Bài Giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong Đại Lễ Kính Thánh Phê-rô và Phao-lô Tông Đồng, ngày 29.06.2018

 

Các Bài Đọc mà chúng ta vừa nghe đã cho phép chúng ta tiếp cận được với truyền thống Tông Đồ, mà truyền thống ấy „không phải là sự chuyển giao những đồ vật hay những lời nói, cũng không phải là một tuyển tập những điều hết hiệu lực. Truyền thống là một dòng chảy sống động, nó liên kết chúng ta với cội nguồn, và nó là một dòng chảy sống động mà cội nguồn luôn luôn hiện diện trong đó“ (ĐTC Bê-nê-đíc-tô XVI, Bài Giáo Lý, 26.04.2006) và giới thiệu cho chúng ta chiếc chìa khóa để đi vào Nước Trời (xc. Mt 16,19). Đó là một truyền thống vĩnh cửu và luôn luôn mới mẻ, nó mang đến sự hồi sinh và canh tân cho niềm vui Tin Mừng, cũng như cho phép chúng ta tuyên xưng với môi miệng và con tim chúng ta rằng: „Chúa Giê-su Ki-tô là Chúa, để tôn vinh Thiên Chúa Cha“ (Phil 2,11).

Toàn bộ Tin Mừng đều muốn trả lời cho câu hỏi nằm sẵn trong con tim của dân tộc Israel, cũng như được nói ra bởi rất nhiều những gương mặt đói khát sự sống: "Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?“ (Mt 11,3). Chúa Giê-su đã liên hệ đến câu hỏi đó và đặt ra cho các môn đệ của Ngài câu hỏi sau: „Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" (Mt 16,15).

Thánh Phê-rô đã sử dụng một từ ngữ và gán cho Chúa Giê-su một tước hiệu cao nhất có thể: „Thầy là Đấng Ki-tô“ (Mt 16,16), có nghĩa là Đấng Được Thiên Chúa Xức Dầu và Thánh Hiến. Thật tuyệt vời khi biết rằng, Thiên Chúa Cha chính là Đấng gợi ý câu trả lời đó cho Phê-rô - người đã thấy được Chúa Giê-su „xức dầu“ cho Dân Ngài như thế nào. Chúa Giê-su, Đấng Được Xức Dầu, Đấng đi từ làng này qua làng khác chỉ với một ý muốn là cứu độ và nâng đỡ những con người bị coi là đã hư mất: Ngài „xức dầu“ cho những kẻ đã chết (xc. Mc 5,41-42; Lc 7,14-15), Ngài thoa dầu cho các bệnh nhân (xc. Mc 6,13; Ga 5,14), Ngài thoa dầu vào những vết thương (xc. Lc 10,34), Ngài xức dầu cho những hối nhân (xc. Mt, 6,17). Ngài xức dầu cho niềm hy vọng (xc. Lc 7,38.46; 10,34; Ga 11,2; 12,3). Trong việc xức dầu ấy, bất cứ tội nhân, bất cứ kẻ đã hư đi mất, bất cứ bệnh nhân, bất cứ người ngoại đạo nào – dù hiện diện ở bất cứ nơi đâu – cũng đều có thể cảm thấy mình là thành viên được yêu thương của gia đình Thiên Chúa. Với những cử chỉ của mình, và bằng cách thức hoàn toàn cá nhân, Chúa Giê-su nói với từng người một: Con thuộc về Ta, con là của Ta. Giống như Thánh Phê-rô, chúng ta cũng có thể tuyên xưng với môi miệng và con tim chúng ta, không chỉ về điều mà chúng ta đã nghe, nhưng cũng còn về những kinh nghiệm cụ thể của cuộc sống chúng ta nữa: Nhờ vào việc được xức Dầu Chúa Thánh Thần, chúng ta đã được phục sinh, được cứu độ, được canh tân, và được lấp đầy với niềm hy vọng. Bất cứ chiếc ách nặng nề nào của kiếp nô lệ cũng đều bị bẻ gẫy nhờ vào việc xức dầu của Ngài (xc. Is 10,27). Chúng ta không được phép đánh mất niềm vui và ký ức của sự hiểu biết về ơn cứu độ của chúng ta, đó là niềm vui khiến chúng ta phải tuyên xưng rằng: „Thầy là Con Thiên Chúa Hằng Sống“ (xc. Mt 16,16).

Thật là thú vị khi hướng cái nhìn đến đoạn Tin Mừng tiếp theo, sau việc tuyên xưng Đức Tin của Thánh Phê-rô: „Từ lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại“ (Mt 16,21). Đấng Được Thiên Chúa Xức Dầu tiếp tục thực hiện Tình Yêu và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha cho đến cùng. Tình Yêu nhân hậu này đòi hỏi phải được đi vào tất cả mọi ngóc ngách của kiếp sống, để đến được với từng người, ngay cả phải đánh mất „tiếng tốt“, đánh mất sự tiện nghi và địa vị… và phải trả giá bằng sự Tử Đạo.

Khi đối diện với lời tiên báo hoàn toàn nằm ngoài sự mong đợi đó, Phê-rô đã đáp lại rằng: "Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!" (Mt 16,22), và ông đã nhanh chóng trở thành một tảng đá cản đường Đấng Messias; với ý định bênh vực quyền lợi của Thiên Chúa, ông đã vô tình trở thành kẻ thù của Ngài (Chúa Giê-su gọi ông là Sa-tan). Chiêm ngưỡng cuộc đời và niềm tuyên xưng của Thánh Phê-rô cũng có nghĩa là học để nhận ra những cơn cám dỗ mà chúng luôn đồng hành với cuộc sống của người môn đệ. Như Thánh Phê-rô, với tư cách là Giáo hội, chúng ta luôn luôn bị cám dỗ bởi „những cơn xúi giục“ của sự ác, mà những cơn xúi giục ấy sẽ trở thành những phiến đá cản đường đối với sứ mạng. Sở dĩ Cha nói về những „cơn xúi giục“, là vì ma quỷ luôn luôn cám dỗ cách ngấm ngầm và luôn luôn tìm cách để người ta không nhận ra chủ đích của hắn, hắn xử sự „như một tình nhân sai quấy. Hắn muốn giấu giếm và không muốn bị phát hiện“ (Thánh Ignatio Loyola, Linh Thao, 326).

Nhưng việc tham dự vào với sự xức dầu của Chúa Ki-tô cũng luôn luôn có nghĩa là tham dự vào với vinh quang của Ngài, tức tham dự vào Thánh Giá của Ngài: Lạy Cha, xin hãy tôn vinh Con Cha… „Lạy Cha, xin hãy tôn vinh danh Thánh Cha!“ (Ga 12,28). Trong Chúa Giê-su Ki-tô, vình quang và Thánh Giá cùng thuộc về nhau, và không thể bị chia tách khỏi nhau; vì nếu chúng ta bỏ mặc Thánh Giá, ngay cả khi chúng ta bước vào trong ánh hào quang ngời sáng của danh vọng, thì chúng ta vẫn tự lừa dối chính mình, vì đó không phải là vinh quang của Thiên Chúa, nhưng chỉ là sự cợt nhả của đối phương.

Không hiếm khi chúng ta cảm thấy cơn cám dỗ muốn trở thành những Ki-tô hữu giữ một khoảng cách chắc chắn với những vết thương của Chúa. Nhưng Chúa Giê-su lại đụng chạm tới nỗi khốn cùng của nhân loại và mời gọi chúng ta hãy hiện diện bên Ngài để đụng chạm tới thân xác đau khổi của tha nhân. Việc tuyên xưng Đức Tin bằng môi miệng và bằng con tim của chúng ta đòi hỏi – giống như Chúa Giê-su đã đòi hỏi từ nơi Thánh Phê-rô -, phải nhận ra „những cơn xúi giục“ của sự ác như là chính nó. Vấn đề nằm ở chỗ là càng ngày càng phải nhận thức và phát hiện ra một cách tốt hơn nữa „những điều ngụy trang“ cả về khía cạnh cá nhân lẫn khía cạnh xã hội, mà chúng đẩy chúng ta ra xa khỏi những thực tại bi ai của kiếp người, chúng ngăn cản chúng ta tiếp xúc với người khác qua cuộc sống cụ thể, và sau cùng, ngăn cản chúng ta học biết quyền năng có tính cách mạng phát xuất từ sự hiền dịu của Thiên Chúa (xc. Thông Điệp Evangelii gaudium, 270).

Nhờ vào việc không tách vinh quang ra khỏi Thánh Giá, Chúa Giê-su muốn giải phóng các môn đệ của Ngài, muốn giải phóng Giáo hội của Ngài khỏi thái độ chiến thắng trống rỗng: khỏi cảnh thiếu Đức Ái, thiếu sự sẵn sàng phục vụ, thiếu sự cảm thông, và thiếu gần gũi dân chúng. Ngài muốn giải phóng Giáo hội khỏi một sự ảo tưởng không kiềm chế mà nó không thể bén rễ sâu trong cuộc sống của Dân Tín Hữu, hay, khỏi cái còn tệ hơn nữa khi nghĩ rằng, sự phụng thờ Thiên Chúa đòi hỏi phải rời bỏ những con đường bụi bặm của lịch sử. Trái lại, việc chiêm ngưỡng và đi theo Chúa Ki-tô đòi hỏi chúng ta phải mở tâm hồn mình ra cho Thiên Chúa Cha và cho tất cả những ai mà chính Ngài thích tự đồng hóa mình với họ (xc. ĐTC Gio-an Phao-lô II, Tông Huấn Novo millennio ineunte, 49), và trong niềm xác tín rằng, Ngài không bao giờ bỏ rơi dân Ngài.

 

Anh chị em thân mến, câu hỏi sau đây cũng vẫn đang được tiếp tục nói ra bởi hằng triệu khuôn mặt: „Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?“ (Mt 11,13).Với cả môi miệng và con tim, chúng ta hãy tuyên xưng: „Đức Giê-su Ki-tô là Chúa“ (Phil 2,11). Đó là Cantus firmus (tiền xướng) của chúng ta mà chúng ta cần phải cất lên mỗi ngày – và thực ra, với sự đơn sơ, với sự xác tín và niềm vui đến từ niềm ý thức rằng: „Giáo hội không chiếu sáng trong ánh sáng riêng, nhưng trong ánh sáng của Chúa Ki-tô và nương theo ánh hào quang của „mặt trời công chính“, đến độ Giáo hội có thể nói: „Không còn phải là tôi sống nữa, mà là Chúa Ki-tô sống trong tôi“ (Gl 2.20) (Thánh Ambroxio, Hexaemeron, IV,8,32).

 

Quảng Trường Thánh Phê-rô ngày 29 tháng 06 năm 2019

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2018