Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung, Sáng Thứ Tư 04.04.2018

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp và Lễ Phục Sinh vui mừng!

Anh chị em thấy hôm nay quảng trường này được trang trí với rất nhiều hoa: Những bông hoa sẽ trao tặng niềm vui và sự hoan hỷ. Tại một số nơi, Đại Lễ Phục Sinh cũng được gọi là „Đại Lễ Phục Sinh trổ bông“, vì Chúa Ki-tô phục sinh đã trổ bông: Ngài chính là bông hoa mới; ơn công chính hóa dành cho chúng ta đã trổ bông; sự thánh thiện của Giáo hội đã trổ bông. Vì thế mà có rất nhiều bông hoa: đó là niềm vui của chúng ta. Chúng ta dành cả một tuần để mừng Lễ Phục Sinh, cả một tuần. Do vậy, một lần nữa chúng ta hãy cầu chúc cho nhau, cho tất cả chúng ta „một Đại Lễ Phục Sinh vui mừng“.

Nào, chúng ta hãy cùng nói: „Xin chúc mừng nhân dịp Đại Lễ Phục Sinh“, tất cả nào! [Những người hiện diện hô lên. „Xin chúc mừng nhân dịp Đại Lễ Phục Sinh!“]. Cha cũng muốn chúng ta hãy chúc mừng Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô khả ái nhân ngày Đại Lễ Phục Sinh – vì Ngài nguyên là Giám Mục Rô-ma –; Ngài đang theo dõi chúng ta trên màn hình ti-vi. Nào, giờ đây tất cả chúng ta hãy chúc mừng Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô nhân dịp Đại Lễ Phục Sinh [Mọi người hô lên: „Xin chúc mừng Đức Thánh Cha nhân dịp Đại Lễ Phục Sinh!“]. Và sau đó là một tràng pháo tay thật mạnh. Với bài Giáo Lý hôm nay, chúng ta sẽ chấm dứt loạt bài Giáo Lý về Thánh Lễ. Đó là một sự tưởng nhớ, nhưng không phải chỉ là sự hồi tưởng, bởi người ta cũng còn tái sống cuộc khổ hình và sự phục sinh của Chúa Giê-su. Vào cuối Thánh Lễ, chúng ta sẽ lên Rước Lễ và cầu nguyện sau khi Hiệp Lễ; và sau phần cầu nguyện ấy, Thánh Lễ sẽ kết thúc với Phép Lành được ban bởi Chủ Tế, và việc giải tán Dân Chúa (xc. Nghi thức Tổng Quá, sách Lễ Rô-ma, số 90). Giống như khi bắt đầu với Dấu Thánh Giá nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, thì Thánh Lễ, tức hành vi Phượng Tự, cũng sẽ được chứng thực nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi.

Nhưng chúng ta biết: Khi Thánh Lễ kết thúc, thì sự nỗ lực để làm chứng cho Chúa Ki-tô sẽ bắt đầu. Các Ki-tô hữu không đi Lễ để chu toàn một bổn phận hằng tuần, và rồi sau đó sẽ quên luôn. Không! Các Ki-tô hữu đi Lễ để tham dự vào cuộc khổ hình và sự phục sinh của Chúa Ki-tô, và rồi sau đó sẽ sống với tư cách là những Ki-tô hữu hơn nữa: bắt đầu nỗ lực để làm chứng cho Chúa Ki-tô. Chúng ta rời nhà thờ để „ra đi bình an“, và mang phúc lành của Thiên Chúa vào trong công việc hằng ngày, vào trong những ngôi nhà, những nơi làm việc của chúng ta, cũng như vào trong sự năng động của những thành thị nơi dương thế, và „tôn vinh Thiên Chúa bằng chính cuộc sống chúng ta“. Nhưng nếu ngay sau khi rời Thánh Lễ, chúng ta lại kháo chuyện với nhau rằng: „Xem ông ấy kìa, xem bà ấy kìa…“ như một kẻ đơm điều đặt chuyện, thì có nghĩa là Thánh Thể đã không đi vào lòng chúng ta. Tại sao vậy? Thưa, tại vì tôi không ở trong tình trạng để sống chứng tá Ki-tô giáo. Mỗi lần, khi tôi rời khỏi Thánh Lễ, tôi phải trở nên tốt hơn khi tôi bước vào Thánh Lễ, với nhiều sức sống hơn nữa, với nhiều ước muốn làm chứng cho Chúa Ki-tô hơn nữa.

Qua Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giê-su sẽ ngự giữa chúng ta, trong lòng chúng ta, trong thân xác chúng ta, để chúng ta „trung tín với Bí Tích trong cuộc sống chúng ta“ (xc. Sách Lễ Rô-ma, Lời Tổng Nguyện ngày thứ Hai sau Lễ Phục Sinh). Từ việc cử hành dẫn tới đời sống, trong niềm ý thức rằng, Thánh Lễ sẽ thấy được sự viên mãn trong những quyết định cụ thể của những người để cho cá nhân mình được dìm vào trong mầu nhiệm của Chúa Ki-tô. Chúng ta không được phép quên rằng, chúng ta cử hành Bí Tích Thánh Thể để học trở nên những người nam và những người nữ Thánh Thể. Như thế có nghĩa là gì? Thưa, có nghĩa là, để cho Chúa Ki-tô hoạt động trong những công việc của chúng ta: Những cách nghĩ của Ngài phải trở thành những cách nghĩ của chúng ta, những tình cảm của Ngài phải trở thành những tình cảm của chúng ta, và những quyết định của Ngài cũng phải trở thành những quyết định của chúng ta. Và đó là sự thánh thiện: hành động như Chúa Giê-su hành động, đó là sự thánh thiện Ki-tô giáo. Thánh Phao-lô đã diễn tả điều đó một cách rất tuyệt vời khi Ngài nói về việc Ngài trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô, và Ngài nói rằng: „Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Ki-tô vào Thập Giá. Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong xác phàm, là sống trong niềm tin vào con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng mình vì tôi“ (Gal 2,19-20). Đó là chứng tá Ki-tô giáo. Kinh nghiệm của Thánh Phao-lô cũng soi sáng cho chúng ta: Trong mức độ chúng ta tiêu diệt sự ích kỷ của mình, có nghĩa là để cho sự ích kỷ đó chết đi, bởi nó chống lại Tin Mừng và Tình Yêu của Chúa Giê-su, một không gian lớn hơn cho quyền năng của Chúa Thánh Thần sẽ được tạo nên trong chúng ta.

Các Ki-tô hữu chính là những người nam và những người nữ biết để cho tâm hồn mình được mở rộng nhờ vào quyền năng của Chúa Thánh Thần, sau khi họ đã đón nhận Mình và Máu Chúa Ki-tô. Anh chị em hãy để cho tâm hồn mình được mở rộng! Đừng trở thành những tâm hồn chật hẹp, khép kín, nhỏ nhoi và ích kỷ - xin đừng! Hãy là những tâm hồn rộng mở, vĩ đại với những đường chân trời mênh mông… Hãy để cho tâm hồn mình được mở rộng nhờ vào quyền năng Chúa Thánh Thần, sau khi anh chị em đã lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô. Vì sự hiện diện đích thực của Chúa Ki-tô trong bánh được truyền phép sẽ không kết thúc với Thánh Lễ (xc. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 1374), nên Bí Tích Thánh Thể sẽ được bảo quản trong Nhà Tạm để cho các bệnh nhân được rước Lễ cũng như để các tín hữu có thể âm thầm thờ lạy Thiên Chúa trong Bí Tích Rất Thánh; vì việc chầu Thánh Thể được cử hành ngoài Thánh Lễ, cả trong hình thức riêng tư lẫn trong hình thức công cộng, sẽ giúp chúng ta lưu lại bên Chúa Ki-tô (xc. nt., 1378-1380). Vì thế, hoa trái của Thánh Lễ đã được xác định để trở nên chín muồi trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta có thể nói, trong khi chúng ta sử dụng một hình ảnh nào đó: Thánh Lễ giống như hạt cải, hay hạt lúa miến, được gieo vào lòng đất và lớn lên hằng ngày, sẽ phát triển và đạt tới sự chín muồi trong những công việc tốt lành, trong những thái độ mà chúng làm cho chúng ta trở nên giống Chúa Ki-tô. Hoa trái của Thánh Lễ đã được xác định để trở nên chín muồi trong cuộc sống hằng ngày. Trong thực tế, Bí Tích Thánh Thể sẽ canh tân ân sủng mà Chúa Thánh Thần đã ban cho chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Thêm Xức, để chứng tá Ki-tô giáo của chúng ta trở nên đáng tin, bằng cách là Bí Tích này sẽ giúp đào sâu sự hiệp nhất của chúng ta với Chúa Ki-tô (xc. Nt., 1391-1392).

Bí Tích Thánh Thể còn thực hiện thêm điều gì nữa trong lúc Bí Tích này đốt lên trong lòng chúng ta ngọn lửa Tình Yêu của Thiên Chúa? Thưa, Bí Tích này còn cứu chúng ta khỏi tội lỗi: „Chúng ta càng tham dự vào sự sống của Chúa Ki-tô bao nhiêu, cũng như càng tiến bước trong tình bằng hữu với Ngài bao nhiêu, thì mối nguy chia tách chúng ta ra khỏi Ngài bởi một trọng tội sẽ càng trở nên bé nhỏ hơn“ (nt., 1395). Việc siêng năng tham dự Bí Tích Thánh Thể cách đều đặn sẽ canh tân, củng cố và đào sâu sự hiệp thông với cộng đoàn Ki-tô hữu mà chúng ta thuộc về, theo nguyên tắc: Bí Tích Thánh Thể sẽ xây dựng Giáo hội (xc. nt., 1396), Bí Tích này sẽ hiệp nhất tất cả chúng ta. Sau cùng, việc tham dự Bí Tích Thánh Thể sẽ liên kết chúng ta với người khác, đặc biệt là với những người nghèo, bằng cách là huấn luyện chúng ta để chúng ta đến được với thân xác của những người anh chị em nhờ vào thân mình của Chúa Ki-tô, mà trong những anh chị em đó, Chúa Ki-tô đang mong chờ được chúng ta nhận biết, phục vụ, kính trọng, và yêu thương (xc. nt., 1397). Vì chúng ta mang kho tàng sự hiệp nhất với Chúa Ki-tô trong những chiếc bình sành dễ vỡ (xc. 2Cor 4,7), nên chúng ta phải luôn luôn tái quay trở về với Bàn Thánh, cho tới khi nào chúng ta được nếm hưởng niềm hạnh phúc của tiệc cưới Chiên Con trên Thiên Đàng, trong sự viên mãn (xc. Kh 19,9).

Chúng ta hãy tạ ơn Chúa về con đường mà nó vừa giúp chúng ta tái khám phá ra Thánh Lễ mà Ngài đã ban cho chúng ta được cùng đi, và với Đức Tin đã được canh tân, chúng ta hãy để cho mình được lôi cuốn bởi cuộc gặp gỡ đích thực với Chúa Giê-su, Đấng đã chết và đã phục sinh vì chúng ta cũng như cho những người đang sống cùng thời với chúng ta. Ước chi cuộc sống của chúng ta không ngừng „trổ bông“, giống như Đại Lễ Phục Sinh, với những bông hoa Hy Vọng, Mến Tin và những công việc tốt lành. Ước chi chúng ta luôn thấy được sức mạnh để trổ bông trong Bí Tích Thánh Thể và trong sự hiệp nhất với Chúa Giê-su. Xin chúc tất cả anh chị em một Đại Lễ Phục Sinh đầy vui mừng!

Quảng trường Thánh Phê-rô

Sáng thứ Tư ngày mồng 04 tháng 04 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2018