Bài Giáo Lý Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung, Sáng Thứ Tư, 27.03.2019 - Kinh Lạy Cha (XI)

 

Anh Chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Hôm nay chúng ta sẽ chuyển sang nghiên cứu phần thứ hai của „Kinh Lạy Cha“: đây là phần mà trong đó chúng ta trình bày cho Thiên Chúa biết về những nhu cầu của mình. Phần hai này bắt đầu với một lời mà nó là hương vị của cuộc sống hằng ngày: lương thực. Lời cầu nguyện của Chúa Giê-su được bắt đầu với một lời nguyện khẩn thiết, nó giống với lời khẩn cầu của một kẻ hành khất: „Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày!“ Lời nguyện xin này bắt nguồn từ một điều hiển nhiên mà chúng ta thường hay lãng quên: chúng ta không phải là những thụ tạo độc lập, và chúng ta phải kiếm sống mỗi ngày.

Kinh Thánh chỉ cho chúng ta thấy rằng, đối với nhiều người, sự gặp gỡ với Chúa Giê-su luôn phát sinh từ một lời nguyện xin. Chúa Giê-su không đòi hỏi những lời cầu khẩn tinh tế, nhưng Ngài muốn toàn thể cuộc sống con người, với tất cả những vấn đề hoàn toàn cụ thể và hằng ngày của nó, có thể trở thành một lời Kinh. Trong các Tin Mừng, chúng ta thấy một đám đông những người hành khất đã cầu xin ơn giải thoát và chữa lành. Người này xin lương thực còn người kia thì xin được chữa lành; một số người nọ xin được thanh tẩy, còn số khác thì xin cho có thị giác, hay xin cho một người được sống lại… Chúa Giê-su không bao giờ thờ ơ lãnh đạm với những lời cầu xin và những nỗi khốn khổ ấy. Vì thế Ngài đã dậy cho chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa Cha ban lương thực hằng ngày. Và Ngài dậy chúng ta hãy cùng thực hiện lời cầu xin đó với những người nam và những người nữ khác, mà đối với họ, lời cầu xin này chính là tiếng thét gào – mà thường thì nó không đột nhiên xuất hiện -, nó đồng hành với với nỗi lắng lo mỗi ngày.

Ngay cả trong thời đại hôm nay cũng đang còn có biết bao nhiêu là những người cha và những người mẹ phải đi ngủ với sự hành hạ bởi nỗi lo lắng làm sao ngày mai có đủ lương thực cho con cái mình. Chúng ta đừng hình dung ra chuyện lời nguyện cầu này được cất lên trong sự an toàn của một căn hộ đầy tiện nghi, nhưng trong sự bất an của một căn phòng mà trong đó người ta chấp nhận trước việc phải thiếu thốn các điều kiện thiết yếu để sống. Những Lời của Chúa Giê-su sẽ nhận được sức mạnh mới.

Lời cầu nguyện Ki-tô giáo được bắt đầu trên mặt đất này. Nó không phải là một sự luyện tập đối với những người khắc kỷ; nó phát sinh từ thực tế, từ con tim và thân xác của những con người đang sống trong nỗi khốn cùng, hay của những con người đang chia sẻ hoàn cảnh sống với những con người đang phải thiếu thốn những điều kiện thiết yếu để sống. Ngay cả những nhà huyền bí vĩ đại nhất của Ki-tô giáo cũng không thể bỏ qua sự đơn sơ của lời nguyện này: „Lạy Cha, hôm nay xin ban cho chúng con và cho tất cả mọi người đều có lương thực hằng ngày.“ Và lương thực ở đây cũng bao hàm cả nước, thuốc men, nhà cửa và công ăn việc làm nữa… Cầu xin những điều thiết yếu cho cuộc sống.

Lương thực mà người Ki-tô hữu cầu xin trong khi cầu nguyện, không phải là lương thực „của con“, nhưng là của „chúng con“. Chúa Giê-su muốn như thế. Ngài dậy chúng ta, đừng chỉ cầu nguyện cho chính mình, nhưng cho tất cả mọi người anh chị em trên thế giới. Nếu người ta không cầu nguyện theo cách đó, thì Kinh Lạy Cha sẽ không còn là lời Kinh của Ki-tô giáo nữa. Nếu Thiên Chúa là Cha chúng ta thì chúng ta sẽ có thể đến trước nhan Ngài thế nào đây nếu không cùng nắm tay nhau? Tất cả chúng ta. Và nếu chúng ta ăn cướp lẫn của nhau số lương thực mà Ngài ban cho chúng ta, thì làm sao mà chúng ta có thể tự gọi mình là con cái Ngài?

Lời Kinh này hàm chứa một thái độ đồng cảm, một thái độ liên đới. Trong cơn đói khát của mình, tôi cũng cảm thấy sự đói khát của đám đông, và vì thế tôi sẽ cầu xin Thiên Chúa rất lâu cho tới khi nào lời Kinh của họ được lắng nghe mới thôi. Như vậy, Chúa Giê-su đã giáo dục cộng đoàn của Ngài, Giáo hội của Ngài hãy mang đến trước tôn nhan Thiên Chúa tất cả mọi nỗi khốn cùng: “Tất cả chúng con đều là con cái của Cha, xin Cha hãy xót thương chúng con!” Và giờ đây sẽ thật có ích cho chúng ta nếu tạm dừng một chút để nghĩ tới những em bé đang đói khát. Chúng ta hãy nghĩ tới những em bé đang phải sống trong những khu vực chiến tranh: Hãy nghĩ tới những em bé đói khát tại Giê-men, những em bé đói khát tại Sy-ri-a, những em bé đói khát tại nhiều quốc gia mà ở đó đang thiếu lương thực, hãy nghĩ tới những em bé tại Nam Su-đăng. Chúng ta hãy nghĩ tới những em bé đó, và trong khi chúng ta nghĩ tới các em, thì tất cả chúng ta hãy cùng đọc to lời nguyện: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”. Nào, tất cả hãy cùng đọc.

Lương thực mà chúng ta cầu xin Thiên Chúa trong lúc cầu nguyện, chính là điều mà vào một ngày kia, nó sẽ tố cáo chúng ta. Nó sẽ khiển trách chúng ta vì không có thói quen chia sẻ lương thực với những người đang sống gần chúng ta, thiếu thói quen chia sẻ lương thực. Đó là lương thực được phân phát cho nhân loại, nhưng thay vì thế, nó lại chỉ được ăn bởi một ít người: Đức Ái không thể chịu đựng được điều đó; không bao giờ Tình Yêu của Thiên Chúa có thể chịu đựng được sự ích kỷ đến độ không chia sẻ lương thực.

Vào ngày nọ, một đám đông quần chúng đã đến đứng trước mặt Chúa Giê-su; họ là những con người đang đói khát. Chúa Giê-su đã hỏi liệu có người nào đó có mang theo một chút thức ăn nào không, và chỉ có một em bé sẵn sàng chia sẻ số lương thực của mình thôi: năm cái bánh và hai con cá. Chúa Giê-su đã làm cho cử chỉ quảng đại đó được tăng thêm nhiều (xc. Ga 6,9). Em bé đó đã hiểu được bài học về Kinh Lạy Cha: Lương thực không phải là sở hữu riêng – chúng ta hãy nhớ cho kỹ: Lương thực không phải là sở hữu riêng -, nhưng là một thiên mệnh phải được chia sẻ với người khác, nhờ vào ân sủng của Thiên Chúa.

Phép lạ thực sự mà Chúa Giê-su đã làm trong ngày hôm đó, không phải là việc hóa bánh ra nhiều – dụ điều đó đã xảy ra thật -, nhưng là sự chia sẻ: Xin hãy cho đi cái mà anh chị em đang có, và Thầy sẽ thực hiện một phép lạ. Thông qua việc làm cho tấm bánh dâng lên được hóa ra nhiều, chính Ngài đã tiên báo trước về việc Ngài sẽ trao hiến bản thân mình trong Bánh Thánh Thể. Vì chỉ có Bí Tích Thánh Thể mới có thể thỏa mãn cơn đói khát sự vô hạn cũng như cơn đói khát Thiên Chúa, mà cơn đói khát ấy làm cho mỗi người được hồi sinh kể cả trong việc kiếm tìm lương thực hằng ngày.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô

Sáng thứ Tư ngày 27 tháng 03 năm 2019

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2019