Bài Huấn Dụ của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Đọc Kinh Truyền Tin Chung, Trưa CN, 20.01.2019

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Vào Chúa Nhật tuần trước, với Đại Lễ Chúa Chịu Phép Rửa, chúng ta đã bắt đầu một mùa Phụng Vụ mới, đó là Mùa Thường Niên: Đây là mùa mà chúng ta sẽ bước đi theo Chúa Giê-su trong đời sống công khai của Ngài để thi hành sứ mạng mà vì thế, Thiên Chúa Cha đã sai Ngài xuống thế gian. Trong bài Tin Mừng hôm nay (xc. Ga 2,1-11) chúng ta thấy được trình thuật về phép lạ đầu tiên của Chúa Giê-su. Dấu lạ đầu tiên ấy đã diễn ra tại làng Ca-na thuộc miền Galilêa, trong một đám cưới. Không hề tình cờ chút nào khi một tược cưới đã diễn ra để khai mạc đời sống công khai của Chúa Giê-su, vì trong Ngài, Thiên Chúa đã “kết hôn” với nhân loại, có nghĩa là Ngài đã thành thân với nhân loại: Đó là Tin Mừng, ngay cả khi những người mời Ngài không biết được rằng, Con Thiên Chúa đã đồng bàn với họ, và Ngài chính là Tân Lang đích thực. Trong thực tế, toàn bộ mầu nhiệm dấu lạ Ca-na đều đặt nền móng trong sự hiện diện của vị Tân Lang mang Thần Tính ấy, Chúa Giê-su, Đấng bắt đầu mạc khải chính mình. Chúa Giê-su mạc khải bản thân Ngài là vị Tân Lang của Dân Chúa như các Ngôn Sứ đã tiên báo, và Ngài thổ lộ với chúng ta về chiều sâu của mối tương quan mà nó hiệp nhất chúng ta với Ngài: Đóp là Giao Ước mới của Tình Yêu.

Trong bối cảnh Giao Ước, ý nghĩa biểu tượng của rượu mà nó đứng trong trung tâm điểm của phép lạ này, hoàn toàn có thể hiểu được. Ngay khi buổi tiệc đạt tới cao điểm của nó, thì bị hết rượu. Mẹ Thiên Chúa đã phát hiện ra điều đó và đã nói với Chúa Giê-su: “Họ hết rượu rồi!” (Ga 2,3). Sẽ vô cùng tồi tệ nếu bữa tiệc phải tiếp tục với nước lã! Đó sẽ là nỗi nhục đối với mọi người. Mẹ Thiên Chúa phát hiện ra điều đó, và ngay lập tức đi tìm Chúa Giê-su, vì Mẹ là một Hiền Mẫu. Kinh Thánh, đặc biệt là các Ngôn Sứ, đã trình bày rượu như là yếu tố tiêu biểu của bữa tiệc Messia (xc. Am 9,13-14; Je 2,24; Is 25,6).

Nước là điều cần thiết để sống, nhưng rượu mang tới sự linh đình của bữa tiệc, cũng như diễn tả niềm vui của bữa tiệc. Một bữa tiệc mà không có rượu thì thế nào đây? Cha không biết… Nước từ trong những chiếc chum bằng đá mà „chúng được dùng vào việc rửa ráy theo thói tục của người Do-thái“ (Ga 2,6) – đó là một tập quán: Thanh tẩy trước khi bước vào nhà -, đã được Chúa Giê-su biến thành rượu. Như thế, Chúa Giê-su đã thực hiện một dấu chỉ hùng hồn: Ngài biến Lề Luật của Mô-sê thành niềm vui Tin Mừng. Và rồi chúng ta hãy nhìn ngắm Đức Maria. Những lời mà Đức Maria nói với các gia nhân, đã tôn vinh hình ảnh cô dâu thành Ca-na: “Người bảo sao, các anh cứ làm như vậy!” (Ga 2,5). Ngày hôm nay Mẹ Thiên Chúa cũng đang nói với chúng ta: “Người bảo gì các con cứ làm theo!” Những lời ấy chính là một gia sản quý báu mà Mẹ Thiên Chúa đã để lại cho chúng ta. Và trong thực tế, các gia nhân tại Ca-na đã nghe theo. „Chúa Giê-su nói với các gia nhân: Các anh hãy đổ đầy đầy nước vào chum đi! Và họ đã đổ nước đầy tới miệng chum. Rồi người nói với họ: Bây giờ các anh  múc và đem cho ông quản tiệc. Họ liền đem cho ông!“ (Ga 2,7-8).

Trong tiệc cưới này, một Giao Ước mới đã thực sự được ký kết, và sứ mạng mới đã được ủy thác cho các tôi tớ của Thiên Chúa, và điều đó có nghĩa là toàn Giáo hội: „Ngài nói sao các anh cứ làm như vậy!“ Phục vụ Thiên Chúa có nghĩa là lắng nghe Lời Ngài và đem ra thực hành. Đó là lời khuyên đơn giản và căn bản của Thân Mẫu Chúa Giê-su, đó là chương trình sống của người Ki-tô hữu. Cha muốn đề cao một kinh nghiệm mà chắc chắn nhiều người chúng ta đã trải qua trong cuộc sống.

Khi chúng ta rơi vào những hoàn cảnh khó khăn, khi những vấn đề đột ngột xuất hiện mà chúng ta không thể giải quyết, khi chúng ta thường xuyên cảm thấy bị ức chế và sợ hãi, khi chúng ta thiếu niềm vui, thì chúng ta hãy chạy đến với Mẹ Thiên Chúa và nói: „Chúng con không còn rượu nữa. Rượu hết mất rồi: Xin Mẹ hãy coi xem nó đang thế nào đối với con, hãy nhìn vào cõi lòng con, hãy nhìn vào tâm hồn con!“ Hãy nói với Mẹ như thế. Và Mẹ sẽ chạy đến với Chúa Giê-su và nói: „Con hãy coi anh ấy kìa, hãy coi chị ấy kìa: anh ấy, chị ấy không còn rượu nữa.“ Và rồi Mẹ sẽ quay lại với chúng ta và nói: „Ngài nói sao, các con cứ làm như vậy!

Đối với mỗi người chúng ta, việc đến kín múc từ những chiếc chum bằng đá có nghĩa là, tin tưởng vào Lời và các Bí Tích để có được kinh nghiệm về ân sủng của Thiên Chúa trong cuộc sống mình. Và rồi, như viên quản tiệc, người nếm nước đã biến thành rượu, chúng ta có thể thốt lên: „Chỉ có Chúa mới giữ rượu ngon cho đến mãi bây giờ!“ (Ga 2,10). Chúa Giê-su luôn luôn gây ngỡ ngàng cho chúng ta. Chúng ta hãy nói với Mẹ Thiên Chúa, để Mẹ nói với Chúa Con, và Ngài sẽ gây ngỡ ngàng cho chúng ta. Ước chi Mẹ, Đức Trinh Nữ Maria, sẽ giúp chúng ta làm theo lời mời gọi của Mẹ: „Ngài nói sao, các con cứ làm như vậy!“, để chúng ta có thể hoàn toàn mở bản thân mình ra cho Chúa Giê-su, và nhận ra những dấu chỉ về sự hiện diện sống động của Ngài trong cuộc sống hằng ngày.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô

Trưa Chúa Nhật ngày 20 tháng 01 năm 2019

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2019