Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung, Sáng Thứ Tư, 28.03.2018

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh anh chị em một ngày tốt đẹp!

Hôm nay Cha muốn dành thời gian để chiêm ngưỡng Tam Nhật Vượt Qua sẽ được bắt đầu từ ngày mai, để đào sâu hơn một chút hầu hiểu cho được những ngày quan trọng nhất ấy của Lịch Phụng Vụ có ý nghĩa gì đối với các tín hữu chúng ta. Cha muốn đặt ra cho anh chị em một câu hỏi. Đại Lễ quan trọng nhất của Đức Tin chúng ta là Đại Lễ nào: Giáng Sinh hay Phục Sinh? Thưa, Phục Sinh, vì Đại Lễ này là Đại Lễ của ơn cứu độ chúng ta, Đại Lễ của Tình Yêu Thiên Chúa đối với chúng ta, Đại Lễ mừng kính cuộc khổ hình và phục sinh của Ngài. Và vì thế, Cha muốn cùng với anh chị em suy tư về Đại Lễ này và về những ngày này, tức những ngày phục sinh, cho tới cuộc phục sinh của Chúa. Những ngày này chính là sự tưởng nhớ của Phụng Vụ về một biến cố vĩ đại và duy nhất: Sự chết và sự phục sinh của Chúa Giê-su. Tam Nhật Thánh bắt đầu từ ngày mai, với Thánh Lễ Tiệc Ly, và sẽ kết thúc với Kinh Chiều của Chúa Nhật Phục Sinh.

Và rồi Phụng Vụ còn dành ra thêm một ngày nữa để cử hành Đại Lễ này, đó là ngày Thứ Hai Phục Sinh. Nhưng ngày này còn có một ý nghĩa nữa: Ngày Lễ của gia đình, ngày Lễ của sự hiệp thông. Tam Nhật Vượt Qua đánh dấu những chặng đường căn bản của Đức Tin chúng ta cũng như ơn gọi của chúng ta trên dương thế, và tất cả các Ki-tô hữu đều được kêu gọi sống Tam Nhật Thánh – thứ Năm, thứ Sáu, thứ Bảy, và tất nhiên cả ngày Chúa Nhật nữa, nhưng ngày thứ Bảy đã là ngày Phục Sinh rồi -, mà có thể nói được rằng, Tam Nhật Thánh chính là „mẫu gương“ cho đời sống cá nhân của các Ki-tô hữu cũng như cho đời sống cộng đoàn của họ, giống như những người anh chị em Do-thái giáo của chúng ta đã sống cuộc xuất hành để đi ra khỏi Ai-cập. Ba ngày này tái đặt trước mắt dân Ki-tô giáo một sự kiện lớn của ơn cứu độ mà Chúa Ki-tô đã thực hiện, và đặt Dân vào đường chân trời mà Thiên Chúa đã quan phòng cho họ trong tương lai, cũng như làm cho Dân được nỗ lực hơn nữa trong việc làm chứng cho Ngài giữa lịch sử.

Vào buổi sáng ngày Phục Sinh, Ca Tiếp Liên – một khúc ca ngợi khen hay một dạng Thánh Vịnh -, bà ca ấy tái xuyên suốt những chặng đường đã trải qua trong Tam Nhật Thánh, sẽ cho phép chúng ta nghe lại lời công bố Phục Sinh một cách trang trọng. Nội dung của nó như sau: “Thiên Chúa, niềm hy vọng của tôi, Ngài đang sống, và Ngài sẽ tới Galiêa trước anh em.” Đó là lời đại công bố: Chúa Ki-tô đã phục sinh. Và nơi nhiều dân tộc trên thế giới, đặc biệt tại Đông Âu, trong những ngày Phục Sinh này, họ không chào nhau rằng: “Chúc một ngày tốt đẹp”, “chúc một buổi chiều tối tốt đẹp” – nhưng chào nhau rằng: “Chúa Ki-tô đã phục sinh” để diễn tả một lời chào trang trọng của mùa Phục Sinh. “Chúa Ki-tô đã phục sinh”. Trong những lời này – “Chúa Ki-tô đã phục sinh” – Tam Nhật Thánh sẽ thấy được cao điểm của mình. Những lời ấy không chỉ chứa đựng một lời công bố niềm vui và niềm hy vọng, nhưng cũng còn chứa đựng một lời mời gọi mang trách nhiệm và sứ vụ. Và Tam Nhật Thánh sẽ không kết thúc với chiếc bánh Phục Sinh, với những trái trứng và với những bữa tiệc – ngay cả khi điều đó rất tốt đẹp, vì đó là Đại Lễ của gia đình – Nhưng Tam Nhật Thánh sẽ không kết thúc như thế. Từ đó sẽ bắt đầu con đường truyền giáo, con đường công bố: Chúa Ki-tô đã phục sinh. Và lời công bố mà Tam Nhật Thánh dẫn tới bằng cách làm cho chúng trở nên rộng mở để đón nhận nó, chính là cao điểm của Đức Tin và của niềm hy vọng nơi chúng ta, và là điểm cốt lõi, nó là sự công bố, - một từ ngữ rất khó, nhưng nói lên tất cả - đó là từ  Kerygma, từ ngữ này nói lên rằng, Giáo hội không ngừng được Tin Mừng Hóa, và về phía mình, Giáo hội được sai đi để loan báo Tin Mừng.

Thánh Phao-lô đã tóm tắt sự kiện Phục Sinh bằng những lời như sau: “Với tư cách là chiên Vượt Qua của chúng ta, Chúa Ki-tô đã bị sát tế” (1Cr 5,7). Ngài đã bị sát tế. Vì thế - Thánh Phao-lô nói tiếp: “Cái cũ đã qua, và kìa, cái mới đang đến” (2Cor 5,17). Đang đến, đang được tái sinh. Và vì thế người ta ban Bí Tích Thanh Tẩy cho các Tân Tòng vào đầu Mùa Phục Sinh. Ngay trong Đêm Phục Sinh này Cha cũng sẽ ban Bí Tích Thanh Tẩy cho 8 người lớn tại Đền Thờ Thánh Phê-rô đây, họ sẽ bắt đầu cuộc sống Ki-tô giáo. Và tất cả sẽ bắt đầu, vì họ sẽ được tái sinh. Và với một công thức tóm gọn tiếp theo, Thánh Phao-lô nói về Chúa Ki-tô: “Vì tội lỗi chúng ta, Chúa Ki-tô đã được hiến tế, và để làm cho chúng ta được công chính hóa, Ngài đã phục sinh” (Rm 4,25). Đấng Duy Nhất, Đấng Duy Nhất làm cho chúng ta được nên công chính: Đấng Duy Nhất làm cho chúng ta được tái sinh, đó là Chúa Giê-su Ki-tô. Không có bất cứ ai khác. Và người ta không phải thanh toán bất cứ điều gì cho việc được nên công chính, vì để được công chính hóa, đó là điều nhưng không. Và đó là sự vĩ đại của Tình Yêu Chúa Giê-su: Ngài trao hiến mạng sống một cách nhưng không để thánh hóa chúng ta, để canh tân chúng ta và để tha thứ cho chúng ta. Và đó chính là điểm cốt lõi của Tam Nhật phục sinh. Trong Tam Nhật phục sinh, sự tưởng nhớ biến cố nền tảng này trong sự viên mãn hoàn toàn sẽ trở thành đại Lễ của niềm biết ơn. Đồng thời, Đại Lễ ấy cũng canh tân nơi những người đã lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy niềm ý thức về tình trạng mới của họ mà Thánh Phao-lô Tông Đồ đã diễn tả như sau: “Giờ đây anh em đã được chỗi dậy cùng với Chúa Ki-tô, […] nên anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới!” (Col 3,1-2). Nhìn lên cao, nhìn về đường chân trời, mở rộng những đường chân trời: Đó là Đức Tin của chúng ta, đó là sự công chính hóa của chúng ta, đó là tình trạng ân sủng của chúng ta! Vì nhờ vào Bí Tích Thanh Tẩy, chúng ta đã cùng được phục sinh với Chúa Ki-tô, và chúng ta đã chết đi cho những điều và những cách nghĩ của thế gian. Chúng ta đã được tái sinh với tư cách là những thụ tạo mới: Một thực tế mà nó phải trở nên kiếp sống cụ thể mỗi ngày.

Nếu một Ki-tô hữu thực sự để cho mình được thanh tẩy bởi Chúa Ki-tô, nếu họ thực sự để cho Chúa Ki-tô tước bỏ con người cũ của mình để bước vào một cuộc sống mới, dẫu rằng người ấy vẫn là một tội nhân – vì tất cả chúng ta đều là những tội nhân -, thì người ấy sẽ không thể bị hư hỏng nữa. Ơn công chính hóa của Chúa Giê-su sẽ cứu chúng ta thoát khỏi sự hư hỏng, chúng ta là những tội nhân nhưng không bị hư hỏng; người ấy sẽ không thể sống với sự chết trong tâm hồn được nữa, và cũng không thể là nguyên cớ cho sự chết được nữa. Và ở đây, Cha phải nói về một điều gì đó hết sức đau buồn… Có những Ki-tô hữu sai quấy: đó là những người nói rằng: “Chúa Ki-tô đã phục sinh”, “tôi được nên công chính nhờ Chúa Ki-tô”, tôi đang ở trong cuộc sống mới, nhưng tôi cũng đang sống một cuộc đời hư hỏng. Và những Ki-tô hữu sai quấy ấy sẽ đón nhận một kết thúc tồi tệ. Người Ki-tô hữu – Cha xin lập lại – là một tội nhân, vì tất cả chúng ta đều là những tội nhân, Cha cũng là một tội nhân -, nhưng chúng ta có niềm xác tín rằng, Thiên Chúa sẽ tha thứ cho chúng ta nếu chúng ta cầu xin ơn tha thứ. Người hư hỏng làm như thể họ là một con người đáng kính, nhưng cuối cùng trong tâm hồn họ lại là sự hư thối. Chúa Giê-su ban tặng cho chúng ta một cuộc sống mới. Người Ki-tô hữu không thể sống với sự chết trong tâm hồn, và người ấy cũng không thể trở thành nguyên cớ cho sự chết nữa. Chúng ta hãy nhớ - để không đi quá xa – khi về nhà chúng ta hãy nghĩ, chúng ta hãy nghĩ tới những kẻ được gọi là “những Ki-tô hữu Mafia”. Họ không có bất cứ điều gì là Ki-tô giáo cả: Họ tự gọi mình là những Ki-tô hữu, nhưng họ lại mang sự chết trong tâm hồn và mang sự chết đến cho người khác. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ để Thiên Chúa có thể đụng chạm tới tâm hồn họ. Tha nhân, đặc biệt là những người cùng rốt và những người khổ đau, sẽ trở thành một khuôn mặt cụ thể mà người ta cần phải trao cho họ Tình Yêu mà Chúa Ki-tô đã ban cho chúng ta. Và thế giới sẽ trở thành một không gian cho cuộc sống mới của chúng ta với tư cách là những người phục sinh. Chúng ta đã được phục sinh cùng với Chúa Ki-tô: đứng thẳng, với cái đầu ngẩng cao. Và chúng ta có thể chia sẻ sự khổ nhục với những người mà hôm nay họ vẫn còn ở trong sự chết, trong sự đau khổ, trong đêm tối, trong nỗi khốn cùng và trong sự cô đơn như Chúa Giê-su, để nhờ Ngài và với Ngài, trở thành những khí cụ của ơn cứu độ và của niềm hy vọng, trở nên những dấu chỉ của sự sống và sự phục sinh. Tại nhiều quốc gia – tại nước Ý này và cũng tại quê của Cha nữa – có một tập tục như sau: vào ngày Phục Sinh, khi người ta nghe thấy tiếng chuông, thì những người mẹ và những cụ bà sẽ mang những em nhỏ đi rửa mặt, và rửa cho các em với nước sự sống, với tư cách là những dấu chỉ để có thể thấy được những điều của Chúa Giê-su, những điều mới mẻ. Vào ngày Đại Lễ Phục Sinh tới đây, chúng ta hãy để cho tâm hồn mình được rửa sạch, hãy để cho con mắt tâm hồn được rửa sạch, để thấy được những điều tuyệt vời cũng như để thực hiện những điều tuyệt vời. Và đó là một phép lạ! Đó là sự phục sinh của Chúa Giê-su sau khi Ngài đã chết, và cái chết của Ngài chính là giá để cứu độ tất cả chúng ta.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy sẵn sàng để cử hành Tam Nhật Thánh mà giờ đây đang đến gần – Ba ngày này sẽ bắt đầu từ ngày mai, để càng ngày càng được dìm sâu vào trong mầu nhiệm của Chúa Ki-tô, Đấng đã chết và đã phục sinh cho chúng ta. Đức Trinh Nữ Rất Thánh Maria sẽ đồng hành với chúng ta trên con đường này, Mẹ chính là Người đã đi theo Chúa Giê-su trong cuộc khổ hình của Ngài – Mẹ đã ở đó, đã chứng kiến, đã chịu khổ đau – Mẹ đã hiện diện và đã hiệp nhất với Ngài dưới chân Thập Giá, nhưng Mẹ không xấu hổ vì Con của mình. Đó là một người Mẹ không bao giờ xấu hổ về Con của mình! Mẹ đã ở đó, và trong tâm hồn từ mẫu của mình, đã đón nhận niềm vui khôn cùng của sự phục sinh. Xin Mẹ giành cho chúng ta ơn được liên kết trong lòng khi cử hành những ngày sắp tới, để tâm hồn và cuộc sống chúng ta có thể được biến đổi thực sự nhờ vào việc cử hành những ngày này.

Với những suy tư mà Cha vừa để lại cho anh chị em, Cha xin cầu chúc tất cả anh Chị em một Đại Lễ Phục Sinh vui mừng và thánh thiện. Cha cũng xin cầu chúc như thế cho các cộng đoàn và các thành viên trong gia đình của anh chị em. Và Cha khuyên anh chị em: vào sáng ngày Lễ Phục Sinh, xin anh chị em hãy mang con của mình tới vòi nước để rửa mặt cho chúng. Đó là một dấu chỉ cho thấy người ta sẽ nhìn thấy Chúa Giê-su phục sinh như thế nào.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô

Sáng thứ Tư ngày 28 tháng 03 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2018