Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi tiếp kiến chung, sáng thứ Tư 28.11.2018: Các Giới Răn (XVII – Hết)

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Bài Giáo Lý hôm nay sẽ kết thúc loạt bài nói về Thập Giới. Trong bài này, chúng ta có thể sử dụng đề tài „niềm khát mong“ như là đề tài mang tính chìa khóa, mà qua đó chúng ta sẽ có thể tái bước đi trên con đường mà chúng ta đã đi, cũng như có thể tóm tắt những chặng đường mà chúng ta đã thực hiện, bằng cách là sẽ luôn luôn đọc bản văn Thập Giới dưới ánh sáng mạc khải tròn đầy trong Chúa Ki-tô. Chúng ta đã khởi đi từ niềm biết ơn với tư cách là nền tảng căn bản cho các mối tương quan tín thác và vâng phục: Thiên Chúa, như chúng ta đã thấy, sẽ không đòi hỏi bất cứ điều gì trước khi Ngài trao ban chính bản thân Ngài. Ngài mời gọi chúng ta tuân phục để cứu mình ra khỏi sự lừa dối của việc tôn thờ ngẫu tượng mà nó có rất nhiều quyền lực trên chúng ta. Vì nếu chúng ta tìm kiếm việc hiện thực hóa bản thân mình trong các ngẫu tượng của thế gian này, thì điều đó sẽ làm cho chúng ta trở nên trống rỗng cũng như nô dịch hóa chúng ta, trong khi điều trao tặng cho chúng ta ý nghĩa và sự trung kiên chính là mối tương quan với Ngài, Đấng làm cho chúng ta trở thành những người con trong Chúa Ki-tô, nhờ vào tình hiền phụ của mình (xc. Eph 3,14-16).

Điều đó giả thiết một quá trình chúc lành và giải phóng, mà chúng chính là một sự an bình đích thực và chân thật. Trong Thánh Vịnh có câu như sau: „Chỉ nơi Thiên Chúa mà thôi, linh hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn, ơn cứu độ tôi bởi Người mà đến“ (Tv 62,2). Sự sống được giải phóng ấy sẽ trở thành sự giả định của lịch sử cá nhân chúng ta, và giao hòa chúng ta với những gì chúng ta đã trải qua kể từ thời niên thiếu cho tới thời điểm hiện tại. Nó làm cho chúng ta trở nên những người trưởng thành, tức những con người có khả năng trao ý nghĩa chính xác cho thực tại và cho những con người trong cuộc sống chúng ta. Chúng ta bước đi trên con đường này trong sự tương quan đối với tha nhân, và đó là lời mời gọi để sống vẻ điệp của sự trung tín, của sự quảng đại và của sự ngay thực, khởi đi từ Tình Yêu mà Thiên Chúa thể hiện trong Chúa Giê-su Ki-tô.

Nhưng để sống như thế - tức sống trong vẻ đẹp của sự trung tín, của sự quảng đại và của sự ngay thực – chúng ta phải có một con tim mới được Chúa Thánh Thần cư ngụ bên trong (xc. Ed 11,19; 36,26). Cha tự hỏi: Việc „thay đổi con tim“ ấy, từ con tim cũ sang con tim mới, diễn ra như thế nào? Thưa nhờ vào việc ban tặng một „niềm khát khao mới“ (xc. Rm 8,6), mà việc khát khao ấy được gieo vào lòng chúng ta nhờ ân sủng của Thiên Chúa, đặc biệt là thông qua Thập Giới mà Chúa Giê-su đã kiện toàn như Ngài đã dậy trong Bài Giảng Trên Núi (xc. Mt 5,17-48). Vì trong sự quan sát cuộc sống được khắc họa bởi Thập Giới, tức một kiếp sống biết ơn, tự do, trung thực, đầy phúc lành và trưởng thành, mà nó bảo vệ và yêu mến sự sống, nó trung tín, đại lượng và trung thực, chúng ta sẽ đứng trước Chúa Ki-tô mà hầu như không phát hiện ra. Thập Giới chính là „bức hình chụp X Quang“ của cuộc sống, nó phác họa cuộc sống như là một âm bản trong khoa chụp hình, mà âm bản đó sẽ làm sáng tỏ dung nhan cuộc sống – như nơi tấm Khăn Liệm thành Turin. Chúa Thánh Thần làm cho con tim chúng ta được đơm bông kết trái, và đặt vào trong đó niềm khát khao mà nó là tặng phẩm của Ngài, niềm khát khao Thần Khí: Khát khao theo Thần Khí, trong nhịp điệu của Thần Khí, và với khúc nhạc của Thần Khí.

Nếu chúng ta ngắm nhìn Chúa Ki-tô, chúng ta sẽ thấy được chân thiện mỹ. Và Chúa Thánh Thần sẽ mang cuộc sống tiến về phía trước, mà nếu chúng ta đi theo những khát khao của Ngài, thì điều ấy sẽ cấy vào trong chúng ta niềm hy vọng, Đức Tin và Đức Ái. Như thế chúng ta sẽ khám phá ra cách tốt hơn điều có nghĩa rằng, Chúa Giê-su đến không phải để hủy bỏ Lề Luật nhưng là để kiện toàn, để làm cho nó phát triển. Và trong khi Lề Luật là một loạt những điều bắt buộc và những điều cấm đoán theo xác thịt, thì chính Lề Luật đó sẽ trở thành sự sống theo Thần Khí (xc. Ga 6,63; Ep 2,15), vì sẽ không còn phải là những quy tắc nữa, nhưng là thân xác Chúa Ki-tô, Đấng yêu thương chúng ta, kiếm tìm chúng ta, tha thứ cho chúng ta, an ủi chúng ta, và là Đấng tái khôi phục sự hiệp thông với Thiên Chúa Cha trong thân mình của Ngài, mà sự hiệp thông ấy đã bị đánh mất bởi sự bất tuân vì tội lỗi. Và như thế, sự tiêu cực của từ ngữ, sự tiêu cực trong cách diễn tả của Lề Luật – “ngươi không được trộm cắp”, “ngươi không được xúc phạm người khác”, và “ngươi không được sát nhân”, sẽ tự biến đổi. Bất cứ mệnh lệnh “đừng” nào cũng đều sẽ trở thành một hành vi tích cực: yêu thương, tạo ra không gian cho người khác trong con tim của tôi, mong muốn rắc gieo những điều tích cực. Và đó là sự kiện toàn Lề Luật mà Chúa Giê-su đã đến để đem đến cho chúng ta.

Trong Chúa Ki-tô, và chỉ trong Ngài, Lề Luật mới thôi trở thành một sự kết án (xc. Rm 8,1), nhưng sẽ trở thành một chân lý đích thực của cuộc sống con người, tức trở thành một niềm khát khao Đức Ái - ở đây phát sinh niềm khát khao sự thiện, khát khao làm sự thiện – khát khao niềm vui, khát khao bình an, khát khao công lý, khát khao những điều tốt lành, khát khao sự trung tín, khát khao sự dịu hiền, và khát khao sự tự chủ. Người ta băng qua tiếng “không” để đến với lời thưa “Xin Vâng”: Hành vi tích cực của một con tim được mở ra nhờ vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Vì thế chúng ta phải tìm kiếm Chúa Ki-tô trong Thập Giới: để làm cho con tim mình được đơm bông kết trái, để nó được lấp đầy bằng Tình Yêu và mở ra cho công trình của Thiên Chúa. Nếu con người thi hành niềm mong muốn sống theo Chúa Ki-tô, thì họ sẽ mở ra một cánh cửa dẫn tới ơn cứu độ mà nó phải đến một cách đơn giản, vì Thiên Chúa, Đấng là Cha, vô cùng quảng đại, và như được viết trong sách Giáo Lý rằng: “Khát khao điều đó sẽ dẫn tới chỗ chúng ta khát khao Ngài” (số 2560).

Nếu đó là những mong muốn xấu mà nó làm cho con người trở nên hư đốn (xc. Mt 15,18-20), thì Chúa Thánh Thần sẽ đặt những mong muốn thánh thiện của Ngài vào con tim chúng ta, mà những niềm mong muốn ấy chính là hạt giống của đời sống mới (xc. 1Ga 3,9). Vì đời sống mới không phải là một cố gắng phi thường để tuân thủ một quy tắc, nhưng đời sống mới chính là Thần Khí của Thiên Chúa, Đấng dẫn dắt chúng ta từ khi bắt đầu cho tới khi xuất hiện những hoa trái của Ngài, trong sự đồng hoạt động đầy hạnh phúc giữa niềm vui của chúng ta trước việc được yêu thương, và niềm vui của Ngài trước việc yêu thương chúng ta. Hai dạng niềm vui đó sẽ gặp gỡ nhau: Niềm vui của Thiên Chúa trước việc yêu thương chúng ta, và niềm vui của chúng ta trước việc được yêu thương. Đó là Thập Giới cho các Ki-tô hữu chúng ta: Chiêm ngưỡng Chúa Ki-tô để mở bản thân mình ra, và đón nhận con tim của Ngài để tiếp nhận niềm khát khao của Ngài cũng như lãnh nhận Thần Khí của Ngài.

 

Tòa Thánh Vatican, Đại Sảnh Đường Tiếp Kiến

Sáng thứ Tư ngày 28 tháng 11 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2018