Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi tiếp kiến chung, sáng thứ Tư, 10.10.2018: Các Giới Răn (X)

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

 

Bài Giáo Lý hôm nay được dành để nói về Lời thứ năm: Ngươi không được giết người. Đó là Điều Răn thứ năm: Ngươi không được sát nhân. Chúng ta đã ở trong phần hai của Thập Giới, tức phần liên hệ đến các mối tương quan đối với tha nhân; và Điều Răn này, với cách trình bày ngắn gọn và rõ ràng của mình, đã thể hiện như một pháo đài bảo vệ giá trị nền tảng của các mối tương quan giữa con người.

 

Và giá trị nền tảng của các mối tương quan giữa con người với nhau là gì? Thưa, đó là sự sống. Vì thế: Ngươi không được sát nhân. Người ta có thể nói tóm gọn về tất cả mọi điều khốn nạn mà chúng xảy ra trên thế giới, bằng câu này: coi thường sự sống. Sự sống bị tấn côn bởi các cuộc chiến tranh, bởi những tổ chức bóc lột người – chúng ta đọc thấy rất nhiều điều trên báo chí và thấy chúng trên các bản tin truyền hình -, bởi những vụ hủy hoại thiên nhiên, bởi nền văn hóa vứt bỏ, và bởi tất cả những hệ thống mà chúng bắt sự sống con người phải chịu khuất phục trước những toan tính cơ hội chủ nghĩa, trong khi một số người phải sống trong một tình trạng phi nhân. Điều đó có nghĩa là coi thường sự sống, tức sát nhân theo một cách thức nào đó.

 

Một sự đánh giá thiếu nhất quán cũng đang tạo điều kiện cho việc dập tắt sự sống con người ngay từ trong lòng mẹ, nhân danh việc bảo vệ những quyền lợi khác. Nhưng một hành vi mà nó dập tắt sự sống vô tội và không thể tự vệ ngay từ trong trứng nước, lại có thể được gọi là trị liệu, dân sự, hay đơn giả là nhân bản được hay sao? Cha xin hỏi anh chị em: Việc „xóa bỏ“ sự sống con người để giải quyết một vấn đề, thì có đúng không? Việc thuê một kẻ giết mướn để giải quyết một vấn đề, liệu có đúng không? Việc „xóa bỏ“ một con người, dù rằng người ấy rất nhỏ bé, để giải quyết một vấn đề, là điều không thể chấp nhận được và là một hành vi sai trái. Nó cũng giống hệt như khi người ta thuê một kẻ giết mướn để giải quyết một vấn đề vậy. Tất cả những điều đó từ đâu mà đến? Về cơ bản mà nói thì đâu là nơi phát sinh ra bạo lực và sự khước từ sự sống? Thưa, từ sự sợ hãi. Việc đón nhận người khác là một thách đố đối với chủ nghĩa cá nhân.

 

Chúng ta hãy nghĩ tới một số ví dụ, chẳng hạn như khi người ta khám phá ra rằng, một sự sống chưa được sinh ra sẽ là người tàn tật, và có thể còn là một người tật nguyền nặng. Trong những trường hợp bi ai đó, cha mẹ cần tới sự gần gũi và tình liên đới đích thực để đối diện với thực tế cũng như để vượt qua những nỗi sợ hãi có thể hiểu được. Thay vì thế, họ lại thường nhận được một lời khuyên hết sức vội vã rằng, hãy phá bỏ thai nhi đó. Người ta nói như thế, nhưng „việc phá thai“ có nghĩa là trực tiếp „xóa bỏ một con người“. Giống như bất cứ người đau khổ nào trên thế giới, hay như một cụ già, một em bé bệnh tật cũng cần tới sự giúp đỡ, giống như nhiều người nghèo phải khó nhọc và nỗ lực. Một em bé – dầu là con trai hay con gái – mà em có vẻ như là một vấn đề, thì trong thực tế, vẫn là một tặng phẩm của Thiên Chúa, tặng phẩm ấy có thể kéo tôi ra khỏi sự ích kỷ và có thể làm cho tôi được lớn lên trong Tình Yêu. Sự sống bị tổn thương sẽ chỉ cho chúng ta thấy được lối đi, thấy được cách thế để cứu mình ra khỏi kiếp sống bị nhốt lại trong chính mình, cũng như để khám phá ra niềm vui của Tình Yêu. Và ở đây Cha muốn dừng lại một chút để cám ơn, cám ơn nhiều thiện nguyện viên, cám ơn tổ chức thiện nguyện rất mạnh của Ý, đây là tổ chức mạnh nhất mà chính Cha đã từng quen biết. Xin cám ơn.

 

Và điều gì khiến cho người ta khước từ sự sống? Thưa, đó chính là các ngẫu tượng của thế gian này: tiền bạc – chúng ta xóa bỏ người thân, vì nó mang theo mình sự phí tổn -, quyền lực, và sự thành công. Đó là những tiêu chuẩn sai trái để đánh giá sự sống. Đâu là tiêu chuẩn đích thực đối với sự sống? Thưa, đó là Tình Yêu, Tình Yêu mà với nó, Thiên Chúa đang yêu thương chúng ta! Tình Yêu mà với nó, Thiên Chúa đang yêu thương sự sống: đó là tiêu chuẩn. Tình Yêu mà với nó, Thiên Chúa đang yêu thương bất cứ sự sống nào của con người. Vậy đâu là ý nghĩa tích cực của Lời: „Ngươi không được sát nhân“? Thưa ý nghĩa của nó nằm ở chỗ là, Thiên Chúa chính là „bạn hữu của sự sống“, như chúng ta vừa mới nghe trong bài Kinh Thánh. Mầu nhiệm sự sống sẽ được mạc khải cho chúng ta thông qua điều đó, như Con Thiên Chúa đã hành động, Đấng đã trở thành người, và thậm chí trên Thập Giá, còn đón nhận về cho mình sự khước từ, sự yếu đuối, nghèo hèn và khổ đau (xc. Ga 13,1). Chúa Giê-su đang kiếm tìm chúng ta trong bất cứ một em bé bệnh tật nào, trong bất cứ một cụ già yếu đuối nào, trong bất cứ một người tị nạn đầy nghi nan nào, trong bất cứ sự sống bị sát hại và bị đe dọa nào, Ngài kiếm tìm con tim chúng ta ở đó, hầu làm cho chúng ta thấy được niềm vui của Tình Yêu.

 

Phần thưởng nằm ở chỗ là đón nhận bất cứ sự sống nào, vì bất cứ ai cũng đều đáng giá đối với bửu huyết của Chúa Ki-tô (xc. 1Phr 1,18-19). Điều gì Thiên Chúa rất yêu thương thì người ta không được phép coi thường! Chúng ta phải nói với những người nam và những người nữ trên thế giới này rằng: Bạn đừng coi thường sự sống! Sự sống của người khác nhưng cũng là sự sống của mình, vì Điều Răn của Thiên Chúa cũng được áp dụng cho sự sống đó: „Ngươi không được giết người“. Người ta phải nói với các bạn trẻ rằng: Đừng coi thường kiếp sống của bạn! Đừng tiếp tục từ chối công trình của Thiên Chúa nữa! Bạn là một công trình của Thiên Chúa! Đừng đánh giá thấp bản thân mình, đừng coi thường mình thông qua những sự phụ thuộc mà chúng sẽ hủy hoại bạn và đẩy bạn vào chỗ chết!

 

Không ai được phép đo lường sự sống bằng những lừa gạt của thế gian này, nhưng mỗi người phải đón nhận chính mình và người khác nhân danh Thiên Chúa Cha, Đấng đã tác tạo nên chúng ta. Ngài chính là „bạn hữu của sự sống“: Thật là tuyệt vời: „Thiên Chúa là bạn hữu của sự sống.“ Và tất cả chúng ta đều nằm trong con tim của Ngài, đến độ Ngài đã sai Con của mình xuống cho chúng ta. Trong Tin Mừng có đoạn viết như sau: „Vì Thiên Chúa rất mực yêu thương thế gian, nên đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời“ (Ga 3,16).

 

Quảng trường Thánh Phê-rô

Sáng thứ Tư ngày mồng 10 tháng 10 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 

Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2018