Bài Giáo Lý Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung, Sáng Thứ Tư, 20.02.2019 - Kinh Lạy Cha (VII)

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Buổi Tiếp Kiến hôm nay sẽ diễn ra ở hai nơi. Trước hết, Cha đã có một cuộc gặp gỡ tại Đền Thờ Thánh Phê-rô với các tín hữu đến từ Benevent, và giờ đây là với anh chị em. Đó là sự tinh tế của vị Tổng Quản Phủ Giáo Hoàng mà người ta nên biết ơn, vì Ngài đã không muốn cho anh chị em phải đứng dưới tiết trời Đông lạnh giá: Chúng ta hãy cám ơn Ngài. Cám ơn.

Chúng ta lại tiếp tục loạt bài Giáo Lý về Kinh „Lạy Cha“. Bước đầu tiên của bất cứ lời cầu nguyện Ki-tô giáo nào cũng đều là sự đi vào trong mầu nhiệm: Mầu nhiệm về tình hiền phụ của Thiên Chúa. Người ta không được phép cầu nguyện như một con vẹt. Hoặc là bạn bước vào trong cầu nguyện, trong sự ý thức rằng, Thiên Chúa là Cha của bạn, hoặc là bạn chẳng cầu nguyện gì cả. Khi tôi muốn cầu nguyện cùng Thiên Chúa, Cha của tôi, thì tôi sẽ bắt đầu với mầu nhiệm. Để hiểu được Thiên Chúa là Cha của chúng ta trong mức độ nào, chúng ta hãy nghĩ tới hình tượng cha mẹ chúng ta, nhưng chúng ta luôn luôn phải „tinh luyện“, phải thanh tẩy hình tượng ấy ở một mức nào đó. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo cũng nói về điều đó như sau: „Sự thanh tẩy con tim liên quan đến những hình ảnh về người cha và người mẹ, mà những hình ảnh đó phát sinh từ sự phát triển cá nhân chúng ta cũng như từ sự phát triển văn hóa, và có ảnh hưởng đến mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa“ (SGLHTCG, số 2779).

Không ai trong chúng ta có những người cha, người mẹ hoàn hảo, không ai cả; cũng vậy, về phía mình, không bao giờ chúng ta có thể trở thành những người cha, người mẹ hay những mục tử hoàn hảo được. Tất cả chúng ta đều có những lỗi lầm, tất cả. Chúng ta luôn luôn sống các mối tương quan Tình Yêu của mình trong chỉ dấu những giới hạn của chúng ta, kể cả sự ích kỷ của chúng ta nữa; vì thế những mối tương quan ấy thường bị đè nặng bởi sự khát khao muốn sở hữu người khác hay muốn gây ảnh hưởng lên họ.

Do đó, đôi khi từ những biểu lộ Tình Yêu lại trở thành cảm giác giận dữ hay thù địch. Coi kìa, hồi cuối tuần vừa rồi hai đứa ấy rất là yêu nhau, nhưng giờ đây chúng lại căm thù nhau đến chết: chúng ta thấy như thế mỗi ngày! Điều đó xảy ra vì tất cả chúng ta đều mang trong mình những gốc rễ cay đắng, chúng chẳng hề tốt, và đôi khi bị phơi bày cũng như gây điều ác. Vì thế, khi chúng ta gọi Thiên Chúa là “Cha”, và ở đây có hình ảnh của cha mẹ mình trước mắt – đặc biệt là khi những bậc cha mẹ này đã yêu thương chúng ta – thì đồng thời chúng ta cũng phải vượt lên trên chính hình ảnh đó.

Vì Tình Yêu của Thiên Chúa là Tình Yêu của Cha “Trên Trời”, như thuật ngữ mà Chúa Giê-su mời gọi chúng ta sử dụng: Tình Yêu ấy là Tình Yêu trọn hảo mà chúng ta chỉ có thể nếm trải một cách bất toàn trong cuộc sống này. Những người nam và những người nữ chính là những người hành khất Tình Yêu vĩnh cửu – chúng ta là những người ăn mày Tình Yêu, chúng ta cần tới Tình Yêu -, họ tìm kiếm một nơi mà ở đó họ được yêu thương cách dứt khoát, nhưng không thấy được nơi ấy. Có biết bao nhiêu là tình bạn và Tình Yêu bị gây thất vọng trên thế giới chúng ta: có rất nhiều!

Thần tình ái trong thần thoại Hy-lạp là một nhân vật bi thảm tuyệt đối: Người ta không hiểu liệu ông ta là một Thiên Thần hay là một con ma. Theo thần thoại thì ông ta là con của “Poros” và “Penía”, có nghĩa là con của sự mưu trí và sự nghèo túng, được tiền định mang trong mình một chút nét đặc trưng của cha mẹ. Dựa vào đó, chúng ta có thể nghĩ tới đặc tính hai mặt của Tình Yêu nhân loại: nó có khả năng trổ bông kết trái và sống hằng giờ trong ngày với sức mạnh to lớn, nhưng đồng thời cũng có khả năng tàn tạ và chết rũ; điều gì nó chụp lấy, điều ấy luôn luôn vuột mất khỏi nó (xc. Platon, Symposion, 203). Có một câu của Ngôn Sứ Hô-sê-a mà nó diễn tả sự yếu đuối nội tại nơi Tình Yêu của chúng ta: “Tình yêu của các ngươi khác nào mây buổi sáng, mau tan tựa sương mai” (Hs 6,4). Tình Yêu của chúng ta thường là như thế: một lời hứa mà người ta cố gắng giữ, nhưng sự cố gắng ấy mau chóng bị dập tắt và bị bốc hơi, chẳng hạn như vào buổi sáng, khi mặt trời lên, nó sẽ làm cho sương đêm bốc hơi. Chúng ta thường yêu thương người khác cách rất yếu ớt và thất thường như thế nào. Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm này: Chúng ta đã yêu, nhưng sau đó thì Tình Yêu ấy lại mau chóng gục ngã và trở nên yếu ớt.

Trong niềm mong muốn được yêu thương, chúng ta luôn vấp phải những giới hạn của mình, phải nếm trải sự nghèo nàn nơi sức lực của mình: thiếu khả năng trong việc giữ một lời hứa mà nó có vẻ như hoàn toàn dễ dàng để thực hiện trong những ngày được ban ơn. Căn bản mà nói, Thánh Phê-rô Tông Đồ cũng đã sợ hãi và phải chạy trốn. Vị Thánh này đã không trung tín với Tình Yêu của Chúa Giê-su. Luôn luôn có sự yếu đuối ở đó, nó làm cho chúng ta bị ngã gục. Chúng ta là những người hành khất đang trong cuộc hành trình nhưng có nguy cơ không bao giờ hoàn toàn tìm thấy được kho tàng mà mình đã cất công tìm kiếm ngay từ những ngày đầu đời: Tình Yêu.

Nhưng có một Tình Yêu khác, Tình Yêu của Cha „Trên Trời“. Không ai được phép nghi ngờ trước việc mình là người đón nhận Tình Yêu ấy. Ngài yêu chúng ta. „Ngài yêu tôi“ – chúng ta có thể nói như thế. Ngay cả khi cha mẹ chúng ta có lẽ đã không yêu chúng ta – một giả định tạm thời -, thì vẫn có một Thiên Chúa Trên Trời, Ngài rất yêu thương chúng ta, đến độ không ai trên trần gian này đã từng làm điều đó, cũng như sẽ có thể làm điều đó. Tình Yêu của Thiên Chúa là bất biến.

Ngôn Sứ Isaia nói: „Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ. Hãy xem, Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta, thành luỹ ngươi, Ta luôn thấy trước mặt“ (Is 49,15-16). Trong thời đại ngày nay, những hình xăm đang trở thành mốt: „Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta“. Ta đã xăm hình ngươi trên bàn tay Ta. Tôi ở trong bàn tay của Thiên Chúa, và như thế, tôi sẽ không thể rời xa đó. Tình Yêu của Thiên Chúa giống như Tình Yêu của một người mẹ mà người ta không bao giờ có thể quên được. Và nếu người mẹ quên bạn thì sao? Thì „Ta cũng sẽ không quên ngươi“ – Thiên Chúa phán. Đó là Tình Yêu hoàn hảo của Thiên Chúa, chúng ta được yêu thương như thế bởi Ngài. Ngay cả khi tất cả mọi Tình Yêu nơi thế trần của chúng ta bị vỡ ra từng mảnh, và chẳng có bất cứ điều gì ngoài bụi đất còn sót lại trên bàn tay chúng ta, thì vẫn luôn luôn có Tình Yêu bừng cháy, duy nhất và trung tín của Thiên Chúa đối với chúng ta.

Trong cơn đói khát Tình Yêu mà tất cả chúng ta đều cảm thấy, chúng ta đừng tìm kiếm một điều chi đó không hiện hữu: Đúng hơn, cơn đói khát đó chính là một lời mời gọi học biết Thiên Chúa, Đấng là Cha chúng ta. Tấm gương về sự hoán cải của Thánh Augustinô đã cho thấy một sự mạo hiểm: Nhà hùng biện trẻ tuổi và chói sáng đã kiếm tìm giữa các thụ tạo một điều gì đó mà không loài thụ tạo nào có thể trao cho anh, cho tới một ngày kia khi anh có đủ can đảm để ngước nhìn lên cao. Và vào ngày đó, anh đã học biết Thiên Chúa: Thiên Chúa đầy yêu thương. Thuật ngữ „Trên Trời“ không nên diễn tả một cái gì đó xa xôi, nhưng diễn tả một Tình Yêu triệt để, một chiều kích khác của Tình Yêu, một Tình Yêu không hề mệt mỏi, một Tình Yêu luôn luôn tồn tại, và thậm chí, luôn luôn cụ thể và hữu hình. Chỉ cần thưa: „Lạy Cha chúng con ở Trên Trời…“ thì Tình Yêu ấy cũng sẽ đến.

Vì thế, mong bạn đừng sợ! Không ai trong chúng ta bị cô đơn hết. Ngay cả khi người cha thế trần của bạn đã lãng quên bạn, và bạn cảm thấy oán hận ông ta – thật là bất hạnh! -, thì kinh nghiệm căn bản của Đức Tin Ki-tô giáo cũng không ngăn cản bạn trước việc biết rằng, bạn là một người con được Thiên Chúa yêu thương, và không gì có thể dập tắt được Tình Yêu nồng say của Ngài đối với bạn trong cuộc sống.

 

Tòa Thánh Vatican, Đại Sảnh Đường Tiếp Kiến

Sáng thứ Tư ngày 20 tháng 02 năm 2019

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2019