Bài Huấn Dụ Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Đọc Kinh Truyền Tin Chung, Trưa CN, 07.10.2018

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay (xc. Mc 10,2-16) trình bày cho chúng ta biết Lời của Chúa Giê-su về đời sống hôn nhân. Câu chuyện bắt đầu với sự kích động của những người Pha-ri-siêu. Họ đến hỏi Chúa Giê-su rằng, liệu người chồng có được phép rẫy bỏ vợ mình như được quy định trong Luật Mô-sê hay không (xc. Mc 10,2-4)? Trước câu hỏi đó, với sự khôn ngoan và quyền năng đặc biệt mà Ngài đã nhận được từ Thiên Chúa Cha, Chúa Giê-su đã đặt Luật Mô-sê vào trong một chiều kích mới, bằng cách nói rằng: „Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông“ (Mc 10,5). Đó là một sự nhượng bộ nhằm giúp san bằng những vết nứt nơi sự ích kỷ của chúng ta, nhưng nó không tương ứng với mục đích nguyên thủy của Đấng Sáng Tạo.

Và ở đây Chúa Giê-su đã trưng dẫn sách Sáng Thế: “Ngay từ khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam có nữ. Vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mình mà gắn bó với vợ mình” (Mc 10,6-7). Và Ngài đưa ra kết luận: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,9). Trong kế hoạch nguyên thủy của Đấng Sáng Tạo, vấn đề không phải là người nam cưới một người nữ, và người phụ nữ có thể khước từ khi mọi chuyện không trôi chảy. Không, thay vì thế, người nam và người nữ được kêu gọi hãy nhìn nhận nhau, bổ túc cho nhau và giúp đỡ lẫn nhau trong đời sống hôn nhân. Giáo huấn đó của Chúa Giê-su là điều hết sức rõ ràng và không thể bị nhầm lẫn; Giáo huấn ấy bảo vệ phẩm giá hôn nhân với tư cách là một sự hiệp nhất trong Tình Yêu bao hàm sự thủy chung. Điều giúp cặp vợ chồng được luôn hiệp nhất trong hôn nhân, đó chính là Tình Yêu trong sự trao hiến lẫn cho nhau, mà Tình Yêu ấy được nâng đỡ bởi ân sủng của Chúa Giê-su. Nếu những mối quan tâm cá nhân vượt lên trên niềm an bình của đôi vợ chồng, thì sự hiệp nhất của họ sẽ không thể bền vững.

Và đó chính là điều được rút ra từ Tin Mừng, mà với một thực tế to lớn, nó nhắc nhớ chúng ta rằng, cả người nam và người nữ đều được kêu gọi để sống kinh nghiệm tương quan và Tình Yêu, và cả hai hãy sẵn sàng tiếp nhận những cử chỉ đầy đớn đau mà có thể chúng sẽ đưa họ vào một cơn khủng hoảng. Chúa Giê-su không cho phép tất cả những gì có thể làm cho các mối tương quan bị đổ vỡ. Ngài thực hiện điều đó để xác định kế hoạch của Thiên Chúa, mà trong kế hoạch đó, sức mạnh và vẻ đẹp của những mối tương quan nhân loại là điều rất nổi bật. Một mặt, Giáo hội không bao giờ trở nên mệt mỏi trong việc khẳng định vẻ đẹp của gia đình như được lưu truyền cho chúng ta thông qua Kinh Thánh và Truyền Thống; đồng thời, Giáo hội cố gắng làm cho sự gần gũi từ mẫu của mình trở nên cụ thể và rõ ràng hơn đối với những người đang phải trải qua sự đổ vỡ nơi các mối tương quan, hay đang mang các mối tương quan ấy tiến về phía trước, với những nỗi khổ đau và nhọc nhằn.

Cách thức mà chính Thiên Chúa đối xử với dân bất trung của mình – cụ thể là chúng ta -, dậy cho chúng ta biết rằng, Tình Yêu bị tổn thương sẽ có thể được chữa lành nhờ vào Lòng Thương Xót và ơn tha thứ của Thiên Chúa. Vì thế, trong những hoàn cảnh như thế, Giáo hội không bao giờ đòi hỏi phải ngay lập tức đưa ra lời kết án duy nhất và đơn độc. Trái lại, khi tận mắt chứng kiến rất nhiều những trường hợp đổ vỡ đầy khổ đau trong đời sống hôn nhân, Giáo hội cảm thấy được kêu gọi sống sự hiện diện Tình Yêu, Đức Ái và Lòng Nhân Hậu của mình, để đưa những con tim tan nát và thất lạc về lại với Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria để Mẹ giúp đỡ các cặp hôn nhân biết luôn luôn sống và canh tân mối dây liên kết của họ nhờ vào hồng ân nguyên thủy của Thiên Chúa.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô

Trưa Chúa Nhật, ngày mồng 07 tháng 10 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2018