Bài Huấn Dụ Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Đọc Kinh Truyền Tin Chung, Trưa CN, 24.02.2019

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay (xc. Lc 6,27-38) liên quan tới một điểm trung tâm và biểu thị đặc tính đời sống Ki-tô giáo: Yêu thương kẻ thù. Những lời của Chúa Giê-su rất rõ ràng: „Thầy nói với anh em là những người đang nghe thầy đây: Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em; hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em“ (Lc 6,27-28). Và đây tuyệt nhiên không phải là sự tùy ý, nhưng là một mệnh lệnh. Không phải dành cho bất cứ ai, nhưng là dành cho những người môn đệ, những người mà Chúa Giê-su gọi là „anh em, những kẻ đang nghe Thầy nói“. Ngài biết rất rõ, việc yêu thương kẻ thù là điều vượt quá khả năng chúng ta, nhưng Ngài đã trở thành con người vì điều này: Không để cho chúng ta cứ tiếp tục như chúng ta là, nhưng biến chúng ta thành những người nam và những người nữ có khả năng yêu thương lớn hơn, với Tình Yêu của Ngài và của Cha chúng ta. Đó là Tình Yêu mà Chúa Giê-su ban cho những ai „lắng nghe Ngài“. Và rồi điều đó sẽ có thể! Nhờ vào Tình Yêu của Ngài, và nhờ vào Tình Yêu của Thần Khí Ngài, chúng ta cũng sẽ có thể yêu thương những kẻ không yêu chúng ta, cũng như yêu thương những kẻ làm điều ác cho chúng ta. Bằng cách đó, Chúa Giê-su muốn rằng, Tình Yêu của Thiên Chúa sẽ chiến thắng sự thù hận và mối ác cảm trong mỗi con tim.

Lô-gích của Tình Yêu mà nó thấy được cao điểm của mình trên Thập Giá Chúa Ki-tô, chính là dấu hiệu nhận dạng của người Ki-tô hữu, và dẫn chúng ta đi đến với tất cả mọi người với con tim huynh đệ. Nhưng người ta có thể thắng vượt bản năng con người và quy luật báo thù thế nào? Chúa Giê-su đã đưa ra câu trả lời ngay trong đoạn Tin Mừng ấy: „Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ“ (Lc 6,36). Ai lắng nghe Chúa Giê-su, ai cố gắng đi theo Ngài ngay cả khi phải trả giá bằng một điều gì đó, sẽ trở thành con Thiên Chúa và thực sự bắt đầu giống như Cha trên trời. Chúng ta sẽ có khả năng thực hiện những điều mà chúng ta chưa bao giờ dám nghĩ tới, chúng ta có thể nói hay thực hiện những điều ấy, và ngược lại, đối với điều mà chúng ta cảm thấy rất ngượng ngùng, thì giờ đây chúng lại trao tặng cho chúng ta niềm vui và bình an. Chúng ta không phải hung hăng với những lời nói và những cử chỉ lâu hơn nữa; chúng ta sẽ khám phá ra mình có khả năng trìu mến và làm những điều tốt lành; và chúng ta cảm thấy rằng, tất cả những điều đó không đến từ chúng ta, nhưng đến từ Ngài! Và vì thế, chúng ta không khoe khoang rằng, chúng là của chúng ta, nhưng biết ơn vì chúng.

Không gì vĩ đại hơn, cũng không gì có khả năng đơm bông kết trái hơn Tình Yêu: Tình Yêu trao lại cho con người tất cả phẩm giá của họ, trong khi hận thù và sự báo oán lại ngăn cản điều đó cũng như làm biến dạng loài thụ tạo đã được sáng tạo nên theo hình ảnh của Thiên Chúa.

Giới răn yêu cầu người ta phải phản ứng lại sự xúc phạm và sự bất công bằng Đức Ái, đã khơi lên một nền văn hóa mới trên thế giới: „Nền văn hóa của Lòng Bao Dung – chúng ta phải học thật kỹ về nền văn hóa đó! Cũng như hãy thực hành cho tốt nền văn hóa bao dung ấy -, nó đã khơi lên một cuộc cách mạng văn hóa thực sự trong cuộc sống“ (Misericordia et misera, 20). Đó là cuộc cách mạng Tình Yêu mà những nhân vật chính của nó chính là các vị Tử Đạo thuộc mọi thời đại. Và Chúa Giê-su bảo đảm với chúng ta rằng, thái độ của chúng ta, nếu nó được ghi đậm dấu ấn của Đức Ái đối với những kẻ đã làm điều ác cho chúng ta, thì sẽ không bao giờ phí công vô ích. Ngài nói: „Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho đi, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại […] Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6,37-38). Điều đó thật tuyệt vời. Điều mà Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta khi chúng ta quảng đại và bao dung, sẽ là một điều tuyệt vời. Chúng ta phải tha thứ, vì Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta, và tha thứ cho chúng ta luôn luôn. Nếu chúng ta không tha thứ luôn luôn, thì chúng ta sẽ không được phép đòi hỏi rằng, chúng ta sẽ được tha thứ hoàn toàn. Trái lại, nếu con tim chúng ta mở ra cho Lòng Thương Xót, nếu sự thứ tha được niêm ấn bởi cái ôm huynh đệ, và những mối dây hiệp thông được thắt chặt, thì rồi chúng ta sẽ có thể công bố trước thế giới rằng, việc chiến thắng sự ác bằng điều tốt lành là điều có thể.

Đôi khi có chuyện chúng ta dễ dàng nhớ tới những điều bất công mà người khác đã làm cho chúng ta, và nhớ tới những điều bất hạnh mà họ đã thực hiện cho chúng ta hơn là nhớ tới những điều tốt lành; nhiều người có thói quen như thế, và đó là một căn bệnh. Họ là “những người tập hợp những điều bất công”: Họ chỉ nhớ tới những điều xấu mà người khác đã làm. Và đó không phải là cách thức. Chúng ta phải làm ngược lại – Chúa Giê-su nói thế. Nếu chúng ta nhớ tới những điều tốt lành, và nếu ai đó đến với chúng ta với một câu chuyện phiếm và nói xấu người khác, mà chúng ta nói với người ấy rằng: „Có lẽ như thế… Nhưng người ấy cũng có điều tốt nơi mình…“, tức đảo ngược suy nghĩ của người ấy, thì đó chính là cuộc cách mạng của Lòng Xót Thương.

Ước gì Đức Trinh Nữ Maria sẽ giúp chúng ta biết để cho con tim mình được đụng chạm tới bởi những lời thánh thiện trên của Chúa Giê-su, những lời ấy sẽ thiêu đốt như lửa, sẽ biến đổi chúng ta và làm cho chúng ta có khả năng thực hiện những điều tốt đẹp mà không hề mong được đền đáp, cũng như có khả năng làm chứng khắp nơi cho sự chiến thắng của Đức Ái.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô

Trưa Chúa Nhật ngày 24 tháng 02 năm 2019

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2019