Bài Giáo Lý Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung, Sáng Thứ Tư, 18.04.2018: Bí Tích Thanh Tẩy (tiếp theo)

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Giờ đây, trong Mùa Phục Sinh, chúng ta lại tiếp tục nói về Bí Tích Thanh Tẩy. Ý nghĩa của Bí Tích này rõ ràng là phát sinh từ việc cử hành, vì thế chúng ta hãy lưu tâm cách đặc biệt tới điều đó. Nếu chúng ta suy tư về những cử chỉ và những lời Phụng Vụ, thì chúng ta sẽ có thể hiểu được về ân sủng và công hiệu của Bí Tích này, và đây là một Bí Tích luôn luôn cần phải được tái khám phá. Chúng ta nhớ tới điều đó thông qua việc Rảy Nước Thánh thường được thực hiện lúc khởi đầu Thánh Lễ mỗi Chúa Nhật, cũng như thông qua việc canh tân Lời Hứa Thanh Tẩy trong đêm Vọng Phục Sinh. Vì điều diễn ra trong lúc cử hành Bí Tích Thanh Tẩy, sẽ khơi lên một động lực thiêng liêng, mà động lực này sẽ xuyên qua toàn bộ cuộc sống của người đã lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy; nó là khởi đầu của một tiến trình, mà nhờ vào tiến trình đó, chúng ta có thể sống hiệp nhất với Chúa Ki-tô và trong Giáo hội. Nhờ vào việc chúng ta quay về với nguồn cội của đời sống Ki-tô giáo, chúng ta sẽ có thể hiểu tốt hơn về ân sủng mà chúng ta đã lãnh nhận trong ngày Rửa Tội, cũng như canh tân bổn phận hầu tương ứng với ân sủng vừa nêu trong những hoàn cảnh sống mà ngày nay chúng ta đang hiện diện trong đó. Hãy canh tân bổn phận, hiểu tốt hơn về hồng ân Thanh Tẩy của chúng ta, và hãy nhớ tới ngày chúng ta được Rửa Tội. Vào hôm thứ Tư vừa qua, Cha đã đưa ra một bài tập về nhà: mong sao mỗi người trong chúng ta đều nhớ tới ngày mình được Rửa Tội – tôi được Rửa Tội khi nào. Cha biết rằng, một số người trong anh chị em nhớ rất kỹ ngày đó, nhưng số khác thì không. Ai không biết ngày đó, thì xin người ấy hãy hỏi những người thân của mình: những người chẳng hạn như bố hay mẹ đỡ đầu… Người ấy có thể hỏi thế này: „Con được Rửa Tội vào ngày nào?“ Vì Bí Tích Thanh Tẩy mà chúng ta quen gọi là Phép Rửa hay Bí Tích Rửa Tội, chính là một cuộc tái sinh, và đồng thời, Bí Tích đó cũng là sinh nhật lần thứ hai. Anh chị em có hiểu không? Hãy hoàn thành bài tập đó, và hãy hỏi: „Con được Rửa Tội vào ngày nào?

Trong nghi thức đón nhận, trước tiên người ta sẽ hỏi tên của ứng viên, vì tên gọi biểu lộ căn tính của một con người. Khi chúng ta giới thiệu, chúng ta sẽ ngay lập tức nói ra tên của mình: „Tên tôi là…“, để bước ra khỏi sự vô danh; người vô danh là bất cứ người nào không có tên gọi. Để bước ra khỏi sự vô danh, chúng ta sẽ ngay lập tức nói ra tên của mình. Không có tên gọi, người ta sẽ vẫn là một người vô danh, không có các quyền lợi và bổn phận. Thiên Chúa gọi đích danh mỗi người, Ngài yêu thương từng cá nhân một trong chúng ta, trong những câu chuyện cụ thể của chúng ta. Bí Tích Thanh Tẩy đặt ơn gọi riêng của chúng ta vào trong sự chuyển động để sống với tư cách là những người Ki-tô hữu, ơn gọi đó sẽ phát triển xuyên qua toàn bộ cuộc sống. Và Bí Tích Thanh Tẩy giả thiết một lời đáp trả có tính cá nhân và không phải là vay mượn của người khác, thông qua việc „copy và dán“. Vì đời sống Ki-tô giáo được dệt nên bởi một loạt những lời mời gọi và những tiếng đáp trả: Thiên Chúa vẫn tiếp tục gọi tên chúng ta trong suốt tháng năm, và làm cho tiếng gọi của Ngài trong muôn vàn những cách thức khác nhau, được nghe thấy, hầu trở nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài – Chúa Giê-su Ki-tô. Vì thế, tên gọi là điều rất quan trọng! Nó rất quan trọng! Trước khi sinh ra một em bé, cha mẹ đã suy nghĩ rất nhiều về việc mình sẽ đặt tên nào cho đứa con của mình: điều đó cũng diễn ra khi người ta mong chờ một em bé mà em bé ấy sẽ có căn tính nguyên thủy của mình trong tên gọi riêng của em, ngay cả đối với đời sống Ki-tô giáo được liên kết với Thiên Chúa cũng như thế.

Tất nhiên, việc trở thành người Ki-tô hữu là một hồng ân đến từ trên cao (xc. Ga 3,3-8). Người ta không thể mua được Đức Tin, nhưng người ta có thể cầu xin cho có được Đức Tin, và người ta có thể đón nhận Đức Tin với tư cách là một hồng ân. „Lạy Chúa, xin ban cho con hồng ân Đức Tin“ – đó là một lời cầu nguyện tuyệt vời. Hãy xin để có được Đức Tin với tư cách là một hồng ân, nhưng người ta không thể mua được Đức Tin, người ta chỉ cầu xin cho có được Đức Tin mà thôi. Vì thế, „Bí Tích Thanh Tẩy trước tiên là một Bí Tích Đức Tin mà trong đó, những người đã được chiếu soi bởi ân sủng của Chúa Thánh Thần, sẽ đưa ra lời đáp trả cho Tin Mừng của Chúa Giê-su Ki-tô“ (Nghi Thức Rửa Tội, Praenotanda, Nr. 3). Sự chỉ dẫn của các Giáo Lý Viên và sự chuẩn bị của cha mẹ cũng như việc lắng nghe Lời Chúa trong lúc cử hành Phép Rửa, đều nhắm tới việc sản sinh và khơi lên một Đức Tin chân thành với tư cách là lời đáp trả đối với Tin Mừng.

Nếu như những người dự tòng trưởng thành tự mình diễn tả một cách cá nhân điều mà họ muốn lãnh nhận với tư cách là tặng phẩm của Giáo hội, thì những em nhỏ sẽ được giới thiệu bởi cha mẹ hay bởi những người đỡ đầu. Sự đối thoại với họ sẽ tạo điều kiện cho họ diễn tả ước nguyện rằng, những em nhỏ này muốn lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy, cũng như tạo điều kiện cho Giáo hội bày tỏ ý định cử hành Bí Tích đó. „Điều đó sẽ thấy được sự diễn tả rõ ràng của mình khi cả cha mẹ lẫn người chủ sự làm Dấu Thánh Giá trên trán các em“ (Nghi Thức Rửa tội, Praenotanda, Nr. 16). „Dấu Thánh Giá […] diễn tả rằng, Chúa Ki-tô khắc ghi dấu ấn của Ngài trên những người sẽ thuộc về Ngài. Nó diễn tả hồng ân cứu độ mà Chúa Ki-tô đã giành được cho chúng ta nhờ vào Thập Giá của Ngài“ (Sách GLHTCG, số 1235). Trong lúc cử hành Phép Rửa, chúng ta sẽ làm Dấu Thánh Giá trên trán các em nhỏ. Nhưng Cha muốn quay lại với một đề tài mà Cha đã từng nói với anh chị em rồi. Liệu con cái của chúng ta có biết làm Dấu Thánh Giá như thế nào cho đúng không? Cha vẫn thường thấy những em nhỏ không hề biết làm Dấu Thánh Giá. Vì vậy, cha mẹ, ông bà, và những người đỡ đầu của các em phải dậy cho các em biết làm Dấu Thánh Giá cho đúng, vì điều đó có nghĩa là lập lại điều đã được thực hiện trong lúc cử hành Bí Tích Thanh Tẩy. Anh chị em có hiểu rõ điều đó không? Hãy dậy cho con cái làm Dấu Thánh Giá cho đúng! Nếu ngay khi còn nhỏ các em đã được học làm Dấu Thánh Giá thì rồi sau này lớn lên, các em cũng sẽ làm Dấu Thánh Giá đúng cách.

Thánh Giá chính là nét đặc trưng biểu lộ cho biết chúng ta là ai: Những lời nói, cách nghĩ, cách nhìn, cách hành động luôn luôn đứng dưới dấu chỉ Thập Giá, tức dưới dấu chỉ Tình Yêu của Chúa Giê-su cho đến cùng. Những em bé sẽ được làm Dấu Thánh Giá trên trán. Những dự tòng trưởng thành cũng sẽ được làm Dấu Thánh Giá trên những giác quan với những lời sau đây: Làm Dấu Thánh Giá trên tai: „Con hãy lãnh nhận Dấu Thánh Giá để con luôn sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa“; Làm dấu trên mắt: „…để con nhận ra vinh quang của Thiên Chúa“; làm dấu trên ngực: „… để Chúa Ki-tô cư ngụ trong lòng con nhờ Đức Tin“; làm dấu trên vai: „…để con có thể gánh mang gánh nặng của con cùng với Chúa Ki-tô“ (Nghi Thức Tiếp Nhận Người Lớn Vào Giáo Hội, số 49). Người ta sẽ trở thành người Ki-tô hữu trong mức độ Thánh Giá được khắc ghi trong chúng ta với tư cách là dấu hiệu „phục sinh“ (xc. Kh 14,1; 22,4) và cách thức Ki-tô giáo trong việc bắt đầu cuộc sống, cũng được biểu lộ cách rõ ràng. Làm Dấu Thánh Gia khi chúng ta thức dậy, trước khi dùng bữa, khi phải đối diện với một mối nguy hiểm để xin ơn hộ phù trước sự ác, vào ban tối trước khi đi ngủ, có nghĩa là, nói cho chính chúng ta cũng như nói cho người khác biết, chúng ta thuộc về ai, và chúng ta muốn là ai. Vì thế, việc giúp cho các em nhỏ biết làm Dấu Thánh Giá cho đúng, đó là điều rất quan trọng.

Và như chúng ta làm Dấu Thánh Giá khi chúng ta bước vào nhà thờ thế nào, thì chúng ta cũng có thể làm như thế lúc ở nhà, bằng cách là chúng ta hãy lấy một ít Nước Phép để mang về nhà và đựng nước ấy vào một chiếc bình nhỏ miễn sao thích hợp – một số gia đình vẫn làm như vậy: Như thế, mỗi lần chúng ta ra khỏi nhà hay bước vào nhà, trong lúc chúng ta làm Dấu Thánh Giá với nước ấy, chúng ta hãy nhớ rằng, chúng ta đã được lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy. Xin anh chị em đừng quên làm như thế nhé! Cha xin lập lại: hãy giúp các em nhỏ làm Dấu Thánh Giá cho đúng!

 

Quảng trường Thánh Phê-rô

Sáng thứ Tư ngày 18 tháng 04 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2018