Bài Huấn Dụ của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Đọc Kinh Truyền Tin Chung, Trưa CN, 01.07.2018

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay (xc. Mc 5,21-43) tường thuật lại cho chúng ta biết về hai phép lạ mà Chúa Giê-su đã thực hiện, và mô tả về hai phép lạ này như là một cuộc diễu hành đi tới sự sống. Trước tiên, Tin Mừng tường thuật về trường hợp của ông Gia-ia, trưởng Hội Đường. Ông ta đến với Chúa Giê-su, sấp mặt xuống dưới chân Người, khẩn khoản xin Người đi tới nhà ông, vì đứa con gái 12 tuổi của ông đang trong giờ lâm tử. Chúa Giê-su đã nhận lời van xin của ông, và cùng ông lên đường. Nhưng trên đường đi, mọi người nhận được tin cô bé đã qua đời. Chúng ta có thể hình dung ra được phản ứng của người cha lúc đó.

Nhưng Chúa Giê-su nói với ông: „Mong ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi!“ (Mc 5,36). Khi tới nhà ông Gia-ia, Chúa Giê-su đã ra lệnh cho những người đang khóc lóc phải đi ra chỗ khác – vì ở đó cũng có những kẻ khóc mướn, họ kêu la ầm ĩ -, sau đó, cùng với ba môn đệ và cha mẹ của cô bé, Chúa Giê-su đã bước vào phòng đặt xác cô, cầm lấy tay đứa bé đã chết và nói: „Này bé, Thầy ra lệnh cho con: hãy chỗi dậy!“ (Mc 5,41). Và cô bé đứng dậy ngay lập tức, như thể là em vừa thức dậy từ một giấc ngủ rất sâu (xc. Mc 5,42).

Khi kể về phép lạ nêu trên, Thánh Mác-cô còn bổ sung thêm một biến cố khác: Người phụ nữ bị băng huyết được chữa lành ngay sau khi bà đụng tay vào gấu áo của Chúa Giê-su (xc. Mc 5,27). Ở đây, sự kiện gây ấn tượng ở chỗ, Đức Tin của người phụ nữ này đã lôi cuốn sức mạnh cứu thoát của Thiên Chúa – Cha muốn nói rằng „cướp“ – mà sức mạnh ấy hiện diện trong con người Chúa Ki-tô, Đấng cảm thấy như đang có một sức mạnh „tuôn trào ra“ từ chính Ngài, và muốn biết, người vừa rờ vào gấu áo của Ngài là ai. Và khi người phụ nữ bước tới với tất cả sự xấu hổ cũng như đã thú nhận tất cả, thì Ngài nói với bà: „Này con, lòng tin của con đã cứu chữa chon“ (Mc 5,34). Đó là hai câu chuyện được lồng vào nhau với một trung tâm điểm duy nhất: Đức Tin. Và hai phép lạ này chứng tỏ cho thấy Chúa Giê-su chính là nguồn cội sự sống, là Đấng tái ban lại sự sống cho những ai hoàn toàn tín thác vào Ngài.

Những nhân vật chính của hai câu chuyện trên chính là người cha của cô bé và người phụ nữ bị băng huyết chứ không phải là các môn đệ của Chúa Giê-su, nhưng họ được chứng kiến nhờ vào Đức Tin của mình. Họ tin vào một con người. Nhờ thế, chúng ta hiểu được rằng, tất cả đều được phép đi trên con đường của Chúa: không ai được phép cảm thấy mình như là kẻ đột nhập, kẻ không có giấy phép hay kẻ bất hợp pháp. Để đi tới được con tim của Ngài, con tim của Chúa Giê-su, chỉ có một điều kiện duy nhất: cảm nhận được rằng, người ta cần tới ơn cứu độ, và tín thác vào Ngài. Và Cha xin hỏi anh chị em: mỗi người trong anh chị em có cảm thấy rằng mình cần tới ơn cứu độ không? Cần được giải thoát khỏi bất cứ điều gì, khỏi tội lỗi, khỏi một vấn đề không? Và khi người ấy cảm thấy điều đó thì người ấy có tin vào Chúa Giê-su không?

Đó là hai điều kiện để được cứu độ, để có được đường dẫn tới con tim của Ngài: cảm thấy cần tới ơn cứu độ và tín thác vào Ngài. Chúa Giê-su khám phá ra những người này trong đám đông và đưa họ đi ra khỏi sự vô danh; Ngài giải thoát họ khỏi nỗi sợ hãi để sống và dám làm một điều gì đó. Ngài thực hiện điều đó với một cái nhìn và với một lời nói mà nó tái cho phép họ đón nhận con đường sau nhiều nỗi khổ đau và bị làm nhục. Ngay cả chúng ta đây cũng được kêu gọi hãy học biết và noi theo những lời có khả năng giải phóng đó, cũng như học theo những cách nhìn mà chúng trao lại niềm khát khao được sống cho những người không còn niềm khát khao đó nữa.

Trong Bài Tin Mừng hôm nay, những đề tài về Đức Tin và về sự sống mới mà Chúa Giê-su đến để tặng ban cho tất cả, được lồng vào nhau. Khi Ngài bước vào nhà mà xác của cô bé vừa qua đời đang nằm ở đó, Ngài đã đuổi những người đang khóc lóc và la hét ra ngoài (xc. Mc 5,40), và Ngài nói: „Đứa bé có chết đâu, nó đang ngủ mà!“ (Mc 5,39). Chúa Giê-su là Thiên Chúa, và đối với Ngài, cái chết về thể xác cũng giống như một giấc ngủ: không có lý do gì để tuyệt vọng. Có một cái chết khác mà người ta phải sợ hãi trước nó: Cái chết của con tim bị hóa đá bởi sự ác! Vâng, chúng ta phải sợ hãi trước một cái chết như thế! Nếu chúng ta cảm thấy rằng, con tim của mình đã bị hóa đá – tức con tim đã trở nên chai cứng -, và Cha cho phép mình dùng từ này: con tim bị sấy khô mà chúng ta phải sợ hãi trước nó. Đó là cái chết của con tim. Nhưng cũng có những tội lỗi, cũng có những con tim bị sấy khô mà đối với Chúa Giê-su, chúng không bao giờ là những lời có tính chung cuộc, vì Ngài mang đến cho chúng ta Lòng Xót Thương không cùng của Thiên Chúa Cha. Và ngay cả khi chúng ta rơi vào vực thẳm, thì một giọng nói dịu hiền nhưng mạnh mẽ cũng vẫn được gửi đến cho chúng ta: „Thầy ra lệnh cho con phải đứng dậy!“ Thật tuyệt vời khi nghe được những lời đó của Chúa Giê-su; đó là những lời được dành cho từng người một trong chúng ta: „Thầy ra lệnh cho con phải đứng dậy! Phải bước đi! Phải đứng dậy, chỉ cần can đảm đứng dậy!“ Và Chúa Giê-su đã tái ban lại sự sống cho cô bé, và Ngài cũng tái ban lại sự sống cho người phụ nữ được chữa lành: sự sống và Đức Tin nơi cả hai người. Chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria đồng hành với chúng ta trên con đường Đức Tin và Đức Ái cụ thể, đặc biệt là đối với những ai đang gặp cảnh khốn cùng. Và nhờ lời cầu bầu từ mẫu của Mẹ, chúng ta hãy xin Mẹ bầu cử cho những anh chị em đang phải khổ đau cả nơi thể xác lẫn trong tâm hồn.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô

Trưa Chúa Nhật ngày mồng 01 tháng 07 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2018