Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi tiếp kiến chung, sáng thứ Tư, 17.10.2018 – Các Giới Răn (XI)

 

Anh chị em thân mến!

 

Hôm nay Cha muốn tiếp tục bài Giáo Lý về Lời thứ năm của Thập Giới: „Ngươi không được sát nhân!“ Chúng ta đã nhấn mạnh rằng, Giới Răn này mạc khải cho biết, sự sống con người vô cùng quý giá, thánh thiêng và bất khả xâm phạm trong cặp mắt của Thiên Chúa. Không ai được phép khinh thường sự sống người khác hay sự sống của chính mình. Vì con người mang trong mình hình ảnh của Thiên Chúa và là đối tượng của Tình Yêu khôn cùng của Ngài, trong bất cứ hoàn cảnh nào mà trong đó con người được kêu gọi để sống.

Trong đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe, Chúa Giê-su đã mạc khải cho chúng ta một ý nghĩa còn sâu xa hơn của Giới Răn này. Ngài nói rằng, trước Tòa Án của Thiên Chúa, ngay cả việc giận dữ anh em mình cũng bị coi là một dạng sát nhân. Vì thế, Thánh Gio-an Tông Đồ viết: „Bất cứ ai ghét anh em mình thì cũng đều là kẻ sát nhân“ (1Ga 3,15). Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã không dừng lại ở đó, nhưng Ngài bổ sung vào trong chính lô-gích ấy một điều rằng, ngay cả việc lăng mạ hay khinh thường cũng đều có thể sát hại. Và chúng ta lại rất quen với việc lăng mạ hay chửi mắng người khác, đúng là như vậy. Một sự lăng mạ xuất hiện như một nhịp thở. Và Chúa Giê-su nói: „Hãy coi chừng, vì sự lăng mạ sẽ gây đau thương, nó có khả năng sát hại.“ Sự coi thường cũng thế. „Nhưng tôi, … những hạng người ấy… tôi rất coi thường“. Đó là một hình thức sát hại phẩm giá người khác.. Sẽ là rất tuyệt vời nếu như giáo huấn ấy của Chúa Giê-su sẽ có thể thẩm thấu vào được trong trí tuệ và trong con tim, và rồi mỗi người chúng ta sẽ nói: „Tôi sẽ không bao giờ lăng mạ hay xúc phạm ai nữa.“ Đó là một ý định rất tuyệt vời, vì Chúa Giê-su sẽ nói với chúng ta: „Này, nếu con khinh thường ai, nếu con xúc phạm đến ai, nếu con thù ghét ai, thì rồi con sẽ trở thành một tên sát nhân.

Không có bất cứ bộ luật nhân loại nào lại đặt những hành vi rất khác biệt ngang hàng với nhau và lên án chúng theo cùng một cấp độ. Và thậm chí, theo một cách nhất quán, Chúa Giê-su còn đòi hỏi người ta phải tạm dừng việc dâng lễ vật trong Đền Thờ lại khi người ta chợt nhớ rằng mình đã xúc phạm tới một người anh em, để đi ra, tìm kiếm cho được người anh em đó để làm hòa. Chúng ta cũng nên thực hiện hành vi giao hòa ấy đối với bất cứ ai mà chúng ta đang có vấn đề với họ, khi chúng ta đi tham dự Thánh Lễ. Ngay cả khi chúng ta nghĩ xấu về người khác thì cũng có nghĩa là chúng ta đã xúc phạm tới họ rồi. Nhưng thường thì người ta lại thích tán gẫu về một chuyện gì đó, hay nói xấu người khác trong lúc người ta đợi Linh mục tới cử hành Thánh Lễ. Người ta không được phép làm như thế. Chúng ta hãy nhớ rằng, sự xúc phạm, sự khinh thường và sự thù ghét nghiêm trọng tới mức nào: Chúa Giê-su đặt tất cả ba điều vừa nêu trên cùng một bình diện với sự sát nhân.

Như vậy, Chúa Giê-su muốn nói gì khi Ngài mở rộng phạm vi của Lời thứ năm tới điểm đó? Con người có một sự sống cao quý và rất nhậy cảm, và con người cũng sở hữu một cái TÔI thầm kín, cái TÔI ấy cũng quan trọng không kém gì sự hiện hữu thể lý của họ. Trong thực tế, chỉ cần một lời bất xứng thôi thì cũng đủ để gây tổn thương cho sự trong trắng của một em bé. Và cũng chỉ cần một cử chỉ lạnh lùng thôi thì cũng đủ để có thể gây tổn thương cho một người phụ nữ. Hay chỉ cần thể hiện một sự thiếu tin tưởng đối với một bạn trẻ thôi thì cũng đủ để bóp nát con tim của bạn ấy rồi. Hoặc chỉ cần giả vờ không thèm đếm xỉa gì tới một ai đó thì cũng đủ để hủy diệt họ rồi. Sự thờ ơ lãnh đạm là một hành vi sát hại. Nó còn có khả năng sát hại hơn là khi người ta nói với một người nào đó rằng: „Tao coi mày như đã chết rồi“, vì bạn đã giết người ấy trong con tim của mình. Không sống yêu thương là bước đầu tiên của sự sát nhân; và không sát nhân là bước đầu tiên của sự yêu thương.

Ngay ở đầu cuốn Kinh Thánh, người ta đã đọc được một câu rất khủng khiếp, câu ấy phát xuất từ môi miệng của kẻ sát nhân đầu tiên, tức Ca-in, sau khi Thiên Chúa tra khảo ông rằng, em của ngươi đâu. Ca-in trả lời: „Tôi không biết. Tôi đâu có phải là người bảo vệ em tôi?“ (St 4,9). Những kẻ sát nhân đều nói như thế: „Điều đó chẳng liên can gì tới tôi cả“, „đó là việc của bạn“, hay những câu tương tự. Chúng ta hãy cố gắng trả lời cho câu hỏi này: Chúng ta có phải là những người bảo vệ của những người anh em mình hay không? Đúng vậy, chúng ta là người bảo vệ! Chúng ta là những người bảo vệ của nhau! Và đó là con đường sự sống, đó là con đường không sát nhân. Sự sống con người cần tới Tình Yêu. Và Tình Yêu đích thực là gì? Đó là điều mà Chúa Giê-su đã chỉ cho chúng ta thấy, cụ thể là Lòng Xót Thương. Tình Yêu mà chúng ta không thể khước từ, chính là Tình Yêu tha thứ, Tình Yêu đón nhận người đã làm điều ác cho chúng ta. Không ai trong chúng ta có thể sống sót nếu không có Lòng Xót Thương, tất cả chúng ta đều cần tới sự tha thứ. Nếu sự „sát nhân“ có nghĩa là hủy hoại, áp bức, hay loại trừ một ai đó, thì việc „không sát nhân“ có nghĩa là quan tâm, quý trọng và không loại trừ họ. Và cũng có nghĩa là tha thứ nữa.

Không ai được phép bị khuất phục bởi sự ảo tưởng để nghĩ rằng: „Tôi đang ổn vì tôi không làm điều gì xấu.“ Một khoáng chất hay một cây cỏ thì có cách hiện hữu đó, nhưng một con người thì không. Một con người – dù đó là nam hay nữ - đều cũng không có cách hiện hữu đó. Một người nam hay một người nữ còn bị đòi hỏi nhiều hơn. Có một điều tốt để làm, mà điều đó đã được chuẩn bị cho mỗi người chúng ta, và điều đó khiến chúng ta trở thành chính mình trong cõi thẳm sâu nhất. „Ngươi không được sát nhân“ chính là một lời kêu gọi sống yêu thương và sống lòng nhân hậu. Đó là một lời mời gọi sống theo Chúa Giê-su, Đấng đã trao hiến mạng sống cho chúng ta và cũng đã phục sinh cho chúng ta. Một lần kia, tại quảng trường Thánh Phê-rô này, tất cả chúng ta đều đã cùng lập lại lời của một vị Thánh về đề tài này. Có lẽ nó sẽ có thể giúp chúng ta: „Không làm bất cứ điều gì xấu là một điều tốt đẹp. Nhưng không làm bất cứ điều gì tốt thì lại là một điều xấu.“ Chúng ta phải làm điều tốt luôn luôn. Hãy vượt lên trên chính chúng ta.

Chúa Giê-su là Thiên Chúa, Đấng đã thánh hiến sự sống của chúng ta nhờ vào mầu nhiệm Nhập Thể của Ngài; và nhờ vào Bửu Huyết của mình, Ngài đã làm cho sự sống của chúng ta trở nên vô cùng quý giá; Ngài là „Đấng khai nguồn sự sống“ (Cv 3,15), nhờ Ngài, bất cứ ai cũng đều trở thành tặng phẩm của Thiên Chúa Cha. Trong Ngài, trong Tình Yêu của Ngài, mà Tình Yêu ấy mạnh hơn sự chết, và nhờ vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần mà Thiên Chúa Cha tặng ban cho chúng ta, chúng ta có thể tiếp nhận Lời „ngươi không được sát nhân“ với tư cách là tiếng mời gọi quan trọng và căn bản nhất: không sát nhân có nghĩa là một lời mời gọi sống yêu thương.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô

Sáng thứ Tư ngày 17 tháng 10 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2018