Bài Giáo Lý Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung, Sáng Thứ Tư, 26.09.2018: Về chuyến công du vùng Balticum

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Trong những ngày vừa qua, Cha đã thực hiện một chuyến Tông Du đến Lithuania, Latvia và Estonia nhân dịp 100 năm ngày độc lập của những quốc gia này. Đây là những quốc gia „thuộc vùng Balticum “. Nhưng trong suốt một nửa thế kỷ, họ đã phải sống dưới ách đô hộ - trước tiên là ách đô hộ của Đức Quốc Xã, sau đó là ách đô hộ của chính quyền xô-viết. Họ là những dân tộc đã phải trải qua nhiều khổ đau, và vì thế, Thiên Chúa đã nhìn đến đọ với tình thương yêu đặc biệt. Và Cha dám chắc chắn điều đó. Cha xin cám ơn các vị tổng thống của ba nước cộng hòa ấy, cũng như cám ơn các chính quyền dân sự vì sự đón tiếp nồng hậu mà họ đã dành cho Cha. Cha cũng xin cám ơn các Đức Giám mục và cám ơn tất cả những ai đã cùng cộng tác để chuẩn bị cũng như để thực hiện biến cố đặc biệt đó của Giáo hội.

Chuyến viếng thăm của Cha đã diễn ra trong một bối cảnh mà nó đã thay đổi rất nhiều kể từ chuyến viếng thăm của Đức Gio-an Phao-lô II. Vì thế, sứ mạng của Cha là tái công bố niềm vui Tin Mừng và cuộc cách mạng trìu mến và Lòng Nhân Hậu cho các dân tộc ấy, vì nếu không có Tình Yêu luôn luôn đến từ Thiên Chúa, thì sự tự do không đủ để trao ý nghĩa và sự viên mãn cho cuộc sống. Tin Mừng, điều trao ban sức mạnh trong những thời thử thách, và gây phấn chấn cho cuộc chiến giải phóng, chính là ánh sáng trong thời tự do chiếu soi cho con đường hằng ngày của nhân loại, của các gia đình, của xã hội, và là muối trao ban hương vị cho cuộc sống hằng ngày, cũng như bảo vệ nó trước sự hư thối của lối sống tầm thường và của sự ích kỷ.

Tại Lithuania, người Công giáo chiếm số đông, trong khi đó, tại Latvia và tại Estonia thì người Tin lành và người Chính thống lại chiếm đa số, nhưng nhiều người đã rời xa đời sống tôn giáo. Vì thế, thách đố nằm ở chỗ là củng cố tình hiệp thông của tất cả mọi Ki-tô hữu, mà sự hiệp thông ấy đã phát triển rất mạnh trong thời bách hại. Trong thực tế, chiều kích đại kết là một phần quan trọng của chuyến Tông Du này; nó đã thấy được sự diễn tả trong buổi cầu nguyện tại nhà thờ Chính Tòa Riga và trong cuộc gặp gỡ với giới trẻ tại Tallinn.

Trong khi Cha hướng về các nhà lãnh đạo thuộc chính quyền của ba quốc gia, Cha đã đặc biệt nhấn mạnh tới sự đóng góp mà họ đã dành cho cộng đồng các quốc gia, và đặc biệt là cho Âu Châu: Một sự đóng góp cho những giá trị nhân bản và xã hội, mà những giá trị ấy đã được thử nghiệm bởi lửa thử thách. Cha đã khích lệ sự đối thoại giữa các thế hệ những bậc cao niên và những người trẻ, để mối liên hệ đến “gốc rễ” sẽ tiếp tục có thể làm cho hiện tại và tương lai được trở nên phong nhiêu. Cha đã mời gọi hãy luôn liên kết sự tự do với tình liên đới và sự đón nhận, mà nó tương ứng với truyền thống của mỗi quốc gia đó.

Có hai cuộc gặp gỡ đặc biệt dành cho các bạn trẻ và cho các vị cao niên: cuộc gặp với giới trẻ diễn ra tại Vilnius, còn cuộc gặp với các vị cao niên thì diễn ra tại Riga. Các nam thanh nữ tú đã đứng chật quảng trường phía trước nhà thờ Chính Tòa Vilnius, và ở đó, đập vào mắt mọi người là bức phông dán khẩu hiệu của chuyến viếng thăm: “Chúa Giê-su Ki-tô niềm hy vọng của chúng ta”. Những chứng nhân đã diễn tả vẻ đẹp của lời cầu nguyện cũng như của những bài ca; của việc mở tâm hồn ra cho Thiên Chúa; của niềm vui trong việc phục vụ người khác và việc bước ra khỏi những hàng rào xung quanh cái “Tôi” để lên đường cũng như ở trong tình trạng tái đứng dậy sau mỗi lần quỵ ngã. Với những cụ già tại Latvia, Cha đã nhấn mạnh tới mối liên hệ khắng khít giữa sự kiên nhẫn và niềm hy vọng. Những ai đã trải qua những cơn thử thách khắc nghiệt, đều trở thành gốc rễ của một dân tộc, mà những gốc rễ đó cần phải được bảo vệ bằng ân sủng của Thiên Chúa, để những mầm chồi mới có thể hút nhựa từ đó và đơm bông kết trái. Thách đố đối với các vị cao niên hệ tại ở chỗ không làm cho tâm hồn mình trở nên chai cứng, nhưng mở ra, và luôn luôn tế nhị trong cả trí tuệ lẫn con tim; và điều đó sẽ trở nên có thể nhờ vào “nhựa sống” của Chúa Thánh Thần, trong sự cầu nguyện và trong việc lắng nghe Lời Chúa.

Cha cũng có một cuộc gặp gỡ với các Linh mục, với các Tu sĩ nam nữ và với các Chủng sinh tại Latvia. Đối với họ, chiều kích vĩnh cửu đã biểu lộ như một yếu tố căn bản đối với niềm hy vọng: hướng về Thiên Chúa và bén rễ sâu trong Tình Yêu của Ngài. Nhiều Linh mục và các Tu sĩ luống tuổi đã đưa ra một chứng tá vĩ đại cho điều đó, và ngày nay họ cũng vẫn đang còn tiếp tục làm chứng như vậy! Họ đã trải qua rất nhiều đau khổ: bị vu khống, bị tù đầy và bị xua đuổi…, nhưng vẫn trung kiên trong Đức Tin. Cha đã khuyên họ đừng bao giờ quên vun trồng cho ký ức về các vị Tử Đạo để noi gương các Ngài.

Cũng vậy, trong mối liên hệ đến sự tưởng nhớ, tại Vilnius, Cha đã thể hiện niềm tôn kính đối với những người Do-thái là nạn nhân của vụ Genozid tại Lithuania, cụ thể là cách nay đúng 75 năm, kể từ ngày giải phóng trại tập trung, nơi người ta đã sát hại trên một chục ngàn người Do-thái. Đồng thời Cha cũng đã đến thăm viện bảo tàng tưởng nhớ các nạn nhân của vụ Genozid: Cha đã bước vào trong các gian phòng, nơi những người chống lại chế độ cai trị đã bị giam giữ, bị tra tấn và bị sát hại, và đã cầu nguyện ở đó. Mỗi đêm có khoảng 40 người trong số họ đã bị sát hại. Thật là rùng mình và kinh khủng khi thấy được sự tàn bạo của con người có thể đạt tới đâu. Chúng ta hãy suy nghĩ về điều đó.

Năm tháng sẽ qua đi, những chế độ cai trị cũng sẽ qua đi, nhưng Đức Maria, Thân Mẫu của Lòng Thương Xót, vẫn tiếp tục nhìn xuống Cánh Cổng Bình Minh của Vilnius, không ngừng quan tâm tới con dân của Mẹ, với tư cách là dấu chỉ của niềm hy vọng chắc chắn cũng như của niềm an ủi (LG, 68). Một trong những dấu chỉ sống động của Tin Mừng luôn luôn là Đức Ái cụ thể. Ngay tại những nơi mà sự tục hóa diễn ra khốc liệt nhất, thì Thiên Chúa cũng vẫn tiếp tục nói bằng ngôn ngữ Tình Yêu, ngôn ngữ quan tâm, ngôn ngữ phục vụ vô vị lợi đối với những người khổ đau. Và rồi những con tim sẽ mở ra và các phép lạ cũng sẽ diễn ra: Sự sống mới sẽ bắt đầu nẩy mầm trong các sa mạc.

Trong ba Thánh Lễ được cử hành tại Kaunas (Lithuania), tại Aglona (Latvia) và tại Tallinn (Estonia), Dân thánh của Thiên Chúa đang lữ hành tại những quốc gia đó, đã canh tân lời thưa „Xin Vâng“ với Chúa Ki-tô, niềm hy vọng của chúng ta; Dân Chúa đã canh tân lời thưa xin vâng đó cùng với Đức Maria, Đấng không ngừng biểu lộ cho con cái mình với tư cách là người Mẹ, đặc biệt là cho những ai đang phải khổ đau; Dân Chúa đã canh tân lời thưa xin vâng đó với tư cách là Dân được tuyển chọn, tư tế và hiến thánh, mà trong con tim của Dân ấy, Thiên Chúa đang tái khơi lên hồng ân Bí Tích Thanh Tẩy. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người anh chị em của mình tại Lithuania, tại Latvia và tại Estonia. Xin cám ơn anh chị em.

 

Vatican, Đại Sảnh Đường Tiếp Kiến

Sáng thứ Tư ngày 26 tháng 09 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2018