Bài Giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong Đại Lễ Hiển Linh, 06.01.2019

 

Anh chị em thân mến!

 

Epiphanie: từ này có nghĩa là cuộc Hiển Linh của Chúa, Đấng, như Thánh Phao-lô nói trong Bài Đọc II (xc. Eph 3,6), mạc khải chính mình cho mọi dân nước. Hôm nay, tất cả mọi dân nước ấy đều được đại diện bởi các nhà Khôn Ngoan. Và như thế biểu lộ thực tại tuyệt vời của Thiên Chúa, Đấng đã đến cho tất cả mọi dân nước: bất cứ quốc gia, ngôn ngữ hay dân tộc nào cũng đều được Ngài đón nhận và yêu thương. Biểu tượng cho điều đó chính là ánh sáng chiếu soi tất cả và đến với tất cả.

Giờ đây, vì Thiên Chúa đang biểu lộ bản thân Ngài cho tất cả, nên bất chấp việc Ngài biểu lộ như thế nào, điều đó vẫn là điều gây ngạc nhiên. Trong Tin Mừng, ngay khi Chúa Giê-su vừa được giới thiệu với tư cách là một vị vua thì điều ấy đã được báo cáo lại bởi một sự giao liên xung quanh cung điện vua Hê-rô-đê: „Đức Vua vừa mới được sinh ra của dân Do-thái hiện đang ở đâu?“ (Mt 2,2) – các nhà Khôn Ngoan hỏi. Nhưng họ sẽ không thấy được Ngài ở nơi mà họ nghĩ. Ngài không ở trong cung điện nhà vua tại Giê-ru-sa-lem, nhưng ở trong một nơi hèn hạ tại Bê-lem. Một sự nghịch lý giống hệt như thế cũng đã biểu lộ nhân dịp Đại Lễ Giáng Sinh, khi Tin Mừng tường thuật lại cuộc kiểm tra dân số trên toàn cõi đất dưới thời hoàng đế Augustô và tổng trến Quiirinius (xc. Lc 2,2). Nhưng không một ai trong số những kẻ nắm giữ quyền lực hồi đó biết rằng, Thiên Chúa của lịch sử đã được sinh ra trong thời của họ. Và khi Chúa Giê-su xuất hiện công khai sau vị Tiền Hô của mình là Gio-an Tẩy Giả, lúc được chừng ba mươi tuổi, thì Tin Mừng đã giới thiệu một trình thuật trang trọng khác về hậu cảnh với việc liệt kê ra tất cả những „nhân vật vĩ đại“ nắm giữ quyền lực cả về thế sự lẫn tinh thần hồi đó: Hoàng đế Tiberius, Tổng trấn Phi-la-tô, vua Hê-rô-đê, Philipus, Lyanias cũng như Thượng Tế Hannas và Cai-pha. Và cuối cùng Tin Mừng viết rằng: „Có Lời Thiên Chúa phán cùng ông Gio-an trong hoang địa“ (Lc 3,2). Lời ấy không phán với một ai trong số những kẻ lớn, nhưng phán với một con người đã lui vào trong sa mạc. Đó là sự ngỡ ngàng: Thiên Chúa không bước vào trung tâm gây chú ý của thế giới để mạc khải bản thân mình.

Trong khi nghe về danh sách những con người nổi tiếng ấy thì rất có thể cơn cám dỗ sẽ đột nhiên xuất hiện „để tập trung ánh đèn pha về phía họ“. Chúng ta có thể nghĩ: Sẽ tốt hơn nếu như ánh sao của Chúa Giê-su xuất hiện trên một vị bá tước ở Rô-ma, mà từ đó hoàng đế Augustô cai trị toàn thế giới, vì như thế thì toàn bộ đế quốc sẽ trở thành Ki-tô giáo ngay lập tức. Hay nếu nó xuất hiện tại hoàng cung của vua Hê-rô-đê, thì chắc là vị vua này sẽ làm điều tốt thay vì làm điều ác. Nhưng ánh sáng của Thiên Chúa không đến với kẻ lóe sáng nhờ vào ánh sáng của mình. Thiên Chúa tự giới thiệu chính mình, Ngài không kỳ kèo cho bằng được; Ngài soi sáng, nhưng Ngài không gây lóa mắt. Luôn luôn có một cơn cám dỗ rất lớn muốn thay ánh sáng của Thiên Chúa bằng những cây đèn của thế gian. Chúng ta thường chạy theo những cây nến quyền lực và những ánh đèn sân khấu đầy hấp dẫn với niềm tin tưởng rằng, làm như thế sẽ phục vụ Tin Mừng tốt hơn! Nhưng như thế có nghĩa là chúng ta đã chiếu ánh đèn pha sai chỗ rồi, vì Thiên Chúa không có ở đó. Ánh sáng hiền dịu của Ngài bừng sáng trong Tình Yêu khiêm nhượng. Rốt cục, biết bao nhiêu lần chúng ta đã cố gắng tỏa sáng bằng ánh sáng riêng của mình với tư cách là Giáo hội! Nhưng chúng ta không phải là mặt trời của nhân loại. Chúng ta là mặt trăng, mà ngay cả với cái bóng của mình, nó cũng phản chiếu ánh sáng đích thực, tức Thiên Chúa. Giáo hội là mặt trăng huyền diệu, và Thiên Chúa chính là ánh sáng của thế giới (xc. Ga 9,5). Ngài chứ không phải chúng ta.

Ánh sáng của Thiên Chúa đến với những ai tiếp nhận nó. Trong Bài Đọc I, Ngôn Sứ Isaia chỉ cho chúng ta thấy rằng, ánh sáng của Thiên Chúa không ngăn cản đêm đen và bóng tối bao phủ trái đất (xc. Is 60,2), nhưng bừng sáng lên trong những ai sẵn sàng đón nhận nó. Vì thế vị Ngôn Sứ kêu gọi mỗi người: „Hãy đứng dậy và hãy bừng sáng lên!“ (Is 60, 1). Thật cần thiết phải đứng dậy, bởi nó có nghĩa là nâng mình lên khỏi cách sống muốn lỳ ra đó, để luôn sẵn sàng lên đường. Nếu không thì người ta sẽ đứng lỳ ra đó giống như những nhà Luật Sĩ bị tra hỏi bởi vua Hê-rô-đê, họ biết Đấng Messias sinh ra ở đâu, nhưng họ không đặt mình vào trong sự chuyển động. Và điều cần thiết tiếp theo là hãy mặc lấy Thiên Chúa, Đấng là ánh sáng, mỗi ngày cho tới khi Chúa Giê-su trở thành phẩm phục hằng ngày của chúng ta. Nhưng, để mặc lấy phẩm phục của Thiên Chúa, tức phẩm phục rất giản dị như ánh sáng, thì trước tiên người ta phải cởi bỏ bộ đồ lộng lẫy của mình. Bằng không thì người ta sẽ hành xử như vua Hê-rô-đê, người yêu thích ánh hào quang của sự thành công và thế lực hơn là ánh sáng của Thiên Chúa. Trái lại, những nhà Khôn Ngoan đã hiện thực hóa lời Ngôn Sứ, họ đứng dậy để bừng sáng lên. Chỉ có họ mới có thể nhìn thấy ánh sao trên trời: không phải những nhà Luật Sĩ, không phải vua Hê-rô-đê, không ai ở Giê-ru-sa-lem thấy cả. Để thấy được Chúa Giê-su, người ta phải bám theo một tuyến đường khác, phải đi trên con đường xoay chiều, con đường của Ngài, con đường của Tình Yêu nhẫn nhục. Và người ta phải kiên định trên con đường đó. Vì bài Tin Mừng hôm nay kết thúc với thông tin rằng, sau khi gặp gỡ Chúa Giê-su, „các ông đã đi đường khác mà về quê mình“ (Mt 2,12). Một con đường khác, nó tách biệt với con đường của vua Hê-rô-đê. Con đường ấy khác với con đường thế gian, nó giống như con đường mà Đức Maria, Thánh Giu-se và các Mục Đồng đã đi, các Ngài đã ở bên Chúa Giê-su trong ngày Ngài Giáng Sinh. Giống như các nhà Khôn Ngoan, các Ngài cũng đã bỏ lại đời sống ấm êm của mình, và đã trở thành những người lữ hành trên con đường của Thiên Chúa. Chỉ ai từ bỏ sự quyến luyến thế gian để lên đường, thì người ấy mới thấy được mầu nhiệm Thiên Chúa.

Điều đó cũng được áp dụng cho chúng ta. Nếu chỉ biết được Chúa Giê-su sinh ra ở đâu nhưng lại không đến được nơi đó, giống như những nhà Luật Sĩ, thì vẫn không đủ. Nếu chỉ như vua Hê-rô-đê, biết được Chúa Giê-su đã sinh ra nhưng không đến gặp gỡ Ngài, thì cũng không đủ. Nếu nơi của Ngài trở thành nơi của chúng ta, khi nào của Ngài trở thành khi ấy của chúng ta, ngôi vị của Ngài trở thành sự sống của chúng ta, thì rồi những lời Ngôn Sứ sẽ được ứng nghiệm nơi chúng ta. Và Chúa Giê-su sẽ được sinh ra trong chúng ta, Ngài sẽ trở thành Thiên Chúa hằng sống đối với tôi. Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta được mời gọi hãy noi gương những nhà Khôn Ngoan. Họ không tranh luận, không, họ lên đường; họ không đứng lỳ ra đó để nhìn, nhưng đã bước vào nhà của Chúa Giê-su; họ không đứng ở trung tâm điểm, nhưng đã phủ phục trước Chúa Giê-su, Đấng ở giữa; các ông đã không khăng khăng bám lấy những kế hoạch riêng của mình, nhưng đã sẵn sàng đi theo đường khác. Trong hành vi của các ông biểu lộ một sự hiệp thông khắng khít với Thiên Chúa, một sự mở ra triệt để cho Ngài, một sự tham gia sâu xa trong Ngài. Với Chúa Giê-su, các ông đã sử dụng ngôn ngữ Tình Yêu, sự dụng chính ngôn ngữ mà Chúa Giê-su đã nói với tư cách là một bé thơ. Vì thế, các nhà Khôn Ngoan đã đến cùng Thiên Chúa không phải để đón nhận, nhưng để trao dâng. Chúng ta hãy tự hỏi: Nhân ngày Đại Lễ Giáng Sinh của Chúa Giê-su, chúng ta đã tiến dâng Ngài lễ phẩm nào chưa, hay chúng ta chỉ trao đổi quà tặng với nhau?

Nếu chúng ta đã đến cùng Chúa với đôi bàn tay trắng, thì hôm nay chúng ta có thể khắc phục chuyện đó. Thực ra có thể nói rằng, Tin Mừng đã liệt kê ra một bản danh sách vắn gọn về những lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Vàng được coi như là một yếu tố quý báu nhất, nó nhắc nhớ rằng, người ta phải dành cho Thiên Chúa chỗ trước tiên. Ngài phải được tôn thờ. Nhưng để làm điều đó, người ta phải khước từ chỗ thứ nhất, phải coi mình là kẻ túng thiếu, và đừng nghĩ chỉ mình là đủ. Và rồi đến lượt nhũ hương, nó biểu trưng cho mối tương quan với Thiên Chúa, là lời cầu nguyện bay lên trước tôn nhan Thiên Chúa như khói hương ngào ngạt (xc. Tv 141,2). Nhưng như nhũ hương phải bị đốt cháy để tỏa hương thơm thế nào, thì người ta cũng phải „đốt cháy“ một chút thời gian cho việc cầu nguyện, phải sử dụng thời gian ấy cho Thiên Chúa như vậy. Và người ta phải làm điều đó thực sự chứ không phải chỉ nói suông. Trong mối liên hệ đến việc làm, đó là mộc dược, một loại dầu thơm được sử dụng để tẩm liệm thân xác Chúa cách kính cẩn sau khi thân xác ấy được đưa xuống khỏi Thập Giá (xc. Ga 19,39). Thiên Chúa muốn rằng, chúng ta phải chăm lo cho thân xác đã bị tác động bởi nỗi khổ đau, chăm lo cho những chi thể yếu kém nhất của thân thể Ngài, chăm lo cho những người đang phải sống vất vưởng nơi những góc phố, chăm lo cho những người chỉ có thể đón nhận mà không có bất cứ điều chi để có thể trao lại. Trong cặp mắt của Thiên Chúa, Lòng Nhân Hậu đối với người không có bất cứ điều chi để có thể trao lại, thì hoàn toàn quý giá, đó là sự nhưng không! Nơi cặp mắt của Thiên Chúa, sự nhưng không là điều vô cùng quý báu! Trong lúc mùa Giáng Sinh đang chuẩn bị kết thúc, chúng ta đừng bỏ lỡ cơ hội trước việc thực hiện cho Đức Vua của chúng ta một lễ phẩm tuyệt đẹp. Ngài đã đến cho tất cả, và đã không xuất hiện trên những sân khấu tráng lệ của thế giới, nhưng trong sự nghèo túng ngời sáng của Bê-lem. Nếu chúng ta thực hiện điều đó thì ánh sáng của Ngài sẽ chiếu sáng trên chúng ta.

 

Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô

Đại Lễ Chúa Hiển Linh

Sáng Chúa Nhật ngày mồng 06 tháng 01 năm 2019

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2019