Bài Giáo Lý Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung, Sáng Thứ Tư, 24.04.2019: Kinh Lạy Cha (XIV – Hết)

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Hôm nay chúng ta sẽ kết thúc loạt bài Giáo Lý về Kinh Lạy Cha và hướng về phần „như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con“ (xc. Mt 6,12). Chúng ta đã thấy rằng, con người chính là con nợ trước mặt Thiên Chúa: Chúng ta đã lãnh nhận tất cả từ Ngài, cả trong khía cạnh tự nhiên lẫn trong khía cạnh ân sủng. Thiên Chúa không chỉ muốn chúng ta sống, nhưng Ngài còn yêu thương chúng ta nữa. Thực sự là không có khoảng trống cho sự kiêu ngạo khi chúng ta chắp tay lại để cầu nguyện. Trong Giáo hội không hề có những „người tự lập“, không hề có ai đã tự „làm ra“ chính mình. Tất cả chúng ta đều là những con nợ đối với Thiên Chúa và đối với những người đã trao tặng cho chúng ta những điều kiện thuận lợi để sống. Căn tính của chúng ta được thiết lập bởi những sự thiện hảo mà chúng ta đã lãnh nhận. Sự thiện hào đầu tiên chính là sự sống.

Ai cầu nguyện, người ấy sẽ học để biết nói lời cám ơn. Nhưng chúng ta lại thường quên nói lời cám ơn. Chúng ta là những kẻ ích kỷ. Ai cầu nguyện, người ấy sẽ học để biết nói lời cám ơn, cũng như sẽ cầu xin Thiên Chúa để Ngài trở nên tốt lành với mình. Dầu cho chúng ta có cố gắng tới đâu đi nữa thì cũng vẫn luôn luôn còn đó một khoản nợ không thể trả nổi đối với Thiên Chúa, mà thực ra, khoản nợ ấy không bao giờ chúng ta có thể trả nổi: Ngài yêu thương chúng ta cách khôn cùng, yêu hơn và yêu gấp bội Tình Yêu của chúng ta đối với Ngài. Ngoài ra, trong cuộc sống chúng ta, dù chúng ta có cố gắng để sống theo giáo lý Ki-tô giáo thế nào đi nữa, thì vẫn luôn có một cái gì đó mà vì nó, chúng ta phải cầu xin sự tha thứ: chúng ta hãy nghĩ tới những ngày sống trong sự uể oải, tới những khoảnh khắc mà trong đó con tim chúng ta chất đầy sự ác cảm, và cứ thế. Những kinh nghiệm rất đáng tiếc ấy khiến chúng ta phải cầu xin: „Lạy Cha, xin tha nợ chúng con.“ Vì thế, chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa tha thứ. Thực ra, lời cầu xin cũng có thể tự giới hạn ở phần thứ nhất: Nó sẽ rất tuyệt. Nhưng Chúa Giê-su đã khẳng định điều đó với lời thứ hai mà nó là một với lời thứ nhất. Mối quan hệ hàng dọc của những điều tốt lành từ phía Thiên Chúa tự phản chiếu và trở thành một mối tương quan mới mà chúng ta phải có đối với những người anh chị em: mối tương quan hàng ngang.

Thiên Chúa tốt lành và Ngài mời gọi tất cả chúng ta trở nên tốt lành. Cả hai phần của lời cầu xin được liên kết khắng khít với nhau thông qua một sự kết hợp không thương tiếc: Chúng ta cầu xin Chúa tha thứ cho những lỗi lầm và những tội lỗi của chúng ta, „như“ chúng ta tha thứ cho bạn hữu chúng ta, cho những người mà họ đang sống với chúng ta, cho những người hàng xóm của chúng ta, cho những con người mà họ đã làm một điều gì đó không được đẹp. Bất cứ người Ki-tô hữu nào cũng đều biết rằng, mình đã được tha thứ những tội lỗi mà tất cả chúng ta đều biết: Thiên Chúa tha thứ tất cả và tha thứ luôn luôn. Khi Chúa Giê-su tả cho các môn đệ của Ngài biết về dung nhan của Thiên Chúa Cha, thì Ngài đã miêu tả dung nhan ấy với những lời chất đầy Lòng Xót Thương và sự trìu mến. Ngài nói rắng, trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vui mừng vì có một đám người công chính không cần hối cải (xc. Lc 15,7.10). Không có bất cứ điều gì trong Tin Mừng khiến người ta phải nghi ngờ rằng, Thiên Chúa không tha thứ tội lỗi cho những kẻ sẵn sàng và cầu xin Ngài tái ôm lấy họ.

Nhưng ân sủng của Thiên Chúa thì rất dồi dào và cũng luôn luôn có tính đòi hỏi cao. Ai đã lãnh nhận nhiều, người ấy phải học để cho đi nhiều, và không chỉ giữ lại cho mình điều người ấy đã lãnh nhận. Ai đã lãnh nhận nhiều, người ấy phải học để cho đi nhiều. Không hề có chuyện tình cờ khi Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu, ngay sau khi trao cho chúng ta bản văn „Kinh Lạy Cha“, trong đó có bảy lời cầu xin, lại ngay lập tức nhấn mạnh tới sự tha thứ huynh đệ: „Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em“ (Mt 6,14-15). Đó là những lời rất mạnh! Cha nhớ, đôi khi Cha vẫn nghe người ta nói rằng: „Tôi không bao giờ tha thứ cho người này, hay người nọ! Điều mà họ đã làm cho tôi, tôi sẽ không bao giờ tha thứ!“ Nhưng nếu bạn không tha thứ thì Thiên Chúa cũng sẽ không tha thứ cho bạn. Bạn đang đóng sập cánh cửa. Chúng ta hãy nghĩ xem, liệu chúng ta có sẵn sàng tha thứ không, hay chúng ta lại không sẵn sàng. Khi Cha đến một Giáo phận kia, một Linh mục đã buồn bã kể cho Cha biết rằng, Ngài đã đi đến với một cụ bà đang nằm trên giường hấp hối để ban các Bí Tích sau cùng cho bà. Người phụ nữ nghèo ấy đã không còn có thể nói được nữa. Và vị Linh mục nói với bà: „Thưa bà, bà có thống hối về những tội của mình không?“ Người phụ nữ trả lời có; bà ấy không thể xưng các tội ấy ra được nữa, nhưng bà ấy đã nói có. Chỉ cần như thế là đủ. Và tiếp tục: „Bà có tha thứ cho người khác không?“ Người phụ nữ đang nằm trên giường hấp hối đã trả lời rằng: „Không“. Thế là vị Ling mục buồn bã ra về. Nếu bạn không tha thứ thì Thiên Chúa cũng sẽ không tha thứ cho bạn. Chúng ta, những người đang có mặt ở đây, nên suy nghĩ xem, liệu chúng ta có chịu tha thứ hay có sẵn sàng tha thứ không? „Thưa Cha, con không làm được chuyện đó, vì những người này đã làm cho con nhiều chuyện…“ Nhưng nếu bạn không làm được chuyện đó thì bạn hãy cầu xin Thiên Chúa, xin Ngài ban cho bạn sức mạnh để có thể làm chuyện đó: Lạy Chúa, xin giúp con để con biết thứ tha.

Ở đây chúng ta lại thấy mối liên kết giữa lòng yêu mến Thiên Chúa và Đức Ái đối với tha nhân. Đức Mến khơi lên Đức Mến, sự tha thứ mời gọi tha thứ. Chúng ta cũng thấy trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu một dụ ngôn rất sâu sắc, dụ ngôn ấy nói về sự tha thứ huynh đệ (xc. Mt 18,21-35). Chúng ta hãy nghe dụ ngôn ấy: Có một người đầy tớ đã mắc nợ nhà vua của mình một khoản nợ rất lớn: hàng chục ngàn nén vàng! Một số lượng rất lớn đến độ người ta không tài nào có thể thanh toán được. Cha không biết số vàng ấy ngày nay có giá bao nhiêu, có thể là hàng trăm triệu Euro. Nhưng có một điều kỳ diệu đã xảy ra, và viên đầy tớ ấy không chỉ được hoãn nợ, mà còn được miễn nợ hoàn toàn luôn. Một hồng ân ngoài sức mong đợi! Nhưng sau đó, người đầy tớ ấy đã ngay lập tức đi tới với người anh em đang nợ mình với một số tiền rất nhỏ - chỉ có một trăm Đê-na thôi, và mặc dầu đó là một số lượng rất nhỏ, nhưng anh ta vẫn không chấp nhận cả lời xin lỗi lẫn lời van xin của người anh em đó. Vì thế, nhà vua đã cho triệu anh ta tới và kết án anh ta. Vì nếu bạn không cố gắng tha thứ, thì rồi bạn cũng sẽ chẳng được thứ tha; nếu bạn không cố gắng sống Đức Ái, thì rồi bạn cũng sẽ chẳng được thương yêu. Chúa Giê-su đã bổ sung thêm sức mạnh của sự tha thứ vào trong các mối tương quan giữa con người. Trong cuộc sống, không phải tất cả đều được giải quyết với sự công bằng. Đặc biệt là tại những nơi mà ở đó người ta phải ngăn chặn sự ác, thi bất cứ một ai ở đó cũng đều phải yêu thương cách phi thường để tái bắt đầu một lịch sử ân sủng. Sự ác luôn muốn trả thù, và nếu người ta không bẻ gẫy nó, thì sẽ có nguy cơ làm cho nó bị phát tán, và như thế, làm cho toàn thế giới bị chết ngạt.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô

Sáng thứ Tư, ngày 24 tháng 04 năm 2019

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2019