Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung Sáng Thứ Tư, 09.05.2018: Bí Tích Thanh Tẩy - (Bài 5, Tiếp theo)

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

 

Hôm nay, loạt bài Giáo Lý về Bí Tích Thanh Tẩy sẽ dẫn chúng ta tới chỗ nói về Giếng Thánh tái sinh, được kèm theo với lời kêu cầu Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, tức nghi thức trung tâm mà theo ý nghĩa đích thực, nó có nghĩa là „Dìm Vào“ trong mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Ki-tô (xc. Sách GLHTCG, 1239). Thánh Phao-lô đã giải thích cho các tín hữu Rô-ma hiểu rõ về ý nghĩa của cử chỉ ấy khi Ngài hỏi: „Anh em không biết rằng: Khi chúng ta được dìm vào nước Thanh Tẩy, để thuộc về Đức Giê-su Ki-tô, thì có nghĩa là chúng ta đã được dìm vào trong cái chết của Người hay sao?“, và rồi chính Ngài đã trả lời: „Vì được dìm vào trong cái chết của Người, nên chúng ta đã cùng được mai táng với Người. […] Do đó, chúng ta cũng được sống một đời sống mới“ (Rm 6,3-4). Phép Rửa mở cho chúng ta một cánh cửa để đi vào cuộc sống phục sinh chứ không phải đi vào đời sống dương thế: đi vào một cuộc sống mà nó tương ứng với Chúa Ki-tô.

Giếng Rửa Tội chính là nơi mà tại đó người ta sẽ cử hành Đại Lễ Vượt Qua cùng với Chúa Ki-tô! Con người cũ sẽ bị mai táng cùng với những niềm đam mê dối gian của nó (xc. Eph 4,22), để một thụ tạo mới có thể được tái sinh; trong thực tế, cái cũ đã qua và cái mới đã hiện hữu (xc. 2Cr 5,17).

Trong các bài Giáo Lý mà chúng được cho rằng do Thánh Sy-rin-lô thành Giê-ru-sa-lem biên soạn, người tân tòng được giải thích cho biết điều gì sẽ xảy ra với họ trong nước Thanh Tẩy. Cách giải thích của Thánh Sy-rin-lô rất hay: „Trong cùng một khoảnh khắc, anh chị em sẽ chết đi và lại được sinh ra; nước thanh tẩy ấy vừa là nấm mộ và cũng vừa là mẹ đối với anh chị em“ (Mystagogische Catechesen II,4: PG 33, 1079-1082). Sự tái sinh con người mới đòi hỏi con người bị hư đốn bởi tội lỗi phải trở thành cát bụi. Trong thực tế, hình ảnh nấm mộ và hình ảnh lòng mẹ, trong mối liên hệ đến Giếng Rửa Tội, diển tả một cách rất sâu sắc về sự tráng lệ mà nó sẽ diễn ra nhờ vào những cử chỉ đơn giản của Phép Rửa. Cha thích trích dẫn một câu nói bằng tiếng La-tinh được khắc trên một bia đá trong nhà Thờ Thánh Gio-an Laterano, và được cho rằng do Đức Giáo Hoàng Sít-tô III viết ra, có nội dung như sau: „Trong sự sinh hạ đồng trinh, Thân Mẫu, tức Giáo hội, đã sinh ra những người con của mình, đó là những người con mà Mẹ đã cưu mang nhờ vào hơi thở của Thiên Chúa, trong dòng nước. […] Nước Trời mong đợi rằng, anh chị em sẽ được tái sinh trong nguồn nước ấy[1]. Đó là điều tuyệt vời: Nhờ vào Giáo hội, chúng ta được sinh ra; Giáo hội trở thành cung lòng, trở thành Thân Mẫu của chúng ta nhờ vào Phép Rửa.

Nếu cha mẹ chúng ta cưu mang và sinh chúng ta ra cho sự sống dương thế, thì Giáo hội lại tái sinh chúng ta trong Phép Rửa cho sự sống vĩnh cửu. Chúng ta trở thành những người con trong Con của Ngài là Chúa Giê-su (xc. Rom 8,15; Gal 4,5-7). Trên từng người một trong chúng ta, tức những kẻ đã được tái sinh nhờ nước và Thánh Thần, với Tình Yêu khôn cùng, Cha Trên Trời cũng đang để cho giọng nói của Ngài được vang lên như sau: „Con là con yêu dấu của Ta!“ (xc. Mt 3,17). Giọng nói hiền phụ ấy, tức giọng nói không thể nhận biết được bằng thính giác, nhưng vang lên một cách hết sức rõ rệt trong tâm hồn kẻ tin, luôn đồng hành với chúng ta trong suốt cuộc đời mà không hề có chuyện bỏ rơi chúng ta trong một lúc nào đó.

Trong suốt toàn bộ cuộc sống, Thiên Chúa Cha luôn nói với chúng ta rằng: „Con là nam tử dấu yêu của Ta, con là nữ tử dấu ái của Ta“. Thiên Chúa rất yêu thương chúng ta, giống như một người Cha, và Ngài không bao giờ để chúng ta bị cô độc: Kể từ giây phút Rửa Tội. Được tái sinh với tư cách là những người con của Thiên Chúa, chúng ta sẽ là như thế mãi mãi! Vì Bí Tích Thanh Tẩy không để cho mình bị lập lại, bởi được ghi dấu với dấu ấn không thể xóa nhòa: „Dấu ấn này sẽ không bị dập tắt bởi tội lỗi, dẫu rằng tội lỗi vẫn ngăn cản Bí Tích Thanh Tẩy đơm bông kết trái cứu độ“ (Sách GLHTCG, 1272). Người ta sẽ không bao giờ đánh mất dấu ấn của Bí Tích Thanh Tẩy! „Thưa Cha, nhưng nếu một người trở thành một tên tội phạm, trở thành một trong những tên tội phạm khét tiếng, một kẻ sát nhân, kẻ làm điều bất công, thì dấu ấn ấy có biến mất không?“ Không. Bất cứ người nào, nếu đã là con Thiên Chúa rồi, thì dù có làm điều đó để hủy hoại bản thân mình đi nữa thì dấu ấn ấy cũng vẫn không thể biến mất. Và người ấy cũng vẫn tiếp tục là con Thiên Chúa, dù rằng người ấy có chống lại Thiên Chúa đi nữa thì Thiên Chúa cũng không bao giờ chối bỏ con cái Ngài. Anh chị em có hiểu điều mà Cha vừa nói không? Thiên Chúa không bao giờ chối bỏ con cái Ngài: Chúng ta có muốn cùng nhau lập lại lời đó không? „Thiên Chúa không bao giờ chối bỏ con cái Ngài“. Xin hô to hơn một chút vì Cha bị điếc nên chẳng nghe thấy gì cả! [Những người hiện diện lập lại lớn hơn]: „Thiên Chúa không bao giờ chối bỏ con cái Ngài.“ Vâng, như thế thì rất tốt.

Được tháp nhập vào Chúa Ki-tô nhờ phép Rửa, những người đã lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy sẽ trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, đồng hình đồng dạng với „Người Trưởng Tử giữa những người em“ (Rom 8,29). Nhờ vào quyền năng của Chúa Thánh Thần, Phép Rửa sẽ thanh tẩy, thánh hóa và làm cho nên công chính, để trong Chúa Ki-tô, nhiều người được đón nhận vào một thân thể duy nhất (xc. 1Cor 6,11; 12,13). Điều đó được diễn tả thông qua việc xức dầu thánh, mà „dầu ấy ám chỉ tới chức Tư Tế hoàng cung của người đã lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy cũng như ám chỉ tới tư cách người ấy là thành viên của Dân Thiên Chúa“ (Nghi Thức Rửa Tội Trẻ Em, Praenotanda 18,3). Vì thế, Linh mục sẽ xức dầu trên đầu từng thụ nhân với dầu thánh sau khi đã đọc những lời sau đây, tức những lời giải thích ý nghĩa của việc xức dầu này: „Được đón nhận vào Dân Chúa, giờ đây anh chị em sẽ được xức dầu với dầu thánh để anh chị em trở nên chi thể luôn mãi của Chúa Ki-tô, Đấng là Thượng Tế, là Vương Đế và là Ngôn Sứ đến muôn đời“ (Nt, số 65).

Anh chị em thân mến, đó là ơn gọi làm Ki-tô hữu: sống hiệp nhất với Chúa Ki-tô trong Giáo hội thánh thiện, và tham dự vào chính sự thánh thiện ấy, hầu chu toàn sứ mạng trong thế giới, cũng như đơm bông kết trái tồi tại muôn đời. Vì được hồi sinh bởi Thần Khí, toàn thể Dân Thánh Chúa đều tham dự vào với các chức vụ của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng được đặt làm „Tư Tế, làm Vương Đế và làm Ngôn Sứ“, và đó là trách nhiệm đối với ơn gọi và sứ mạng mà chúng phát sinh từ đó (xc. Sách GLHTCG, 783-786). Tham dự vào với chức Tư Tế Vương Đế và Ngôn Sứ của Chúa Ki-tô có nghĩa là gì? Thưa, có nghĩa là tiến dâng chính bản thân mình làm của lễ đẹp lòng Thiên Chúa (xc. Rom 12,1) và làm chứng cho Ngài thông qua cuộc sống Đức Tin và Đức Ái (xc. Lumen gentium, 12), bằng cách đặt mình vào trong sự phục vụ tha nhân theo gương Chúa Ki-tô (xc. Mt 20,25-28; Ga 13,13-17).

 

Xin cám ơn anh chị em.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô

Sáng thứ Tư ngày mồng 09 tháng 05 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2018