Bài  Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung, Sáng Thứ Tư, 25.04.2018: Bí Tích Thanh Tẩy - (Bài 3 Tiếp theo)

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Hôm nay chúng ta lại tiếp tục những suy tư của mình về Bí Tích Thanh Tẩy, nhưng luôn luôn trong ánh sáng Lời Chúa. Tin Mừng soi sáng cho các Dự Tòng và khơi lên sự ưng thuận Đức Tin: „Bí Tích Thanh Tẩy chính là Bí Tích Đức Tin trong một cách thức hoàn toàn đặc biệt, vì nhờ vào Bí Tích này, người ta sẽ bước vào đời sống Đức Tin“ (Sách GLHTCG, 1236). Và Đức Tin chính là sự trao hiến bản thân cho Chúa Giê-su, Đấng được nhận biết với tư cách là „nguồn cội mang tới nước hằng sống“ (Ga 4,14), là „Ánh sáng cho thế gian“, là „sự phục sinh và là sự sống“ (Ga 11,25), và là Đấng dậy cho biết con đường mà trong thời đại hôm nay, vẫn đang còn được bước đi bởi các Dự Tòng, tức những người đang chuẩn bị lãnh nhận các Bí Tích khai tâm Ki-tô giáo. Được huấn dậy từ việc lắng nghe Chúa Giê-su, từ giáo huấn của Ngài và từ những hoạt động của Ngài, các Dự Tòng sẽ còn nếm trải thêm một lần nữa kinh nghiệm của người phụ nữ Samaria, người đã khát khao nước hằng sống, của người mù từ thuở mới sinh, tức người mở cặp mắt ra để nhìn thấy ánh sáng, của La-gia-rô, tức người đã bước ra khỏi nấm mộ. Tin Mừng mang trong mình sức mạnh biến đổi đối với bất cứ ai đón nhận nó với Đức Tin, bằng cách kéo người ấy ra khỏi sự thống trị của sự ác, và dậy cho người đó biết phụng sự Thiên Chúa với niềm vui và với sự mới mẻ của cuộc sống.

Để đến với Giếng Rửa Tội, người ta sẽ không đi một mình, nhưng được đồng hành bởi lời cầu nguyện của toàn Giáo hội, như Kinh Cầu Các Thánh đã nhắc nhớ, tức lời kinh phát sinh từ lời nguyện trừ tà và từ sự xức dầu cho người Dự Tòng bằng Dầu Dự Tòng. Ngay từ thời Trung Cổ, đối với tất cả những ai muốn được tái sinh với tư cách là những người con của Thiên Chúa, những cử chỉ ấy đều bảo đảm rằng, lời cầu nguyện của Giáo hội luôn luôn giúp họ trong cuộc chiến chống lại sự ác, luôn đồng hành với họ trên con đường sự thiện, giúp họ thoát khỏi quyền lực tội lỗi, để bước vào trong vương quốc ân sủng của Thiên Chúa. Đó là lời cầu nguyện của Giáo hội.

Giáo hội cầu nguyện, và Giáo hội cầu nguyện cho tất cả, cho tất cả chúng ta! Còn với tư cách là Giáo hội, chúng ta sẽ cầu nguyện cho người khác. Việc cầu nguyện cho người khác là một điều gì đó rất tuyệt vời. Bao lâu còn chưa cảm thấy có nhu cầu cần thiết thì lúc đó chúng ta vẫn chưa chịu cầu nguyện. Hiệp nhất với Giáo hội, chúng ta phải cầu nguyện cho người khác: „Lạy Chúa, con cầu xin Chúa cho tất cả những ai đang gặp cảnh khốn cùng, cũng như cho tất cả những ai vẫn chưa có Đức Tin…“ Xin anh chị em đừng quên điều đó: Lời cầu nguyện của Giáo hội thì vĩnh cửu. Nhưng chúng ta phải bước vào lời cầu ấy, và phải cầu nguyện cho toàn thể Dân Chúa, và cho những ai đang cần được cầu nguyện. Vì thế, con đường của những người Dự Tòng trưởng thành sẽ được khắc ghi bởi lời trừ tà được lập lại, mà những lời nguyện ấy sẽ được Linh mục đọc lên (xc. Sách GLHTCG, 1237): có nghĩa là bởi những người cầu nguyện đang cầu xin cho mình được ơn giải thoát khỏi tất cả những gì đang chia tách chúng ta ra khỏi Chúa Ki-tô và ngăn cản sự hiệp nhất nội tại với Ngài. Ngay cả đối với các em nhỏ thì người ta cũng cầu xin Thiên Chúa giải thoát chúng khỏi tội Tổ Tông và thánh hiến chúng vơi tư cách là ngôi nhà của Chúa Thánh Thần (xc. Nghi Thức Rửa Tội Trẻ Em). Cầu nguyện cho các em nhỏ, cho chúng được lành mạnh cả hồn lẫn xác.

Đó là một hình thức bảo vệ các em nhỏ thông qua việc cầu nguyện. Như các sách Tin Mừng đã làm chứng, chính Chúa Giê-su đã chiến đấu chống lại ma quỷ cũng như đã xua trừ chúng để mạc khải cho biết Triều Đại Thiên Chúa đang đến gần (xc. Mt 12,28): sự chiến thắng của Ngài trên quyền lực sự ác sẽ tạo ra không gian thoáng rộng cho vương quyền của Thiên Chúa, Đấng ban tặng niềm vui và giao hòa với cuộc sống. Bí Tích Thanh Tẩy không phải là một dạng thức ma thuật, nhưng là một ân ban của Chúa Thánh Thần, mà ân ban đó sẽ làm cho tất cả những ai đón nhận nó đều có khả năng „chiến đấu chống lại tất cả những đeo bám của sự ác“ và tin rằng: „Thiên Chúa đã sai Con của Ngài xuống thế gian, để nhờ vào Người Con đó, giải phóng con người khỏi quyền lực sự ác, quyền lực Sa-tan và bóng tối, và dẫn đưa họ vào trong vương quốc tự do tuyệt diệu của Ngài cũng như vào trong ánh sáng của Ngài“ (xc. Nghi Thức Rửa Tội Trẻ Em). Nhờ vào kinh nghiệm, chúng ta biết rằng, đời sống Ki-tô giáo luôn luôn phải đối diện với cơn cám dỗ, đặc biệt là cơn cám dỗ muốn tách mình ra khỏi Thiên Chúa, khỏi Thánh ý Ngài và khỏi sự hiệp thông với Ngài, để tái rơi vào những nanh vuốt của những cơn cám dỗ thế gian. Và Bí Tích Thanh Tẩy sẽ chuẩn bị cho chúng ta, sẽ trao ban sức mạnh cho chúng ta trong cuộc chiến hằng ngày đó, kể cả trong cuộc chiến chống lại ma quỷ, mà như lời Thánh Phê-rô nói, hắn luôn cố gắng như một con sư tử rảo quanh tìm mồi và cắn xé chúng ta.

Bên cạnh lời cầu nguyện cũng còn có việc xức dầu lên ngực bằng Dầu Dự Tòng; những người Dự Tòng sẽ lãnh nhận từ đó sức mạnh để kháng cự lại Sa-tan và tội lỗi, trước khi họ đi đến với giếng Rửa Tội, và nhờ đó được tái sinh để sống một cuộc sống mới (xc. Nghi thức làm phép Dầu Thánh). Nhờ vào đặc tính của dầu là thẩm thấu sâu vào trong da thịt và mang đến sức mạnh cho thể xác, những chiến binh thời cổ đại vẫn tự chăm sóc mình bằng cách thoa dầu lên người để tăng sức mạnh cho cơ bắp và để dễ dàng thoát khỏi sự đeo bám của đối thủ. Trong ánh sáng của biểu tượng đó, các Ki-tô hữu thuộc những thế kỷ đầu đã đón nhận tập tục xức dầu cho những người Dự Tòng bằng dầu do đức Giám Mục làm phép[1], để diễn tả „dấu chỉ cứu độ“ ấy rằng, được củng cố nhờ Chúa Ki-tô, Đấng Cứu Độ, chiến đấu chống lại sự ác và vượt thắng chúng (xc. Nghi Thức Rửa Tội Trẻ Em).

Việc chiến đấu chống lại sự ác, thoát khỏi những lừa dối của hắn, và tái kín múc được sức mạnh sau một cuộc chiến cật lực, là điều đầy gian khổ, nhưng chúng ta phải biết rằng, toàn bộ đời sống Ki-tô giáo chính là một cuộc chiến. Và chúng ta cũng phải biết rằng, chúng ta không hề đơn độc, Mẹ Giáo hội luôn cầu nguyện cho chúng ta, những người con của Giáo hội được tái sinh trong Phép Rửa, sẽ không chịu thua trước những cạm bẫy của sự ác, nhưng có thể thắng vượt chúng nhờ vào sức mạnh phát xuất từ cuộc Vượt Qua của Chúa Ki-tô. Được củng cố bởi Đấng Phục Sinh, Đấng đã chiến thắng quyền lực thế gian (xc. Ga 12,31), chúng ta cũng có thể lập lại với Đức Tin lời của Thánh Phao-lô: „Tôi có thể làm được tất cả nhờ Đấng ban sức mạnh cho tôi“ (Phil 4,13). Tất cả chúng ta đều sẽ có thể chiến thắng, đều sẽ có thể vượt thắng tất cả, nhưng với sức mạnh đến từ Chúa Giê-su.

[1]Lời nguyện Thánh Hiến nhằm diễn tả ý nghĩa của dầu Thánh, có nội dung như sau: „Xin Chúa làm phép dầu này và ban cho những Dự Tòng mà chúng con sẽ xức dầu này trên họ, được ơn sức mạnh, lòng kiên quyết và sự khôn ngoan, để họ nhận thức được Tin Mừng của Chúa Ki-tô, Đấng Được Chúa Xức Dầu, cách sâu xa hơn, hầu cố gắng chu toàn những nghĩa vụ của một đời sống Ki-tô hữu cách quảng đại hơn“ (Thánh hiến Dầu Thánh).

 

Quảng trường Thánh Phê-rô

Sáng thứ Tư ngày 25 tháng 04 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2018