Bài Giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong giờ đọc Kinh Chiều I, ngày 31.12.2018

 

Anh chị em thân mến!

Nhân dịp cuối năm, Lời Chúa với hai câu văn của Thánh Phao-lô Tồng Đồ (xc. Gal 4,4-5) sẽ đồng hành với chúng ta. Đó là những sứ điệp ngắn gọn và đầy ý nghĩa: một bản tóm tắt Tân Ước mà nó trao ý nghĩa cho một khoảnh khắc „có tính bước ngoặt“ chẳng hạn như thời điểm giao thừa.

Sứ điệp thứ nhất mà nó làm cho chúng ta phải lưu tâm, chính là „sự viên mãn của thời gian“. Nó chứa đựng một âm hưởng đặc biệt trong những giờ khắc cuối cùng của năm Phụng Vụ này, mà trong đó chúng ta vẫn còn cảm thấy có nhu cầu về một điều gì đó có khả năng làm cho thời gian trở nên „viên mãn“. Khát khao một điều gì đó, hay tốt hơn, khát khao một Đấng nào đó. „Đấng nào đó“ ấy đã đến, Thiên Chúa đã sai Ngài đến: Đó là „Con Một Ngài“, Chúa Giê-su. Chúng ta vừa mới cử hành Đại Lễ Sinh Nhật của Ngài cách nay chưa lâu. Ngài đã được sinh ra bởi một người phụ nữ, bởi Đức Trinh Nữ Maria; Ngài được sinh ra dưới quyền Lề Luật, một em bé người Do Thái được đặt dưới quyền Lề Luật Thiên Chúa. Nhưng làm sao lại có thể như thế? Điều này có thể trở thành một dấu chỉ cho sự  viên mã của thời gian“ được sao? Chắc chắn, với một khảnh khắc nào đó, điều đó hầu như là không rõ ràng và vô nghĩa, nhưng trong khoảng hơn ba chục năm, Đức Giê-su ấy sẽ tuôn ra một sức mạnh to lớn, mà sức mạnh ấy vẫn còn đang kéo dài, và sẽ kéo dài suốt toàn bộ lịch sử: sức mạnh của Tình Yêu. Đó là Tình Yêu, và Tình Yêu này làm cho tất cả trở nên viên mãn, kể cả thời gian. Và toàn bộ Tình Yêu của Thiên Chúa được „quy tụ lại“ trong con người Đức Giê-su ấy.

Thánh Phao-lô nói rất rõ, tại sao Con Thiên Chúa lại được sinh ra trong thời gian, và đâu là sứ vụ mà Thiên Chúa Cha đã ủy thác cho Ngài: Ngài đã được sinh ra để „cứu chuộc“. Đó là cách diễn tả thứ hai, nó cũng gây kinh ngạc không kém: cứu chuộc có nghĩa là cứu thoát khỏi những mối liên hệ của kiếp nô lệ và dẫn đưa tới sự tự do, tới phẩm giá, tới với sự tự do riêng của con cái Thiên Chúa. Kiếp nô lệ mà Thánh Phao-lô nghĩ tới, chính là kiếp nô lệ „Lề Luật“, nó được hiểu như là một mớ những quy định phải tuân thủ. Nó là một Lề Luật, mà chắc chắn nó có khả năng huấn dậy con người, nó rất có tính sư phạm, tuy nhiên, nó lại không giải phóng con người khỏi định chế tội lỗi của họ, nhưng có thể nói rằng, còn „ghim chặt“ họ vào trong tình trạng đó hơn, và ngăn không cho họ đạt tới được sự tự do của con cái Thiên Chúa.

Thiên Chúa đã sai Con Một của mình xuống thế gian, để nhổ sạch kiếp nô lệ xưa cũ ra khỏi con tim nhân loại, cũng như tái khôi phục phẩm giá của họ. Vì, như Chúa Giê-su nói trong Tin Mừng (xc. Mc 7,21-23), mọi tư tưởng xấu xa cũng như tất cả mọi sự độc ác mà chúng làm cho cuộc sống cũng như cho các mối tương quan trở nên hư đốn, đều phát xuất từ lòng người.

Chúng ta phải tạm dừng lại ở đây – tạm dừng lại để với nỗi khổ đau và lòng thống hối, suy nghĩ cho biết, tại sao ngay cả trong thời điểm cuối năm này mà cũng vẫn đang còn có rất nhiều những người nam và những người nữ đã và đang phải tiếp tục sống dưới những điều kiện nô lệ và phi nhân.

Ngay cả tại thành phố Rô-ma của chúng ta đây cũng có những người anh chị em đang phải sống trong hoàn cảnh đó vì những lý do khác nhau. Cha nghĩ một cách đặc biệt đến những người vô gia cư. Trên hàng chục ngàn người đang phải sống như vậy. Trong mùa Đông này, hoàn cảnh của họ còn trở nên đặc biệt cay cực hơn. Tất cả họ đều là những người con trai và con gái của Thiên Chúa, nhưng những hình thức nô lệ khác nhau, đôi khi rất phức tạp, đã khiến cho họ phải sống bên ngoài những điều kiện xứng với nhân phẩm. Ngay cả Chúa Giê-su cũng đã được sinh ra trong một hoàn cảnh tương tự, nhưng không tình cờ và cũng chẳng phải vì sự xui xẻo: Ngài muốn được sinh ra như thế để làm cho Tình Yêu của Thiên Chúa Cha đối với những kẻ bé mọn và những kẻ nghèo hèn trở nên hiển lộ. Bằng cách đó, Ngài sẽ rắc gieo hạt giống Triều Đại Thiên Chúa trên trái đất, triều đại công lý, Tình Yêu và bình an, nơi không còn có những kẻ nô lệ nữa, nhưng tất cả đều là những người anh chị em, những người con của một người Cha.

Giáo hội tại Rô-ma không muốn thờ ơ lãnh đạm đối với những hình thức nô lệ của thời đại chúng ta, và Giáo hội cũng không muốn quan sát và giải quyết chúng một cách đơn giản, nhưng Giáo hội muốn dấn thân trong thực tế đó, và trở nên gần gũi với những con người đang phải sống trong hoàn cảnh đó: sự gần gũi từ mẫu.

Cha muốn khuyến khích loại hình mẫu tính ấy của Giáo hội trong lúc chúng ta cử hành Đại Lễ Kính Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Nếu chúng ta chiêm ngưỡng mầu nhiệm này, chúng ta sẽ nhận ra rằng, Thiên Chúa „đã được sinh ra bởi một người nữ“, để chúng ta có thể đạt tới được sự viên mãn của kiếp sống mình, tức đạt tới được „tư cách làm con“. Nhờ vào sự hạ mình của Ngài, chúng ta đã được tái nâng lên. Sự vĩ đại của chúng ta đến từ sự nhỏ bén của Ngài. Sức mạnh của chúng ta phát sinh từ sự yếu đuối của Ngài. Sự tự do của chúng ta là kết quả của việc Ngài đón nhận kiếp nô lệ của chúng ta.

Làm sao mà tất cả chúng ta lại có thể gọi điều ấy là một cái gì khác ngoài Tình Yêu được? Đó là Tình Yêu của Chúa Cha, Chúa Con và của Chúa Thánh Thần mà chiều hôm nay Mẹ Giáo hội tôn vinh với lời ngợi ca và cảm tạ của mình trên khắp hoàn cầu.

 

Vương Cung Thánh Đường Vatican

Chiều thứ Hai ngày 31 tháng 12 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2019