Bài Huấn Dụ của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi Đọc Kinh Truyền Tin chung, trưa CN, 04.11.2018

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Đứng trong trung tâm điểm của bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay (xc. Mc 12,28-34) là Giới Luật Yêu Thương: Yêu mến Thiên Chúa và thương yêu tha nhân. Một Luật Sĩ đã hỏi Chúa Giê-su rằng: „Đâu là giới Răn quan trọng nhất?“ (Mc 12,28). Và Ngài đã trả lời bằng cách trích dẫn từ lời tuyên xưng Đức Tin mà bất cứ người Israel nào cũng đọc khi bắt đầu một ngày mới cũng như khi kết thúc ngày đó của mình. Lời tuyên xưng ấy bắt đầu với nhữ từng như sau: „Nghe đây hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa duy nhất“ (Đnl 6,4). Bằng cách đó, người Israel đã duy trì Niềm Tin vào một thực tế căn bản nơi toàn bộ lời tuyên xưng Đức Tin của mình: Chỉ có một Thiên Chúa, và đó là Thiên Chúa „của chúng ta“, trong ý nghĩa: Ngài đã tự cột chặt mình lại với một giao ước không thể chia cắt với chúng ta, Ngài đã yêu thương, đang yêu và sẽ tiếp tục yêu thương chúng ta cho tới muôn đời. Từ nguồn mạch đó, từ Tình Yêu đó của Thiên Chúa, một Giới Răn kép đã phát sinh: „Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi […] Và ngươi phải yêu người thân cận như chính mình“ (Mc 12,30-31). Trong khi Chúa Giê-su chọn lựa và sắp xếp lại những lời mà Thiên Chúa đã nói với Dân Người, thì Ngài đã dậy một lần cho muôn lần rằng, Tình Yêu đối với Thiên Chúa và Đức Ái đối với tha nhân sẽ không thể bị chia tách, hơn nữa, chúng bổ túc và nâng đỡ lẫn nhau.

<

Ngay cả khi chúng được xếp đặt theo thứ tự trước sau, thì chúng cũng vẫn là hai mặt của một chiếc mề-đai: Khi cả hai cùng được sống, thì chúng sẽ là sức mạnh thực sự của Đức Tin! Yêu mến Thiên Chúa có nghĩa là sống vì Ngài và cho Ngài, cho điều mà Ngài là, và cho điều mà Ngài thực hiện. Và Thiên Chúa của chúng ta chính là một nguồn ân sủng vô hạn, Ngài là nguồn tha thứ vô biên, Ngài là mối tương quan thôi thúc và làm cho phát triển. Vì thế, yêu mến Thiên Chúa có nghĩa là sử dụng những năng lực của chúng ta mỗi ngày để trở nên những cộng tác viên của Ngài, bằng cách là phục vụ vô điều kiện những người thân cận của mình, tha thứ không giới hạn, và chăm lo cho những mối tương quan hiệp thông và huynh đệ.

Thánh Sử Mác-cô đã không phải mất nhiều công sức trong việc xác định tha nhân là ai, vì tha nhân là bất cứ người nào tôi gặp gỡ trên đường mỗi ngày. Vấn đề không phải là chọn lựa tha nhân của tôi từ trước đó: Đó không phải là Ki-tô giáo. Tôi nghĩ rằng, người thân cận của tôi là người mà tôi đã chọn trước đó: Không, đó không phải là Ki-tô giáo, điều đó thuộc dân ngoại. Đúng hơn, vấn đề ở đây là có cặp mắt biết quan tâm tới họ, có một con tim biết muốn điều tốt cho họ. Nếu chúng ta cố gắng nhìn bằng ánh mắt của Chúa Giê-su, thì chúng ta sẽ luôn luôn lắng nghe và đứng về phía những người đang cần điều đó. Chắc chắn rằng, những nhu cầu của tha nhân đang đòi phải có một câu trả lời thích đáng, nhưng trước tiên, chúng còn đòi phải có một sự đồng sẻ chia nữa.

Với một hình ảnh, chúng ta có thể nói rằng, một người đang đói không chỉ cần tới một tô cháo, nhưng cũng cần cả tới một nụ cười, một sự lắng nghe và một lời cầu nguyện mà có lẽ người ta sẽ cùng thực hiện. Bài Tin Mừng hôm nay đòi hỏi tất cả chúng ta không chỉ hướng đến những nhu cầu bức bách nhất của những người anh chị em nghèo túng, nhưng đặc biệt là còn phải quan tâm tới nhu cầu muốn có được một sự gần gũi huynh đệ, muốn có được một ý nghĩa của cuộc sống, và muốn có được một sự trìu mến. Điều này thôi thúc các cộng đoàn Ki-tô giáo hãy đi ra: để ngăn ngừa nguy cơ trở thành những cộng đoàn có rất nhiều sáng kiến nhưng lại có quá ít các mối tương quan; ngăn ngừa nguy cơ trở thành những cộng đoàn chỉ là „những trạm dịch vụ“ nhưng lại có quá ít tình hiệp thông trong ý nghĩa tròn đầy và Ki-tô giáo của thuật ngữ ấy.

Thiên Chúa là Tình Yêu, Ngài đã sáng tạo nên chúng ta vì Tình Yêu, để chúng ta có thể yêu thương những người khác, bằng cách lưu lại trong sự hiệp nhất với Ngài. Thật là ảo tưởng nếu muốn yêu thương những người thân cận của mình nhưng lại không mến yêu Thiên Chúa. Và cũng thật là ảo tưởng không kém khỉ người ta đòi yêu mến Thiên Chúa nhưng lại không yêu thương tha nhân. Cả hai chiều kích của Tình Yêu – yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân -, trong sự hiệp nhất của chúng, chính là nét đặc trưng của những người môn đệ Chúa Ki-tô. Ước gì Đức Trinh Nữ Maria sẽ giúp chúng ta biết đón nhận giáo huấn có tính soi sáng đó và làm chứng cho giáo huấn ấy trong cuộc sống hằng ngày.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô

Trưa Chúa Nhật ngày mồng 04 tháng 11 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ