Bài Giáo Lý Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Cuộc Tiếp Kiến Chung, Sáng Thứ Tư, 08.08.2018: Các Giới Răn (tiếp theo - V)

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục suy tư về Thập Giới và đào sâu về đề tài tôn thờ ngẫu tượng. Trong tuần vừa qua, chúng ta đã nói về điều đó rồi. Hôm nay chúng ta sẽ tái làm sáng tỏ đề tài này, vì việc biết rõ về nó là điều rất quan trọng. Và đơn giản là chúng ta sẽ bắt đầu từ bức tượng thần, từ con bò vàng mà sách Xuất Hành (Xh 32,1-8) đã nói tới – chúng ta vừa mới nghe một đoạn từ sách đó. Sự kiện này có một bối cảnh xác định: sa mạc, nơi dân ngồi chờ Mô-sê trở lại, vì ông đã lên núi để nhận lãnh các thánh chỉ của Đức Chúa. Sa mạc là gì? Thưa, đó là nơi mà tại đó chỉ có sự thiếu thốn và sự bất an ngự trị - trong sa mạc không có gì hết – tại đó thiếu nguồn nước, thiếu lương thực và thiếu sự an toàn. Sa mạc là một hình ảnh về cuộc sống bất định và không sở hữu những bảo đảm bất khả xâm phạm của con người. Sự bất an ấy khơi lên trong con người những nỗi sợ hãi và lo lắng căn bản nhất mà Chúa Giê-su đã nhắc đến trong Tin Mừng: „Chúng ta nên ăn gì, uống gì và mặc gì?“ (Mc 6,31). Đó là những nỗi lo lắng căn bản nhất. Và sa mạc khơi lên những nỗi sợ hãi ấy.

Và tại sa mạc Sinai đã xảy ra một điều gì đó có liên quan tới việc tôn thờ ngẫu tượng: vì „Mô-sê vẫn chưa xuống núi“ (Xh 32,1). Ông lưu lại đó 40 đêm ngày, và người ta đã không còn giữ được sự kiên nhẫn nữa. Họ thiếu mất điểm quy chiếu, cụ thể đó là ông Mô-sê: người dẫn dắt, vị thủ lãnh, người lãnh đạo có khả năng vỗ về, và sự thiếu vắng đó đã trở thành điều không thể chịu đựng nổi. Vì thế, dân chúng cần tới một vị thần hữu hình – đó là cái bẫy mà dân đã rơi vào -, để có thể nhận diện và định hướng cho điều đó. Và họ nói với Aaron: „Hãy tạo cho chúng tôi một vị thần có khả năng dẫn dắt chúng tôi!“. „Hãy tạo cho chúng tôi một thủ lãnh, hãy tạo cho chúng tôi một vị lãnh đạo!“ Để trốn thoát trước sự bất an – sa mạc chính là sự bất an – bản tính con người luôn tự tìm cho mình một „tôn giáo tự lập“: Khi Thiên Chúa không biểu lộ bản thân Ngài thì chúng ta sẽ tự làm cho mình một vị thần để bám theo. „Trước ngẫu tượng, người ta sẽ không nhận thức được sự rủi ro có thể có của một tiếng gọi mà nó đưa một người ra khỏi những điều an toàn và chắc chắn riêng của họ, vì các ngẫu tượng ´có miệng nhưng không nói không rằng`(Tv 115,5). Vì thế, chúng ta hiểu được rằng, ngẫu tượng chính là một cớ để thoái thác, hầu đặt mình vào trung tâm của thực tại, vào trong sự tôn thờ những công trình do chính đôi tay mình làm ra“ (Thông Điệp Lumen fidei, 13).

Aaron đã không thể cưỡng lại được sự đòi hỏi của dân chúng, và do đó, ông đã đúc cho họ một con bò bằng vàng. Theo người Đông Phương cổ thời, con bò mang hai ý nghĩa: một mặt, nó là biểu tượng của sự phong nhiêu và viên mãn, và mặt khác, nó là biểu tượng cho năng lực và sức mạnh. Nhưng điều đặc biệt ở đây là nó được làm bằng vàng, vì thế, nó còn là biểu tượng của sự giầu sang, của sự thành công, của quyền lực và của tiền bạc nữa. Đó là những đại ngẫu tượng: thành công, quyền lực và tiền bạc. Những cơn cám dỗ đó vẫn luôn tồn tại! Và vì thế, nó là con bò bằng vàng: là biểu tượng của tất cả mọi niềm mong muốn mà thực ra nó đưa ra một ảo tưởng về tự do, nhưng thực tế, nó lại nô lệ hóa, vì ngẫu tượng luôn luôn nô lệ hóa. Bạn cảm thấy mình bị lôi cuốn bởi nó và bước đi theo nó. Con rắn cũng có khả năng lôi cuốn đó khi nó nhìn chòng chọc vào con chim: con chim không thể nhúc nhích được gì nữa, và con rắn sẽ bắt được con chim. Aaron đã không thể chống cưỡng.

Nhưng tất cả đều phát xuất từ việc thiếu khả năng, đặc biệt là thiếu khả năng tín thác vào Thiên Chúa, thiếu khả năng trong việc đặt sự an toàn của chúng ta vào nơi Ngài, và để Ngài trao một chiều sâu đích thực cho những mong muốn thâm sâu của chúng ta. Điều đó cũng cho phép người ta gánh chịu những yếu đuối, những điều không rõ ràng và những điều bất an. Việc quy chiếu về Thiên Chúa làm cho chúng ta được mạnh mẽ trong sự yếu đuối, trong sự thiếu rõ ràng, và kể cả trong sự bất an nữa. Nếu không dành cho Thiên Chúa quyền ưu việt thì người ta sẽ dễ dàng rơi vào sự tôn thờ ngẫu tượng, cũng như dễ dàng hài lòng với những sự trấn an nghèo nàn. Nhưng đó là một cơn cám dỗ mà chúng ta đã đọc thấy trong Kinh Thánh. Và anh chị em hãy suy cho kỹ về điều này: Thiên Chúa đã không đòi hỏi phải trả công lớn để giải thoát dân khỏi Ai-cập; Ngài đã thực hiện việc giải thoát đó với những dấu chỉ quyền năng và Tình Yêu. Đúng hơn, sự gian khổ lớn lao của Thiên Chúa hệ tại ở chỗ tách Ai-cập ra khỏi con tim của dân, tức tách việc tôn thờ ngẫu tượng ra khỏi cõi lòng của dân Chúa. Và Thiên Chúa vẫn còn tiếp tục cố gắng tách nó ra khỏi con tim của chúng ta.

Đó là sự gian khổ to lớn của Thiên Chúa: tách những gì „thuộc về Ai-cập“ mà chúng ta đang mang trong lòng, tức sức cuốn hút của việc tôn thờ ngẫu tượng, ra khỏi cõi lòng chúng ta. Nếu người ta đón nhận Thiên Chúa của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng vốn giầu sang nhưng đã trở nên nghèo khó vì chúng ta (xc. 2Cr 8,9), thì người ta sẽ khám phá ra được rằng, việc nhận ra những yếu đuối riêng của mình sẽ không phải là nỗi bất hạnh đối với cuộc sống con người, nhưng là một điều kiện để mở cõi lòng mình ra cho Đấng là sức mạnh thực sự. Ơn cứu độ của Thiên Chúa sẽ bước vào thông qua chiếc cửa của sự yếu đuối (xc. 2Cr 12,10); nhờ vào sự thiếu thốn của mình, con người sẽ mở bản thân mình ra cho tình phụ tử của Thiên Chúa. Sự tự do của con người phát sinh từ chỗ người ta để cho Thiên Chúa đích thực trở thành người chủ duy nhất của mình. Và điều đó cho phép chúng ta chấp nhận những yếu đuối của mình và khước từ những ngẫu tượng trong lòng.

Các Ki-tô hữu chúng ta hãy hướng cái nhìn về Chúa Ki-tô chịu đóng đinh (xc. Ga 19,37), Đấng trở nên yếu đuối, bị khinh khi và bị cướp hết tất cả. Nhưng trong Ngài, dung nhan của Thiên Chúa đích thực lại được mạc khải: vinh quang của Tình Yêu chứ không phải vinh quang của sự lừa bịp lấp lánh. Ngôn Sứ Isaia đã nói: „Nhờ vào những vết thương của Người mà chúng ta được chữa lành“ (53,5). Chúng ta được cứu độ nhờ vào sự yếu đuối của một Con Người, nhưng cũng là Thiên Chúa, và nhờ vào những vết thương của Ngài. Rồi, nhờ vào những yếu đuối của chúng ta, chúng ta sẽ có thể mở bản thân mình ra cho ơn cứu độ của Thiên Chúa. Ơn cứu độ của chúng ta đến từ Ngài, Đấng đã trở nên khó nghèo, Đấng đón nhận sự thất bại, đón nhận sự bất an của chúng ta cho tới tận nơi thẳm sâu nhất, để lấp đầy chúng với Tình Yêu và sức mạnh. Ngài đến để mạc khải cho chúng ta biết tình phụ tử của Thiên Chúa; trong Chúa Ki-tô, sự yếu đuối của chúng ta sẽ không còn là sự trừng phạt nữa, nhưng trở thành một nơi để gặp gỡi với Thiên Chúa Cha, cũng như trở thành nguồn mạch của một sức mạnh mới từ trên cao.

 

Vatican, Đại Sảnh Đường Tiếp Kiến

Sáng thứ Tư ngày mồng 08 tháng 08 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2018