Bài Huấn Dụ Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Đọc Kinh Truyền Tin Chung, Trưa CN III MC, 24.03.2019

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Bài Tin Mừng của Chúa Nhật thứ III Mùa Chay hôm nay (xc. Lc 13,1-9) nói về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa và sự hoán cải của chúng ta. Chúa Giê-su đã kể một dụ ngôn về cây vả không sinh trái. Một người đã trồng một cây vả trong vườn nho của mình, và khi mùa Hè tới, với niềm tin to lớn, ông đã đi tới chỗ cây vả đó để tìm trái của nó, nhưng đã không thấy trái nào, vì cây này cằn cỗi. Khi phải đối diện với sự thất vọng được lập đi lập lại tới tận ba năm, ông đã nghĩ tới chuyện đốn hạ cây vả đó đi để trồng cây khác thay vào. Lúc đó người trồng nho đang ở trong vườn, người chủ vườn liền gọi ông ta tới để nói cho ông ta biết về sự bất mãn của mình, và ra lệnh đốn bỏ cây vả ấy để nó khỏi ăn hại đất. Nhưng người trồng nho đã xin ông chủ hãy kiên nhẫn thêm một chút, và đề nghị ông chủ hãy gia hạn thêm cho ông một năm nữa, để trong năm đó, ông sẽ đích thân chăm sóc cho cây vả cách chu đáo hơn, với một cách thức cẩn thận hơn để thúc cho cây vả ra trái.

Đó là một dụ ngôn. Dụ ngôn này có ý nghĩa gì? Những nhân vật trong dụ ngôn này đại diện cho ai? Ông chủ chính là Thiên Chúa Cha, và người trồng nho chính là hình ảnh Chúa Giê-su, trái lại, cây vả chính là biểu tượng cho nhân loại thờ ơ lãnh đạm và vô cảm. Chúa Giê-su đã bênh vực nhân loại trước mặt Thiên Chúa Cha – Ngài luôn luôn làm điều đó – và Ngài xin Thiên Chúa Cha hãy chờ đợi cũng như hãy trao thêm thời gian cho nhân loại, để nơi nhân loại, hoa trái của Đức Ái và sự công chính sẽ có thể đâm chồi nẩy lộc. Cây vả mà người chủ trong dụ ngôn muốn đốn hạ, chính là một kiếp sống vô sinh, nó không có khả năng trao tặng và cũng chả có khả năng làm điều thiện. Nó là biểu tượng cho kẻ chỉ biết sống cho mình, hài lòng, tự mãn và chôn chân trong những tiện nghi của mình, không có khả năng hướng cặp mắt và con tim của mình về phía những người đang sống bên cạnh mình và đang rơi vào hoàn cảnh đau khổ, nghèo túng và cùng quẫn. Thái độ ích kỷ và vô sinh về mặt tinh thần ấy đối lập hẳn lại với Tình Yêu vĩ đại của người trồng nho dành cho cây vả: Ông đã xin người chủ hãy chờ đợi, ông đã kiên nhẫn, đã hiểu để chờ đợi nó, ông dành thời gian và công việc của mình cho nó. Ông hứa với người chủ rằng, sẽ chăm sóc cách đặc biệt cho cây vả bất hạnh này.

Dụ ngôn về người trồng nho đã mạc khải cho thấy Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, Đấng trao tặng thời gian cho chúng ta để hoán cải. Tất cả chúng ta đều phải hoán cải để tiến về phía trước từng bước một, và ở đây, sự kiên nhẫn của Thiên Chúa và Lòng Xót Thương của Ngài sẽ đồng hành với chúng ta. Bất chấp sự vô sinh mà đôi khi nó thể hiện nơi kiếp hiện sinh của chúng ta, Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn và ban cho chúng ta những khả năng để thay đổi và thực hiện những tiến bộ trên con đường sự thiện. Nhưng sự gia hạn của Thiên Chúa được ban tặng trong sự mong chờ rằng, cây vả phải đơm bông kết trái, cũng cho thấy sự khẩn thiết của việc hoán cải. Người trồng nho nói với ông chủ: „Hãy để nó sống thêm một năm nữa“ (Lc 13,8). Khả năng dành cho sự hoán cải không phải là vô hạn; vì thế, cần phải chụp lấy nó ngay lập tức; nếu không thì nó sẽ vĩnh viễn bị mất đi.

Trong Mùa Chay này, chúng ta có thể nghĩ: Tôi phải làm gì để đến gần với Thiên Chúa, để hoán cải, cũng như để „chấm dứt“ những điều mà chúng không ở trong trật tự? „Không, không, tôi đợi Mùa Chay sau vậy!“ Nhưng liệu bạn có còn sống được cho tới Mùa Chay năm sau hay không? Hôm nay chúng ta, mỗi người trong chúng ta hãy nghĩ: Tôi phải làm gì khi tận mắt chứng kiến Lòng Thương Xót ấy của Thiên Chúa, Đấng chờ đợi tôi và luôn luôn tha thứ cho tôi? Tôi phải làm gì? Chúng ta có thể tín thác hoàn toàn vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa nhưng đừng lạm dụng Lòng Thương Xót ấy. Chúng ta không được phép biện minh cho sự trì trệ về tinh thần, nhưng phải tăng cường dấn thân hơn nữa để nhanh chóng tương ứng với Lòng Thương Xót ấy, với con tim chân thành.

Trong Mùa Chay, Thiên Chúa mời gọi chúng ta hoán cải. Mỗi người chúng ta phải cảm thấy bị thôi thúc bởi lời mời gọi ấy, cũng như phải sửa chữa một số điều trong cuộc sống của mình, phải nghĩ tới cách thức hành động của mình, cũng như tới cách thức sống mối tương quan với tha nhân. Đồng thời, chúng ta phải noi theo sự kiên nhẫn của Thiên Chúa, Đấng tin tưởng vào khả năng của tất cả trong việc có thể „đứng dậy“ để tiếp tục cuộc hành trình. Thiên Chúa là Cha, và Ngài không nỡ dập tắt những ngọn lửa leo lét, nhưng đồng hành và chăm lo cho những con người yếu đuối để họ được trở nên mạnh mẽ và có thể thực hiện sự đóng góp Đức Ái của mình cho cộng đồng xã hội. Ước gì Đức Trinh Nữ Maria sẽ giúp chúng ta biết sống những ngày chuẩn bị cho Đại Lễ Phục Sinh này như một thời gian canh tân tinh thần và mở ra đầy tín thác cho ân sủng của Thiên Chúa cũng như cho Lòng Xót Thương của Ngài.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô

Trưa Chúa Nhật thứ III Mùa Chay

Ngày 24 tháng 03 năm 2019

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2019