Bài Giáo Lý Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung, Sáng Thứ Tư, 20.03.2019 - Kinh Lạy Cha (X)

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Chúng ta tiếp tục loạt bài Giáo Lý của mình về Kinh Lạy Cha, và hôm nay sẽ lưu lại nơi lời nguyện thứ ba: „Ý Cha thể hiện“. Lời nguyện này phải được cất lên như là một sự hợp nhất với hai lời nguyện đầu tiên – „Nguyện Danh Cha cả sáng“ và „Nước Cha trị đến“, để tất cả cùng hình thành nên một bức tranh ba tấm: „Nguyện Danh Cha cả sáng“, „Nước Cha trị đến“, và „Ý Cha thể hiện“. Hôm nay chúng ta sẽ nói về lời nguyện thứ ba.

Mối quan tâm không hề mỏi mệt mà Thiên Chúa dành cho con người và thế giới vượt xa sự lo lắng cho thế giới từ phía con người. Toàn thể Tin Mừng đã phản ánh sự thay đổi quan điểm ấy. Tội nhân Gia-kêu đã trèo lên một ngọn cây vì ông muốn thấy Chúa Giê-su, nhưng ông không biết rằng, chính Thiên Chúa đã lên đường tìm kiếm ông từ rất lâu rồi. Khi Chúa Giê-su tới nơi, Ngài đã nói với ông: „Gia-kêu, xuống mau đi! Vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!“ Và cuối cùng Ngài tuyên bố: „Vì Con Người đến để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất“ (Lc 19,5.10). Đó là Thánh Ý của Thiên Chúa mà chúng ta cầu xin cho Thánh Ý ấy được thể hiện. Thánh Ý của Thiên Chúa, Đấng đã trở thành người trong Chúa Giê-su, là gì? Thưa, đó là việc tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất. Và trong khi cầu nguyện, chúng ta cầu xin cho sự tìm kiếm đó được diễn ra tốt đẹp, xin cho nhiệm cục cứu độ phổ quát của Ngài được hiện thực hóa – trước tiên là trong mỗi người chúng ta, và rồi trên toàn thế giới. Anh chị em đã từng suy nghĩ về việc Thiên Chúa lên đường tìm kiếm tôi, có nghĩa là gì chưa? Mỗi người chúng ta đều có thể hỏi: „Phải chăng Thiên Chúa đang kiếm tìm tôi?“ – „Đúng vậy! Ngài kiếm tìm bạn! Ngài tìm kiếm tôi“: Ngài kiếm tìm từng người một, cá nhân từng người một. Thiên Chúa rất quảng đại! Biết bao nhiêu là Tình Yêu ẩn chứa phía sau.

Thiên Chúa không mập mờ, Ngài không ẩn mình đàng sau những câu đố, Ngài đã không lập kế hoạch về tương lai của thế giới theo cách thức không thể hiểu nổi. Không, Ngài thật rõ ràng. Nếu chúng ta không hiểu điều đó thì chúng ta sẽ có nguy cơ không thể hiểu được lời nguyện cầu thứ ba của Kinh Lạy Cha. Vì Kinh Thánh tràn ngập những lời tường thuật cho chúng ta biết về Thánh Ý tích cực của Thiên Chúa đối với thế giới. Và trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, chúng ta thấy có một sự tổng hợp những lời trích dẫn mà chúng chứng thực cho Thánh Ý trung tín và kiên định đó của Thiên Chúa (xc. số 2821-2827). Và trong thư thứ nhất gửi ông Ti-mô-thê, Thánh Phao-lô viết: „Thiên Chúa muốn rằng, tất cả mọi người đều được cứu độ và nhận biết chân lý“ (1Tm 2,4). Đó là Thánh Ý của Thiên Chúa mà không có bất cứ một nghi ngờ nào: Cứu độ con người, nhân loại, từng người một trong chúng ta. Thiên Chúa gõ vào cánh cửa tâm hồn chúng ta bằng Tình Yêu Ngài. Tại sao vậy? Thưa là để cuốn hút chúng ta: Cuốn hút chúng ta đến với Ngài và mang chúng ta tiến về phía trước trên con đường cứu độ. Thiên Chúa gần gũi với từng người một trong chúng ta bằng Tình Yêu của Ngài, để cầm tay dẫn chúng ta đến với ơn cứu độ. Biết bao nhiêu là Tình Yêu ẩn chứa đàng sau đó.

Vậy thì khi chúng ta cầu xin: „Ý Cha thể hiện“, thì chúng ta không bị đòi hỏi phải cúi đầu xuống cách khúm núm, như thể chúng ta là những tên nô lệ. Không! Thiên Chúa muốn chúng ta được tự do; Tình Yêu của Ngài giải phóng chúng ta. Vì Kinh „Lạy Cha“ chính là lời Kinh của những người con, chứ không phải của những tên nô lệ; tuy nhiên, của những người con hiểu thấu tấm lòng người Cha của mình cũng như ý thức về nhiệm cục Tình Yêu của Ngài. Khốn cho chúng ta, nếu chúng ta đọc những lời nguyện này và ở đây giật mình với những cái nhún vai như là dấu hiệu của sự cam chịu trước một số phận mà nó khiến chúng ta phải ghê tởm nhưng không thể làm khác. Trái lại, đó là lời nguyện cầu với niềm trông cậy bừng cháy vào Thiên Chúa, Đấng mong muốn cho chúng ta có được những điều tốt lành, có sự sống và ơn cứu độ. Đó là một lời cầu nguyện can đảm, và thậm chí còn đầy tính chiến đấu, vì trên thế giới này có quá nhiều những thực cảnh không tương xứng với kế hoạch của Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều biết những thực cảnh đó. Chúng ta có thể nói một cách thoải mái như Ngôn Sứ Isaia rằng: „Thưa Cha, đây là chiến tranh, là sự lạm dụng quyền lực, và sự bóc lột. Nhưng chúng con biết rằng, Cha vẫn muốn cho chúng con được hạnh phúc, vì thế chúng con xin Cha: Xin cho Thánh Ý Cha được thể hiện! Lạy Chúa, xin hãy đảo lộn những dự tính của thế gian, xin hãy rèn những lưỡi gươm, lưỡi kiếm thành những chiếc cuốc, chiếc cầy, xin hãy rèn những lưỡi đòng, lưỡi giáo thành những chiếc liềm gặt lúa, ước chi đừng có ai học gây chiến nữa!“ (xc. Is 2,4). Thiên Chúa muốn hòa bình.

Kinh Lạy Cha chính là lời Kinh mà nó đốt lên trong chúng ta ngọn lửa Tình Yêu của Chúa Giê-su đối với Thánh Ý Chúa Cha: Một ngọn lửa thôi thúc chúng ta biến đổi thế giới thông qua Tình Yêu. Người Ki-tô hữu không tin vào một „số phận“ bất khả đổi thay. Không có bất cứ điều gì là ngẫu nhiên trong Đức Tin của người Ki-tô hữu cả: đúng hơn, có một ơn cứu độ mà nó mong ngóng được diễn tả trong đời sống của mỗi người nam và mỗi người nữ, cũng như mong ngóng được ứng nghiệm trong vĩnh cửu. Chúng ta cầu nguyện vì chúng ta tin rằng, Thiên Chúa có thể và muốn biến đổi thực tế, bằng cách là Ngài chiến thắng sự ác thông qua sự thiện. Ý nghĩa nằm ở chỗ tuân phục Thiên Chúa và tín thác vào Ngài ngay cả trong những giờ phút thử thách nặng nề nhất.

Chúa Giê-su đã làm như thế trong vườn Getsemani, khi Ngài phải trải qua cơn cùng quẫn, và đã cầu nguyện rằng: „Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, nhưng xin theo ý Cha“ (Lc 22,42). Chúa Giê-su đã bị hành hạ bởi sự ác thế gian, nhưng Ngài đã hoàn toàn tin tưởng vào đại dương bao la của thánh ý tràn đầy Tình Yêu của Thiên Chúa Cha. Trong cơn thử thách của mình, ngay cả các vị Tử Đạo cũng không tìm kiếm cái chết. Các Ngài tìm kiếm điều đến sau khi chết: sự Phục Sinh. Nhờ Tình Yêu, Thiên Chúa có thể làm cho chúng ta được biến đổi trên những con đường khó khăn, làm cho chúng ta nếm trải những vết thương và những mạo gai đầy đớn đau, nhưng Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Ngài luôn luôn ở bên chúng ta, cùng phía với chúng ta, trong chúng ta. Đối với các tín hữu, điều đó không chỉ là một niềm hy vọng, nhưng còn là một niềm xác tín. Thiên Chúa luôn bên cạnh tôi.

Chúng ta thấy niềm xác tín ấy trong dụ ngôn nơi Tin Mừng theo Thánh Lu-ca, được dành để nói về sự cần thiết của việc phải cầu nguyện không ngừng. Chúa Giê-su nói: „Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?“ (Lc 18,7-8). Thiên Chúa là như thế, Ngài rất yêu chúng ta, Ngài thân mật với chúng ta. Và giờ đây Cha muốn mời tất cả anh chị em hãy cùng cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha. Và ai trong anh chị em không biết tiếng Ý, thì người ấy có thể cầu nguyện bằng ngôn ngữ của mình. Vậy chúng ta cùng cầu nguyện.

Quảng trường Thánh Phê-rô

Sáng thứ Tư ngày 20 tháng 03 năm 2019

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ