Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong Thánh Lễ tưởng nhớ các vị Hồng Y đã qua đời, ngày 03.11.2018

 

Anh chị em thân mến!

Bài Tin Mừng hôm nay nói về dụ ngôn các trinh nữ „đi đón Tân Lang“ (Mt 25,1), tất cả có mười trinh nữ. Đối với mọi người, cuộc sống chính là một lời mời gọi không ngừng lên đường: ra khỏi lòng mẹ, ra khỏi nhà, nơi họ được sinh ra, ra khỏi thời thơ ấu để bước vào thời niên thiếu, và bước ra khỏi thời niên thiếu để bước vào thời trưởng thành, cho tới khi ra khỏi thế giới này. Ngay cả đối với những người phục vụ Tin Mừng thì cuộc sống cũng diễn ra trong sự ra đi không ngừng như thế: Đi ra khỏi quê cha đất tổ để đi tới nơi mà Giáo hội sai chúng ta đến, đi ra khỏi sự phục vụ này để tới với sự phục vụ khác; chúng ta luôn luôn hiện hữu trong sự ra đi, cho tới một sự ra đi chung cuộc.

Tin Mừng đã giải thích rõ cho chúng ta hiểu về ý nghĩa của sự không ngừng ra đi trong cuộc sống: đi đón Đức Lang Quân. Đó là điều mà chúng ta đang sống: cho một tiếng mời gọi vang lên vào lúc ban đêm trong Tin Mừng mà chúng ta sẽ có thể tiếp nhận tiếng gọi mời đó cách hoàn toàn trong giờ lâm tử: „Kìa, Chàng Rể đang tới! Hãy mau ra đón người!“ (Mt 25,6). Cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su, Đức Lang Quân, „Đấng yêu thương Giáo hội và hiến mình vì Giáo hội“ (Ep 5,25), sẽ trao ban ý nghĩa và hướng đi cho cuộc sống. Không gì khác hơn. Đó là sự kết thúc mà nó chiếu soi ánh sáng trên điều tiến về phía trước. Và như việc gieo trồng được đánh giá bởi vụ thu hoạch thế nào, thì đường đời cũng sẽ được đánh giá bởi sự kết thúc của nó như vậy.

Nếu giờ đây cuộc sống là một cuộc đi đón Đức Lang Quân, thì cuộc sống cũng là một thời gian được ban tặng để lớn lên trong Tình Yêu. Cuộc sống là một sự chuẩn bị hằng ngày cho tiệc cưới, một đại lễ đính hôn. Chúng ta hãy tự hỏi: Có phải tôi đang sống như một người biết chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với Đức Lang Quân hay không? Trong sự phục vụ, đàng sau tất cả mọi chương trình, những hoạt động được tổ chức, và cả những bổn phận cần được chu toàn, chúng ta không được phép lìa cặp mắt khỏi sợi chỉ đỏ liên kết toàn bộ lịch sử: sự mong chờ Đức Lang Quân. Trung tâm điểm không thể là gì khác ngoài con tim biết yêu mến Thiên Chúa. Chỉ có như thế thì thân mình hữu hình nơi sự phục vụ của chúng ta mới được gây phấn chấn bởi một linh hồn vô hình. Giờ đây, chúng ta đã hiểu được điều mà Thánh Phao-lô Tông Đồ nói trong Bài Đọc II rằng: „Vì thế chúng ta mới không chú tâm tới những sự vật hữu hình, nhưng chú tâm tới những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh cửu“ (2Cor 4,18). Chúng ta đừng dán mắt vào những hoạt động nơi thế trần, nhưng hãy nhìn vượt lên trên chúng. Có một câu châm ngôn rất nổi tiếng như sau: „Điều chính yếu thì vô hình đối với cặp mắt“. Điều chính yếu trong cuộc sống chính là việc lắng nghe giọng nói của Đức Lang Quân. Cuộc sống mời gọi chúng ta hãy hướng cặp mắt về Đấng đang đến, và hãy biến mọi hoạt động thành một sự chuẩn bị cho tiệc cưới với Ngài.

Chúng ta hãy nhớ tới một yếu tố mà trong Tin Mừng, nó là điều căn bản đối với các trinh nữ đang chờ đợi để bước vào phòng cưới: không phải là quần áo, cũng chẳng phải là đèn đuốc, nhưng đúng hơn là dầu được để dành trong những chiếc bình nho nhỏ.

Đặc tính đầu tiên của dầu là: không gây chú ý. Nó được giữ kín, không lộ ra bên ngoài, nhưng nếu không có dầu thì đèn sẽ không cháy sáng. Điều đó muốn nói gì với chúng ta? Thưa muốn nói rằng, không phải những điều bên ngoài, nhưng chỉ có tấm lòng mới đáng kể trước mặt Thiên Chúa (xc. Sam 16,7). Những điều mà thế gian tìm kiếm và khoe ra – danh dự, quyền lục, dáng vẻ bên ngoài, danh vọng -, tất cả những điều đó đều qua đi mà không để lại bất cứ điều gì. Việc giữ khoảng cách đối với những vẻ bên ngoài của thế gian là điều tối cần thiết để chuẩn bị cho Nước Trời. Người ta phải nói không với „nền văn hóa son phấn“, vì nó mang chúng ta tới chỗ chỉ chăm chút cho dáng vẻ bên ngoài. Đúng hơn, người ta nên thanh luyện và bảo vệ con tim; nội tâm con người mới là điều quý giá trong cặp mắt Thiên Chúa chứ không phải dáng vẻ bên ngoài, vì nó sẽ qua đi.

Sau đặc tính thứ nhất ấy – không gây chú ý nhưng rất cần thiết – nơi dầu còn có khía cạnh thứ hai: ở đó để được sử dụng. Chỉ khi nào nó cháy thì nó mới tạo ra ánh sáng. Vấn đề cũng giống hệt như thế nơi cuộc sống: nó chỉ chiếu giãi ánh sáng nếu nó được sử dụng và bị tiêu hao trong sự phục vụ. Mầu nhiệm cuộc sống hệ tại ở chỗ sống và phục vụ. Sự phục vụ chính là vé qua cổng, nó sẽ dẫn người ta đi từ cổng tới tiệc cưới đời đời. Điều gì từ cuộc sống sẽ lưu lại nơi ngưỡng cửa dẫn tới vĩnh cửu thì đó sẽ không phải là điều mà chúng ta đáng được, nhưng là điều mà chúng ta đã cho đi (Mt 6,19-21; 1Cor 13,8). Ý nghĩa cuộc sống chính là việc đưa ra lời đáp trả trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Và lời đáp trả sẽ xuyên qua Tình Yêu đích thực, ngang qua sự trao hiến và phục vụ. Sự phục vụ đòi hỏi một điều gì đó, vì nó có nghĩa là tiêu hao bản thân và được sử dụng. Nhưng trong sứ mạng của chúng ta, những ai không sống để phục vụ thì cũng sẽ không có ích lợi gì đối với cuộc sống cả. Ai quá coi trọng sự sống của mình thì người ấy sẽ đánh mất nó.

Đặc tính thứ ba của dầu được Tin Mừng trình bày trong một cách thức rất quan trọng: sự sẵn sàng. Dầu phải được chuẩn bị trước cũng như phải được mang theo (xc. Mt 25, 4.7). Chắc chắn rằng, Tình Yêu có tính tự phát, nhưng nó không hướng tới sự may rủi. Sự ngu ngốc của các trinh nữ phải đứng bên ngoài tiệc cưới hệ tại ở chỗ thiếu sự chuẩn bị. Lúc này chính là thời gian để chuẩn bị: trong khoảnh khắc hiện tại, ngày lại này, người ta phải giữ cho Tình Yêu được luôn sống động. Chúng ta hãy xin cho được ơn canh tân mối tình đầu hằng ngày đối với Thiên Chúa (xc. Kh 2,4), đừng để cho Tình Yêu ấy bị tắt ngấm. Cơn cám dỗ dữ dội hệ tại ở chỗ tái rơi vào một cuộc sống không có Tình Yêu, tức cuộc sống giống như một chiếc bình hết dầu, như một ngọn đèn bị dập tắt. Nếu người ta không đầu tư trong Tình Yêu thì sự sống sẽ bị dập tắt. Những người được mời đến tham dự tiệc cưới với Thiên Chúa sẽ không được phép sống một cuộc đời trên chiếc ghế bành, hay một cuộc sống nông cạn và không hướng lên cao, tức cuộc sống tiếp diễn nhưng không có động lực, và chỉ tìm kiếm những điều mang đến sự hài lòng nhỏ nhoi, cũng như chạy theo sự khen lao có tính thoảng qua. Một cuộc sống vô vị và tầm thường, tức cuộc sống tự lấy làm đủ với việc chu toàn một vài bổn phận mà không hề trao hiến chính mình, sẽ không xứng đáng với Đức Lang Quân.

Khi chúng ta cầu nguyện cho các Đức Hồng Y và cho các Đức Giám mục đã qua đời trong năm vừa qua, thì chúng ta hãy xin với tất cả những người đã tiến hành cuộc sống của mình mà không gây quá nhiều chú ý, tức những người đã phục vụ với trọn tấm lòng, và ngày lại ngày, không ngừng chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, cầu thay nguyện giúp cho chúng ta. Nhờ gương sáng của các chứng nhân ấy, mà tạ ơn Chúa, có rất nhiều những chứng nhân như vậy, chúng ta đừng hài lòng với một cái nhìn thiển cận về hiện tại; đúng hơn, chúng ta hãy khao khát để có được cái nhìn trải rộng, cái nhìn hướng về bữa tiệc cưới đang chờ đợi chúng ta. Một cuộc sống được xuyên qua bởi niềm khát khao Thiên Chúa và được thực hiện trong Đức Ái, sẽ luôn sẵn sàng bước vào căn nhà của Đức Lang Quân, và lưu lại đó mãi mãi.

 

Đền Thờ Thánh Phê-rô

Ngày 03 tháng 11 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2018