa trẻ sinh đôi, và qua đó, Ngài thực sự trở thành người anh em song sinh của chúng ta. Vì ngay cả chúng ta cũng không lấy làm đủ khi chỉ biết rằng có Thiên Chúa: một Thiên Chúa phục sinh nhưng xa cách thì không làm cho cuộc sống chúng ta được thỏa mãn; một Thiên Chúa xa cách, Đấng chỉ muốn sự công chính và thánh thiện, thì sẽ không cuốn hút chúng ta. Không, chúng ta chỉ lấy làm đủ khi được „nhìn thấy Thiên Chúa“, và nhận thức được với đôi bàn tay rằng, Ngài đã phục sinh cho chúng ta.

Làm sao chúng ta có thể thấy được Ngài? Giống như các môn đệ: nhờ vào các vết thương của Ngài. Trong khi chúng ta nhìn ngắm các vết thương đó, chúng ta sẽ hiểu được rằng, Ngài yêu thương và tha thứ cho họ mà không hề có chuyện đùa cợt, ngay cả khi trong số họ cũng có những con người đã từng chối bay chối biến Ngài, đã từng bỏ rơi Ngài. Bước vào trong những vết thương của Ngài có nghĩa là, chiêm ngưỡng Tình Yêu vô hạn của Ngài, mà Tình Yêu đó phát sinh từ con tim của Ngài. Nó có nghĩa là hiểu rằng, con tim của Ngài đang đập cho tôi, cho bạn và cho mỗi người chúng ta. Anh chị em thân mến, chúng ta có thể coi mình là các Ki-tô hữu và tự gọi mình như thế, chúng ta có thể nói về rất nhiều những giá trị tuyệt vời của Đức Tin, nhưng giống như các môn đệ, chúng ta chỉ lấy làm đủ khi được thấy Chúa Giê-su, bằng cách là chúng ta đụng chạm tới Tình Yêu của Ngài. Để được như thế, chúng ta chỉ cần đi tới trung tâm của Đức Tin, và rồi sẽ như các môn đệ, chúng ta sẽ thấy được sự bình an và niềm vui (cc. 19-20), mà chúng mạnh mẽ hơn bất cứ nỗi nghi nan nào.

Sau khi Thomas đã nhìn thấy các vết thương, ông đã thốt lên: „Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi!“ (c. 28). Cha muốn mọi người lưu tâm tới đại từ: của tôi. Đó là một đại từ sở hữu, và có vẻ như - nếu chúng ta suy tư về điều đó – không mấy thích hợp trong mối liên hệ với Thiên Chúa: Chẳng lẽ Thiên Chúa lại có thể là của tôi sao? Tôi có thể làm cho Đấng Quyền Năng trở thành của tôi sao? Nếu chúng ta nói rằng, đó là của tôi, thì trong thực tế, chúng ta không làm mất thể diện của Thiên Chúa, nhưng chúng ta lại tôn vinh Lòng Xót Thương của Ngài, vì thực ra, Ngài muốn „trở thành của chúng ta“. Và như trong một câu chuyện tình, chúng ta nói với Ngài: „Chúa đã trở thành người cho con, Chúa đã chết và đã phục sinh cho con, và vì thế, Chúa không chỉ là Thiên Chúa – nhưng Chúa còn là Thiên Chúa của con nữa, Chúa là sự sống của con. Trong Chúa, con đã thấy được Tình Yêu mà con hằng kiếm tìm, và còn nhiều hơn tất cả những gì mà con có thể hình dung ra được!

Thiên Chúa không coi việc trở thành „của chúng ta“ là một sự xúc phạm, vì Tình Yêu đòi hỏi niềm tin tưởng, Lòng Xót Thương cần tới sự tín thác. Ngay lời mở đầu của Thập Giới, Thiên Chúa đã nói: „Ta là Chúa, Thiên Chúa của ngươi“ (Xh 20,2), và khẳng định: „Vì Ta là Chúa, Thiên Chúa của ngươi, Thiên Chúa hay ghen“ (c. 5). Đó là sự giới thiệu của Thiên Chúa, Ngài giới thiệu mình là một kẻ si tình đầy ghen tương, Đấng giới thiệu mình là Thiên Chúa của ngươi. Và câu trả lời đã đến từ con tim được gây phấn chấn của Thomas: „Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi!“. Nếu hôm nay chúng ta xuyên qua những vết thương để bước vào trong mầu nhiệm Thiên Chúa, thì chúng ta sẽ hiểu được rằng, Lòng Thương Xót không phải là một trong những đặc tính của Ngài, nhưng là chính nhịp tim của Ngài. Vì thế, giống như Thomas, chúng ta đừng sống với tư cách là những người môn đệ bất trắc, đạo đức nhưng lại phân vân; chúng ta trở thành những người thực sự được yêu trong Thiên Chúa.

Chúng ta có thể cảm nhận Tình Yêu đó như thế nào, ngày hôm nay chúng ta có thể đụng tay vào Lòng Thương Xót của Chúa Giê-su như thế nào? Tin Mừng tái đặt điều đó lại gần chúng ta khi Tin Mừng nhấn mạnh rằng, vào buổi chiều của chính ngày Phục Sinh (xc. c. 19), Chúa Giê-su – Đấng vừa phục Sinh – đã trao ban Thánh Thần với tư cách là điều trước tiên, để tha thứ tội lỗi. Để trải nghiệm Tình Yêu, ở đây người ta phải: để cho mình được tha thứ. Nhưng việc đi xưng tội có vẻ như rất khó. Chúng ta luôn bị cám dỗ muốn đối xử với Thiên Chúa giống hệt như các môn đệ trong Tin Mừng: núp đàng sau những cánh cửa khóa kín. Họ làm như thế vì sợ hãi, và chúng ta cũng sợ, cũng cảm thấy xấu hổ khi mở bản thân mình ra cũng như khi nói về tội lỗi của mình. Ước gì Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn để hiểu được sự xấu hổ và không bao giờ coi nó như là một cánh cửa khóa kín, nhưng là bước đầu tiên của sự gặp gỡ. Nếu chúng ta cảm thấy xấu hổ, chúng ta phải có lòng biết ơn: Thực ra nó có nghĩa là chúng ta không chấp nhận cái ác, và đó là điều tốt. Sự xấu hổ chính là một lời mời gọi kín đáo của tâm hồn người đang cần tới Thiên Chúa để thắng vượt sự ác. Bi kịch nằm ở chỗ là người ta không còn biết xấu hổ gì nữa. Chúng ta đừng sợ khi cảm thấy xấu hổ! Hãy vượt qua sự xấu hổ để đi tới với ơn tha thứ!

Trái lại, có một cánh cửa khép kín đối với ơn tha thứ của Thiên Chúa, đó là sự thất vọng. Các môn đệ đã trải qua điều đó. Ngay trong ngày Phục Sinh, họ đã xác định một cách cay đắng rằng, tất cả lại trở về như cũ: ở đó, tại Giê-ru-sa-lem, họ còn bị thất vọng nữa; „mục nói về Chúa Giê-su“ coi như chấm dứt, và sau một thời gian dài ở với Ngài, giờ đây cũng chẳng có gì thay đổi cả. Chúng ta cũng có thể nghĩ: „Tôi là một Ki-tô hữu từ rất lâu rồi, nhưng chẳng có gì thay đổi cả, tôi luôn tái phạm những tội lỗi như trước.“ Và rồi, vì thất vọng, chúng ta sẽ khước từ Lòng Thương Xót. Nhưng Thiên Chúa sẽ đặt ra cho chúng ta một vấn nạn: „Con có tin rằng, Lòng Thương Xót của Ta lớn hơn nỗi khốn cùng của con không? Con lại tái phạm sao? Vậy thì hãy tái kêu cầu Lòng Thương Xót và rồi chúng ta sẽ thấy, ai sẽ chiến thắng!“ Và sau đó – ai biết tới Bí Tích thứ tha, người ấy sẽ biết rằng, sẽ là điều không đúng nếu nói tất cả đều vẫn như cũ. Mỗi lần được ơn tha thứ, chúng ta đều được củng cố, được khích lệ, vì cứ mỗi lần như thế, chúng ta lại cảm thấy mình được yêu hơn. Và nếu chúng ta lại tái sa ngã với tư cách là người được yêu, thì chúng ta sẽ cảm thấy đau khổ nhiều hơn trước kia. Đó là một sự đau khổ bổ ích, vì nó sẽ dần dần tách chúng ta ra khỏi tội lỗi. Sau đó chúng ta sẽ khám phá ra rằng, sức mạnh của cuộc sống nằm ở chỗ đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa và tiếp tục bước đi từ sự tha thứ tới sự thứ tha.

 

Sau sự xấu hổ và thất vọng, còn có một cánh cửa khép kín khác, mà đôi khi nó là một cánh cửa của một pháo đài: tội lỗi của chúng ta. Nếu tôi phạm một tội trọng, nhưng tôi lại không muốn được tha thứ trong tất cả sự chân thành, thì tại sao Thiên Chúa phải làm như thế? Nhưng cánh cửa ấy chỉ bị cài chặt ở một phía, tức phía chúng ta; đối với Thiên Chúa thì đó không bao giờ là điều không thể vượt qua được. Ngài thích bước vào „trong những cánh cửa khép kín“, như Tin Mừng cho chúng ta biết, nếu như bất cứ lối đi nào cũng bị khóa chặt. Thiên Chúa sẽ thực hiện những điều kỳ diệu ở đó. Ngài không bao giờ quyết định tách chúng ta ra khỏi Ngài – nhưng chúng ta lại là người để Ngài ở ngoài. Tuy nhiên, nếu chúng ta xưng tội, thì điều vĩ đại sẽ diễn ra: chúng ta sẽ khám phá ra rằng, ngay cả những tội lỗi mà chúng gạt chúng ta ra xa Thiên Chúa, cũng sẽ trở thành một cơ hội để gặp gỡ Ngài. Ở đó, Thiên Chúa – Đấng bị gây kinh ngạc bởi Tình Yêu – sẽ đến với những vết thương của chúng ta. Và Ngài làm cho những vết thương tội nghiệp của chúng ta nên giống như những vết thương vinh hiển của Ngài. Vì Ngài chính là Lòng Xót Thương, và sẽ thực hiện các phép lạ trong sự khốn cùng của chúng ta. Như Thánh Thomas, hôm nay chúng ta hãy xin cho được ơn nhận ra Thiên Chúa của chúng ta: tìm thấy niềm vui của mình trong sự tha thứ của Ngài; tìm thấy niềm hy vọng của mình trong Lòng Xót Thương của Ngài.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô

Sáng Chúa Nhật II PS - Kính Lòng Thương Xót của Thiên Chúa

Ngày mồng 08 tháng 04 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cistchuyển ngữ

 

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2018